Canada cân nhắc nới lỏng phòng dịch theo giai đoạn
Ngày 9/6, Bộ trưởng Y tế Canada Patty Hajdu thông báo nước này đang cân nhắc nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh theo từng giai đoạn, bắt đầu từ đầu tháng 7 tới.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Mississauga, Ontario, Canada. Ảnh: THX/TTXVN
Bộ trưởng Hajdu nói rõ quy định mới sẽ được áp dụng với các công dân Canada, thường trú nhân, sinh viên quốc tế và người làm việc trong các lĩnh vực thiết yếu. Những người này buộc phải tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 ít nhất 14 ngày trước ngày khởi hành và khi nhập cảnh sẽ không phải thực hiện 3 ngày cách ly tại các khách sạn được chỉ định. Thay vào đó, họ phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trước khi nhập cảnh và phải xét nghiệm lại sau khi nhập cảnh, đồng thời tự cách ly tại nơi ở cho đến khi có kết quả xét nghiệm.
Trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 được đẩy nhanh, Bộ trưởng Hajdu khẳng định việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới sẽ được thực hiện theo giai đoạn và bắt đầu từ tháng 7. Quan chức này nhấn mạnh những quy định mới là bước đi đầu tiên trong cách tiếp cận này.
Hiện nay, Canada vẫn đóng cửa biên giới đối với phần lớn khách nước ngoài, gồm cả khách du lịch. Quyết định nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch được đưa ra xuất phát từ thực tế tình hình dịch bệnh tại quốc gia Bắc Mỹ này diễn biến khả quan với số ca mắc mới trung bình trong 7 ngày gần nhất đã xuống dưới mức 1.800 ca/ngày. Theo người đứng đầu Cơ quan Y tế công cộng Canada Theresa Tam, số bệnh nhân COVID-19 nhập viện hằng ngày trong khoảng thời gian trên đã giảm 55% so với mức đỉnh điểm, xuống dưới mức 2.000 ca/ngày.
Video đang HOT
Cũng trong ngày 9/6, Canada đã ghi nhận 600 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 1,4 triệu ca, trong đó có gần 26.000 ca tử vong. Theo thống kê, gần 24 triệu người dân Canada, tương đương 63% dân số nước này, đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine. Tuy nhiên, mới chỉ có 3 triệu người đã tiêm đủ liều.
* Trong khi đó, tại châu Âu, Chính phủ Hungary cho phép từ tuần tới, các địa phương tổ chức lễ hội ở ngoài trời khi mà số ca tử vong do COVID-19 trong nước xuống dưới mức 10 ca/ngày.
Cụ thể, từ ngày 14/6 tới, các địa phương có khoảng 5.000 dân sẽ được phép tổ chức các lễ hội ở ngoài trời. Số người tham gia những sự kiện này không quá 1.500 người và không cần chứng nhận tiêm chủng hay miễn dịch với virus SARS-CoV-2.
Năm nay, các lễ hội lớn tại Hungary thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách tham gia như Lễ hội Sziget hay Lễ hội Âm thanh Balaton đã buộc phải hủy lần thứ hai liên tiếp.
Hungary đã từng bước nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch sau khi hơn 50% dân số nước này đã được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Trong vòng 24 giờ qua, Hungary đã ghi nhận 179 ca mắc mới COVID-19 và 6 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên 806.385, trong đó có 29.889 ca tử vong.
Ấm áp hai tiếng 'đồng bào'và tinh thần đại đoàn kết dân tộc tại Canada
Phát huy truyền thống đoàn kết một lòng, tương thân tương ái, nặng nghĩa đồng bào của dân tộc Việt Nam trong thời điểm đất nước đang gồng mình chống dịch COVID-19, tối 9/6, Đại sứ quán Việt Nam tại Canada đã tổ chức chương trình quyên góp ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19 Việt Nam.
Tiêm vaccine COVIVAC cho 15 tình nguyện viên đợt hai. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, lễ phát động hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam "Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch bệnh COVID-19" được tổ chức dưới hình thức trực tuyến để đáp ứng các quy định về phòng chống dịch bệnh của chính quyền sở tại. Sự kiện thu hút sự tham gia nhiệt tình của đông đảo bà con kiều bào trên khắp Canada, từ Ottawa, Toronto, Montreal, đến Saskatchewan, Vancouver...
Tại lễ phát động, Đại sứ Việt Nam tại Canada Phạm Cao Phong đã thông báo nhanh đến bà con về tình hình chống dịch khẩn trương ở trong nước, đặc biệt là các ổ dịch lớn như Bắc Giang, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh. Đại sứ cũng nêu những tấm gương lay động lòng người của các "chiến sĩ áo trắng", của lực lượng vũ trang..., những người đã không quản ngại khó khăn, gian khổ trong cuộc chiến không tiếng súng này. Trong lời kêu gọi tinh thần hướng về quê hương đất nước, phát huy truyền thống tương thân tương ái, Đại sứ Phạm Cao Phong nhấn mạnh bà con kiều bào có thể đóng góp bằng các hình thức khác nhau, chẳng hạn như thông tin cho Đại sứ quán về các nguồn tin cậy để có thể tiếp cận vaccine, ngừa COVID-19, nguyên liệu sản xuất vaccine, huy động sức người, sức của để giúp nước nhà ứng phó với đại dịch.
Ngay trong ngày đầu phát động, toàn thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, các cơ quan đại diện của Việt Nam tại địa bàn đã dành một ngày lương để ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19, một món quà ý nghĩa đối với cộng đồng và cả xã hội, góp phần để Tổ quốc Việt Nam được ghi nhận là điểm sáng trên bản đồ thế giới về thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Tại lễ phát động, bà con kiều bào rất phấn khởi trước thông tin về khả năng đến tháng 9/2021 Việt Nam sẽ có vaccine phòng COVID-19 đầu tiên sản xuất trong nước. Bà con bày tỏ niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, lạc quan về khả năng đất nước sẽ vượt qua khó khăn, hướng đến một cuộc sống khỏe mạnh, an toàn.
Giáo sư Julie Nguyễn, Chủ tịch Hội Canada-ASEAN Initiatives, Đại học York, chia sẻ: "Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Việc Chính phủ Việt Nam thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 là môt chính sách chiên lươc nhăm huy đông sự đóng góp tự nguyện của toàn dân, toàn quân, kiều bào ở nước ngoài..., tạo nguồn lực quý giá để sớm đạt miên dịch công đông, đưa cuôc sông ngươi dân trơ lại bình thương. Hiện nay, cuôc chạy đua đê có đươc vaccine đang diên ra phưc tạp, trong đó các nươc giàu có lơi thê hơn. Viêc xã hôi hóa nguồn cung vaccine theo tôi là hướng đi đúng đắn, trong bối cảnh đất nước ta còn nghèo, cuộc chiến với dịch bệnh còn nhiều cam go."
Kề vai sát cánh cùng người dân trong nước ở thời điểm khó khăn của dịch bệnh, cộng đồng người Việt ở Canada đã khẳng định luôn là bộ phận máu thịt của dân tộc Việt Nam. Bác Trần Văn Vị, một Việt kiều ngoài 80 tuổi, đã vượt chặng đường dài hơn 200 km đến trụ sở của Đại sứ quán để đóng góp một tháng lương hưu ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19, với niềm mong mỏi "dịch ở Việt Nam chóng qua đi để chúng tôi được về thăm quê hương".
Ông Bùi Quang Hiển, Giám đốc Công ty tư vấn, thiết kế và xây dựng STECHCO, một người đã định cư tại Canada hơn 10 năm, chia sẻ: "Tôi thấy mình cần phải có trách nhiệm đóng góp vào Quỹ vaccine phòng COVID-19. Tôi và gia đình sẽ cố gắng hết mình để chung tay góp một phần nhỏ vào quỹ này".
Lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam đã cho thấy việc tập hợp và phát huy sức mạnh đoàn kết của nhân dân là nhân tố côt lõi, có tính quyết định tới thắng lợi của mọi cuộc cách mạng. Ngày nay, trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, sức mạnh của lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng của mọi người dân mang trong mình dòng máu Việt lại được được phát huy và lan tỏa sôi nổi hơn bao giờ hết.
G7 gia tăng sức ép điều tra nguồn gốc Covid-19 Lời kêu gọi điều tra nguồn gốc Covid-19 sẽ được đưa vào tuyên bố chung của các lãnh đạo G7 sau hội nghị thượng đỉnh sắp tới tại Anh. Tổng thống Joe Biden đến sân bay Cornwall ở AnhAnh ngày 9.6 để chuẩn bị cho chuyến thăm châu Âu, gồm dự hội nghị G7 . Ảnh REUTERS Bloomberg ngày 10.6 đưa tin các...