Cẩn trọng với bệnh lý vàng da ở trẻ sơ sinh
Vàng da là một hiện tượng nhiều trẻ sơ sinh gặp phải. Nếu là vàng da sinh lý, bé sẽ tự khỏi sau một thời gian ngắn, song có nhiều trường hợp vàng da biểu hiện bệnh lý của bé.
Chất bilirubin chính là nguyên nhân gây ra bệnh vàng da. Trong cơ thể con người, các tế bào máu mới luôn được hình thành và các tế bào cũ bị phá hủy. Bilirubin là chất nằm trong nhóm các tế bào cũ bị phá hủy. Bình thường, chất này qua gan và được đào thải ra ngoài. Tuy nhiên, với cơ thể non nớt của bé sơ sinh, gan hoạt động chưa tốt, điều này khiến chất này tích tụ trong cơ thể trẻ.
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên vàng da song chủ yếu là: vàng da sinh lý, vàng da do nhiễm khuẩn, vàng da do giang mai, vàng da do virus, vàng da tan máu do bất đồng yếu tố Rh, vàng da nhân, vàng da tan máu do bất đồng nhóm máu A, B, O, vàng da do tắc mật bẩm sinh.
Vàng da sinh lý
Đây là hiện tượng rất nhiều trẻ sơ sinh gặp phải, chứng này xuất hiện từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 3 sau khi bé ra đời và bình thường sẽ tự khỏi trong vòng 1 tuần đầu tiên. Biểu hiện của bệnh là da trẻ có màu vàng nhạt và không kèm theo bất kỳ một dấu hiệu nào khác. Vàng da sinh lý thường chỉ thoáng qua và tự khỏi, khác hoàn toàn với những trường hợp vàng da bệnh lý khác (được nêu dưới đây). Nếu như hiện tượng này là bình thường thì vàng da bệnh lý lại có thể khiến trẻ bị nhiễm độc thần kinh hoặc tử vong rất nhanh.
Nếu sau 3 tuần, da bé vẫn bị vàng thì chứng tỏ đây là bệnh lý chứ không phải do sinh lý. Cha mẹ nên theo dõi và đưa trẻ ngay tới bệnh viện để khám.
Vàng da là một hiện tượng nhiều trẻ sơ sinh gặp phải, thường là vàng da sinh lý, bé sẽ tự khỏi sau một thời gian ngắn, song có nhiều trường hợp vàng da biểu hiện bệnh lý của bé. (Ảnh minh họa: Chí Toàn)
Vàng da do bé bị nhiễm khuẩn
Đây là một dạng bệnh lý mà không ít trẻ gặp phải. Bé bị vàng da do sau khi sinh ra, da hoặc rốn của bé bị nhiễm khuẩn. Phần lớn là do sự chăm sóc không đúng cách của cha mẹ. Biểu hiện của bệnh xuất hiện có thể sớm mà cũng có thể muộn. Bé bị vàng da do nhiễm khuẩn thường vàng da kèm sốt, nước tiểu vàng, khóc chơi không nhiệt tình, ăn ít, nôn mửa tiêu chảy liên tục. Vì vậy, nếu bé gặp phải những triệu chứng trên, cha mẹ cần nhanh chóng đưa bé tới viện để điều trị, mẹ cần cho bé ăn càng nhiều càng tốt (đặc biệt là tăng cường bú mẹ).
Video đang HOT
Vàng da nhân
Bệnh nhi có các biểu hiện thần kinh như cứng hàm, cứng người, tím tái, vật vã, không chịu ăn, quấy khóc, hôn mê li bì, co giật, rối loạn thần kinh thực vật… Những trường hợp này thường nặng, dễ tử vong nếu không được theo dõi sớm, chẩn đoán kịp thời. Trẻ cần phải được điều trị tại các trung tâm nhi khoa chuyên sâu bằng nhiều phương pháp chăm sóc tích cực.
Vàng da nhân để lại di chứng thần kinh khá rõ nét. Nếu thấy trẻ có những biểu hiện nêu trên, cha mẹ cần đưa bé tới bệnh viện để khám trực tiếp để đánh giá mức độ phát triển về tâm thần, vận động, phản xạ, trương lực cơ, đo thính lực…
Vàng da do bệnh giang mai mẹ truyền sang con
Sau sinh, bé bị vàng da tuy nhẹ, nhạt màu song kéo dài, khi khám bé sẽ có biểu hiện gan to. Bệnh này cần được chẩn đoán kịp thời để phát hiện ra bé bị bệnh vàng da do bệnh giang mai lây từ người mẹ. Bệnh này rất nguy hiểm, tuy nhiên nếu được phát hiện kịp thời, bé sẽ được hạn chế khả năng bệnh nặng lên. Tốt hơn cả, người mẹ nên khám sức khỏe kỹ trước khi có em bé.
Vàng da do bất đồng nhóm máu
Thường gặp ở những trường hợp người mẹ mang nhóm máu O, trẻ nhóm A hoặc B. Đây là tình trạng tán huyết đồng miễn dịch gây nên khi có bất đồng nhóm máu ABO giữa bà mẹ và trẻ. Biểu hiện bệnh đó là trẻ bỏ bú hoặc bú kém, xuất hiện những cơn co giật lạ. Nếu được điều trị sớm, bé có khả năng tránh được tình huống nguy hiểm.
Vàng da do tắc mật bẩm sinh
Đây là một bệnh bẩm sinh chưa rõ nguyên nhân. Trẻ sinh ra bị teo đường mật nếu không điều trị hoặc điều trị không kịp thời thì biểu hiện bệnh sẽ nặng dần, gây xơ gan, tăng áp lực tĩnh mạch, dễ dẫn tới tử vong. Khi bị tắc mật, mật bị ứ lại và gây vàng da. Bệnh lý này có thể xảy ra trong thời kỳ phôi thai. Biểu hiện bệnh là: vàng da, mắt vàng, phân có màu xanh, vàng của mật ở những ngày đầu sau đẻ, nước tiểu màu vàng, gan to, cứng ở các mức độ khác nhau tùy thuộc vào độ nặng nhẹ của bệnh, các tĩnh mạch giãn nổi lên dưới da bụng, bụng chướng to. Cha mẹ nên để ý tới con và nếu có những triệu chứng trên cần đưa trẻ tới ngay bệnh viện để chẩn đoán, cần tiến hành xét nghiệm máu, phân, siêu âm.
Vàng da do virus viêm gan
Bệnh này là do bé bị lây từ người mẹ. Biểu hiện của bệnh là vàng da ít nhưng kéo dài, nước tiểu vàng đặc, gan to, phân bạc màu. Cha mẹ nên nhạy cảm và quan sát những biểu hiện bất thường của con để kịp thời đưa tới viện điều trị sớm. Vàng da do virus viêm gan gây ra nếu phát hiện sớm, có khả năng trị dứt bệnh.
Vàng da tan máu do bất đồng yếu tố Rh
Bệnh lý vàng da xảy ra khi người mẹ có yếu tố Rh (-), người bố có yếu tố Rh ( ), con sinh ra có yếu tố Rh ( ). Trong trường hợp này, khi người mẹ đang mang thai, một số hồng cầu của thai nhi Rh ( ) vào máu của mẹ Rh (-). Cơ thể người mẹ phản ứng lại bằng cách sinh ra những kháng thể chống Rh ( ). Các kháng thể này vào cơ thể của thai nhi và gây nên tan máu. Biểu hiện bệnh đó là trẻ ngoài bị vàng da còn bị thiếu máu, xuất huyết, gan to, lách to.
Trả lời về vấn đề vàng da ở trẻ sơ sinh, bác sĩ Lê Quang Lộc (bác sĩ Da liễu của Bệnh Viện Đa Khoa Xanh Pôn, Hà Nội) cho biết, khi phát hiện trẻ bị vàng da, cha mẹ nên báo cho nhân viên y tế và đưa trẻ đến bệnh viện khám trực tiếp. Bác sĩ sẽ khám và quyết định những trường hợp nào chỉ cần theo dõi, những trường hợp nào lại phải được điều trị. Nếu chỉ là vàng da sinh lý, bé chỉ cần theo dõi tại nhà, tắm nắng thường xuyên, cho bú mẹ nhiều. Tuy nhiên, nếu sau một thời gian mà hiện tượng này không hết thậm chí có biểu hiện lạ, trầm trọng hơn, cha mẹ cần đưa bé đến bệnh viện. Phòng còn hơn chữa, cha mẹ cần biết cách chăm sóc, vệ sinh em bé đúng cách để tránh trẻ bị vàng da do nhiễm trùng.
Theo VNE
ề phòng rối loạn tuần hoàn não
Rối loạn tuần hoàn não là bệnh lý mạch máu não, do nhiều nguyên nhân gây ra
Những bệnh mạn tính như rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, béo phì, nghiện rượu, nghiện thuốc lá, thuốc lào, áp lực công việc... là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh này.
Nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh
Ở người khỏe mạnh, lưu lượng tưới máu não là 55ml máu/100g não/phút. Nếu lưu lượng máu não thấp dưới 20ml/100g/phút thì não sẽ bị thiếu máu, khi đó gọi là rối loạn tuần hoàn não. Hoạt động tim mạch bảo đảm sự tưới máu đầy đủ cho não.
Những yếu tố dẫn đến rối loạn tuần hoàn não gồm các bệnh mạn tính như: tăng huyết áp, xơ cứng mạch não, tình trạng rối loạn mỡ máu, nồng độ đường tăng trong máu, các bệnh van tim, rối loạn nhịp tim, suy thận mạn... Bên cạnh đó, sự thay đổi về thời tiết, khí hậu, thời khắc sinh học... là những yếu tố nguy cơ dẫn đến rối loạn tuần hoàn não. Một số nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy, tai biến mạch máu não phát triển nhiều vào tháng 8, tháng 12 và tháng 1 ở đồng bằng sông Cửu Long.
Ở Hà Nội thấy tai biến mạch máu não xảy ra vào các tháng 2, 3, 10, 11 có liên quan đến mùa lạnh, gió mùa Đông Bắc. Nghiên cứu cũng cho biết, về thời sinh học, con người có 2 khoảng thời gian dễ gặp rủi ro về tuần hoàn não nhất là vào thời điểm từ 4 - 5 giờ sáng và 5 - 6 giờ chiều. Các yếu tố như thói quen, tập quán sinh hoạt, trình độ văn hóa và bệnh tật ảnh hưởng nhiều đến tỷ lệ mắc bệnh. Trên thực tế có nhiều người không biết trị số huyết áp của mình; số khác lại rất thờ ơ với các biểu hiện đau đầu, mỏi chi... nên không biết cách để phòng tránh rối loạn tuần hoàn não. Người uống nhiều rượu, bia, nghiện thuốc lá, thuốc lào là yếu tố nguy cơ gây rối loạn tuần hoàn não. Những người thừa cân, béo phì, ít vận động dễ bị tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch... cũng tác động xấu đến rối loạn tuần hoàn não. Những người bị căng thẳng, stress cũng dễ mắc bệnh.
Sơ đồ tổn thương rối loạn tuần hoàn não.
Biểu hiện của rối loạn tuần hoàn não
Người bị rối loạn tuần hoàn não hay gọi là thiểu năng tuần hoàn não, ở giai đoạn đầu có thể bù trừ, nếu không được phát hiện và điều trị, thời gian sau chuyển sang giai đoạn mất bù với cơn thiếu máu não thoáng qua. Các dấu hiệu của bệnh bao gồm: mỏi tay chân ở một bên người, có cảm giác tê bì, co giật ở chi, có khi đang nói chuyện người bệnh dừng lại không nói được, hay đột nhiên có người đi ngoài đường không nhớ đường về nhà... Khi đã có những rối loạn này mà không được điều trị sớm, bệnh sẽ tiến triển nặng hơn, nhất là người bệnh có sẵn các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, bệnh tiểu đường, tim mạch...
Trường hợp tai biến mạch máu não là biểu hiện của rối loạn tuần hoàn não cấp tính. Những triệu chứng của tai biến mạch máu não là: đau đầu dữ dội, hôn mê, nôn và buồn nôn, liệt chi, méo tiếng, mất tiếng, xuất huyết não ở các vị trí đặc biệt như chảy máu não thất, chảy máu tiểu não, nhồi máu não... bệnh nhân rất dễ tử vong.
Rối loạn tuần hoàn não mạn tính là tình trạng thiếu máu não mạn tính với các bệnh cảnh sa sút trí tuệ ở người già, đau đầu, chóng mặt... Rối loạn tuần hoàn não còn được phân loại theo vị trí tổn thương như ở vùng não bán cầu, vùng trán, vùng thái dương, vùng chẩm, vùng thân não, tiểu não... Trong các rối loạn tuần hoàn não, ít nhiều đều có phù não, gây ra các rối loạn về tâm lý, như người bệnh dễ nóng giận, buồn vui, hay quên, thậm chí không gọi tên được người thân ngồi trước mặt. Những rối loạn khác có thể gặp là rối loạn thần kinh thực vật như cảm giác nóng bừng bừng, toát mồ hôi, nghẹt thở, lạnh các đầu chi, nổi da gà, rối loạn kích thích, rối loạn đại tiểu tiện... Chẩn đoán bệnh phải dựa vào việc hỏi bệnh, thăm khám lâm sàng kết hợp với các xét nghiệm thăm dò chức năng thần kinh.
Việc điều trị chủ yếu nhằm tái lập sự cung cấp máu bình thường với đầy đủ ôxy cho não. Thầy thuốc tùy theo loại và mức độ rối loạn tuần hoàn não để chọn thuốc, liều dùng thích hợp để lập lại cân bằng não bị suy giảm. Hiện nay có rất nhiều thuốc có tác dụng tăng cường tuần hoàn não như tanakan, vinpocetin, piracetam, các thuốc Đông y là chế phẩm từ cây ginkgo biloba...
Lời khuyên của bác sĩ
Mọi người cần nhận thức rõ những yếu tố nguy cơ để phòng bệnh, kiểm soát đường máu, tránh các yếu tố gây stress. Đối với người cao tuổi và những người có sẵn nhiều nguy cơ nên khám sức khỏe thường xuyên, thận trọng với những giờ đỉnh của huyết áp nhất là vào buổi sáng.
Khi nghi ngờ bị thiểu năng tuần hoàn não: có đau đầu, chóng mặt, buồn nôn..., cần đi khám bệnh ngay. Hàng ngày cần có chế độ ăn uống hợp lý như ăn nhiều rau, quả, cá, hạn chế ăn thịt, không nên ăn mỡ động vật. Hạn chế đến mức tối đa uống rượu, bia. Nên bỏ thuốc lá hoặc thuốc lào. Tập thể dục đều đặn để ngăn ngừa một số bệnh như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, thừa cân vì các bệnh này gián tiếp làm xuất hiện bệnh thiểu năng tuần hoàn não. Khi đã được chẩn đoán bị thiểu năng tuần hoàn não, cần tuân theo những lời tư vấn của bác sĩ, nhất là chế độ ăn, tập luyện, dùng thuốc. Người cao tuổi không nên tắm nước lạnh, nhất là vào mùa lạnh, nên mặc ấm, nơi nằm ngủ tránh gió lùa. Mùa đông mỗi lúc thức dậy, cần cử động chân tay một lúc mới ngồi dậy, tránh lạnh đột ngột.
Theo VNE
5 cách hữu hiệu trị chứng đau nửa đầu Đau nửa đầu là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ. Theo các tạp chí y tế, nếu mắc chứng đau nửa đầu, bạn có thể dùng thuốc giảm đau, thuốc theo toa hoặc châm cứu. Nếu kết quả không như mong đợi, bạn có thể thực hiện theo 5 cách sau đây: Tiêm botox: Được biết đến như một loại thuốc chống...