Canada viện trợ 6,5 triệu USD cho người tị nạn Syria
Theo mạng tin cbc.ca ngày 12/8, Ngoại trưởng Canada John Baird cho biết nước này cam kết chi 6,5 triệu USD hỗ trợ cho những nỗ lực của Jordan trong việc cứu giúp người tị nạn Syria đang tràn ngập tại nước này.
Ngoại trưởng Canada John Baird. (Nguồn: Internet)
Cuộc xung đột ở Aleppo, thủ đô thương mại của Syria và các vụ giao tranh gần đây đã khiến hàng chục nghìn người Syria chạy nạn sang các nước láng giềng.
Jordan hiện đang có khoảng 150.000 Syria tị nạn, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, và nước này đã rất nỗ lực trong việc chuẩn bị nơi ở và cung cấp lương thực, nước uống cho người tị nạn.
Ngoại trưởng Baird đã cùng người đồng cấp Nasser Judeh của Jordan đến thăm trại tị nạn Zaatari, vừa được khánh thành để phục vụ 5.074 người tị nạn Syria.
Ông Baird đã ca ngợi Jordan là một “ví dụ điển hình trên thế giới” trong tuyến đầu của cuộc khủng hoảng tại Syria, cho rằng hành động của nước này cần được ủng hộ và hỗ trợ.
Ông nói thêm Canada đã cực lực lên án việc Syria tấn công quân sự nhằm vào người dân của mình, và đã áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất đối với chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad.
Cũng trong chuyến thăm trại Zaatari, ông Baird đã công bố một khoản hỗ trợ trị giá 1,5 triệu USD cho Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) tại Jordan và 2 triệu USD để mua sắm trang thiết bị y tế cho các bác sỹ ở Syria./.
Theo TTXVN
50 triệu người Bắc Phi có nguy cơ thiếu lương thực
Trong báo cáo công bố ngày 24/7, Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo sau những trận mưa sớm, hàng đàn châu chấu ở khu vực phía Bắc Mali và Nigeria có thể sản sinh ra thế hệ côn trùng thứ hai lớn gấp 250 lần vào cuối mùa Hè năm nay, đe dọa cuộc sống của gần 50 triệu người trong khu vực.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Báo cáo cho biết tháng Sáu vừa qua, hàng đàn châu chấu từ Algeria và Libya bắt đầu "di cư" đến Mali và Nigeria, và những trận mưa sớm hơn thường lệ gần hai tháng hồi tháng 5-6/2012 đã tạo thuận lợi cho trứng châu chấu nở thành côn trùng.Theo các chuyên gia, số lượng châu chấu mới sẽ tăng mạnh và bay đi khỏi hai quốc gia Tây Phi đến các nước láng giềng trong tháng 10/2012 - thời điểm trùng với vụ thu hoạch.
Vì vậy, khoảng 50 triệu người trong khu vực - trong đó có 3,5 triệu người ở Mali và hơn 3 triệu người ở Nigeria đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng, có thể bị ảnh hưởng.
Ngoài Mali và Nigeria, Cộng hòa Chad cũng đang đối mặt với nạn châu chấu sa mạc nghiêm trọng nhất trong khu vực kể từ lần báo động khẩn cấp cuối cùng năm 2003-2005 tiêu tốn của nước này nửa tỷ USD để kiểm soát nạn châu chấu.
Hiện nay, các nước láng giềng của Mali và Nigeria đang thành lập các nhóm đối phó với nạn châu chấu, song an ninh bất ổn tại biên giới Algeria-Libya và khu vực miền Bắc Nigeria-Mali vẫn là một trong những trở ngại lớn đối với các chính phủ trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn nạn dịch này.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nông nghiệp Mali Leo Sidibé cho biết Chính phủ nước này đang xem xét và áp dụng các biện pháp phòng ngừa châu chấu trên toàn quốc, kể cả các khu vực dưới sự kiểm soát của các nhóm phiến quân vũ trang.
Châu chấu là loại côn trùng phàm ăn và có thể phá hủy nhiều hécta rau xanh trong vài ngày. Chúng thường bay theo hướng gió với vận tốc từ 16-19 km/giờ và có khả năng vượt quãng đường dài 150 km/ngày./.
Theo TTXVN
LHQ phát động "Thách thức không còn đói nghèo" Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 22/6, tại Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về phát triển bền vững (Rio 20) diễn ra ở thành phố Rio de Janeiro của Brazil, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã phát động sáng kiến toàn cầu "Thách thức không còn đói nghèo." Em bé Lebanon tại khu bãi rác...