Canada tiếp tục gia hạn lệnh cấm người nước ngoài sở hữu nhà
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, ngày 4/2, Chính phủ Canada cho biết nước này sẽ gia hạn lệnh cấm người nước ngoài mua nhà ở Canada thêm 2 năm nữa đến tháng 1/2027, sau khi quy định hiện tại hết hạn vào đầu năm tới.
Các tòa nhà chung cư bên cảng Coal ở Vancouver. Ảnh: Bloomberg
Sự gia tăng của đầu tư nước ngoài vào bất động sản ở Canada được coi là lý do khiến chi phí nhà ở tăng cao, đặc biệt là ở các đô thị như Vancouver hay Toronto, nơi các gia đình có thu nhập trung bình luôn phải trả giá đắt cho việc sở hữu nhà.
Chính phủ Canada đã áp dụng luật cấm sở hữu nhà đối với người nước ngoài vào năm 2022. Lệnh này có nghĩa bất cứ doanh nghiệp nước ngoài hay cá nhân nào không phải là công dân Canada hoặc thường trú nhân sẽ không được mua nhà ở nước này. Lệnh cấm được áp dụng với cả các khu đất trống được quy hoạch để làm nhà ở.
Theo Bộ trưởng Tài chính Chrystia Freeland, việc gia hạn lệnh cấm người nước ngoài mua nhà sẽ đảm bảo rằng nhà ở chỉ được phục vụ cho các gia đình Canada chứ không thể trở thành một loại tài sản tài để đầu cơ.
Video đang HOT
Số liệu năm 2023 của Cơ quan thống kê Canada cho thấy những người không cư trú sở hữu 7% tổng số căn hộ ở tỉnh bang British Columbia và 5,6% ở Ontario.
Hiện chưa rõ lệnh cấm có tạo ra sự khác biệt nào đối với khả năng chi trả nhà ở hay không, nhưng một số chuyên gia cho rằng việc người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Canada là quá nhỏ để có thể tạo nên tác động đối với thị trường.
Vấn đề chi phí nhà ở gia tăng được nhiều người cho là do vấn đề xây dựng bị đình trệ. Một số công ty phát triển nhà ở cho rằng lệnh cấm đã tạo ra rào cản trong việc xây dựng nhà mới để cho thuê vì nó yêu cầu nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này không được vượt quá 3% giá trị dự án.
Canada siết chặt thị thực du học
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, ngày 22/1, Chính phủ Canada đã công bố các biện pháp mới nhằm hạn chế và ngăn chặn việc lạm dụng chương trình sinh viên quốc tế thông qua thị thực du học đang được áp dụng tại quốc gia này.
Người dân di chuyển trên đường phố tại Toronto, Ontario, Canada, ngày 16/6/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Trong số các biện pháp mới, đáng chú ý là việc Canada sẽ hạn chế quyền tiếp cận giấy phép lao động đối với sinh viên nước ngoài và vợ/chồng của họ nhằm giảm tối đa việc lạm dụng chương trình giáo dục quốc tế của Canada. Tại Canada, khi một người nước ngoài đã có gia đình đăng ký học tập tại đây, thì vợ/chồng của họ và ngay cả chính người đi học đều được cấp giấy phép lao động để có thể giúp họ giảm bớt chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập.
Các biện pháp mới này sẽ được thực hiện cùng quyết định giới hạn visa du học trong hai năm tới, với mục tiêu giảm khoảng 35% lượng sinh viên quốc tế trong năm 2024 xuống còn 364.000 người. Dự kiến, các biện pháp mới nói trên sẽ được thực hiện từ ngày 1/9 tới, trong đó cũng sẽ ngừng cả việc cấp giấy phép lao động sau tốt nghiệp cho các sinh viên quốc tế như hiện nay.
Tuy nhiên, các biện pháp quyết liệt mới của Chính phủ Canada sẽ không áp dụng đối với những trường hợp đang ở nước này và muốn gia hạn giấy phép du học. Việc giới hạn thị thực du học sẽ chỉ áp dụng đối với sinh viên cao đẳng và đại học, không áp dụng với các trường hợp học thạc sĩ và tiến sĩ hoặc bậc học phổ thông.
Trước đó, Canada từng tăng gấp đôi tiền bảo lãnh đối với mỗi sinh viên quốc tế du học tại Canada từ 10.000 CAD (hơn 7.400 USD) lên hơn 20.000 CAD, với mong muốn các sinh viên nước ngoài sẽ được đảm bảo phần nào cuộc sống sinh hoạt đang ngày càng trở nên đắt đỏ tại quốc gia này.
Theo Bộ trưởng Bộ Nhập cư, Tị nạn và Quốc tịch Canada Marc Miller, việc áp dụng các biện pháp hạn chế thị thực du học là nhằm loại bỏ các cơ sở giáo dục không đủ tiêu chuẩn đang lợi dụng chương trình sinh viên quốc tế để tăng lượng sinh viên tiếp nhận và thu học phí cao trong khi nguồn lực về hạ tầng lại hạn chế. Ước tính, Ontario và British Columbia sẽ bị tác động nhiều nhất bởi những quy định mới vì phần lớn sinh viên quốc tế đều đang tập trung tại các cơ sở giáo dục ở hai tỉnh bang này, với tỷ lệ lần lượt là 50% và 20%.
Chương trình sinh viên quốc tế đang phát triển nhanh chóng và trở thành tâm điểm chú ý trong bối cảnh xuất hiện chiến dịch tuyển dụng rầm rộ của các chương trình du học sau trung học phổ thông. Ngày càng nhiều người nhập cư coi việc học tập tại Canada là con đường để kiếm việc làm và quy chế thường trú nhân. Điều này đã tạo ra cuộc khủng hoảng về nhà ở và chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ do Canada chưa chuẩn bị kịp nguồn lực về hạ tầng cũng như tài chính để tiếp nhận số lượng người nhập cư tăng đột biến trong thời gian gần đây.
Năm 2023, dân số Canada đã tăng 1,25 triệu người, tương đương 3,2%, một tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ cuối những năm 1950, trong đó phần lớn là từ những người tạm trú như sinh viên và nhân công lao động thời vụ.
Riêng lượng sinh viên quốc tế vào năm 2023 đã tăng lên gần 1 triệu người so với con số chỉ vào khoảng gần 300.000 của năm 2013.
Canada được coi là quốc gia phụ thuộc vào người nhập cư để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dân số già hóa. Tuy nhiên, việc nhập cư tăng quá nhanh đã dẫn tới cuộc khủng hoảng nhà ở và chi phí sinh hoạt, trong đó phần lớn là do lao động nhập cư tạm thời và sinh viên quốc tế. Hiện Canada vẫn là một điểm đến phổ biến của sinh viên quốc tế do việc xin giấy phép lao động dễ dàng.
Cơ quan chính phủ Canada bị xâm nhập mạng Ngày 30/1, Chính phủ Canada cho biết đã xảy ra một vụ xâm phạm dữ liệu tại Bộ các vấn đề toàn cầu của nước này và các đơn vị công nghệ thông tin đang nỗ lực khôi phục kết nối dữ liệu. Ảnh: globalgovernmentforum.com Theo thông báo của cơ quan trên, đã xảy ra hoạt động tiếp cận thông tin cá nhân...