“Cần thủ” rủ nhau lao xuống biển Thừa Thiên Huế săn cá bơi sát bờ
Dù biển lặng hay mùa biển động thì câu cá ven bờ vẫn là “cuộc mưu sinh thầm lặng” đối với nhiều ngư dân vùng biển.
Cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông Huỳnh Hai ở xã Hải Dương (TX Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) không còn theo con cháu ra khơi đánh bắt hải sản. Nghề “theo đuôi con cá” thấm vào máu thịt ông từ thời còn thanh xuân nên khi “giã từ”, ông cảm thấy bùi ngùi.
“Nghề chỉ có lời”
Từ 4-5 giờ sáng mỗi ngày, ông Hai thường ra bãi biển tập thể dục, tận hưởng không khí trong lành từ biển. Những lúc như thế, ông thường hoài niệm về nghề truyền thống cha ông và có cơ hội dõi theo lứa con cháu trong làng xuôi mái chèo đánh bắt cá tôm vùng lộng, hay bắt đầu cuộc hành trình vươn khơi bám biển.
Mỗi kg cá dói tươi có giá 150 ngàn đồng.
Cứ mỗi lần chứng kiến thuyền vươn khơi, hay trở về bờ, ông Hai lại nhớ da diết cái nghề từng gắn bó một thời vì cuộc sống mưu sinh, nuôi con ăn học. “Cái sự nhớ” đó đã thôi thúc ông tìm mọi cách trở lại với nghề biển phù hợp sức khỏe tuổi già. Vậy là, nghề câu cá ven bờ “vô tình bén duyên”, không chỉ giúp ông đỡ nhớ biển mà còn thư giãn, kiếm tiền tiêu hằng ngày.
Ngày ngày, từ lúc ánh mặt trời tỏ rạng, ông Hai bắt đầu lội biển câu cá dói (còn gọi cá xương xanh). Ông Hai cho rằng, vùng biển gần bờ ở Hải Dương có nhiều loài cá như ong, đối, kình, nục, đục…
Cá dói còn được nhiều người dân vùng biển ưa chuộng vì thịt thơm ngon, ít xương nên bán được giá. Trừ những ngày biển động, hầu như ngày nào các “cần thủ” cũng có thể kiếm được một vài kg, những ngày “trúng đậm” 4-5 kg. Giá thị trường hiện nay mỗi kg cá dói tươi chừng 150 ngàn đồng, cá phơi khô 350-400 ngàn đồng. Lớp trẻ hay những người cao tuổi như ông Hai đều có thể câu cá ven bờ, mỗi ngày kiếm được vài trăm ngàn đồng trở lên.
Không hẳn người dân Hải Dương chỉ toàn câu cá dói mà còn câu các loại cá ong, đối, kình, đục… Những khi biển mất mùa, hay đánh bắt trung bờ kém hiệu quả, nhiều ngư dân ở Hải Dương nói riêng, các vùng biển trên địa bàn tỉnh nói chung chuyển sang nghề câu cá ven bờ. Khác với cá dói, câu các loại cá ong, đối, kình, đục… phải kiên trì cả buổi, thậm chí cả ngày. Người câu cá có kinh nghiệm thường biết chọn những vùng nước, lúc nước lớn, nước ròng, lúc nào nhiều cá, thời điểm nào sẽ có các loại cá nào để móc các loại mồi, sử dụng loại câu phù hợp…
Thành quả.
Video đang HOT
“Nói nghề cho “oai” rứa thôi! Chứ câu cá ven bờ đơn giản lắm! Chỉ cần một cần câu bằng tre, hoặc cần nhân tạo dài chừng 4-5 mét, thêm một ít lưỡi câu, một ống câu, ròng rọc… Chi phí mua sắm bộ nghề câu cá ven bờ chỉ chừng 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng. Một bộ nghề có thể sử dụng vài năm mới thay. Chi phí cho mỗi chuyến đi câu cũng không đáng kể, tùy thuộc vào từng loại cá để chọn loại mồi thích hợp như mực, giun, thịt cá, thịt lợn… Thế nên, mỗi chuyến câu cá ven bờ chẳng ai lỗ cả mà chỉ có lời”, ông Huỳnh Thân (xã Hải Dương) cười tươi.
“Sóng to không lo đói”
“Biển giả” là câu cửa miệng của nhiều ngư dân vùng biển bởi biển thất thường, không phải lúc nào cũng lắm tôm nhiều cá. Có những lúc khoang đầy ắp cá, có lúc rong ruổi suốt ngày trên biển cũng chỉ mang về những con cá, con tôm còm cõi. Chưa kể những tháng ngày biển động, thuyền nằm bờ không có nguồn thu nhập trang trải đời sống, nuôi con ăn học luôn là nỗi ám ảnh đối với ngư dân.
Trong cuộc mưu sinh muôn vàn khó khăn khi suốt ngày “ngồi chơi xơi nước” vì biển động, ngư dân đã tìm kế mưu sinh bằng nghề câu cá ven bờ. Câu cá ven bờ mùa biển động có lẽ bắt đầu từ đó, tuy thu nhập không cao nhưng ngư dân có nguồn thu nhập trang trải đời sống trong những ngày nhàn rỗi, ít ra cũng có nguồn thực phẩm cho bữa ăn hằng ngày.
Ngư dân Hải Dương lội biển câu cá khi mặt trời vừa tỏ rạng.
Ông Trần Hòa ở thôn Hải Nhuận, xã Phong Hải (Phong Điền) được nhiều người dân địa phương “gán” cho cái danh “người đa năng”, bởi bất cứ việc gì có thu nhập chân chính ông đều có thể làm được, từ phụ hồ, bốc vác đến thợ xây, đánh bắt xa bờ… Tuy nhiên, theo ông Hòa nghề nào cũng thu nhập khá bấp bênh vì phụ thuộc vào thời tiết nên cuộc sống thiếu ổn định.
“Nghề thợ xây, phụ hồ, hay đánh cá… cũng đều phải tạm ngưng khi trời mưa gió, biển động. Có lẽ với tui cũng như nhiều ngư dân những lúc như thế chỉ còn nghề duy nhất là câu cá ven bờ để kiếm thu nhập trang trải đời sống hằng ngày. Nhiều người nhầm tưởng rằng chỉ những ngày trời yên biển lặng mới có cá, nhưng “sự nghĩ ấy” hoàn toàn ngược lại khi biển động, môi trường thay đổi thì nhiều loài cá bơi vào gần bờ trú ngụ, tìm kiếm thức ăn”, ông Hòa giải thích.
Mùa biển động thường nhiều loại hải sản vào bờ nên ở các vùng ven biển còn có nghề “chạy vét”, bủa cá buôi, cá hanh. Nghề này rất nguy hiểm đến tính mạng vì phải bơi ra xa cách bờ chừng 100 mét để thả lưới trong lúc sóng to, nước chảy mạnh, xoáy sâu. Một số vùng biển, như xã Phong Hải từng xảy ra vài vụ chết đuối khi làm nghề bủa cá buôi mùa biển động. Vì thế, câu cá ven bờ được xem là cứu cánh, an toàn và phù hợp với ngư dân mùa biển động.
Tuy thế, ngày biển động, sóng thường đánh mạnh, nước xoáy nên các lưỡi câu thường bị “búi” (rối), mất nhiều thời gian gỡ. Vì vậy, số lượt câu cá câu được chỉ bằng một nửa so với ngày trời yên biển lặng. Nhưng bù lại, hiệu quả kinh tế cao hơn vì có các loại cá có giá trị cao như cá ong, hanh, buôi, đối; trong khi mùa hè chủ yếu cá nục, đục, móm… Những “cần thủ” có kinh nghiệm, kiên trì như ông Hòa, mỗi ngày câu vài kg là chuyện thường.
Tại các vùng biển vào mùa biển động thường khan hiếm hải sản nên giá rất cao, mỗi ngày/chuyến câu có thể thu nhập 400-500 ngàn đồng. Có khi trúng vài con cá buôi 5-10kg/con có thể thu nhập từ 1 triệu đồng đến vài triệu đồng; tuy nhiên, câu trúng cá buôi cỡ lớn rất hiếm, có khi cả mùa biển động chỉ câu trúng một lần.
Theo PV (Báo Thừa Thiên Huế)
Muốn vận động tài trợ xã hội hóa, phải có kế hoạch được phê duyệt
Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế đề ra một loạt giải pháp chống lạm thu trong cơ sở giáo dục công lập.
Ngày 20/9, Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế cho biết, vừa phát thông báo hướng dẫn về việc: "thực hiện các khoản thu trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh".
Hình minh họa, nguồn: VTV.vn
Mục đích là nhằm tăng cường công tác quản lý thu, chi, chấm dứt tình trạng lạm thu dưới mọi hình thức trong các cơ sở giáo dục.
Hướng dẫn này quy định việc thu, chi các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn bao gồm: các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Theo đó, đối với các khoản thu, chi khác phải đảm bảo đảm có cơ sở pháp lý từ các quy định của cấp có thẩm quyền của Trung ương và của Ủy ban nhân nhân tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tuyệt đối không gợi ý, không lợi dụng danh nghĩa xã hội hóa để tổ chức thu các khoản đóng góp mang tính chất cào bằng;Các khoản đóng góp tự nguyện phải đảm bảo đúng tính chất tự nguyện của người dân, tổ chức tài trợ, đóng góp.
Không quy định mức tài trợ tối thiểu, không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp dưới bất cứ hình thức nào.
Đảm bảo nguyên tắc thu đủ, chi đủ, đúng mục đích, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, thu nhập dân cư trên từng địa bàn.
Mức thu phải được xây dựng trên dự toán chi phí hợp lý, đúng mục tiêu huy động đúng quy trình theo quy định hiện hành và phải được thỏa thuận bằng văn bản với cha mẹ học sinh, có sự thống nhất của Ban Giám hiệu nhà trường trước khi ban hành và triển khai thực hiện.
Văn bản của Sở cũng hướng dẫn cụ thể các khoản thu chi bắt buộc trong trường học như: thu học phí, bảo hiểm y tế...và các khoản thu nhà nước có quy định khung, mức thu nhưng không bắt buộc mà thu theo nhu cầu của cha mẹ học sinh như:
Thu học 2 buổi/ngày, thu hoạt động dịch vụ (phí trông giữ xe đạp, xe máy), thu dạy thêm học thêm trong trường học..
Việc phụ đạo cho những học sinh học lực yếu, kém, bồi dưỡng học sinh giỏi thuộc trách nhiệm của nhà trường, không thu tiền của học sinh.Trong đó lưu ý các trường trước khi triển khai thu tiền dạy thêm học thêm, nhà trường phải được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm học thêm.
Do vậy, khi lập kế hoạch dự toán ngân sách, các cơ sở giáo dục công lập căn cứ kết quả phân loại học tập của học sinh năm học trước hoặc khảo sát chất lượng đầu năm học để lập kế hoạch dạy thêm các môn học cho đối tượng được học theo quy định.
Đối với các khoản thu hộ - chi hộ trong nhà trường, đây là các khoản thu tự nguyện, có sự thỏa thuận với cha mẹ học sinh, phục vụ trực tiếp cho nhu cầu của học sinh, không mang tính chất dịch vụ mà phải bảo đảm nguyên tắc lấy thu đủ bù chi, không có chênh lệch.
Các cơ sở giáo dục phải họp và thống nhất bằng văn bản với cha mẹ học sinh, cha mẹ của các cháu mầm non, học sinh phổ thông tiền thu để phục vụ bán trú.
Tùy theo tình hình thực tế của đơn vị để thỏa thuận mức thu cho phù hợp và phải đảm bảo nguyên tắc kế thừa tài sản đã có, còn sử dụng được, tránh lãng phí.
Đối với các khoản tài trợ cho giáo dục thì việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ thực hiện theo quy định tại Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 3/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
"Không vận động tài trợ để chi trả: thù lao giảng dạy, các khoản chi liên quan trực tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên và nhân viên, các hoạt động an ninh, bảo vệ; thù lao trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; thù lao duy trì vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; các chi phí hỗ trợ công tác quản lý của cơ sở giáo dục".Trong đó, Sở cũng lưu ý, trước khi tổ chức vận động tài trợ, cơ sở giáo dục phải xây dựng kế hoạch vận động tài trợ báo cáo phòng giáo dục và đào tạo phê duyệt đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục cấp tiểu học, trung học cơ sở.
Các khoản thu khác như: bảo hiểm tai nạn là khoản thu mang tính chất tự nguyện, nhà trường không được bắt buộc cha mẹ học sinh mua dưới bất kỳ hình thức nào.
Đối với áo quần đồng phục, áo quần thể thao, áo thanh niên thì các cơ sở giáo dục phải thống nhất chủ trương và mẫu mã với cha mẹ học sinh để cha mẹ học sinh tự lựa chọn mua sắm.
Nhà trường không được thay đổi quy định mẫu mã đồng phục trong thời gian học sinh học 1 cấp học để thực hiện tiết kiệm, tránh lãng phí.
THÀNH TRUNG
Theo giaoduc.net
TT-Huế: Câu loài cá dói mỏm nhọn như kim, câu chơi thu tiền thật Cái tuổi "thất thập cổ lai hy", ông Huỳnh Hai ở xã Hải Dương (TX Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) không còn theo con cháu ra khơi đánh bắt hải sản. Nghề "theo đuôi con cá" thấm vào máu thịt ông từ thời còn thanh xuân nên khi "giã từ", ông cảm thấy bùi ngùi. Dù biển lặng hay mùa biển động...