Cẩn trọng với mầm bệnh từ lợn
Một số tác nhân gây bệnh trên lợn sau khi biến đổi đã có thể gây bệnh trên người, nguy cơ tử vong cao.
Vi khuẩn liên cầu lợn gây bệnh nặng cho người – NGỌC THẮNG
Cúm lợn tuổi lên 10
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), chủng cúm A/H1N1 đại dịch 2009 hiện là một trong các bệnh cúm lưu hành rộng rãi tại VN và nhiều quốc gia. Phát hiện đầu tiên vào năm 2009, vi rút này còn được gọi là cúm lợn vì có ý kiến từ các nhà khoa học cho rằng chủng cúm có nguồn gốc từ lợn (khác với chủng cúm A/H1N1 trước đó).
Tại VN, ca cúm lợn đầu tiên ghi nhận vào ngày 26.5.2009, từng bùng phát vào những tháng cuối năm 2009. Mặc dù độc lực không mạnh như vi rút cúm gia cầm H5N1 nhưng cúm A/H1N1 ở người có thể gây bội nhiễm dẫn đến tử vong do suy đa tạng. Tỷ lệ tử vong không cao (từ 1 – 4%) nhưng do dễ lây lan và có thể mau chóng gây dịch nên vi rút này vẫn là mối đe dọa cho sức khỏe, đặc biệt với những người sức đề kháng kém hoặc có bệnh mãn tính như: phụ nữ mang thai, người già, béo phì, đái tháo đường.
Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã ghi nhận các ca nhiễm cúm A/H1N1 nhập viện do biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, suy đa tạng và đã có bệnh nhân tử vong.
Cảnh giác với vi rút tả lợn châu Phi
Theo Bộ NN-PTNT, dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra, lây lan nhanh trên lợn. Năm 1921, bệnh dịch này lần đầu xuất hiện tại Kenya (châu Phi), sau đó lây lan nhanh chóng. Từ cuối năm 2017 đến nay, 12 quốc gia báo cáo có dịch bệnh này.
Vi rút gây bệnh dịch tả châu Phi có sức đề kháng cao trong môi trường. Sau khi khỏi bệnh, lợn vẫn có khả năng mang vi rút trong thời gian dài và có thể mang vi trùng suốt đời. “Siêu” vi rút này có thể tồn tại 2 – 4 tháng trong một cơ sở bị nhiễm bệnh và 5 – 6 tháng trong thịt bị nhiễm bệnh.
Theo Cục Thú y, Bộ NN-PTNT, loại vi rút này lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm vi rút như: chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, quần áo nhiễm vi rút và ăn thức ăn chứa thịt lợn nhiễm bệnh.
Video đang HOT
Để phòng bệnh do liên cầu lợn và các bệnh từ lợn, người dân cần bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa nấu chín); không mổ thịt lợn ốm, chết; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Duy trì thói quen rửa tay với xà phòng, giữ gìn vệ sinh cá nhân. Khi có biểu hiện sốt kèm theo đau đầu, tức ngực, cần đến cơ sở y tế để được theo dõi sức khỏe.
( Nguồn: Cục Y tế dự phòng)
Chuyên gia của Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cho biết thêm, dịch bệnh tả ở lợn khác hoàn toàn với bệnh tả ở người (là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn Vibrio Cholerae gây ra). Bệnh tả ở lợn chưa có khả năng lây nhiễm sang người, nhưng hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm VN vẫn đang phối hợp với các tổ chức quốc tế, các cơ quan liên quan để theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trong và ngoài nước. Người dân không mổ thịt, không ăn thịt lợn ốm bệnh để phòng lây nhiễm các bệnh lây truyền qua thực phẩm không an toàn.
Vi khuẩn độc từ lợn
Trong khi vi rút tả lợn châu Phi chưa có khả năng lây cho người thì liên cầu lợn Streptococcus suis (S.suis) là vi khuẩn sống, gây bệnh cho lợn, đồng thời cũng có thể gây bệnh trên người, với diễn biến rất nặng: nhiễm trùng huyết, viêm màng não, suy đa tạng để lại di chứng nặng nề, thậm chí tử vong.
Tại VN, bệnh liên cầu lợn trên người mới được biết từ năm 2003, là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính. Người có thể nhiễm bệnh khi mổ thịt mà không mang bảo hộ lao động, đặc biệt khi trên da có các vết trầy xước; khi ăn các món tái sống chế biến từ lợn (khoảng 70 – 80% các ca nhiễm liên cầu lợn có ăn tiết canh lợn).
Đáng lưu ý, lợn không dịch bệnh vẫn là nguồn lây nhiễm do chúng mang vi khuẩn nhưng không có biểu hiện bệnh. Một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mang S.suis không triệu chứng trong một đàn lợn khoảng 60 – 100%.
Người nhiễm liên cầu lợn có biểu hiện: sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác, tụt huyết áp. Bệnh nhân tử vong do nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng.
Theo thanhnien
Dấu hiệu cần biết để tránh ăn phải heo bị dịch tả heo Châu Phi
Heo bị nhiễm dịch tả heo Châu Phi sẽ có khả năng bị nhiễm khuẩn gây thêm nhiều loại bệnh khác.
Dịch tả heo Châu Phi (ASF) đang là nỗi ám ảnh của ngành chăn nuôi heo của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, khi hiện nay chưa có một vaccine hay cách điều trị được công bố đối với bệnh này. Vì lý do này, dịch tả heo châu Phi gây hậu quả kinh tế - xã hội nghiêm trọng cho các quốc gia bị ảnh hưởng.
Theo Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA), ASF là căn bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng đến heo nhà và heo rừng thông qua tiếp xúc trực tiếp với đồng loại nhiễm bệnh, tiêu thụ thức ăn làm từ thịt nhiễm bệnh, tiếp xúc với bất cứ vật dụng nào dính virus (quần áo, phương tiện, thiết bị...), bị côn trùng nhiễm virus cắn... Điều may mắn, cho đến nay các nhà nghiên cứu chưa phát hiện trường hợp ASF lây sang người. Tuy nhiên theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học & Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội), heo nhiễm bệnh tả Châu Phi có vẫn có nguy cơ mắc các bệnh khác như tai xanh, cúm lợn... và điều này gây nguy hiểm cho con người khi ăn phải.
Dấu hiệu của heo bị ASF
Theo Ban quản lý an toàn thực phẩm, heo bị ASF có một số dấu hiệu như:
- Biểu hiện ngoài da: Hoại tử trên bề mặt da, xuất huyết dưới da tai, ngực, bụng
- Phần gan sẽ bị sung huyết, phình to, xuất huyết ử lớp màng thanh dịch của túi mật. Tương tự phổi, thận, hay tim cũng sẽ có sung huyết, xuất huyết lấm chấm, khí quản và phế quản có chứa bọt...
Nội tạng heo bị nhiễm dịch tả heo Châu Phi sẽ bị xung huyết... Ảnh: SESC
Ngoài ra bệnh có nhiều biểu hiện: Thể quá cấp, cấp tính, mãn tính và không điển hình. Ở dạng cấp tính, con lợn có thể bị sốt cao nhưng không có triệu chứng đáng chú ý nào trong vài ngày đầu. Sau đó, lợn dần mất đi sự thèm ăn và trở nên chán nản. Heo nhiễm ASF có thể chết đột ngột. Các chủng ASF có độc tính cao thường dẫn đến cái chết trong vòng 10 ngày. Các trường hợp nhẹ hơn có thể không nhìn thấy rõ triệu chứng.
Nên cẩn trọng khi tiêu thụ thịt heo
Theo Cục Y tế Dự phòng, dịch bệnh này không gây bệnh trên người do đó, người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.
Tuy nhiên, chia sẻ với PLO.vn, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo tả heo không gây bệnh trên người song chúng ta không nên chủ quan.
"Thông thường, người chăn nuôi heo không thể phát hiện sớm việc heo bị nhiễm dịch bệnh, do đó rất dễ xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo cho đàn gia súc. Lợn bị tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm, thương hàn...", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh chia sẻ.
Vị chuyên gia cho biết, đối với những đàn heo bệnh, nhất là khi chết, chúng sẽ không còn khả năng để chống lại các loại vi khuẩn gây bệnh khác. Đồng thời khi mổ thịt heo bệnh, chúng còn sẽ có khả năng mắc thêm nhiều loại bệnh khác do sự phát triển của những vi khuẩn ở trong môi trường tấn công như Salmonella...
Heo bị nhiễm ASF còn có khả năng nhiễm nhiều loại bệnh khác. Ảnh: Đặng Trung
Điều này cũng được bà Phạm Khánh Phong Lan (Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM) chia sẻ trên báo chí rằng tuy dịch bệnh không lây cho người, chỉ ảnh hưởng cho đàn heo. Nhưng heo bệnh vào thành phố sẽ có khả năng bị nhiễm khuẩn gây thêm nhiều loại bệnh khác. Trong khi đó TP HCM là thị trường mở, nên khả năng lây nhiễm là hoàn toàn có thể xảy ra. Virus này có thể tồn tại cả nghìn ngày trong điều kiện đông lạnh, trong xúc xích, thịt làm nguội...
"Nếu thịt lợn đã bị nhiễm dịch tả lợn mà còn nhiễm thêm bệnh khác cho dù chúng ta có nấu chính để vi khuẩn chết hết nhưng độc tố gây bệnh thì vẫn còn. Và khi ăn phải người ta vẫn bị nhiễm bệnh. Do đó điều quan trọng trong những vùng có ổ dịch là việc tiêu hủy đúng cách và không tiếc của sử dụng thịt heo bị nhiễm bệnh. Điều này không chỉ ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh, bảo vệ đàn gia súc cho chúng ta và mà còn bảo vệ cho chính mình", chuyên gia Nguyễn DUy Thịnh lưu ý.
Trước vấn đề này, Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho hay để bảo đảm sức khỏe và phòng chống dịch bệnh xảy ra trên heo, các nhà sản xuất, chế biến và người tiêu dùng nên sử dụng các sản phẩm thịt heo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đã được kiểm dịch. Ban quản lý ATTP cũng khuyến khích người dân lựa chọn và sử dụng các sản phẩm thịt heo đã được chứng nhận thuộc chuỗi thực phẩm an toàn (đã được kiểm soát từ khâu nuôi, mổ thịt và kinh doanh) với dấu hiệu nhận biết thông qua logo "chuỗi thực phẩm an toàn". Hoặc sản phẩm có tem truy xuất (để biết nguồn gốc heo từ trại an toàn với dịch bệnh hay không).
NGUYÊN HÀ
Theo plo.vn
Tử vong vì uống viên tiểu đường bị cấm lưu hành 40 năm Bệnh nhân 63 tuổi ở Hà Nội bị đái tháo đường 3 năm, không điều trị theo chỉ định của bác sĩ mà uống viên tiểu đường hoàn. Người phụ nữ được đưa đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu ngày 15/2, trong tình trạng toan chuyển hóa nặng, suy đa tạng nghi do ngộ độc phenformin - một loại thuốc đã bị...