Cần trên 42.000 tỷ đồng đầu tư đội tàu lớn khai thác hải sản xa bờ
Tăng quy mô đội tàu lớn để đánh bắt xa bờ là mục tiêu của ngành thủy sản nhằm đạt được mức khai thác trên 1,6 triệu tấn hải sản từ vùng biển Việt Nam.
Chiều 28.9, Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) đã tổ chức Hội nghị quy hoạch phát triển khai thác hải sản xa bờ toàn quốc đến năm 2020, định hướng 2030.
Ngành thủy sản có vị trí rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội nước ta. Trong những năm qua sản lượng thủy sản liên tục tăng, năm 2016 đạt 6,72 triệu tấn, tăng 2,5% so với năm 2015, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2016 đạt 7 tỷ USD.
Theo Tổng cục Thủy sản, nghề khai thác xa bờ phấn đấu công nghiệp hóa vào năm 2020, hiện đại hóa vào năm 2030, đến năm 2020 giữ ổn định sản lượng khai thác xa bờ cả nước khoảng 1.620.000 tấn, trong đó sản lượng cá nổi là 1.446.000 tấn, sản lượng cá đáy là 174.000 tấn. Đến năm 2020, tổng số tàu khai thác hải sản xa bờ của cả nước ở mức 32.760 chiếc (công suất trên 90 CV).
Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển khai thác xa bờ thời kỳ 2018-2030 dự kiến khoảng 42.209 tỷ đồng. Nguồn vốn này được huy động từ nhiều nguồn, ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, vốn của các thành phần kinh tế trong nước, vốn đầu tư và tài trợ từ nước ngoài.
Song song với việc đầu tư phát triển đội tàu cá công suất lớn nhằm phát triển khai thác hải sản xa bờ, Tổng cục Thủy sản nhấn mạnh việc xây dựng chế tài bắt buộc đối với ngư dân khai thác, doanh nghiệp thu mua, doanh nghiệp chế biến sản phẩm thủy sản trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm đảm bảo sản phẩm sạch có chất lượng cao, nguồn gốc rõ ràng.
Đẩy mạnh hợp tác nghề cá với các nước trong khu vực và trên thế giới như Bruney, Indonesia, Đông Timor, Myanmar, Philipin, Malaisia… để đưa tàu cá, thuyền viên Việt Nam đi khai thác hợp pháp tại vùng biển đặc quyền kinh tế của họ, đồng thời để ngăn chặn đánh bắt bất hợp pháp.
Theo Danviet
Video đang HOT
Sức sống mới tại các làng biển 1 năm sau sự cố Formosa
Sau những chuyến biển đầy ắp cá, dấu hiệu biển đang dần "hồi sinh", ngư dân các địa phương ven biển tỉnh Quảng Trị có thêm niềm tin để tích cực bám biển, bám ngư trường đánh bắt, hy vọng thu hoạch được nhiều hải sản, đảm bảo cuộc sống...
Hơn một năm sau ngày xảy ra sự cố xả thải của Công ty Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đối với vùng biển 4 tỉnh miền Trung, vượt qua những khó khăn trước mắt, ngư dân Quảng Trị vẫn kiên gan, tích cực duy trì hoạt động khai thác hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.
Bà con tích cực vươn khơi, khai thác hải sản
Đi dọc các làng biển Quảng Trị, chúng tôi dễ dàng bắt gặp cảnh các ngư dân tất bật chuẩn bị ngư, lưới cụ, tàu thuyền để ra khơi. Tại các cảng biển như Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh), Cửa Việt (huyện Gio Linh), các tàu trở về sau nhiều ngày khai thác hải sản trên biển. Đợi trên cầu cảng là các tiểu thương với các phương tiện ô tô, xe máy để sẵn sàng thu mua hải sản trên các tàu đưa đi tiêu thụ.
Trên khuôn mặt của người ngư dân hay thương lái tại cảng đều chất chứa niềm vui, bởi người dân đã có niềm tin và bắt đầu sử dụng hải sản trở lại, biển đã có dấu hiệu "hồi sinh".
Cảng biển Cửa Việt nhộn nhịp hoạt động mua bán hải sản
Khác với vẻ vắng lặng kéo dài vài tháng sau khi xảy ra sự cố môi trường, không khí nhộn nhịp tại các cảng biển hiện nay đã thực sự trở thành "luồng sinh khí mới" trong hoạt động đánh bắt hải sản, tín hiệu vui cho bà con ngư dân các địa phương. Đặc biệt, thời điểm này đang trong vụ cá Nam nên bà con ngư dân tích cực vươn khơi đánh bắt, hy vọng thu về nhiều sản phẩm hải sản.
Ngư dân Phan Thanh Hùng (chủ tàu cá QB 92687 TS) cho biết: Đầu năm 2017 đến nay tàu của anh đi biển được 6 chuyến. Do ngư trường đánh bắt ở xa nên tàu đi lại dài ngày. Trung bình mỗi chuyến đi, tàu anh lãi được 100 triệu đồng. Riêng đợt đi biển lần này được 3 tấn cá, mực vừa đánh bắt vào cập cảng đã được tiêu thụ hết. Lãi từ chuyến đi biển cũng được hơn 100 triệu đồng.
"Thấy biển hồi sinh trở lại người dân chúng tôi mừng lắm, hy vọng tình hình này ổn định kéo dài để bà con làm ăn, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, mong rằng Nhà nước tiếp tục hỗ trợ cho bà con vay vốn, để trang bị thêm ngư lưới cụ cũng như tàu lớn để vươn khơi, bám biển", anh Hùng chia sẻ.
Các tiểu thương thu mua hải sản từ các tàu để đưa đi phân phối
Toàn tỉnh Quảng Trị có khoảng 2.300 chiếc tàu đánh cá, sản lượng khai thác hàng năm đạt từ 23.000- 25.000 tấn thủy, hải sản. Đến nay, hoạt động sản xuất trên biển ngày càng có hiệu quả, toàn tỉnh thành lập được 111 tổ khai thác hải sản, với hơn 500 tàu thuyền, chủ yếu hoạt động tại các vùng biển xa bờ. Sự hiện diện thường xuyên của hàng ngàn tàu, thuyền và bà con ngư dân trực tiếp khai thác hải sản trên biển là những "cột mốc sống" góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Từ đầu năm 2017 đến nay, ngư dân tỉnh Quảng Trị liên tục gặp những mẻ cá lớn đã mang lại niềm vui và tín hiệu tích cực.
Mới đây, vào giữa tháng 3, tàu của anh Lê Văn Tuấn, ở xã Gio Việt tham gia đánh bắt cách đảo Cồn Cỏ gần 10 hải lý đã trúng đậm mẻ cá bè vàng hơn 150 tấn, trị giá 6 tỷ đồng; hay những chuyến đi biển thành công với mỗi chuyến thu lại vài trăm triệu đồng...
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, hoạt động buôn bán hải sản thời gian gần đây đã bình ổn trở lại. Hiện nay, giá cả các loại cá bắt đầu tăng nhẹ như: Mực nhỏ 35.000 đồng, mực lớn 200.000-220.000 đồng; cá hố loại nhỏ 30.000 đồng, cá hố loại lớn 80.000 đồng; cá nục chuối 20.000-25.000 đồng; cá sòng 25.000 đồng; cá ngừ 45.000 đồng... Mặc dù giá cả vẫn thấp so với trước khi xảy ra thảm họa môi trường biển, nhưng việc người dân bắt đầu sử dụng hải sản trở lại đã mang lại tín hiệu vui cho những người ngư dân cũng như thương lái và dịch vụ hậu cần nghề cá.
Du lịch, kinh doanh dịch vụ biển trên đà phục hồi
Hoạt động du lịch biển đã gặp nhiều khó khăn sau sự cố môi trường, các nhà hàng, khách sạn ven biển, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống sau thời gian vắng khách đang có dấu hiệu hồi phục trở lại. Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở VH-TT&DL xây dựng đề án "Khôi phục du lịch biển sau sự cố môi trường", nhằm nhanh chóng khôi phục lại hoạt động du lịch, dịch vụ ven biển.
Du khách bắt đầu về lại bãi biển Cửa Việt
Trở về bãi biển Cửa Việt, Gio Hải, Cửa Tùng những ngày này, chúng tôi nhận thấy đã có nhiều người dân và du khách các nơi về đây tắm biển và nghỉ mát, thưởng thức ẩm thực biển. Trung bình mỗi ngày có hàng trăm lượt khách trở về các bãi biển để nghỉ mát.
Các nhà hàng kinh doanh phục hồi hoạt động sau thời gian dài vắng khách. Điều này cho thấy niềm tin của người dân đối với các sản phẩm hải sản đã dần trở lại.
Người dân bắt đầu có niềm tin sử dụng các sản phẩm hải sản
Tại lễ ra quân khai thác vụ cá nam cuối tháng 3, ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã kêu gọi bà con ngư dân tiếp tục vươn khơi đánh bắt hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ông Chính khẳng định, vùng biển đến nay đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Bước vào vụ cá Nam, mong bà con ngư dân đoàn kết, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ lẫn nhau, chuẩn bị ngư lưới cụ, tàu thuyền một cách tốt nhất để ra khơi đánh bắt hải sản. Hy vọng vụ cá Nam sẽ dành được nhiều thắng lợi. Tỉnh đã chỉ đạo để hỗ trợ tối đa cho các hộ vay vốn để đóng mới tàu thuyền, bám biển, bám ngư trường.
Lời khẳng định đầy quyết tâm của vị lãnh đạo đầu tỉnh Quảng Trị, cùng với những tín hiệu vui trong hoạt động khai thác hải sản và tình hình đời sống của bà con ngư dân ven biển đã dần ổn định cho thấy việc sản xuất đã dần phục hồi trở lại, các làng biển đã có nhiều khởi sắc hơn.
Đăng Đức
Theo Dantri
"Biển từ Bạch Long Vĩ đến Phú Quốc đều không còn cá" "Trước đây biển rất nhiều cá, còn bây giờ từ Bạch Long Vĩ đến Phú Quốc đều không còn cá nữa. Vì thế ngư dân phải đi đánh cá ở bên ngoài rất nhiều, bị bắt cũng rất nhiều" - Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Phạm Ngọc Minh nêu nhận xét sau 30 năm đi biển... Dự...