Cần Thơ: Siêu thị, chợ đều hết sạch rau, thịt trước giờ giãn cách xã hội
Trước thông tin cách ly xã hội 2 quận Ninh Kiều và Cái Răng từ 0h ngày mai (12/7), nhiều người dân đua nhau mua thực phẩm, dẫn đến tình trạng rau, thịt, mì khan hiếm cục bộ, giá tăng chóng mặt.
Các siêu thị và chợ ở Cần Thơ ngày hôm nay hết sạch rau thịt heo
Sáng sớm 11/7, nhiều gia đình ở trung tâm TP Cần Thơ đã dậy sớm đi đến các chợ và siêu thị, cửa hàng tiện lợi để mua thực phẩm.
Hầu hết mọi người đều mua lượng hàng nhiều bất thường, chủ yếu là các mặt hàng rau củ, thịt cá, mì ăn liền. Hậu quả của hành động mua gom thực phẩm có dấu hiệu để tích trữ trong cộng đồng đã dẫn đến thiếu hụt hàng cục bộ.
Ở các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi khu vực trung tâm thành phố Cần Thơ đều nằm trong tình trạng hết sạch hàng thực phẩm.
Người dân Cần Thơ đổ xô đi mua đồ trước giờ cách ly xã hội 2 quận trung tâm.
Anh Thanh Nghi- quản lý một cửa hàng tiện lợi ở trung tâm TP Cần Thơ cho biết từ sáng 11/7 thì lượng khách đông hơn bình thường và mọi người cũng mua nhiều hơn bình thường, dẫn đến chuỗi cửa hàng của anh không kịp điều phối hàng đến, nhiều tủ ướp lạnh thực phẩm phải tắt điện.
“Lượng tiêu thụ thực phẩm sáng nay gấp 5 lần bình thường, thực phẩm đều hết sạch chỉ trong một lát. Tuy nhiên giá chúng tôi vẫn bình ổn, hàng sẽ sớm được điều phối đến cửa hàng”, anh Thanh Nghi nói.
Khay chứa rau cũng hết sạch rau xanh, chỉ còn lại một vài mặt hàng như bầu bí, khoai, dứa (Ảnh: Nguyễn Cường).
Chị Trần Thị Ngọc Vui- nhân viên bán hàng một cửa hàng tiện lợi ở phường An Hòa (Ninh Kiều) cho biết, hằng ngày cửa hàng chị nhận khoảng 90kg thịt lợn để bán cả ngày. Tuy nhiên, hôm nay chỉ trong vài giờ buổi sáng đã hết sạch, rau củ cũng trong tình trạng tương tự.
Ở chợ An Thới (quận Bình Thủy), các sạp hàng bán thịt và bán rau cũng đã dọn hàng nghỉ từ rất sớm, chỉ còn những sạp bán quần áo, hàng tiêu dùng hoạt động. Khi được hỏi thăm, một tiểu thương đã đưa ra lời khuyên với PV Dân trí “đừng đi tìm rau với thịt, không tìm được đâu, ai cũng bán hết từ sáng sớm rồi”.
Tủ ướp lạnh thịt trong các siêu thị và cửa hàng tiện lợi trống trơn (Ảnh: Nguyễn Cường).
Trong các siêu thị và chuỗi cửa hàng thì giá thực phẩm không tăng, tuy nhiên ở các chợ truyền thống thì thực phẩm đã tăng giá chóng mặt. Một số mặt hàng tăng giá gấp 2- 3 lần so với ngày thướng. Cá biệt, có mặt hàng tăng giá rất cao nhưng cũng chẳng có để mua.
Chị Huỳnh Thị Uyên ở quận Ninh Kiều chia sẻ trong buồn bực: “Từ 6h sáng tôi đi ra chợ đã không mua được thịt, hết sạch rồi. Cà chua ngày thường 10 nghìn đồng một ký, hôm nay 10 nghìn đồng chỉ được vài quả, trứng tăng giá gấp đôi, rau thì không mua được”.
Ngày 11/7 hầu hết các siêu thị ở trung tâm TP Cần Thơ đều hết sạch rau và thực phẩm tươi sống.
Chị Nguyễn Thùy Dung ở quận Bình Thủy cũng cho biết: “Giá cả đắt hơn chợ tết, 25 nghìn đồng được 3 quả cà chua, 40 nghìn đồng một cái bắp cải bé xíu. Chưa khi nào tôi đi chợ mua rau ăn một ngày mà tốn gần 100 nghìn đồng như bây giờ”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Hà Vũ Sơn – Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ cho biết: Tình trạng khan hiếm và tăng giá hàng trên thị trường trong sáng 11/7 chỉ mang tính chất cục bộ, thực tế lượng hàng dự trữ của các đơn vị phân phối vẫn dồi dào, đủ để cung ứng cho nhu cầu của người dân.
Ở chợ truyền thống hàng thịt heo hết từ 7h sáng.
“Vì tâm lý của người dân lo lắng khi nghe đến giãn cách xã hội, ai cũng tập trung mua một vài mặt hàng duy nhất, trong cùng một thời điểm thì khó đáp ứng đủ, dẫn đến thiếu cục bộ. Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị bán lẻ, các siêu thị phân phối các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu mở cửa phục vụ cho đến khi hết khách đến mua mới thôi”, ông Sơn cho biết.
Cũng theo ông Sơn, về việc một số tiểu thương ở chợ tăng giá hàng hóa, chúng tôi đã nắm được, sắp tới Sở sẽ chỉ đạo thanh tra, quản lý thị trường đi kiểm tra, nhắc nhở, yêu cầu các tiểu thương, ban quản lý các chợ cam kết không tăng giá các mặt hàng thực phẩm và hàng thiết yếu, trường hợp cố tình trục lợi từ dịch bệnh sẽ bị xử lý nghiêm.
“Sắp tới Sở cũng sẽ cấp phép cho một số đơn vị bán lẻ hàng hóa thực phẩm và gạo mở điểm bán mới, nên người dân có thể yên tâm, hàng hóa không thiếu” – ông Sơn cho biết thêm.
Người dân TP HCM đi siêu thị theo ngày chẵn lẻ
Ba ngày nay, trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, người dân quận 3 được chính quyền phát phiếu đi siêu thị theo ngày chẵn lẻ.
7h ngày 11/7, tại siêu thị Co.op Mart trên đường Trường Sa, hàng chục người dân có phiếu mua sắm ngồi xếp hàng dài ở hành lang lối vào. Theo quản lý siêu thị, bất kỳ ai đến mua hàng cũng được nhưng người có phiếu sẽ được ưu tiên vào sớm hơn.
"Như hôm nay thì người có phiếu ngày chẵn ngồi hàng trong cùng, ở giữa cho ngày lẻ, còn các quận khác tới thì đứng chờ chỗ khác. Nếu khách mua vào đúng ngày ghi trong phiếu thì sẽ được vào trước", đại diện siêu thị cho biết.
Trên phiếu mua hàng có thông tin đại diện gia đình, số điện thoại, địa chỉ, tổ dân phố, phường và có dấu đỏ của Ủy ban Mặt trận tổ quốc phường. Phiếu ghi cụ thể ngày chẵn lẻ và chỉ có giá trị sử dụng trong vòng 15 ngày. Nửa tháng người dân được chính quyền phát phiếu một lần.
Bên ngoài sảnh siêu thị, nhiều người không có phiếu mua hàng cũng xếp hàng chờ đến lượt mua sắm. Người dân đều đeo khẩu trang và chấp hành các quy định phòng chống dịch như ghi sổ khai báo y tế, rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt...
Bảo vệ liên tục nhắc nhở mọi người giữ khoảng cách, chịu khó xếp hàng. Theo quy định của siêu thị, 20 phút sẽ cho một lượt khoảng 10 khách vào, trong đó ưu tiên người có phiếu mua hàng chẵn lẻ trước.
Lượng khách đi siêu thị ngày cuối tuần đông nên ai cũng phải chờ đợi lâu để được mua sắm. "Tôi có phiếu mua hàng mà còn phải đi từ sớm, đợi gần tiếng mà vẫn chưa đến lượt", bà Hiền nói.
Bên trong siêu thị, tối đa được 20 khách mua sắm. Trong đó, khu bán cá thịt và rau củ quả tươi sống thu hút khách.
Anh Hùng mang theo giấy ghi chép các mặt hàng cần mua, trong đơn giá hơn 2 triệu đồng. "Giờ cả tuần tôi mới đi chợ một lần nên phải ghi cụ thể món cần thiết không ra siêu thị lại quên. Ngoài ra, còn có cả đồ người khác gửi mua giùm nữa", anh cho biết.
Ngoài ra, siêu thị còn có dịch vụ đi chợ hộ cho những đơn hàng trực tuyến. Nhân viên tiếp thị liên tục đến các sạp lựa đồ theo hoá đơn cho khách đã đặt trước đó từ ba ngày.
Hầu hết xe đẩy hàng đều chất đầy rau trái, thịt cá và đồ khô - những mặt hàng thiết yếu trong thời gian giãn cách xã hội. Trung bình, một người mất hơn 30 phút cho việc mua sắm.
Các mặt hàng khá phong phú nhất là thực phẩm tươi sống thường xuyên được nhân viên cung cấp thêm khi hết hàng.
Sau khi tính tiền, nhiều người có lượng hàng lớn nên gọi shipper giao tận nhà. "Trước kia vô siêu thị chỉ mua trong giá tiền 200.000 đồng nhưng giờ phải tăng gấp 5 lần mà còn thấy thiếu", bà Hương nói, trong lúc đưa hàng cho shipper.
Đến 10h, vẫn còn rất đông người đứng chờ đến lượt vào siêu thị mua hàng.
Sở Công Thương TP HCM khẳng định, thành phố không thiếu hàng, thực phẩm dự trữ lên tới 120.000 tấn, tăng gấp ba thông thường. Ngoài ra UBND các tỉnh, thành phố cũng phối hợp với TP HCM thiết lập các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa thiết yếu để thay thế các chợ đầu mối bị đóng cửa. TP HCM được đề nghị tăng các điểm bán hàng thiết yếu, lưu động thay và sớm có biện pháp mở trở lại các chợ, siêu thị.
Cần Thơ giãn cách xã hội từ 0h ngày 12/7 Hai quận trung tâm của TP Cần Thơ sẽ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 còn các quận huyện khác sẽ giãn cách theo Chỉ thị 15. Chiều 11/7, trao đổi với VTC News, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, UBND thành phố vừa quyết đinh giãn cách xã hội toàn thành phố kể từ 0h,...