Cẩn trọng với gà vịt dịp Tết để phòng cúm H5N1
Cúm A ( H5N1) trở lại sau 9 tháng không ghi nhận ca bệnh trên người. Dịp Tết, việc tiêu thụ gia cầm, thủy cầm tăng cao, người dân cần lưu ý vấn đề phòng bệnh.
Thông báo chiều 20/1 của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, người đàn ông 52 tuổi ở xã Bình Minh, huyện Bù Đăng (Bình Phước) vừa tử vong do nhiễm cúm A (H5N1). Đây là ca nhiễm đầu tiên trong năm, sau 9 tháng không ghi nhận ca bệnh trên người.
Cần thận trọng khi tiếp xúc với gia cầm để phòng ngừa cúm A (H5N1) đang có dấu hiệu quay lại. Ảnh:avma
Bác sĩ Nguyễn Thành Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho biết, sau ca tử vong vừa được ghi nhận, bệnh viện đã kiểm tra lại một lần nữa và tăng cường chặt chẽ hơn công tác phòng chống dịch, khu vực cách ly, chống nhiễm khuẩn, dụng cụ bảo hộ…
Theo bác sĩ Dũng, bệnh cúm A (H5N1) hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và văcxin phòng bệnh. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính đặc biệt nguy hiểm do virus cúm tuýp A, chủng H5N1 gây ra, dễ dẫn đến tử vong. Virus cúm gây bệnh có nhiều trong chất bài tiết như dịch mũi, họng, phân gia cầm bệnh. Người tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bệnh hoặc đồ dùng, dụng cụ chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ bị nhiễm phân, chất tiết của gia cầm bệnh sẽ dễ mắc bệnh.
Những người có yếu tố nguy cơ cao là người ở trong vùng dịch cúm gia cầm trong vòng 2 tuần, tiếp xúc gần với gia cầm bị bệnh (nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ, chế biến, ăn thịt gia cầm bị bệnh, ăn tiết canh…); tiếp xúc gần gũi với người bệnh đang nghi ngờ hoặc đã xác định mắc cúm A (H5N1).
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay tình trạng giết mổ gia cầm tại các chợ rất mất vệ sinh, và điều đó làm tăng nguy cơ lây nhiễm cúm A từ gia cầm sang người. “Hôm 20/1, chúng tôi đi kiểm tra ở chợ Đồng Đăng (Lạng Sơn) thì thấy đã hạn chế được việc nhập khẩu gia cầm qua biên giới nhưng vấn đề vệ sinh rất kém. Hàng gia cầm bán sát hàng quần áo, giết mổ tại chợ… Như vậy, nếu có dịch bùng phát việc lây nhiễm sẽ khó tránh”, ông Phu cho biết.
Theo ông, ngoài cúm A (H5N1), thì cúm A (H7N9) hiện cũng tiến sát vào Việt Nam, nguy cơ xâm nhập là rất lớn. Cúm A (H7N9) cũng lây từ gia cầm sang người. Hiện nay một số tỉnh của Trung Quốc dịch cúm này đang bùng phát trở lại, trong đó có Quảng Đông – nơi có lượng người qua lại Việt Nam rất lớn. Ngoài ra lượng học sinh, sinh viên Việt Nam học tại Trung Quốc về nước ăn Tết cũng có nguy cơ mang mầm bệnh về theo.
Video đang HOT
Theo ông Trần Đắc Phu, để phòng ngừa bệnh cúm lây nhiễm từ gia cầm, những hộ chăn nuôi gia cầm lớn cần nghiêm chỉnh thực hiện bảo hộ lao động, vệ sinh chuồng trại. Người dân phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giết mổ gia cầm cần đeo khẩu trang. Phải sử dụng gia cầm có nguồn gốc, cần ăn chín uống sôi… Không tiếp xúc với gia cầm ốm, bệnh, không ăn gia cầm bị bệnh.
Một số biểu hiện của cúm A H5N1:
- Sốt trên 38 độ C.
- Các triệu chứng về hô hấp như ho khan hoặc có đờm, tức ngực, thở nhanh, tím tái…, có thể có ran khi nghe phổi. Diễn biến nhanh chóng tới suy hô hấp.
- Triệu chứng tuần hoàn: nhịp tim nhanh, huyết áp hạ, sốc.
- Một số các triệu chứng khác như: đau đầu, đau cơ, tiêu chảy, suy đa tạng.
Thời điểm giáp Tết hiện nay, việc tiêu thụ gia cầm, thủy cầm tăng cao nên người dân cần lưu ý trong vấn đề phòng bệnh. Thêm nữa, với thời tiết lạnh như hiện nay, các bệnh hô hấp, bệnh cúm thường lây lan rất nhanh, cần có ý thức phòng ngừa.
Một số khuyến cáo phòng ngừa bệnh:
- Không buôn bán, vận chuyển, giết mổ, sử dụng thịt và các sản phẩm của gia cầm, thủy cầm ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc.
- Khi phát hiện gia cầm, thủy cầm ốm, chết phải thông báo ngay cho cán bộ thú y, y tế, chính quyền địa phương.
- Không được vứt xác gia cầm, thủy cầm bừa bãi hoặc vứt ra đồng ruộng, ao hồ, sông suối.
- Không ăn tiết canh, thịt, trứng gia cầm, thủy cầm chưa nấu chín kỹ.
- Khi tiếp xúc, giết mổ gia cầm, thủy cầm phải đeo găng tay, khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng.
- Khi có biểu hiện sốt cao, ho, khó thở, đau ngực phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Theo VNE
Người bệnh trĩ nên lưu ý chế độ dinh dưỡng dịp Tết
Ăn uống là nhân tố quan trọng trong việc phòng ngừa, giảm triệu chứng và nguy cơ tái phát của bệnh trĩ. Ngày thường, người bệnh phải chú ý đến chế độ ăn, dịp vui Tết càng không thể lơ là.
Bệnh trĩ là bệnh rất phổ biến, không trừ một ai, lứa tuổi nào cũng có thể mắc bệnh. Bệnh tạo thành do việc dãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ (hay sự phình tĩnh mạch) ở mô xung quanh hậu môn. Bệnh đến từ nhiều nguyên nhân như: táo bón lâu ngay, ngồi hoặc đứng trong thời gian dài; béo phì; mang vác nặng; mang thai và sinh con; tiêu chảy và đột ngột đại tiện phân lỏng. Ngoài ra, chế độ ăn uống không hợp lý (ăn quá ít chất xơ, rau xanh, ăn nhiều gia vị cay nóng, ít uống nước, uống quá nhiều bia rượu...) và chế độ sinh hoạt không điều độ (căng thẳng quá mức, không tập luyện thể dục thể thao...) cũng gây nên bệnh trĩ.
Các dấu hiệu để nhận biết bệnh: đi đại tiện đau, ra máu. Lúc đầu chảy máu ít, lâu hơn, cứ mỗi lần đai tiện hay ngồi xổm máu lại chảy, có khi rất nhiều. Búi trĩ thập thò ra ngoài vùng hậu môn, sau khi đi đại tiện thì tự tụt vào. Càng lâu ngày, khối này to lên dần và không tự tụt vào mà phải dùng tay nhét. Cuối cùng, khối sa này thường xuyên nằm ngoài hậu môn. Ngoài ra, người bị bệnh trĩ có thể kèm theo các triệu chứng như mùi hôi, ngứa quanh lỗ hậu môn. Tuy không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng trĩ gây ra một nỗi khó chịu cho người bệnh.
Chế độ ăn uống, thực phẩm là một trong những yếu tố quan trọng đối với người mắc bệnh trĩ, đặc biệt là trong dịp Tết. Những ngày này, lượng thực phẩm, bia rượu, đồ ăn cay, thường được nạp vào cơ thể nhiều hơn ngày thường nhưng mọi người lại ít vận động hơn.
Do đó, người bị bệnh trĩ nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả chứa chất xơ, có tính mát, có tác dụng chống táo bón như rau diếp cá, mồng tơi, rau má, đậu bắp, mướp hương, bí đỏ, rau lang, khoai lang, bơ, chuối, thanh long, cam, quýt, dưa hấu, quả nho đỏ và đen; ăn thức ăn dạng luộc chín, nấu canh, hấp, tránh dạng chiên xào nhiều dầu mỡ. Bạn cũng cần tăng cường các thức ăn có tác dụng nhuận tràng, tiêu hóa tốt, giảm đại tiện ra máu, làm mát cơ thể như: đậu đỏ (nên nấu chung với gạo); mè đen; ruột già của lợn, dê; quả óc chó; măng; mật ong; ăn ngũ cốc nguyên hạt vì nó có chứa tất cả các phần dinh dưỡng của hạt, cung cấp nhiều chất xơ, protein và các vi chất dinh dưỡng hơn so với ngũ cốc tinh chế.
Ngoài ra, sữa chua cung cấp thêm các phế phẩm sinh học mang lại lợi ích cho tiêu hóa, tốt cho bệnh trĩ. Các lợi khuẩn trong sữa chua giúp bộ máy tiêu hóa của bạn tốt hơn và tăng khả năng miễn dịch của cơ thể. Các chế phẩm sinh học trong sữa chua cũng có thể giúp ngăn ngừa và điều trị bệnh trĩ.
Đồng thời, người bệnh nên uống nhiều chất lỏng, uống nước hoặc chất lỏng khác thêm mỗi ngày. Chất lỏng có thể có nguồn gốc từ sữa, nước, nước tinh khiết (nên uống ít nhất 8-10 cốc nước một ngày), trà thảo dược, nước dùng của món ăn. Các loại nước ép trái cây và nước ép rau quả chứa ít chất xơ hơn nhiều so với việc ăn các thực phẩm này.
Bên cạnh đó, người bị bệnh trĩ cũng cần vận động thường xuyên, đi bộ, bơi lội, tập thể dục thể thao hàng ngày để giữ cho cơ thể được khỏe mạnh, sảng khoái.
Những thực phẩm cần hạn chế sử dụng là gia vị cay nóng như ớt và hạt tiêu, gừng tươi (có tính nóng), mù tạt (có tính cay, ấm), thịt gà lôi (có rất nhiều chất béo); rượu, bia, nước uống có gas, đặc biệt là các loại rượu mạnh. Bạn cũng nên hạn chế hoặc bỏ hẳn thuốc lá; bớt lượng muối vì muối có thể gây kích ứng và làm cho hậu môn ngứa hơn. Lượng muối thường có trong các thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, dăm bông, thịt nguội...
Trong những ngày Tết, người bệnh cần tránh những căng thẳng không cần thiết. Thêm nữa, không nên nhịn đại tiện vì bất cứ lý do gì, đại tiện ngay khi có cảm giác muốn sẽ giúp giảm những cơn đau. Sau khi đại tiện, bệnh nhân chú ý vệ sinh hậu môn bằng nước sạch hoặc nước muối, không dùng giấy vệ sinh cọ xát gây trầy xước vùng da hậu môn và búi trĩ sa.
Theo VNE
Cẩn trọng với những vết ngứa ở bụng thai phụ Không được chữa trị kịp thời, một phụ nữ ở Anh mất đứa con đầu lòng vì bị ngứa trầm trọng trong những tháng cuối thai kỳ. Khi mang thai em bé đến tuần thứ 35, Magdalen Rees (35 tuổi, ở Winchester, Anh) tự dưng bị ngứa khá nhiều ở vùng bụng. "Những vết ngứa dường như ở sâu dưới da của tôi....