Cần Thơ: Trồng xoài “ăn” 400-450 triệu/năm, lại không sợ đụng hàng
TP.Cần Thơ hiện có trên 2.710ha trồng xoài các loại thì riêng xã Thới Hưng (huyện Cờ Đỏ) đã chiếm đến 1.774ha, chiếm gần 70% tổng diện tích. Đáng chú ý, có rất nhiều nhà vườn trồng xoài thu được hiệu quả kinh tế cao.
Dễ trồng, dễ “ăn”
Lý giải về con số diện tích ấn tượng trên, bà Nguyễn Thị Thu Sương – cán bộ khuyến nông xã Thới Hưng cho biết: “Xoài cát Hòa Lộc tại xã có khoảng 800ha, số còn lại là xoài Đài Loan (xanh và đỏ).
Nếu như xoài cát Hòa Lộc có giá bán rất cao nhưng lại khó bảo quản, vận chuyển đi xa, thì xoài Đài Loan là loại trái cây có nhiều lợi thế như: Dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, dễ vận chuyển đi xa, trái to, màu sắc đẹp, vị thanh, nên thị trường tiêu thụ mạnh, kể cả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và một số nước lân cận”.
Người dân thu hoạch xoài ở Thới Hưng. Ảnh: Anh Thư
Trên con đường độc đạo xuyên qua các ấp, chúng tôi đã bắt gặp hàng chục điểm thu mua xoài các loại với không khí rất nhộn nhịp trên bến dưới thuyền; cạnh đó là nhiều đoàn xe tải nối đuôi nhau chờ nhận hàng để xuất bến. Dưới sông, ghe xuồng của người dân chất đầy xoài đang phăm phăm phi trên mặt nước hướng về các điểm thu mua.
Ông Văn Chiến Thắng – chủ một cơ sở thu mua xoài các loại tại ấp 8 cho biết: “Năm 2019 này bà con trồng xoài trúng mùa lẫn trúng giá nên chúng tôi phấn khởi lắm. Tui mua và bán lại cho thương lái để xuất qua Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia… Hiện nay, giá mua xoài cát Hòa Lộc tại vườn là 35.000 – 40.000 đồng/kg; xoài Đài Loan từ 13.000 – 15.000 đồng/kg; xoài Đài Loan đỏ từ 23.000 – 25.000 đồng/kg. Tất cả đều tăng từ 3.000 – 5.000 đồng/kg”.
Đi trên các tuyến đường liên ấp, chúng tôi tiếp tục bắt gặp hàng núi xoài vừa mới thu hoạch đang được người dân làm sạch lớp vỏ bên ngoài trước khi bán cho thương lái.
Video đang HOT
Anh Hồ Quang Nhớ, 30 tuổi (ngụ ấp 8 xã Thới Hưng) dù rất tất bật khẩn trương để kịp xuất hàng cho thương lái ở Hà Nội nhưng cũng tranh thủ trò chuyện cùng chúng tôi.
Anh kể: “Hồi trước tôi trồng cam, quýt, bưởi nhưng thu nhập không ổn định, đặc biệt đầu ra rất hên xui. Từ năm 2011, tôi quyết định chuyển sang trồng xoài 300 gốc xoài Đài Loan xanh và 220 gốc xoài Đài Loan đỏ. Từ năm 2014 đến nay, vườn cho thu hoạch và năm nào cũng lãi. Trung bình, sau khi trừ hết mọi chi phí, tôi lãi mỗi năm từ 400 – 450 triệu đồng tùy thời giá. So với một số trái cây khác thì trồng xoài ngon ăn hơn nhiều lắm, lại không lo chuyện đụng hàng dội chợ”.
Tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật
Xoài Thới Hưng đã được xuất khẩu đi nhiều nước. Ảnh: A.T
Nhiều nông dân trồng xoài ở Thới Hưng cho biết thêm: Trước đây xoài Đài Loan có giá cao, nhất là mùa Giáng sinh và Tết Nguyên đán, nhưng nay giá cả khá bình ổn nhờ người trồng biết áp dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật để cho trái quanh năm nhưng luôn đảm bảo sản lượng, vừa đạt chất lượng cao.
Trồng xoài các loại phải bao trái toàn bộ từ khi có trái đến khi thu hoạch nên rất tốn kém chi phí thuê mướn người bao trái, bình quân 200.000 đồng/người/ngày; bên cạnh đó, chi phí túi giấy bao trái phải tốn thêm từ 1.300 – 1.500 đồng/túi (mỗi túi có thể tái sử dụng từ 2 – 3 lần phụ thuộc thời tiết nắng, mưa) nhưng ngược lại, xoài có giá bán rất cao, nếu không bị sâu cắn phá thì sản lượng trái bán được sẽ đạt trên 95%.
Cùng với đó, người trồng cũng đang ngày càng quan tâm đến khâu xử lý đất, chọn giống tốt, bón phân, tưới nước và xử lý cho cây ra hoa đúng lúc, đúng cách. Theo bà con, khi hái trái xong cần cắt tỉa, bỏ bớt những cành già, cành sâu bệnh, cành khuất trong tán để cho cây thông thoáng, nhận đủ ánh sáng mặt trời từ mọi phía.
Cần nhất là tạo hình cho cây có tán tròn đều, cân đối, có được bộ khung vững chắc. Có như thế trái mới sai, đều, dễ bao trái và chất lượng bảo đảm. Cây càng lâu năm trái càng nhiều và chất lượng cao hơn; khả năng chống sâu bệnh rất tốt; dễ thích nghi với nhiều loại đất trồng; cây cho trái quanh năm; mỗi trái có trọng lượng bình quân từ 0,8 – 1,2kg.
Chị Nguyễn Thị Thu Sương cho hay: “Người trồng xoài ở Thới Hưng bây giờ nắm bắt rất tốt nhu cầu của thị trường; chủ động cho trái bất kỳ lúc nào; chất lượng trái luôn được khách hàng ưa chuộng. Đặc biệt là nhiều hộ đã sử dụng phân bón hữu cơ, chủ yếu là phân dơi; gà, vịt, heo, dê, cá… bón cho cây nên đã tạo uy tín rất lớn đối với thương lái về độ an toàn vệ sinh thực phẩm. Cạnh đó, khi buộc phải sử dụng phân vô cơ, họ cũng luôn thực hiện đúng quy trình hướng dẫn nên không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm”.
Theo Danviet
Độc đáo: Nuôi tôm càng xanh toàn đực trên ruộng, chưa ai bị thua lỗ
Đó là thông tin và đánh giá của nhiều đại biểu tại hội thảo tổng kết dự án "Xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất chuyển đổi năm 2016-2018". Hội thảo do Trung tâm Khuyến nông (TTKN) quốc gia tổ chức tại TP.Cần Thơ ngày 18.12.
Hàng trăm hộ dân nuôi có lợi nhuận cao
Theo TTKN Quốc gia, trong 2 năm qua (2016-2018), dự án đã triển khai được 15 mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên đất lúa, trong đó có 4 mô hình luân canh tại TP.Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang và 11 mô hình nuôi xen canh ở TP.Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Kiên Giang.
Người dân huyện Vĩnh Thạnh (TP.Cần Thơ) thu hoạch tôm càng xanh nuôi trên đất lúa. H.X
"Mỗi mô hình có 20ha, tổng các mô hình là 300ha với 233 hộ dân tham gia (tổng vốn đầu tư là 10,7 tỷ đồng). Những hộ tham gia sẽ được cán bộ khuyến nông, chuyên gia hướng dẫn về mặt kỹ thuật nuôi, được hỗ trợ tôm giống, lúa giống, thức ăn tôm và các loại vật tư có liên quan như: Chế phẩm sinh học, phân bón, vô,..." - ông Nguyễn Quang Hạnh - Chủ nhiệm dự án thông tin.
Theo ông Hạnh, với mô hình xen canh, hộ dân tham gia dự án thu lợi nhuận 73 triệu đồng trên vốn đầu tư 77 triệu đồng (tỷ suất lợi nhuận đạt 0,92%), trong khi đó các hộ không tham gia, tức là sản xuất theo cách truyền thống khi đầu tư 53 triệu chỉ thu lợi nhuận 35 triệu đồng (tỷ suất lợi nhuận đạt 0,65%).
Với mô hình luân canh, khi người dân đầu tư 163 triệu đồng cho 1ha, lợi nhuận đạt được 150 triệu đồng (đạt tỷ suất lợi nhuận 0,92%); còn nuôi theo dạng đại trà chỉ ở mức lợi nhuận 88 triệu đồng (tỷ suất lợi nhuận chỉ đạt 0,67%).
Theo nhiều đại biểu, trước đây, nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa đã triển khai tại nhiều địa phương ĐBSCL nhưng phần lớn việc áp dụng kỹ thuật trong quá trình nuôi ít được quan tâm và không phải ai cũng biết. Trong khi đó, việc nuôi tôm càng xanh toàn đực như trong dự án lại mang lại nhiều lợi nhuận, chưa có hộ nào bị thua lỗ. Ngoài lợi nhuận tôm đạt cao, mô hình còn giúp nâng cao lợi nhuận trồng lúa.
Đại diện TTKN tỉnh Bến Tre cho hay, sau 2 năm thực hiện dự án, năng suất tôm đạt từ 550-600kg/ha, sản lượng tăng khoảng 30% so với hộ ngoài dự án, còn năng suất lúa ước đạt đạt từ 4-4,5 tấn/ha, tăng khoảng 10% so với hộ ngoài dự án. Sở dĩ đạt thành công trên là do áp dụng đúng kỹ thuật, người dân bón phân cân đối, sử dụng thức ăn công nghiệp có độ đạm cao, có thay nước trong quá trình nuôi.
Cần thiết nhân rộng
Theo đại diện TTKN tỉnh Bến Tre, nuôi tôm càng xanh trên đất lúa bước đầu mang lại hiệu quả trên địa bàn tỉnh, nhất là giúp mở rộng thương hiệu lúa gạo sạch Thạnh Phú. Nguyên nhân là mô hình có tính khép kín, có tính hỗ trợ nhau (giữa con tôm và cây lúa) và phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu. Do đó, địa phương đang hướng đến việc nhân rộng.
Về dự án trên, ông Phạm Trường Yên - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ khẳng định là hướng đi mới, phù hợp với yêu cầu sản xuất và nhu cầu người tiêu dùng. "Dự án này đã giúp cho nhiều hộ dân tiếp cận được tiến bộ khoa kỹ thật mới, có điều kiện cải thiện cuộc sống. Tùy theo nhu cầu tiêu thụ mà ở mỗi địa phương đưa ra phương hướng sản xuất tôm càng xanh cụ thể" - ông Yên chia sẻ.
Ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc TTKN quốc gia nhận định: "Nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất chuyển đổi tốn ít thức ăn (tôm có thể ăn thức ăn tự nhiên), không ô nhiễm môi trường, phù hợp với hộ nông dân có kinh phí vừa phải, không có vốn đầu tư lớn. Mô hình này cũng tạo tư duy mới cho người dân tham gia, góp phần thay đổi nhận thức theo hướng mới, thích ứng với biến đổi khí hậu (tôm càng xanh có thể chịu độ mặn đến 15)".
"Hiện nay, cách nuôi tôm càng xanh trên đất lúa là một bước đột phá trong sản xuất, giúp tạo ra sản phẩm an toàn cho người sử dụng do trong quá trình nuôi cũng như sản xuất không sử dụng hóa chất độc hại. Do vậy, người tiêu dung có thể an tâm về chất lượng và đảm bảo về sức khỏe. Theo quy hoạch nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 của Bộ NNPTNT và Quyết định số 79 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch phát triển ngành tôm Việt Nam thì hình thức sản xuất này rất có tiềm năng để nhân rộng" - ông Tiêu nói thêm.
Theo Danviet
Kiện chị sui đòi tiền tổ chức đám cưới Sau khi con cái ly hôn, nhà trai kiện chị sui và con dâu đòi tiền tổ chức tiệc cưới và tiền quay phim, chụp ảnh, trang điểm cô dâu... Mới đây, TAND huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ đã xét xử sơ thẩm một vụ án ngộ nghĩnh liên quan đến chuyện tổ chức "hôn sự". Vụ án tuy có cái tên...