Cần Thơ: Vườn cò bị tận diệt
Dọc quốc lộ 91 (quận Ô Môn và Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) những con cò xám, ốc cao, cồng cộc… được buộc lại thành chùm, treo lỉnh kỉnh trên xe gắn máy chào bán cho người đi đường.
Động tác chào hàng chỉ là cầm chùm chim cò vẫy, khách có nhu cầu cứ ghé vô. Cứ thế, nguy cơ tận diệt chim cò tại vườn cò Bằng Lăng (phường Thuận An, quận Thốt Nốt) đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ.
Ghé vườn cò Bằng Lăng mới tận mắt chứng kiến từng đàn cò lũ lượt bay về nơi trú ngụ. Bà Nguyễn Thị Hoa, chủ vườn cò Bằng Lăng cho biết, mỗi ngày khi chiều xuống là chúng tôi bắt đầu đón khách đến tham quan.
Khách tham quan ngắm từng đàn cò bay về tổ, nhảy múa trên những cành cây như một thú vui để trút đi những gánh nặng sau một ngày làm việc vất vả. Nhiều năm nay, vườn cò này không những là nơi hội tụ của những người yêu động vật hoang dã mà còn là nơi bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường…
Thế nhưng, nhiều năm nay, số lượng cò giảm đi do người dân vô tư săn bắt, gài bẫy, đe dọa đến nơi trú ngụ của cò.
Theo chân người nhà bà Hoa, chúng tôi đến khu vực bẫy cò tại phường Thuận An. Đây là cánh đồng trống, nằm kế bên vườn cò Bằng Lăng. Trên từng thửa ruộng, cách nhau khoảng 20m có khoảng 10 con cò, cồng cộc đứng thành nhóm. Cứ thế, hàng chục nhóm cò, cồng cộc đứng đầy trên các thửa ruộng, tạo nên cảnh sinh động của một cánh đồng.
Nhưng đến gần, chúng tôi không khỏi bất ngờ, vì đó là những con cò, cồng cộc bị buộc 1 chân bên một cành cây cắm sâu xuống đất, cạnh bên là các tấm lưới dài khoảng 10m dùng để bắt cò, cồng cộc…
Video đang HOT
Bẫy săn bắt chim, cò gần vườn cò Bằng Lăng
Theo anh Đệ, con rể bà Hoa, đó là những con cò, cồng cộc dùng làm cò mồi để dụ đàn cò, cồng cộc bay đáp xuống. Loài này có tính bầy đàn, chúng tưởng đồng loại đang bắt cá, ốc trên đồng nên đáp xuống. Khi ấy, người săn cò núp trong lều (dựng bằng cành, lá cây khô) giật dây và cò mắc lưới. Mỗi ngày, có khoảng vài chục con cò dính bẫy và bị đem bán dọc theo đường quốc lộ hoặc vào các quán nhậu…
Những con chim, cò được đem bán với đủ các loại giá, ốc cao từ 30.000 – 50.000 đồng/con, cò từ 30.000 – 40.000 đồng/con, tùy theo loại, con trống hoặc con mái thì có giá khác nhau. Còn gà nước, vít là loại quí hiếm nên giá cao hơn, từ 70.000 – 100.000 đồng/con.
Nếu khách có nhu cầu mua số lượng lớn chim cò thì người bán sẵn sàng cung cấp không hạn chế. “Đây là những loại chim, cò được bắt từ rừng, đồng trống về. Gà nước, ốc cao, cò… nếu rô-ti hoặc nấu cháo đậu xanh ăn rất ngon, có tác dụng làm mát gan… Nếu anh mua với số lượng lớn, tôi sẽ làm sạch cho anh”, một người bán chim, cò quảng cáo với chúng tôi.
Theo bà Hoa, hàng ngày gia đình bà phải mua cá vụn cho cò ăn, nuôi dưỡng những con cò bị thương do sụp bẫy, trồng cây cho cò làm tổ… Nhưng, những mảnh ruộng kế bên thì có người dùng lưới bẫy cò không thương tiếc. Ngoài ra, một số người dân còn dùng thuốc độc tẩm vào thức ăn, rải theo bờ ruộng để bắt cò. Cứ thế, đàn cò ngày càng bị tận diệt. Dù trình báo với chính quyền địa phương nhưng nạn bắt cò vẫn tiếp tục diễn ra.
Vườn cò Bằng Lăng là một sân chim nổi tiếng, khu du lịch sinh thái độc đáo ở TP.Cần Thơ, rộng 14.000 m2. Trước kia, nơi đây là ruộng lúa của gia đình ông Nguyễn Ngọc Thuyền (chồng bà Nguyễn Thị Hoa), được bao quanh bởi các hàng xoài, dừa, tre…Vào năm 1983, có vài trăm con cò về đây cư ngụ. Ông Thuyền không xua đuổi hay săn bắt mà tìm cách tạo điều kiện để cò tụ họp về đông đảo hơn. Đến nay, vườn cò Bằng Lăng có trên 300.000 con, với gần 20 chủng loại: cò quắm, cò ngà, cò cá, cò ruồi, cò ma, cò xanh, cò rằn, cò rán, cò lép, cò đúm, cò sen, cò nhạn…Tuy nhiên, nạn săn bắt diễn ra hàng ngày khiến nhiều loài ở đây cạn kiệt và có nguy cơ tiệt chủng.Theo 24h
Bắc Ninh: Nhức nhối nạn "hủy diệt" vườn cò rộng hàng chục nghìn m2
Trải rộng hàng chục nghìn m2 bao gồm mặt nước và tre, vườn cò Đông Xuyên (Yên Phong, Bắc Ninh) là nơi hàng vạn con cò, vạc làm tổ. Tuy nhiên, nạn săn bắn kiểu "hủy diệt" đang đe dọa vườn cò quý này.
Vườn cò Đông Xuyên tại xã Đông Tiến, huyện Yên Phong đã tồn tại từ hàng chục năm nay. Khi ấy, ở phía Tây làng đã có trại cò của gia đình cụ Ba Tý chừng 3.000m2. Khi thực dân Pháp tàn phá, người làng tản cư khắp nơi. Vườn không, nhà trống, lũ cò cũng chia đàn xẻ nghé, bay dạt về phía bên kia sông. Đến năm 1994, khi đình làng được xây dựng, đàn cò lại từ đâu bay về làm tổ trên các ngọn tre trước cửa đình. Lúc đầu có một vài tổ, sau dần ngày càng đông, có thời điểm lên tới hàng chục nghìn con. Bà con cũng đã trồng thêm tre làm nơi cho cò sống.
Vườn cò Đông Xuyên là nơi cư trú của hàng vạn con cò, vạc.
Trải qua năm tháng, nhờ được người dân và chính quyền địa phương một lòng chung tay bảo vệ và phát triển, vườn cò Đông Xuyên trải rộng hàng chục nghìn m2 bao gồm mặt nước và tre là nơi đàn chim làm tổ. Ước tính đến nay có khoảng 3 vạn cò với đủ chủng loại: cò trắng, cò trắng mỏ vàng chân đen, cò lửa, cò bợ, cò trắng mỏ vàng chân vàng... vạc trú ngụ, sinh sống tại đây.
Tuy nhiên, thời gian gần đây tại Vườn cò Đông Xuyên, nạn săn bắn, đặt bẫy cò, vạc tái xuất hiện, ảnh hưởng lớn đến số lượng đàn.
Chủ tịch UBND xã Đông Tiến Trương Đức Thiện cho biết: Đối tượng săn bắn trộm phần lớn đến từ các thôn, xã lân cận, sử dụng các loại súng hơi, đạn ghém, đạn chùm có tính hủy diệt cao, khả năng sát thương rất lớn. Bên cạnh đó, các đối tượng còn thuê ruộng của dân với giá cao để dựng hiện trường bẫy cò.
Ông Trương Đức Thiện - Chủ tịch UBND xã Đông Xuyên trăn trở về những biện pháp bảo vệ vườn cò khỏi nạn săn bắn.
Đồng đất quanh vườn cò là chân ruộng chiêm trũng, cấy không năng suất, nên khi các đối tượng săn bẫy trộm trả giá thuê 3 tạ thóc/sào/vụ, nhiều nông dân đồng ý ngay. Khi đàn cò vạc đi kiếm ăn về bay qua khu ruộng đặt bẫy, đối tượng săn dùng vạc mồi, cò mồi nhử cho cò, vạc sà xuống chân ruộng và mắc vào bẫy.
Bà Nguyễn Thị Vân, nhà sát ngay vườn cò bức xúc: "Suốt bao năm người dân chúng tôi tại đây đều ý thức phát huy hết khả năng vừa trông cá, vừa trông cò. Nay chứng kiến cảnh cò, vạc bị đối tượng xấu săn bắn, bẫy bừa bãi bằng mọi thủ đoạn tinh vi, lọc lõi, ai cũng cảm thấy vừa đau lòng vừa bức xúc".
Thời gian qua, chính quyền địa phương đã bắt giữ một đối tượng săn bắn cò và thu giữ 6 khẩu súng săn, bàn giao cho cơ quan công an xử lý.
Những gốc tre mới được trồng trong dự án nâng cấp, cải tạo vườn cò Đông Xuyên.
Trước đó, ngày 5/10/2011, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh tổ chức khởi công công trình cải tạo và nâng cấp vườn cò Đông Xuyên tại xã Đông Tiến, huyện Yên Phong, với tổng mức đầu tư hơn 3 tỷ đồng, từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường.
Công trình có quy mô đầu tư gồm đào đắp đất và mương dẫn điều hòa nước trong hồ; xây dựng tường kè các đảo tre, cọc mốc ranh giới vườn cò; đắp mới bờ lũy và trồng tre bổ sung. Thời gian thi công từ tháng 10/2011 đến hết năm 2012 do Công ty xây dựng Phúc Lộc, thị xã Từ Sơn, đảm nhận. Dự án nâng cấp vườn cò Đông Xuyên đến nay đã hoàn thành 90% công việc, dự kiến vào ngày 24/4 sẽ khánh thành và bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý.
Tuy nhiên, để bảo tồn và gìn giữ vườn cò có từ nhiều năm nay, ông Trương Đức Thiện, Chủ tịch UBND xã Đông Tiến trăn trở: UBND tỉnh, Sở Tài nguyên - Môi trường cần quy hoạch tổng thể cho rõ sau khi nâng cấp thì cấp nào quản lý và thành lập Ban quản lý dự án, thành lập tổ chuyên trách bảo vệ và có kinh phí cho tổ chuyên trách. Đề nghị các cấp, ngành phối hợp với chính quyền địa phương có kế hoạch bảo vệ ngăn chặn các đối tượng săn bắt.
Theo Dân Trí
Siêu bảo tàng: Đắt, rẻ, nên, không nên Nhìn ra thế giới có bao bảo tàng đồ sộ ngốn hàng chục tỷ đô mà người ta vẫn chịu chơi, chịu chi và thực tế họ đã thu lãi bộn cả tiền bạc cũng như tinh thần. 11.000 tỷ có là gì, khi một Vinashin, một Vinalines đã ném sông ném biển mấy lần như thế... Dư luận lại rộ lên chuyện...