Canada tìm cách tối ưu hóa gần 19 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 dư thừa
Theo dữ liệu của Cơ quan Y tế công cộng Canada vừa được công bố, nước này đang tìm cách tối ưu hóa gần 19 triệu liều vaccine phòng COVID-19 chuẩn bị hết hạn vào cuối năm nay.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 của Pfizer-BioNTech cho người dân tại Toronto, Canada. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong một email gửi các cơ quan báo chí được phóng viên TTXVN tại Ottawa trích dẫn, người phát ngôn của cơ quan này cho biết: “ Kho dự trữ liên bang hiện có khoảng 18,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19, trong đó có 16,8 triệu liều có hạn sử dụng đến hết năm 2023. Ngoài ra, còn hơn 8 triệu liều khác nằm trong các kho dự trữ ở các tỉnh bang và vùng lãnh thổ, trong đó có khoảng hơn 2 triệu liều sẽ hết hạn sử dụng vào cuối năm”.
Chính phủ liên bang và chính quyền các tỉnh bang cũng như vùng lãnh thổ đang rất nỗ lực tối ưu hóa việc quản lý nguồn cung ứng vaccine phòng COVID-19 để giảm bớt tình trạng lãng phí. Một trong những đề xuất đang được xem xét là lấy ra một số lượng nhất định từ kho dự trữ để sử dụng cho các chiến dịch tiêm phòng COVID-19 nếu Ủy ban cố vấn quốc gia về tiêm chủng đề xuất mũi nhắc lại “dựa trên những bằng chứng khoa học đang phát triển”.
Cơ quan Y tế công cộng còn đề xuất hiến tặng những liều vaccine chống COVID-19 dư thừa này cho các quốc gia đang phát triển hoặc kéo dài thời hạn sử dụng của một số loại nếu chúng vẫn còn hiệu lực thực tế.
Các khuyến nghị mũi tiêm chủng mùa Xuân của Ủy ban cố vấn quốc gia về tiêm chủng được nhằm vào những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, bao gồm các mũi nhắc lại cho những người tử 65 tuổi trở lên hoặc những người có nguy cơ cao mắc bệnh hiểm nghèo nếu đã qua ít nhất 6 tháng kể từ lần tiêm gần nhất, hoặc những người bị nhiễm COVID-19.
Hàn Quốc hạ cấp dịch COVID-19 theo 3 giai đoạn
Ngày 29/3, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo cho biết nước này đã hoàn tất việc xây dựng phương hướng sửa đổi các quy định phòng COVID-19 sau khi tình hình lây lan dịch bệnh được kiểm soát ổn định.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban Phòng chống tai nạn và Quản lý an toàn trung ương, Hàn Quốc sẽ bước vào Giai đoạn 1 - giai đoạn hạ mức độ nguy hiểm của đại dịch COVID-19 từ "nghiêm trọng" xuống mức "cảnh báo" - vào đầu tháng 5 tới sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đối với đại dịch COVID-19. Thời gian bắt buộc cách ly đối với người mắc COVID-19 ở Hàn Quốc cũng sẽ được rút ngắn từ 7 ngày xuống còn 5 ngày. Ngoài ra, quy định khuyến cáo xét nghiệm khuếch đại gene (PCR) sau khi nhập cảnh cũng sẽ được dỡ bỏ. Tuy nhiên, các biện pháp phòng dịch tối thiểu (như đeo khẩu trang tại cơ quan y tế và cơ sở có nguy cơ lây nhiễm cao...) vẫn được duy trì.
Chính phủ Hàn Quốc cũng lên kế hoạch chuyển sang Giai đoạn 2, chuyển đổi toàn bộ quy định "bắt buộc" đeo khẩu trang và cách ly sang "khuyến cáo" nếu tình hình dịch COVID-19 ở nước này tiếp tục ổn định. Trong giai đoạn này, cấp độ bệnh truyền nhiễm đối với đại dịch COVID-19 từ cấp cao nhất là 1 sẽ được hạ xuống cấp 4 và người dân sẽ phải trả chi phí xét nghiệm PCR tại các cơ quan y tế thông thường. Tuy nhiên, Chính phủ Hàn Quốc vẫn sẽ hỗ trợ một phần chi phí xét nghiệm PCR cho những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao.
Đến Giai đoạn 3, toàn bộ hệ thống y tế ở Hàn Quốc sẽ trở lại hoạt động bình thường như trước đây và tất cả các biện pháp phòng dịch sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn.
Giám đốc Cơ quan quản lý dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) dự đoán đến khoảng tháng 7 tới, quy định bắt buộc cách ly đối với người mắc COVID-19 sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, KDCA cũng lưu ý rằng cơ quan này vẫn có thể siết chặt biện pháp phòng dịch trở lại nếu tình hình chuyển xấu như đợt tái bùng phát quy mô lớn vào mùa Hè năm 2022.
Tính đến 0h ngày 29/3, Hàn Quốc ghi nhận thêm 13.134 ca mắc mới COVID-19, tăng nhẹ (58 ca) so với cùng thời điểm của một tuần trước (xét riêng trong ngày thứ Tư), trong đó có 15 ca nhập cảnh từ nước ngoài. Số ca mắc COVID-19 nặng đang nhập viện điều trị là 150 ca. Số ca tử vong là 14 ca, nâng tổng số ca tử vong từ đầu dịch lên 34.245 người. Tỷ lệ tử vong là 0,11%.
Đức: Phát hành thẻ giao thông 49 euro/tháng đi lại trên cả nước Bắt đầu từ tháng 5 tới, du khách đến Đức có thể sử dụng phương tiện giao thông công cộng địa phương và tàu hỏa ở bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ nước này khi mua thẻ Deutschlandticket với giá 49 euro (53 USD)/tháng. Đức phát hành thẻ giao thông 49 euro/tháng đi lại trên cả nước. Ảnh minh họa: deutschland.de Bộ...