Cẩn trọng với tiền sản giật ở phụ nữ mang thai
Phụ nữ mang thai luôn tiềm ẩn nguy cơ bị tiền sản giật, ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi và bản thân.
Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trò chuyện cùng bác sĩ Hà Diễm Hằng, Trưởng Khoa Sản bệnh, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh này.
Xin bác sĩ cho biết tiền sản giật là bệnh gì và nguyên nhân dẫn đến bệnh này?
Theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh sản khoa của Bộ Y tế, tiền sản giật, sản giật là biến chứng nội khoa thường gặp nhất ở phụ nữ mang thai với tỷ lệ từ 2-8%. Triệu chứng thường gặp là phù, huyết áp tăng và protein niệu. Bệnh này là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong cho mẹ và thai.
Bác sĩ Chuyên khoa I Hà Diễm Hằng, Trưởng Khoa Sản bệnh, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh kiểm tra sức khỏe cho phụ nữ mang thai đến khám tại Bệnh viện.
Sản giật là cơn co giật không rõ nguyên nhân. Trước đó, sản phụ thường có triệu chứng của tiền sản giật, xuất hiện trước, trong và sau chuyển dạ, có thể gây biến chứng đe dọa tính mạng mẹ và thai.
Tiền sản giật thường xuất hiện từ tuần 20 của thai kỳ. Một số trường hợp ngoại lệ xuất hiện trước 20 tuần. Sản phụ thường có triệu chứng nôn nghén nặng. Hệ quả của hiện tượng này là sự thiếu máu nuôi dưỡng các cơ quan của mẹ và nhau thai, gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng cho cả thai và mẹ.
Nguyên nhân của tiền sản giật là do thai và bánh rau, tuy nhiên cơ chế chưa được làm rõ. Bệnh hay gặp ở sản phụ có tiền sử tiền sản giật, chửa đa thai, đái tháo đường, tăng huyết áp mạn, bệnh lý về thận, miễn dịch…
- Triệu chứng nào để nhận biết bị tiền sản giật , thưa bác sĩ?
Phụ nữ mang thai bị tiền sản giật thường có biểu hiện: Phù, tăng huyết áp, và có protein trong nước tiểu. Ở những trường hợp phù nặng, thai phụ có thể xuất hiện phù ở mặt và hai tay, thậm chí toàn thân, gây hiện tượng đột ngột tăng cân nhanh. Đặc biệt, tiền sản giật nặng, sản phụ có thể đau đầu, nhìn mờ, đau hạ sườn phải.
Video đang HOT
Biểu hiện của tiền sản giật (theo vinmec.com)
Ở giai đoạn 3 tháng đầu, với phụ nữ mang thai bình thường, nghén thường xuất hiện khi thai kỳ được 1 tháng và kéo dài đến hết quý đầu; sau đó, triệu chứng ốm nghén có thể giảm dần rồi mất hẳn khi thai lớn hơn. Ở những trường hợp tiền sản giật, thai phụ phải đối mặt với triệu chứng ốm nghén sớm hơn với mức độ nặng nề hơn.
Tiền sản giật nếu không được điều trị tốt sẽ dẫn đến các biến chứng ở cả mẹ và thai. Với mẹ có thể gây sản giật, rau bong non, xuất huyết não… Còn ở thai có thể gây biến chứng thai chậm phát triển trong tử cung, suy thai.
- Tiền sản giật có điều trị được không, thưa bác sĩ?
Với tiền sản giật hoặc sản giật, việc chấm dứt thai kỳ để lấy thai nhi ra ngoài là biện pháp điều trị triệt để. Với các thai kỳ chưa đủ tháng, do các biến chứng nguy hiểm của tiền sản giật và sản giật, sản phụ cần được kiểm soát huyết áp và các triệu chứng nặng đã nêu.
Phụ nữ mang thai cần đi khám thai định kỳ để phát hiện tiền sản giật (trong ảnh: Siêu âm thai tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh).
Bên cạnh đó, thai phụ cần hạn chế muối, bổ sung đủ các vi lượng như acid folic, magie B6… đảm bảo đủ chất cho thai nhi phát triển bình thường. Tập thể dục nhẹ nhàng.
Do cơ chế gây bệnh tiền sản giật không rõ ràng nên không có biện pháp nào phòng bệnh hiệu quả. Thai phụ cần đi khám thai định kỳ và báo với bác sĩ khi có dấu hiệu bất thường. Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Tuân thủ điều trị của bác sĩ khi được chẩn đoán nhiễm độc thai nghén.
Hiện nay, tại các bệnh viện lớn ở Việt Nam nói chung, Quảng Ninh nói riêng đã có các xét nghiệm sàng lọc bệnh lý tiền sản giật sớm từ quý I của thai kỳ, dựa vào xét nghiệm máu của mẹ, thực hiện trên các thai phụ có nguy cơ cao mắc tiền sản giật. Từ đó, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc dự phòng nhằm giảm nguy cơ đối với các thai phụ.
- Trân trọng cảm ơn bác sĩ!
Đái tháo đường thai kỳ
Hiện nay, đái tháo đường thai kỳ xuất hiện ngày càng nhiều. Bệnh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã trao đổi cùng bác sĩ Hà Diễm Hằng, Trưởng Khoa Sản bệnh, Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh, để giúp bạn đọc hiểu rõ về bệnh này.
Siêu âm thai tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh (chụp tháng 8/2019). Ảnh: Quang Thiêm (BV Sản nhi tỉnh).
- Xin bác sĩ cho biết, bệnh đai tháo đường thai kỳ là gì, có nguy hiểm không?
Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào, khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong lúc mang thai. Bệnh ảnh hưởng đến khả năng sử dụng đường (glucose) của các tế bào trong cơ thể và là nguyên nhân gây ra lượng đường cao trong máu. Đái tháo đường thai kỳ để lại hậu quả nặng nề cho cả mẹ và trẻ sơ sinh.
Cụ thể: Làm tăng nguy cơ các biến chứng cho mẹ như: Rối loạn chuyển hóa, tổn thương thận, mắt, mạch vành. Gây các biến chứng sản khoa như rối loạn tăng huyết áp khi có thai, tiền sản giật, đẻ khó, sang chấn trong đẻ, ra máu sau đẻ, tăng tỷ lệ mổ lấy thai do thai to, tăng tỷ lệ nhiễm khuẩn. Bệnh còn gây nguy cơ lâu dài như: Trở thành đái tháo đường type 2, béo phì, tăng nguy cơ đái tháo đường thai kỳ cho những lần có thai sau...
Đối với thai nhi, nếu ở giai đoạn 3 tháng đầu, đái tháo đường thai kỳ tác động lên quá trình phát triển của phôi, thai gây sảy thai tự nhiên, thai lưu, và dị tật bẩm sinh (dị tật thường gặp là tổn thương hệ thần kinh, tim, các mạch máu lớn, hệ xương, thận, tiết niệu). Nếu ở giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ, bệnh làm tăng tỷ lệ tử vong chu sinh, đặc biệt sau đẻ hoặc thai chết lưu trong vòng 3-6 tuần cuối của thai kỳ (nguyên nhân do sự tăng glucose máu mạn tính của mẹ dẫn đến tăng sử dụng glucose của thai nhi, gây tình trạng thiếu oxy của thai nhi, tăng tình trạng toan máu của thai).
Bệnh còn làm tăng tỷ lệ suy hô hấp, bệnh màng trong, xẹp phổi do ngăn cản quá trình hoàn thiện của phổi thai nhi; đa ối cấp, mạn tính dẫn đến nguy cơ đẻ non; thai chậm phát triển trong tử cung; thiểu ối....
- Nguyên nhân nào gây đái tháo đường thai kỳ và triệu chứng bệnh ra sao, thưa bác sĩ?
Đến nay nguyên nhân gây đái tháo đường thai kỳ vẫn chưa thực sự rõ ràng, tuy nhiên, thường có 9 cơ chế sinh bệnh, đó là: Hiện tượng kháng Insulin tế bào; yếu tố béo phì và đái tháo đường; rối loạn cơ quan thụ cảm của Insulin; rối loạn vận chuyển glucose và hoạt động của Insulin; rối loạn chức năng đảo tụy; cơ chế tự miễn; cơ chế di truyền; yếu tố thai nhi; yếu tố viêm nhiễm.
Phụ nữ Việt Nam thuộc chủng tộc có nguy cơ cao nên vấn đề tầm soát đái tháo đường thai kỳ được đặt ra trong quá trình mang thai, Khuyến cáo thường tầm soát từ tuần thai thứ 24 đến 28 của thai kỳ, hoặc tầm soát ngay từ lần khám thai đầu tiên, hoặc không cần sàng lọc.
Phương pháp tầm soát: Thai phụ sẽ được nhịn ăn ít nhất 8h, không quá 14h, sau 3 ngày ăn uống bình thường, thai phụ sẽ được làm nghiệm pháp dung nạp đường huyết với 75g đường, được lấy máu lúc đói, sau uống đường 1h, 2h. Thai phụ được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ khi có một trong 3 chỉ số đường huyết cao hơn ngưỡng bình thường.
Bệnh tiểu đường thai kỳ thường không gây ra bất kỳ triệu chứng cụ thể nào. Bác sĩ thường phát hiện bệnh khi kiểm tra mức đường máu trong quá trình sàng lọc bệnh. Một số phụ nữ mắc bệnh có triệu chứng: Thường xuyên cảm thấy khát nước; đi tiểu nhiều hơn bình thường; khô miệng; cảm thấy mệt mỏi.
- Bệnh điều trị ra sao thưa bác sĩ?
Việc điều trị đái tháo đường thai kỳ với mục tiêu kiểm soát đường máu trước và sau ăn về ngưỡng bình thường, giảm thiểu các biến chứng cho mẹ và sơ sinh. Có sự phối kết hợp về phương pháp điều trị: Điều chỉnh bằng chế độ ăn hợp lý, điều trị bằng Insulin, kết hợp chế độ tập luyện; trong đó dinh dưỡng là chế độ nền tảng, đóng góp rất lớn cho sự thành công của điều trị.
Phụ nữ mang thai nên lấy mãu xét nghiệm để tầm soát đái tháo đường thai kỳ (Ảnh: Xét nghiệm máu tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh).
Chế độ ăn uống lành mạnh bằng cách chọn thực phẩm giàu chất xơ và ít chất béo, calo. Ăn các loại hoa quả, rau xanh và ngũ cốc. Năng lượng cung cấp cho thai phụ khoảng 30-35 kcalo/ngày với người có cân nặng bình thường, 25-30 kcalo/ngày cho người thừa cân, 35-40 kcalo/kg cân nặng cho người có cân nặng thấp.
Luôn vận động bằng cách: Đi bộ, đạp xe, bơi lội 30 phút mỗi ngày. Cần hỏi ý kiến bác sĩ nếu muốn tập các môn thể thao có cường độ cao hơn. Có thể thực hiện giảm cân trước khi mang thai giúp cho quá trình thai kỳ khỏe mạnh.
Với trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định tiêm insulin để điều trị tiểu đường thai kỳ.
- Xin cám ơn bác sĩ!
Mẹ bầu nên và không nên làm gì để có một thai kỳ khỏe mạnh? Để mẹ bầu vượt qua giai đoạn 9 tháng 10 ngày và sinh hạ bé yêu thành công, mẹ bầu nên lưu ý những điều nên và không nên làm để có một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh. Những điều mẹ bầu nên làm trong thời gian mang thai Uống axit folic và vitamin D Axit folic có tác dụng làm...