Cảng cá “chết mòn” vì cát phù sa bồi lấp
Nói đến cảng cá là nói đến sự tập trung của các tàu thuyền tấp nập, nơi diễn ra giao thương buôn bán của các thương lái và là nơi cư ngụ của các tàu thuyền tránh bão. Vậy mà cảng cá Hà Tĩnh đang chết dần vì sự vùi lấp của cát trắng phù sa.
Cảng cá Hà Tĩnh tọa lạc tại vùng Cửa Sót xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), hàng năm thu hút hơn mười ngàn lượt tàu thuyền nội tỉnh và ngoại tỉnh ra vào buôn bán hàng hóa , sử dụng các dịch vụ hậu cần nghề cá và tránh bão. Thế nhưng những năm gần đây tàu thuyền rất khó khăn mỗi khi cập bến vì lượng phù sa đã bồi đắp không còn luồng lạch ra vào.
Bãi cát lấn sâu gây khó khăn cho tàu thuyền mỗi khi vào cảng cá.
Được biết khi xây dựng cảng, nhà thiết kế đã tính độ sâu của lạch nước từ ngoài khơi vào cảng khi thủy triều xuống là 4,1m và thủy triều lên có thể đón nhận tàu có trọng tải khoảng 1.000 tấn. Cho đến nay, sau hơn mười năm hoạt động, cảng cá chỉ đón nhận các loại tàu thuyền có trọng tải dưới 100 tấn và mỗi khi thủy triều xuống luồng lạch vào cảng cá gần như bị phù sa chắn ngang.
Một số ngư dân đang hoạt động tại cảng cho biết, 5 năm lại đây, lượng phù sa bồi đắp khá lớn gây trở ngại và khó khăn cho các tàu thuyền trong tỉnh và ngoại tỉnh mỗi khi cập bến, số tàu thuyền vào bến giảm gần 50% (so với năm 2012). Chất lượng sản phẩm của hải sản cũng kém dần do tàu thuyền phải ở ngoài khơi chờ thủy triều lên mới vào được, hoặc trung chuyển qua hàng các tàu cá nhỏ.
Tàu cá mắc cạn khi thủy triều xuống.
Video đang HOT
Nguyên nhân của khó khăn trở ngại đó phần lớn do ở thượng nguồn sông Cửa Sót bị chặn nguồn nước ngọt dùng cho sản xuất nông nghiệp (xây dựng Para Đò Điệm thời gian qua) nên lượng nước không đủ để đẩy phù sa ra ngoài. Thay vào đó là lượng cát được bồi đắp do sóng biển đẩy vào. Chính vì vậy hai năm trở lại đây, lượng phù sa đã bồi đắp thành một khối lớn ngăn chặn luồng, lạch của cảng cá. Mỗi khi thủy triều xuống thấp tạo thành một bãi cát dài mênh mông.
Từ năm 2011 đến nay, đã có nhiều công văn, báo cáo của Ban quản lý các cảng cá trình lên Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn về tình trạng cạn kiệt luồng, lạch gây khó khăn cho việc ra vào của các thuyền cá cũng như việc trú ẩn của các tàu thuyền mỗi khi mùa mưa bão tới. Thế nhưng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu về vấn đề nạo vét luồng, lạch. Trong lúc đó, lượng cát phù sa ngày một bồi cao, nguy cơ cảng cá dần bị xóa sổ và ngư dân ngày một thêm khó khăn.
Một số tàu phải sửa chữa vì bị va đập của các luồng, lạch.
Hiện tại cảng cá Hà Tĩnh chỉ hoạt động 1-3 giờ trong một ngày (lúc thủy triều lên). Để tàu thuyền có cơ hội vào cảng, Ban quản lý các cảng cá Hà Tĩnh đã kết hợp một vài đơn vị trên địa bàn giúp đỡ nạo vét cát ở các luông, lạch. Nhưng đó là giải pháp trước mắt, về lâu dài dự án nạo vét luồng, lạch cảng cần sớm được thực thi. Nếu không cảng cá Hà Tĩnh nguy cơ sẽ không còn lối vào.
Huy Thái
Theo Dantri
Chuyện người phụ nữ gánh nước biển đi bán
Không kể đêm tối hay giữa trưa hè nóng nực, với đôi quang gánh và hai chiếc thùng sơn, chị cố hết sức mình gánh nước biển đi bán kiếm tiền lo miếng ăn cho con...
Trong một chuyến tác nghiệp vào cuối tháng 6 tại bãi biển Xuân Hải thuộc xã Thạch Bằng huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), chúng tôi đã tình cờ bắt gặp hình ảnh người phụ nữ thân hình gầy gò còng lưng gánh từng thùng nước biển nặng bước từng bước chân nặng nề trên cát bỏng rát. Chị là Nguyễn Thị Hạnh (SN 1979) trú tại thôn Xuân Hải, xã Thạch Bằng, mưu sinh qua ngày bằng nghề gánh nước biển bán cho những nhà hàng hải sản ven biển.
Với chiếc đòn gánh và đôi thùng nước tự chế là những chiếc vỏ thùng sơn, dưới cái nắng cháy da, cháy thịt của miền Trung, đôi chân trần đầy những vết nứt nẻ do ngâm nước biển và dẫm trên cát bỏng, chị miệt mài đi về phía con sóng, vục đầy hai thùng nước biển rồi thoăn thoắt gánh nước lên bờ.
Công việc hàng ngày của chị Hạnh là gánh nước từ biển vào bờ bán cho các quán hải sản.
Công việc của chị không có thời gian cố định, hễ cứ có người gọi là chị vội vàng túm lấy đôi quang gánh chạy ra biển. Có những lúc chị đi gánh vào nửa đêm, có hôm gánh giữa trưa hè nóng nực. Mỗi gánh nước biển chị chỉ được trả công 7 nghìn đồng. Một ngày lao động cực nhọc chị kiếm được nhiều nhất khoảng 60 - 70 nghìn đồng. Vào những ngày mưa bão, quán hàng vắng khách, cuộc sống của gia đình chị càng thêm khó khăn hơn.
Mỗi gánh nước chị Hạnh được chủ nhà hàng trả cho 6-7 nghìn đồng
Chị Hạnh chia sẻ như muốn lý giải cho cái nghề gánh nước biển thuê của mình: "Tui sinh ra gia đình đều đi biển, lớn lên tui cũng gắn liền với biển cả, cái tuổi biết đến trường là tui ra biển nạo ngao bắt sò. Lớn lên gắn với biển bằng nghề đi chằng lưới thuê cho hàng xóm. Khi lập gia đình, chồng tui đi biển, tui ở nhà gánh nước biển thuê cho các nhà hàng ven biển. Gần đây người chồng tui mắc căn bệnh tim, mọi tài sản trong nhà như xe máy, con bê cũng phải bán sạch để lấy tiền mổ cho chồng. Giờ cả gia đình với 5 miệng ăn, chồng thì mang bệnh chưa lành, tui không có việc làm ổn định, các cháu thì phải đi học, cuộc sống gia đình càng thêm phần khốn khó".
"Hôm nay trời nắng to, tui gánh được 80 nghìn tiền công và thằng Vũ (Vũ là đứa con trai đầu của chị Hạnh, mới 13 tuổi nhưng vẫn đi biển nạo ngao kiếm thêm thu nhập cho gia đình- PV) đi nạo ngao cũng được vài cân, có lẽ hôm nay tui mua được cân gạo và bó rau và còn dành được ít tiền để chuẩn bị đóng tiền học cho các cháu chú à", chị Hạnh vui với niềm vui nho nhỏ.
Dù vất vả nhưng có việc để làm kiếm tiền nuôi gia đình là trên khuôn mặt chi luôn toát lên vẻ rạng ngời
Trời đã xế chiều, du khách đổ về bãi biển ngày càng đông, công việc của chị lại càng nặng nề hơn. Chưa dứt câu chuyện với chúng tôi, có người phụ nữ gọi to: "Cho gánh nước vào bể chị ơi". Không kịp chào chúng tôi, chị liền túm lấy đôi quang gánh và đôi thùng chạy về phía biển. Chúng tôi thầm nghĩ, chắc ngày hôm nay bữa cơm nhà chị sẽ được vui hơn mọi hôm!
Anh Tấn - Tiến Hiệp
Theo dantri
Nông dân sung sướng đón "mưa vàng" sau nhiều tháng hạn nặng Do ảnh hưởng của cơn bão số 1, từ tối qua (21/6), trên địa bàn các tỉnh miền Trung như Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị... đã xuất hiện nhiều đợt mưa. Dù lượng mưa không lớn nhưng đủ khiến những người nông dân mãn nguyện, kịp thời giải cứu hàng ngàn ha lúa, màu đang trong cơn hạn nặng. Theo báo cáo...