Canada muốn mua F-35 để “phòng ngừa” Trung Quốc
Tại Canada, ý tưởng rằng một ngày nào đó nước này có thể sẽ cần đến máy bay chiến đấu F-35 để chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc vẫn được ngấm ngầm tranh cãi. Tuy nhiên, theo tờ Postmedia News thì quyết định có mua F-35 hay không nên dựa vào những lí do xa hơn vấn đề tiền bạc.
Thủ tướng Canada Stephen Harper cùng Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tại Bắc Kinh ngày 8/2/2012.
Trong một số cuộc tranh luận, ý tưởng về khả năng Trung Quốc và Canada đối đầu nhau vào năm 2030 hay 2040 vẫn thường bị chế nhạo. Xét đến cùng, với nhiều lợi ích kinh tế đem lại, có nhiều lí do để hai nước làm bạn của nhau. Đó là lí do tại sao Thủ tướng Canada Stephen Harper đã đến thăm Bắc Kinh hồi tháng Hai vừa qua.
Video đang HOT
Nhưng cũng thật dại dột nếu không dự tính trước rằng Trung Quốc bên cạnh vai trò là một đối tác thương mại quan trọng thì nước này cũng là một kẻ thù tiềm năng. Hiện chiến tranh mạng đang là mối lo ngại hàng đầu của Canada.
Theo một nguồn tin thì nguyên nhân là do hàng ngày các tin tặc từ Trung Quốc đang tìm cách đột nhập vào các máy tính của quân đội, chính phủ và các doanh nghiệp Canada mặc dù vì ảnh hưởng về kinh tế của Trung Quốc quá lớn nên không ai trong chính phủ Canada sẵn sàng tuyên bố công khai rằng Trung Quốc thường xuyên kiểm tra hệ thống quốc phòng trên mạng của nước này.
Trong một động thái không thiện chí lắm, Trung Quốc đã gửi tàu phá băng Tuyết Long đển khu vực lãnh hải của Canada ở Bắc Băng Dương.
Mục đích chuyến đi này của tàu Tuyết Long cũng như các tàu anh em là để “nghiên cứu”. Nhưng những con tàu này cũng được dùng để thiết lập vị trí của Trung Quốc tại Bắc Cực, nơi Trung Quốc coi là một “chiếc hồ quốc tế” với những tài nguyên chưa được khai thác và thuộc về tất cả mọi người. Trong khi đó, các kế hoạch chế tạo tàu phá băng mới của Canada lại đang rối tung và thiếu chắc chắn hơn bao giờ hết.
Canada có thể là một quốc gia Thái Bình Dương đồng thời là một quốc gia Bắc Cực nhưng công luận nước này hiện vẫn chưa nhận thức được sự quan tâm của Trung Quốc đối với các bí mật của nước này hay khu vực cực bắc. Dư luận Canada cũng không biết gì nhiều về chi tiêu quân sự tăng chóng mặt của Trung Quốc hay nước này đã tự thiết kế thế hệ máy bay tiêm kích tàng hình Chengdu J-20 và họ có thể làm được điều này rõ ràng là nhờ ăn trộm thiết kế trên mạng nên nó trông khá giống chiếc F-35 của Mỹ.
Tháng trước, tờ Economist ước tính rằng từ một nền kinh tế phát triển thấp, Trung Quốc đã đạt đức mức tăng trưởng 2 con số trong vài thập kỷ và có khả năng sẽ vượt qua Hoa Kỳ về chi tiêu quốc phòng trong 25 năm nữa. Trung Quốc còn có kế hoạch chế tạo một hạm đội tàu sân bay và các tàu ngầm hạt nhân có thể đi lòng vòng khắp Thái Bình Dương.
Không chỉ có máy bay tiêm kích, Trung Quốc còn đang phát triển năng lực tầm cỡ thế giới về chiến tranh mạng và các tên lửa chống tau tầm xa. Một tàu chiến của Trung Quốc đã xuất hiện tại Địa Trung Hải. Và Tàu sân bay đầu tiên của nước này vừa đi thử nghiệm vài tuần trước tại Biển Đông. Tại cuộc duyệt binh giữa tháng trước tại Triều Tiên một chiếc xe chở tên lửa lớn đã xuất hiện và các chuyên gia nhận định chiếc xe này là của Trung Quốc.
Trong vài tháng qua, Hàn Quốc, Nhật Bản và Philippines đã có các tranh chấp về lãnh hải với Trung Quốc. Hiện Trung Quốc đang có tranh chấp về chủ quyền với 6 quốc gia Thái Bình Dương.
Tình hình trên không dẫn đến khả năng xảy ra chiến tranh giữa Trung Quốc và Canada. Điều đó còn rất xa mới xảy ra. Nhưng quân đội các nước phải chuẩn bị cho tình huống tranh chấp trong tương lai. Để làm được điều đó, họ cần phải có trang thiết bị càng hiện đại càng tốt. Cho đến nay tâm điểm của các cuộc tranh cãi ở Canada về F-35 là liệu chính phủ của ông Harper có biết về chi phí dài hạn và chính phủ của ông có trung thực trước Quốc hội và công luận về vấn đề này hay không.
Đó là những câu hỏi quan trọng. Nhưng nó lại che khuất vấn đề nghiêm trọng là tại sao Canada cần có một chiếc máy bay chiến đấu như vậy. Một phần của cuộc thảo luận chính là về mối quan hệ của Canada với Trung Quốc và nhiều quốc gia khác trong vài thập kỷ qua như thế nào.
Khi Canada quyết định mua 138 chiếc máy bay F-18 cách đây 32 năm, không ai có thể ngờ rằng chúng sẽ được sử dụng tại các chiến dịch không kích ở khu vực Balkan, Iraq hay Libya. Dù máy bay chiến đấu mới của Canada là gì đi nữa, chiếc máy bay đó sẽ phải vượt xa chức năng tuần tra giám sát chủ quyền và đại diện cho năng lực phòng không quân Bắc Mỹ ít nhất đến giữa thế kỷ 21 này.
Theo Infonet