Cần Thơ phát triển du lịch nông nghiệp công nghệ cao
Du lịch nông nghiệp công nghệ cao khá mới mẻ, và Cần Thơ đang phát triển thêm loại hình du lịch này nhằm kéo dài chuyến đi của du khách.
Làng hoa cảnh Phó Thọ – Bà Bộ (quận Bình Thuỷ, TP.Cần Thơ). Ảnh: Th.Nh
Du lịch nông nghiệp công nghệ cao cho phép du khách tham quan và trải nghiệm các hoạt động nông nghiệp sản xuất theo công nghệ cao. Đây là sự kết hợp giữa sự trình diễn những công nghệ mới nhất trong công nghệ trồng trọt, chăn nuôi hiện đại và những hoạt động mang tính thông tin, truyền bá, hỗ trợ huấn luyện kỹ năng… mang đến cho du khách những trải nghiệm khác biệt ngoài việc thưởng thức phong cảnh đẹp, sản phẩm ngon, an toàn.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Tú Trinh, Khoa Kinh Tế, Trường Đại học Cần Thơ, với tiềm năng về nông nghiệp, các huyện phía Tây TP.Cần Thơ có thể phát triển được du lịch nông nghiệp công nghệ cao. Một số mô hình tiêu biểu có thể kể đến như: Làng hoa cảnh Phó Thọ – Bà Bộ (quận Bình Thuỷ); Câu lạc bộ Hoa cảnh Trường Trung B, Hợp tác xã Hoa cảnh Tân Long A (huyện Phong Điền); Mô hình trồng lan tại quận Cái Răng, Ô Môn và Bình Thuỷ…
Việc hình thành thêm loại hình du lịch này sẽ góp phần tạo nên sự đa dạng, thúc đẩy du lịch TP. Cần Thơ phát triển đồng đều hơn ở các quận huyện, cải thiện lịch trình cho du khách, góp phần phát triển du lịch thành phố, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tạo công ăn việc làm cho người dân.
Cũng theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Tú Trinh, có nhiều du khách lựa chọn tour Cần Thơ trong ngày vì họ cho rằng hiện tại, du lịch Cần Thơ còn khá đơn điệu. Tuy nhiên, với sự có mặt của loại hình du lịch mới mẻ này sẽ tạo nên sự hấp dẫn và thú vị trong chuyến đi của du khách đến với Cần Thơ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc phát triển du lịch nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp với chuỗi giá trị nông sản vùng ĐBSCL là một giải pháp toàn vẹn. Điều này nhằm gia tăng trải nghiệm cho du khách, nâng cao thu nhập cho nông dân và thúc đẩy đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn dựa trên thế mạnh về nông nghiệp của vùng. Tuy vậy, cần định hướng phát triển du lịch nông nghiệp theo định hướng du lịch bền vững và có trách nhiệm. Về điều này, ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết, hiện Cần Thơ đang xây dựng bộ tiêu chí du lịch bền vững với sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Chương trình Du lịch bền vững Thụy Sĩ (SSTP – Swiss Sustainable Tourism Programme). Chương trình do Cục Hợp tác kinh tế Liên bang Thụy Sĩ hỗ trợ cho Việt Nam với định hướng “tạo ra môi trường du lịch cạnh tranh hơn thông qua phát triển bền vững”.
Video đang HOT
Du lịch bền vững là cam kết mạnh mẽ của tất cả các bên liên quan trong du lịch, cả Nhà nước và tư nhân, để cân bằng lợi ích kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường của cộng đồng địa phương, khách du lịch và ngành du lịch. Ba trụ cột của du lịch bền vững bao gồm con người, trái đất và lợi ích. “Con người” mang nghĩa văn hóa và cộng đồng địa phương, “trái đất” là môi trường tự nhiên và “lợi ích” đề cập đến sự bền vững kinh tế.
Chương trình Du lịch bền vững Thụy Sĩ đã xây dựng bộ tiêu chí và chỉ số du lịch bền vững dựa trên sự lựa chọn các tiêu chí từ 25 hệ thống tiêu chí du lịch bền vững quốc tế. Trong số đó, chú trọng vào 11 chủ đề chính: Quản lý môi trường chung; quản lý sử dụng hiệu quả điện năng; quản lý sử dụng hiệu quả nước; quản lý nước thải; quản lý chất thải rắn; giảm ô nhiễm không khí và kiểm soát tiếng ồn; hỗ trợ cộng đồng địa phương; an toàn và an ninh; quản lý nguồn nhân lực; quản lý kinh doanh…
Trong thời gian tới, Cần Thơ sẽ triển khai bộ tiêu chí du lịch bền vững cho các nhóm chủ thể cụ thể như: doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ, homestay, khách sạn vừa và nhỏ, ecolodge, điểm du lịch dựa vào cộng đồng, điểm tham quan vừa và nhỏ… với các tiêu chí đánh giá, chấm điểm cụ thể, chi tiết, dễ hiểu.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Tú Trinh cho rằng, để phát triển du lịch nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi nguồn lực về tài lực, vật chất và nhân lực phải lớn, để vừa hoạt động sản xuất nông nghiệp vừa hoạt động phục vụ khách du lịch. Do vậy, nguồn lực là yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành công của mô hình.
Khai thác "kho báu" nơi biên giới
Một di sản xuyên biên giới, kết nối Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (Việt Nam) và Vườn Quốc gia Hin Nậm Nô (Lào) sẽ mở ra nhiều cơ hội trong bảo tồn di sản và phát triển du lịch hang động.
Hang Sơn Đoòng nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Ảnh: Oxalis
Phong Nha - Kẻ Bàng là bảo tàng tự nhiên khổng lồ chứa đứng những giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất, địa mạo, địa hình, sinh thái và đa dạng sinh học. Đặc biệt, hệ thống hang động Phong Nha - Kẻ Bàng như những thư viện lưu trữ các tài liệu quý về lịch sử và tiến trình vận động, phát triển của thế giới tự nhiên. Đến Phong Nha - Kẻ Bàng du khách sẽ có cơ hội khảo cứu và trải nghiệm những kỳ quan của tạo hoá.
Sơn Đoòng phát hiện năm 1991 và công bố năm 2009, được đánh giá là hang động lớn nhất thế giới, vượt qua Hang Deer của Malaysia.
Sơn Đoòng không chỉ nổi tiếng với động lớn nhất, mà chứa bên trong nó là những giá trị tiêu biểu, ít có hang động nào có được: Khu rừng nguyên sinh, ngọc động, hố sụt lớn, hóa thạch hay các loài động vật thân mềm, thủy sinh, dơi, hay là khối thạch nhũ khổng lồ được đặt tên là Đại bức tường Việt Nam (the Great wall of Viet Nam).
Tạp chí nổi tiếng Nationnal Geographic mô tả: "Có cả rừng trong hang, bãi cát trắng đủ lớn để chứa được một tòa nhà chọc trời tại NewYork". Năm 2014, Tạp chí The New York Times xếp Sơn Đoòng đứng thứ 8 trong "52 điểm du lịch hấp dẫn nhất hành tinh". Tạp chí khoa học Smithsonian bình chọn Sơn Đoòng là vị trí thứ nhất trong danh sách "25 địa điểm khách du lịch cần đến của Thế kỷ 21".
Chuyên trang du lịch Smarter Travel của Mỹ công bố Sơn Đoòng là một trong 27 kỳ quan thiên nhiên Châu Á. Trang Huffington Post xếp Sơn Đoòng đứng vị trí thứ 5 trong số "10 điểm đến trên thế giới du khách nên tham quan một lần trong đời". Đặc biệt, sách Kỷ lục thế giới Guinness đăng Sơn Đoòng là hang động lớn nhất.
Phía bên kia biên giới, Vườn quốc gia (VQG) Hin Nậm Nô thuộc huyện Bualapha (tỉnh Khăm Muộn, Lào) có tổng diện tích hơn 82.000ha. Với hệ sinh thái phong phú nằm trên núi đá vôi liên hoàn, đây là nơi cư trú của đa dạng các loài động thực vật, các loài động vật quý hiếm và nhiều hang động đẹp.
Du khách tham gia tour khám phá hang động tại Vườn quốc gia Hin Nậm Nô. Ảnh: BQB
Phong Nha - Kẻ Bàng và Hin Nậm Nô có vị trí liền kề nhau, tiếp giáp bởi hệ thống núi đá vôi trên tuyến biên giới của hai nước Việt - Lào. Theo ông Đinh Huy Trí, Phó Giám đốc Ban Quản lý VQG PN-KB, cả hai vườn quốc gia đều được xem là một trong những khu vực sinh thái có tầm quan trọng trong khu vực Đông Nam Á với khu vực karst rộng lớn có giá trị toàn cầu về đa dạng sinh học. Nơi đây là một khu hệ sinh thái hoàn chỉnh, có biên giới chung. Công tác quản lý, bảo vệ đa dạng sinh học của khu vực PN-KB và Hin Nậm Nô đều có liên quan đến nhau.
Một biên bản hợp tác đã được ký kết giữa hai đơn vị khai thác tour hang động lớn nhất của Việt Nam và Lào là Oxalis Adventure và Green Discovery Laos. Điều này được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh các hoạt động du lịch liên thông giữa hai bên, góp phần mang lại những trải nghiệm có chất lượng cao cho du khách ở cả hai bên biên giới nhưng vẫn bảo tồn được các giá trị thiên nhiên vốn sẵn.
Đồng thời, điều quan trọng là những hoạt động du lịch sẽ góp phần hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng địa phương, giảm áp lực cho các vườn quốc gia.
"Chúng tôi nhận thấy sự tương đồng giữa 2 công ty về định hướng và cách phát triển du lịch. Đặc biệt, tuy là cùng chung chí hướng làm du lịch mạo hiểm nhưng mỗi công ty lại có hướng đi độc đáo riêng. Do vậy, chúng tôi quyết định 2 đơn vị sẽ trở thành đối tác của nhau. Đặc biệt, nhân viên của 2 công ty có thể học hỏi lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển du lịch", ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Oxalis Adventure cho biết.
Chương trình hợp tác giữa hai đơn vị sẽ tập trung vào việc trao đổi các chương trình đào tạo về an toàn, bảo tồn, dịch vụ cho nhân viên, quản lý và cộng đồng địa phương; chia sẻ kinh nghiệm quản lý, xây dựng hệ thống và phát triển du lịch cộng đồng. Mục tiêu đặt ra của hai đơn vị là hợp tác phát triển các sản phẩm du lịch xuyên biên giới, từ đó tạo sinh kế bền vững cho người dân sống quanh khu vực biên giới tham gia vào các hoạt động du lịch.
Bãi trại hang Sáng. Ảnh: Oxalis
Một trong những bước đi đầu tiên trong sự hợp tác du lịch xuyên biên giới giữa hai công ty chính là áp dụng chính sách "xiều Oxalis" - giảm giá 10% cho các khách đã từng tham gia một tour bất kỳ của Green Discovery Laos khi đi tour của Oxalis Adventure. Ngược lại, những du khách đã từng đi tour của Oxalis Adventure cũng được giảm giá 10% khi tham gia tour của Green Discovery Laos.
Phát triển du lịch Long An - Bài cuối: Đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương Trong giai đoạn bình thường mới, ngành du lịch Long An đã nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động kết nối, liên kết vùng với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trên cả nước nhằm xúc tiến, quảng bá các sản phẩm du lịch mới của mình đến với đông đảo du khách, từ đó khôi phục ngành du lịch trở...