Canada tìm cách tiếp cận ‘bền vững’ hơn để đối phó với COVID-19
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, người đứng đầu Cơ quan Y tế Công cộng Canada (PHAC), Tiến sĩ Theresa Tam ngày 4/2 nhấn mạnh Canada cần phải tìm cách tiếp cận “bền vững” hơn để đối phó với đại dịch COVID-19 và các biến thể trong tương lai của virus SARS-CoV-2.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại điểm tiêm di động ở Toronto, Canada ngày 22/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Theo bà Theresa Tam, tất cả các chính sách y tế công cộng hiện hành, bao gồm cả hộ chiếu vaccine của các tỉnh bang, cần được “xem xét lại” trong những tuần tới vì rõ ràng Canada và các nước trên thế giới sẽ phải vật lộn với loại virus này trong nhiều tháng hoặc nhiều năm tới.
Cơ quan Y tế Công cộng Canada đang trao đổi ý kiến với các đối tác ở các tỉnh bang và vùng lãnh thổ để tìm ra cách tiếp cận mới. Theo bà, các nỗ lực của Canada nên tập trung vào việc ngăn ngừa các ca nhiễm COVID-19 thể nặng thông qua tiêm chủng, thay vì ngăn chặn tất cả các ca nhiễm mới của loại virus có khả năng lây truyền cao này.
Video đang HOT
Theo Tiến sĩ Tam, hai mũi đầu tiên của vaccine mặc dù không bảo vệ hoàn toàn chống lại nguy cơ nhiễm biến thể Omicron, nhưng vẫn cung cấp “khả năng bảo vệ tốt” chống lại nguy cơ phải nhập viện và tử vong. Bà Tam cho biết thêm, mũi tiêm thứ ba cung cấp “khả năng bảo vệ vượt trội”, giúp giảm đáng kể nguy cơ bị các biến chứng nghiêm trọng. Mũi tiêm thứ ba cũng có thể giúp ngăn ngừa nhiễm virus.
Tiến sĩ Tam cho biết ưu tiên của Canada là triển khai càng nhiều mũi tiêm tăng cường càng tốt. Nhưng chiến dịch tiêm chủng đã bị đình trệ, khi chỉ 50% số người đủ điều kiện tiêm nhắc lại đã tiêm mũi thứ ba.
Trong bối cảnh vaccine được cung cấp rộng rãi và các liệu pháp điều trị đầy hứa hẹn như thuốc Paxlovid của Pfizer bắt đầu được sự dụng, cùng với mức độ miễn dịch tự nhiên cao hơn sau làn sóng Omicron, bà Tam “lạc quan” rằng Canada có thể tìm được sự cân bằng tốt hơn giữa việc chống lại COVID-19 và để người dân trở lại cuộc sống bình thường hơn.
Hiện hệ thống chăm sóc y tế của Canada vẫn đang trong tình trạng căng thẳng. Vẫn có hơn 10.000 người đang được điều trị tại các bệnh viện, với 1.100 ca tại các đơn vị điều trị tích cực (ICU). Canada đang phải chứng kiến khoảng 140 người tử vong mỗi ngày vì COVID-19.
Vaccine giúp giảm nguy cơ xuất hiện hội chứng 'COVID kéo dài'
Theo các chuyên gia và nhiều nghiên cứu sơ bộ, dù vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh nhưng những người đã tiêm phòng COVID-19 sẽ ít có nguy cơ bị bệnh nặng và xuất hiện các hội chứng "COVID kéo dài" hơn.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Toronto, Canada, ngày 12/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Một nghiên cứu mới được các nhà khoa học Israel công bố đầu tuần này cho thấy bên cạnh tác dụng giảm nguy cơ bệnh nặng, việc tiêm phòng còn có thể mang lại hiệu quả bảo vệ trước nguy cơ xuất hiện các triệu chứng "COVID kéo dài" (Long COVID).
Các tác giả nghiên cứu nêu rõ việc tiêm ít nhất 2 mũi vaccine phòng bệnh có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ xuất hiện những triệu chứng thường gặp sau thời gian mắc COVID-19 nặng. Nghiên cứu thực hiện với 3.000 người tham gia, bằng cách điền vào một phiếu khảo sát trực tuyến. Theo đó, so với những người chưa tiêm phòng mà mắc bệnh, nhóm 637 người đã tiêm phòng và mắc bệnh ít xảy ra những triệu chứng như choáng váng, đau đầu, yếu và đau cơ dai dẳng.
Các chuyên gia vẫn đang nghiên cứu về tác động của hội chứng "COVID kéo dài"- các triệu chứng vẫn xuất hiện ít nhất 1 tháng sau khi người bệnh được xác nhận nhiễm COVID-19- và tìm cách khắc phục hội chứng này. Dù những kết quả nghiên cứu trên rất đáng khích lệ nhưng hiện các chuyên gia vẫn chưa thể đưa ra kết luận chắc chắn.
Tiến sĩ Janna Williams, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm thuộc hệ thống dịch vụ y tế Northwestern Medicine, Chicago (Mỹ), cho rằng có lý do để tin rằng những người tiêm phòng đầy đủ ít có nguy cơ xuất hiện các triệu chứng "COVID kéo dài". Điều này là bởi vì nếu được tiêm phòng đầy đủ, nguy cơ mắc COVID-19 giảm đi và vì vaccine có hiệu quả cao trong phòng bệnh nặng nên nguy cơ xuất hiện các triệu chứng suy nhược liên quan "COVID kéo dài" cũng thấp hơn.
Chuyên gia khả biến thần kinh Ashok Gupta đã nghiên cứu về hội chứng "COVID kéo dài" và cho rằng nghiên cứu mới nhất từ Israel, dù chưa được đánh giá chéo, nhưng có kết luận khá tương đồng với các nghiên cứu khác và là tín hiệu đáng khích lệ. Theo giải thích của chuyên gia Gupta, nhờ tiêm phòng, cơ thể có hệ thống cảnh báo sớm tình trạng nhiễm virus và có thể nhận diện virus, ngăn chặn hiệu quả hơn. Bệnh không nặng thì ít nguy cơ xuất hiện các triệu chứng "COVID-19 kéo dài".
Tiến sĩ Allison McGeer từ Hệ thống y tế Sinai ở Toronto (Canada) cũng cho rằng có những bằng chứng chỉ ra triệu chứng "COVID kéo dài" ít xuất hiện ở những người đã tiêm phòng nếu bị nhiễm bệnh do các biến thể trước đây như Delta. Một nghiên cứu đã qua đánh giá chéo của Anh, được công bố trên tạp chí y khoa Lancet hồi tháng 9/2021, cũng chỉ ra việc tiêm 2 mũi vaccine phòng bệnh có thể giúp giảm nguy cơ xuất hiện các triệu chứng kéo dài ít nhất 28 ngày sau khi được các nhận nhiễm bệnh.
Hiện vẫn chưa có cách định nghĩa tiêu chuẩn về "COVID kéo dài" và giới khoa học cho rằng vẫn cần thêm thời gian nghiên cứu đánh giá để có thể đưa ra một cách chẩn đoán hội chứng này. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), "tình trạng hậu COVID-19" xảy ra ở những cá nhân có tiền sử nghi nhiễm hoặc đã xác nhận nhiễm virus SARS-CoV-2, thường kéo dài khoảng 3 tháng kể từ khi nhiễm bệnh, với các triệu chứng có thể kéo dài ít nhất 2 tháng và vẫn chưa thể lý giải bằng một các chẩn đoán khác.
Các triệu chứng thường thấy gồm choáng váng, khó thở, tức ngực, đau đầu, não sương mù (hay quên, tập trung kém, dễ nhầm lẫn), mất trí nhớ, đau cơ và đau nhiều vùng cùng lúc. Có người vẫn có kết quả xét nghiệm dương tính với virus nếu gặp hội chứng này. Đến nay, các chuyên gia đều nhất trí rằng mọi người nên đi tiêm phòng vì đây là cách tốt nhất để bảo vệ cơ thể trước nguy cơ mắc "COVID kéo dài".
Canada thành lập Trung tâm Nghiên cứu về sẵn sàng ứng phó với đại dịch Chính phủ Canada đánh giá cộng đồng nghiên cứu y tế Canada đã phản ứng nhanh với đại dịch COVID-19 kể từ khi những ca nhiễm đầu tiên được phát hiện cuối năm 2019. Chính phủ Canada đã hỗ trợ các nghiên cứu đối phó đại dịch với khoản đầu tư gần 280 triệu CAD thông qua Viện Nghiên cứu y tế Canada...