Canada siết chặt chính sách nhập cư
Từng một thời tự nhận mình là một trong những quốc gia chào đón người tị nạn và người nhập cư nhất thế giới, Canada đang phát động một chiến dịch tuyên truyền thông tin trực tuyến toàn cầu, cảnh báo những người xin tị nạn rằng việc nộp đơn xin tị nạn vào Canada rất khó khăn.
Người di cư tới cửa khẩu Roxham ở Quebec, Canada. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ Di trú cho biết chiến dịch truyền thông nói trên, trị giá 250.000 CAD (178.662 USD), sẽ được thực hiện cho tới tháng 3/2025, bằng 11 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Tây Ban Nha, tiếng Urdu, tiếng Ukraina, tiếng Hindi và tiếng Tamil.
Đây là một phần trong sự thay đổi lớn hơn về chính sách của chính phủ Thủ tướng Justin Trudeau về vấn đề nhập cư và nỗ lực siết chặt các đơn xin tị nạn.
Chiến dịch dài 4 tháng này được dự tính sẽ tốn 1/3 tổng chi phí cho các quảng bá tương tự trong 7 năm trước. Bộ trên cho biết lệnh các tìm kiếm như “cách xin tị nạn tại Canada” và “Canada tị nạn” sẽ hiển thị nội dung được tài trợ có tiêu đề “ Hệ thống tị nạn của Canada – Sự thật về tị nạn”. Một trong những trang quảng bá viết: “Yêu cầu tị nạn ở Canada không dễ dàng. Có những hướng dẫn nghiêm ngặt để đủ điều kiện. Tìm hiểu những gì bạn cần biết trước khi đưa ra quyết định thay đổi cuộc đời”.
Giải thích về chính sách mới, người phát ngôn của bộ trên nêu rõ: “Bộ Di trú, người tị nạn và quyền công dân Canada đang nỗ lực chống lại sự lan truyền thông tin sai lệch về hệ thống di trú của Canada, đồng thời nêu bật những rủi ro khi làm việc với các đại diện không được ủy quyền”.
Italy đứng đầu EU về tiếp nhận đơn xin tị nạn
Theo số liệu vừa được truyền thông Italy công bố, từ tháng 6/2026 đến tháng 6/2027, nước này có thể phải xem xét tối đa 16.032 đơn xin tị nạn.
Như vậy Italy là nước tiếp nhận đơn xin tị nạn cao nhất (chiếm 26,7% tổng số đơn) trong Liên minh châu Âu (EU), theo Hiệp ước châu Âu về tị nạn và di cư vừa được thông qua hồi tháng 4.
Cảnh sát hướng dẫn người di cư bên ngoài trung tâm tiếp nhận người di cư trên đảo Lampedusa, Italy ngày 16/9/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Truyền thông Italy cho biết số đơn xin tị nạn trong giai đoạn năm 2027-2028 mà nước này phải tiếp nhận sẽ tăng lên 24.048 đơn. Sau Italy là Hungary, với số đơn dự kiến trong giai đoạn từ tháng 6/2026 đến tháng 6/2027 là 15.432 đơn và 23.148 đơn trong 1 năm sau đó. Tiếp theo là Tây Ban Nha với số đơn lần lượt là 6.602 và 9.903, Hy Lạp (4.376 và 6.564) và Ba Lan (3.128 và 4.692).
Theo Hiệp ước châu Âu về tị nạn và di cư, các nước thành viên sẽ phải đảm bảo đủ năng lực tiếp nhận và nguồn nhân lực, đủ hạn ngạch được phân bổ và kích hoạt cơ chế đoàn kết giữa các nước thành viên.
Hạn ngạch tiếp nhận tối đa đơn xin tị nạn đối với mỗi quốc gia thành viên EU được tính dựa trên số lượt người vượt biên bất hợp pháp vào lãnh thổ EU, trong đó có cả những người được giải cứu trong các chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ, cũng như những người bị các chính phủ thông báo từ chối trong 3 năm, từ ngày 1/1/2021 đến 31/12/2023.
Hungary một lần nữa chỉ trích EU về Hiệp ước châu Âu về tị nạn và di cư. Bộ trưởng các vấn đề châu Âu của Hungary Janos Boka phản đối quy định buộc Hungary và Italy phải tiếp nhận hơn 50% tổng số đơn xin tị nạn tại EU từ tháng 6/2026, cao hơn nhiều so với các quốc gia thành viên khác. Ông cho rằng điều này là do Hungary đã ngăn chặn một lượng lớn người nhập cư bất hợp pháp trong những năm trước.
Canada tái áp dụng quy định thị thực đối với công dân Mexico Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, ngày 29/2, Canada tuyên bố tái áp dụng ngay lập tức quy định các công dân Mexico đến nước này phải xin thị thực, trong bối cảnh số đơn xin tị nạn từ Mexico gia tăng trong thời gian gần đây. Người di cư tới cửa khẩu Roxham ở Quebec, Canada ngày 2/3/2023. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN...