‘Cần xem lại quyết định cấm đốt pháo’
“Tôi hoan nghênh chủ trương cho phép pháo hỏa thuật chỉ có ánh sáng, hiệu ứng âm thanh. Đến lúc nào đó kể cả pháo nổ cũng nên như vậy, nhưng phải quản lý tốt”, ông Dương Trung Quốc nêu quan điểm.
Chia sẻ với VnExpress bên lề Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, đốt pháo không phải là truyền thống riêng của Việt Nam, cũng không phải của châu Á mà của rất nhiều cộng đồng cư dân thế giới. Truyền thống này bắt đầu từ những quan niệm về tâm linh, đời sống; từ mối liên tưởng giữa sức mạnh của thiên nhiên, như tiếng sấm, được phản ánh vào tâm thức của con người. Mỗi quốc gia, mỗi vùng văn hóa có biểu hiện khác nhau và trong xã hội truyền thống đó là một phần của đời sống, không chỉ thể hiện trong dịp lễ tết mà còn thấy trong nhiều nghi thức, lễ hội.
- Ông suy nghĩ gì khi biết thông tin từ Tết Nguyên đán 2014 có thể được đốt pháo không tiếng nổ?
- Tôi hoan nghênh chủ trương có thể cho phép đốt pháo hỏa thuật (chỉ có ánh sáng, hiệu ứng âm thanh) và nghĩ rằng đến lúc nào đó kể cả pháo nổ cũng nên như vậy. Nhưng điều kiện là chúng ta phải quản lý tốt. Một số nước từng cấm và sau đó người ta nới lỏng dần ra. Nếu trở lại được tiếng pháo của văn hóa thì đó là điều hết sức đáng mừng.
Tôi chỉ băn khoăn là trong cơ chế thị trường người ta sẽ tìm đến cái lợi ích, người sản xuất, buôn bán pháo vì hiệu quả kinh tế mà có thể làm những quả pháo không có chất lượng, pháo độc hại nguy hiểm, gây ô nhiễm môi trường.
Nhà sử học Dương Trung Quốc: “Nếu trở lại được tiếng pháo của văn hóa thì đó là điều hết sức đáng mừng”. Ảnh: Hoàng Hà.
- Rất nhiều ý kiến phản đối vì lo ngại không quản lý, nhất là trong hoàn cảnh nhiều chính sách của nhà nước bị lợi dụng, biến tướng, ông nghĩ sao về điều này?
- Trước đây, Chính phủ quyết định cấm pháo, tôi cho là đúng đắn vì ta không còn quản lý pháo như một sản phẩm văn hóa. Pháo lúc đó chủ yếu là mặt hàng thương mại mà ta không quản lý được việc sản xuất, sử dụng. Việc sản xuất, sử dụng hết sức bừa bãi, gây những hậu quả hết sức tai hại như cháy nổ, chết người. Tôi đã chứng kiến thời kỳ đó có những bánh pháo làm bằng thuốc nổ mà chắc chắn có thể gây hỏa hoạn cho cả khu dân cư.
Video đang HOT
Tuy nhiên, phân tích kỹ việc cấm ấy không phải do tự thân quả pháo mà là quản lý kém và ý thức người dân kém. Cho nên nếu việc quản lý tốt hơn, ý thức người dân được tăng cường hơn thì việc trở lại những sinh hoạt vốn có trong đời sống xã hội tôi cho là tích cực. Cái khó là nhà quản lý phải cân đong, đo đếm được chuyện này và có lộ trình, đặc biệt phải quản lý chặt chẽ.
- Nhiều người mạnh dạn đề xuất cho đốt cả pháo nổ, theo ông lúc này đã phải là thời điểm thích hợp?
- Trở lại giá trị văn hóa thì vấn đề quản lý phải đặt lên hàng đầu. Quản lý nhà nước là quan trọng nhất, sau đó là ý thức người dân. Người dân thèm khát một tiếng pháo văn hóa thì họ cũng cần biết đấu tranh chống lại tiếng pháo vô văn hóa. Muốn cái đó thì quản lý tốt với những chế tài rất nghiêm việc sản xuất lậu. Một giải pháp tôi rất hoan nghênh, đó là để đảm bảo chất lượng pháo thì chỉ giao một số cơ sở sản xuất của nhà nước, quân đội có trách nhiệm, công nghệ cao, quản lý sản xuất.
Còn nếu sau này những làng pháo nổi tiếng như Bình Đà khôi phục lại dưới sự quản lý chặt và tạo hành lang pháp lý, mang lại lợi ích cho người sản xuất, có trách nhiệm với người sử dụng thì tôi cho là bình thường. Tôi dự lễ hội rước pháo ở Đồng Kỵ (Bắc Ninh) thấy người dân tuân thủ rất nghiêm, vác quả pháo không nổ, chứng tỏ họ vẫn giữ truyền thống và hy vọng một ngày nào đó tiếng pháo lại nổ. Một truyền thống hết sức văn hóa và là điều đáng suy nghĩ, làm sao cho ngày đó đến gần, nhưng rõ ràng phải đảm bảo an toàn.
- Cảm xúc của ông vào thời điểm giao thừa khi đã vắng tiếng pháo nổ?
- Cuộc đời cái gì rồi dần cũng quen đi, nhưng những năm đầu tiên thì bức xúc lắm. Là người ít nhiều quan tâm tới văn hóa, tôi nghĩ tới một ngày nào đó tiếng pháo sẽ trở lại trong đời sống văn hóa Việt Nam. Đó là mong muốn tốt đẹp, là một đòi hỏi nhưng cũng là vấn đề dân trí. Và người dân phải ý thức được chuyện đó, cùng nhau chia sẻ, cùng nhau đóng góp thì mới thành công được.
Tôi nhớ ngày xưa, khi còn nhỏ, cái xác pháo đẹp lắm. Mùi thuốc pháo thơm lắm. Bởi vì lúc đó người ta chủ yếu làm bằng than của rễ xoan và một chút diêm sinh. Vỏ pháo lúc nổ xé ra thì đẹp như cánh hoa đào. Nhưng sau này, người ta chỉ cần tiếng nổ, nổ càng to càng tốt. Và nhất là tâm lý người Việt thì thích cạnh tranh nhau dẫn đến nguy hiểm, sự vô ý thức như ném pháo.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Việt Trường: “Đề xuất cho đốt pháo vào thời điểm này là quá sớm. Chúng ta thực hiện Chỉ thị 406 năm 1994 của Thủ tướng từ cách đây gần 20 năm và để đạt được hiệu quả như hiện giờ, tôi cho đó là một chính sách thành công điển hình dù việc này động chạm đến một tập tục, truyền thống lâu đời của người dân Việt Nam. Trong thời gian gần đây, do công tác quản lý có hơi lơi lỏng thì dịp Tết đã thấy lại cảnh đốt pháo công khai, phổ biến ở Hải Dương và một số tỉnh như năm vừa rồi. Tôi rất e ngại việc này, nếu pháo làm ra đúng như Bộ Quốc phòng thông tin là chỉ tạo hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, không có tiếng nổ… thì xã hội sẽ quay lại với không khí, thói quen đốt pháo, việc này sẽ lợi bất cập hại. Đợi đến khi trình độ phát triển chung của dân trí đạt được mức độ nhất định, tôi ví dụ, từ lĩnh vực khác để quy chiếu sang, bao giờ mà 2h sáng người điều khiển phương tiện giao thông ở Việt Nam vẫn dừng trước đèn đỏ, lúc không hề có cảnh sát giao thông, chỉ một mình lưu thông trên đường lái xe vẫn tự dừng lại thì có thể cho đốt pháo lại. Trong tình hình tội phạm sử dụng vũ khí nóng, các loại chất nổ để tiến hành các hoạt động tội phạm, rồi khủng bố tuy chưa thấy xuất hiện ở Việt Nam nhưng cũng phải đề phòng. Giờ ta không cẩn thận thì sự an toàn của người dân thêm một yếu tố nữa không được đảm bảo”.
Theo VNE
Vụ Đàn Xã Tắc: Ông Dương Trung Quốc gửi thư lên Thủ tướng
Đại diện cho Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Phó chủ tịch Hội - nhà sử học Dương Trung Quốc vừa có thư gửi lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Bí thư Thành uỷ và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội về dự án cầu vượt tại khu vực có di tích Đàn Xã Tắc...
Nhà Sử học Dương Trung Quốc
Theo đó, với chức năng của mình, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã bày tỏ quan điểm và đưa ra những kiến nghị cụ thể về dự án xây dựng cầu vượt tại khu vực có di tích Đàn Xã Tắc (Ô Chợ Dừa, Hà Nội), một dự án đang gây nhiều quan ngại đối với công tác bảo tồn di tích lịch sử và tạo nên những dư luận trái chiều trong xã hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Trước hết, ông Dương Trung Quốc khẳng định, di tích Đàn Xã Tắc có một giá trị đặc biệt quan trọng đối với Thủ đô Hà Nội. Nó vừa xác định những dấu tích của một thành phần kiến trúc truyền thống trong quần thể các kinh đô của các triều đại Việt Nam gắn với tín ngưỡng quốc gia thờ đất và lúa của tổ tiên và các triều đại phong kiến. Dưới lớp di tích đàn Xã Tắc, còn di tích sớm nhất của con người trên vùng đất trung tâm Hà Nội cách ngày nay khoảng 3.500 năm và di tích cư trú hồi đầu công nguyên. "Nó phải là đối tượng được điều chỉnh của Luật Di sản để bảo vệ và phát huy những giá trị của di sản quốc gia" - ông Dương Trung Quốc khẳng định.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, việc giải quyết hài hoà giữa yêu cầu bảo tồn và phát triển là một nguyên tắc mà mọi ngành phải tuân thủ trên cơ sở luật pháp hiện hành. Việc phát hiện dấu tích của Đàn Xã Tắc trong quá trình cải tạo và xây dựng hệ thống giao thông của thành phố Hà Nội, sau đó là việc thực hiện đúng những nguyên tắc trên dưới sự chỉ đạo của Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch cũng như lãnh đạo Thành phố Hà Nội đã tạo nên một không gian di tích định vị di tích Đàn Xã Tắc là một thành công. Giải pháp chấp nhận hạn chế việc mở rộng không gian khai quật, xử lý nghiệp vụ để lấp lại các hố khai quật sau khi làm hồ sơ và thu thập hiện vật, tiếp tục điều chỉnh thiết kế con đường để dành một không gian hợp lý cho cả khu di tích và mặt đường là một bằng chứng tốt đẹp về sự phối kết giữa nhiều cơ quan, tổ chức có liên quan tạo nên sự đồng thuận của xã hội.
Nhận định về nguyên nhân khiến dự án xây cầu vượt tại khu vực này gây dư luận, tạo ra những dư luận trái chiều, ông Dương Trung Quốc cho rằng, trước hết là do công tác chỉ đạo của thành phố chưa quan tâm đến ý kiến tư vấn của những cơ quan và tổ chức có liên quan.
"Lẽ ra, những thông tin trực tiếp liên quan đến dự án phải được chủ động công bố với dư luận và tới các cơ quan, tổ chức có liên quan, trong đó có Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và nếu biết thông qua các cơ quan thông tin đại chúng để hướng dẫn và thu thập ý kiến thì chắc chắn chúng ta vẫn có thể tìm ra được những phương án khả thi và tối ưu thoả mãn các nhu cầu của thực tiễn, trong đó có việc giải toả ách tắc giao thông tại khu vực này, điều mà toàn xã hội trong đó có Hội chúng tôi luôn ủng hộ" - ông Dương Trung Quốc khẳng định.
Lo "hội chứng cầu vượt"
Cũng nhân sự kiện xây cầu vượt này, ông Dương Trung Quốc thẳng thắn góp ý: "Nhìn vào lịch sử xây dựng và phát tiển của Thủ đô, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cũng xin lưu ý tới lãnh đạo Hà Nội về sự cần thiết phải có có một quy hoạch tổng thể và giải pháp lâu dài đối với viêc phát triển một đô thị có quy mô ngày càng lớn và có bề dày lịch sử vẫn tự hào là ngàn năm tuổi. Thực trạng giao thông của Hà Nội hiện tại là sự tích tụ quá lâu của tầm nhìn còn manh mún và ứng phó tình huống kéo dài trong thời gian qua. Làm cầu vượt trước mắt có hiệu quả nhưng nếu lạm dụng sẽ thành "hội chứng cầu vượt" không bảo đảm cho sự phát triển lâu dài.
Để đảm bảo sự phát triển bền vững, tránh những xung đột giữa yêu cầu bảo tồn và phát triển, ông Dương Trung Quốc cho biết, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cũng đề nghị Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội nghiêm chỉnh thực thi Luật Di sản trong việc phải sớm tiến hành Quy hoạch Khảo cổ học như luật định.
"Đây là trách nhiệm của Thành phố, nhất là với một Thủ đô có bề dày lịch sử như Hà Nội. Tình trạng phải ứng phó tình huống như dự án cầu vượt Đàn Xã Tắc, hay gần đây là việc phá thành mở đường tại khu vực đường Hoàng Hoa Thám cần được khắc phục" - Đại biểu Quốc hội, Nhà Sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Bằng công văn này, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đề nghị Lãnh đạo Thành phố sớm có một cuộc họp giữa các chuyên gia của các lĩnh vực có liên quan (trong đó có Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, một số hội nghề nghiệp về khảo cổ học, di sản...) cùng với cơ quan lập dự án trao đổi để tìm được sự đồng thuận về nhận thức và các giải pháp tối ưu cho mục tiêu giải quyết ách tắc giao thông tại khu vực Đàn Xã Tắc để sớm đáp ứng nhu cầu phát triển của Thủ đô và của nhân dân Hà Nội.
Ông Dương Trung Quốc khẳng định, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam luôn hợp tác và thực hiện trách nhiệm của mình trong sự việc này.
Liên quan đến sự kiện này, cũng trong sáng nay, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội đã phát đi kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo. Theo đó, ông Thảo khẳng định việc xây cầu vượt này là cần thiết và phù hợp với quy hoạch. Tuy nhiên, người đứng đầu Thành phố cũng đề nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu để có được phương án tối ưu nhất, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển trước mắt, vừa có thể đảm bảo bảo tồn di tích Đàn Xã tắc lâu dài.
Ông Nguyễn Thế Thảo cũng yêu cầu chủ đầu tư phải tổ chức hội thảo lấy ý kiến tham gia của các hiệp hội, các nhà khoa học, các nhà sử học, văn hóa và ý kiến cộng đồng. Cùng với đó, chủ đầu tư cũng phải xin ý kiến thỏa thuận của các Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng để sớm trình UBND Thành phố phê duyệt ngay trong tháng 5/2013, đồng thời công bố công khai quy hoạch trước khi triển khai xây dựng.
Theo vietbao
Việt Nam khẳng định chủ quyền biển, đảo từ hàng ngàn năm trước Ngày 9/5, tại Đồng Nai, Hội Luật gia và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội nghị giới thiệu về lịch sử chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Bản đồ khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam. Tại hội nghị, nhà sử học Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, nói chủ quyền...