Cần Thơ chưa thật sự là hạt nhân, động lực phát triển cho vùng ĐBSCL
Đó là một trong những đúc kết sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị được đưa ra tại hội thảo “ Phát triển bền vững thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045″ diễn ra sáng nay (23/5).
Hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Thành ủy Cần Thơ tổ chức nhằm cung cấp thêm các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc tổng kết tổng kết Nghị quyết 45-NQ/TW, ngày 17/02/2005 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Ông Nguyễn Văn Bình – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 45-NQ/TW. Ảnh: Cảnh Kỳ
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Bình – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 45-NQ/TW cho biết, trong nghị quyết này có nhiều mục tiêu và cơ bản đã đạt được. “Nhưng có một mục tiêu rất quan trọng là đến năm 2020, tức là năm nay Cần Thơ cơ bản trở thành thành phố công nghiệp, rõ ràng mục tiêu này chúng ta không đạt được” – ông Bình nói và lưu ý, cần đánh giá trong 15 năm qua và tìm ra được lý do vì sao.
Cũng theo ông Bình, đã có hai lần sơ kết Nghị quyết 45, Bộ Chính trị cũng đã có kết luận số 17 năm 2012 và kết luận số 07 năm 2016, đã đưa ra những cơ chế gọi là đặc thù cho Cần Thơ, cần đánh giá xem những cơ chế đó đã đủ mạnh chưa, đã phù hợp với mục tiêu đặt ra hay chưa, để thời gian tới có cơ chế chính sách phù hợp hơn nữa.
Ông Trần Quốc Trung – Bí thư Thành ủy Cần Thơ thông tin, đến nay, nhiều mục tiêu, định hướng lớn của Nghị quyết 45 đã được triển khai thực hiện đạt kết quả quan trọng. Kinh tế thành phố tăng trưởng khá, giai đoạn 2006-2019 đạt bình quân 7,23%/năm, cao hơn mức trung bình cả nước; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 88,3 triệu đồng, tăng 7 lần so với năm 2005. Văn hóa xã hội đạt nhiều tiến bộ, từng bước khẳng định vai trò trung tâm vùng ĐBSCL ở một số lĩnh vực như giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, khoa học công nghệ; an sinh xã hội được đảm bảo…
Tuy nhiên, ông Trung cho biết, vẫn còn một số mặt chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Thành phố phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chất lượng thấp, đang là điểm nghẽn trong liên kết, phát triển vùng; nguồn lực đầu tư hạn chế; sản xuất nông nghiệp chưa theo hướng hiện đại… Cần Thơ chưa thật sự là hạt nhân, là trung tâm, là động lực phát triển, có sức lan tỏa mạnh mẽ của vùng ĐBSCL.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Cảnh Kỳ
Video đang HOT
Trình bày tham luận tại hội thảo, GS.TS. Võ Thanh Thu – Giảng viên cao cấp ĐH Kinh tế TP.HCM nêu ra hàng loạt những ưu thế và yếu điểm của Cần Thơ. Theo bà Thu, Cần Thơ là thành phố duy nhất ở ĐBSCL được công nhận là thành phố loại I trực thuộc trung ương.
Cơ sở hạ tầng của Cần Thơ vẫn tốt nhất trong các tỉnh ĐBSCL, đất các khu công nghiệp còn nhiều mà không cần nhiều tiền để đền bù giải tỏa, đây là điều kiện quan trọng để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào hoạt động. Cơ cấu kinh tế thành phố đang trong quá trình chuyển dịch tích cực theo hướng hiệu quả.
Đây cũng là nơi có những cơ sở đào tạo tốt nhất ĐBSCL, với trên 10 trường đại học và cao đẳng, trong đó có Đại học Cần Thơ là 1 trong 19 trường đại học trọng điểm của Việt Nam. Ngoài ra, còn có các viện nông nghiệp có uy tín. Có hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tốt trong vùng, có sự hỗ trợ của quốc tế, có thể làm “bà đỡ” đưa các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của vùng ĐBSCL đi vào cuộc sống.
Có đội ngũ lãnh đạo các cấp có tâm huyết, am hiểu về ĐBSCL, am hiểu thuận lợi khó khăn của thành phố trong quá trình thực hiện Nghị quyết 45, sẽ là cơ sở quan trọng đưa Cần Thơ trở thành trung tâm kinh tế – xã hội của vùng.
Tuy nhiên, để trở thành trung tâm của toàn vùng, Cần Thơ có những điểm yếu. Đó là tốc độ tăng trưởng chưa thật cao, mặc dù được đầu tư nhiều. Chưa có những doanh nghiệp (DN) đầu đàn, mang tính lan tỏa, có khả năng làm thay đổi cục diện kinh tế, gần 97% DN hoạt động trên địa bàn là DN vừa và nhỏ.
Môi trường kinh doanh chưa hấp dẫn so với các tỉnh khác ở vùng ĐBSCL, chỉ số PCI của Cần thơ đứng hạng 11 (nhóm khá), trong khi đó các tỉnh khác trong vùng như Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long nằm trong nhóm có môi trường cạnh tranh tốt và rất tốt; tình hình thành lập DN và thu hút vốn FDI của Cần Thơ chưa cao. Cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực phục vụ cho thúc đẩy cách mạng 4.0 trên địa bàn còn hạn chế.
Ngoài ra, Cần Thơ còn yếu kém về cơ sở hạ tầng, chất lượng đường bộ nối kết Cần Thơ với các tỉnh trong vùng còn thấp, đặc biệt Quốc lộ 1A thường xuyên quá tải. Hoạt động của sân bay Cần Thơ còn thấp về công suất và hiệu quả.
Hai cảng lớn của Cần Thơ công suất hoạt động thấp, kém hiệu quả vì luồng Định An bị phù sa lấp, kênh Quan Chánh Bố dù đã thông luồng nhưng hiện tại tàu đầy tải 10 ngàn tấn và tàu vơi tải 20 ngàn tấn vẫn chưa thể ra vào các cảng; nhiều nguy cơ cảng container duy nhất tại Cần Thơ phải đóng cửa sau gần 4 năm đi vào hoạt động.
Là thành phố trung tâm ở vùng nông nghiệp lớn nhất nước, nhưng sự phát triển các điển hình nông nghiệp công nghệ cao còn yếu, chưa có những mô hình mang tính điển hình để làm điểm chuyển giao cho các tỉnh khác ở ĐBSCL…
Là thành phố sông nước ở vị trí trung tâm ĐBSCL, Cần Thơ có lợi thế về phát triển du lịch sinh thái. Trong ảnh là bến Ninh Kiều. Ảnh: Cảnh Kỳ
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đặt vấn đề: “Thời gian tới, tôi đặt ra vấn đề cho các nhà khoa học và các đồng chí ở các ban, bộ, ngành, nói về phát triển Cần Thơ đến 2030, tầm nhìn 2045, nếu chỉ đóng khung ở trong đó thì tôi thấy là một nhiệm vụ khó, thậm chí chúng ta thường nói đùa với nhau là nhiệm vụ bất khả thi.”
Theo ông Bình, đúng ra là năm nay chúng ta phải tổng kết nghị quyết phát triển vùng ĐBSCL, phải xem cả vùng này định hướng như thế nào, khi đó chúng ta mới quy ra thành phố trung tâm của vùng nó phải ra làm sao để phù hợp cho cả vùng, việc chưa tổng kết cho cả vùng mà tổng kết cho Cần Thơ như vậy cũng có cái khó.
“Vì chúng ta phải thấy rằng Cần Thơ không thể nào tách rời khỏi vùng ĐBSCL, đấy là thế mạnh của Cần Thơ, chính vì vậy chúng ta mới gọi phát triển Cần Thơ thành đô thị trung tâm của cả vùng. Do vậy, quan điểm là phát triển Cần Thơ là phải gắn chặt với phát triển cả vùng ĐBSCL, như vậy nó mới thực sự trở thành trung tâm.” – ông Bình nhấn mạnh.
Phát triển bền vững thành phố Cần Thơ
Hôm nay, tại Hội trường Thành ủy, diễn ra hội thảo quan trọng "Phát triển bền vững TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Thành ủy Cần Thơ tổ chức, với sự tham gia của đông đảo chuyên gia, nhà khoa học ở các viện, trường, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, các doanh nhân...
Một góc đô thị trung tâm TP Cần Thơ nhìn từ trên cao. Ảnh: ANH KHOA
Hội thảo nhằm tạo diễn đàn để các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo thành phố, các doanh nhân... trao đổi, thảo luận về các quan điểm, cơ chế, chính sách và nguồn lực (tài chính, khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực...) cho phát triển bền vững TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, nhằm cung cấp thêm các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc tổng kết Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 17-2-2005, của Bộ Chính trị khóa IX, về "xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" và đề ra các phương hướng phát triển bền vững TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt ra mục tiêu xây dựng TP Cần Thơ trở thành "thành phố đồng bằng cấp quốc gia văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông; là trung tâm công nghiệp, trung tâm thương mại - dịch vụ, du lịch, trung tâm giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, trung tâm văn hóa và y tế, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; là địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh của vùng ĐBSCL và của cả nước".
Sau 15 năm nỗ lực thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương Đảng, Chính phủ, sự hỗ trợ giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương, sự ủng hộ của các địa phương, kinh tế - xã hội thành phố đạt nhiều kết quả tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng tăng lên; TP Cần Thơ dần khẳng định được vai trò là trung trung tâm kinh tế, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, khoa học - công nghệ của vùng; đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; là địa bàn giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL và cả nước.
Theo thống kê, trong giai đoạn 2006-2019, tăng trưởng kinh tế của thành phố đạt mức bình quân 7,27%/năm, cao hơn mức trung bình toàn quốc, cao nhất trong Vùng Kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL, hằng năm đóng góp khoảng 1,8% GDP cả nước. Năm 2019, tổng sản phẩm nội địa (GRDP) đạt hơn 100.000 tỉ đồng, gấp 5 lần so với năm 2005, đứng đầu Vùng Kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL. Tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2019 đạt 88,3 triệu đồng, gấp 7 lần năm 2005. Những con số trên thể hiện TP Cần Thơ đã từng bước khẳng định là một trong những động lực tăng trưởng của vùng ĐBSCL.
Một điểm nhấn quan trọng trong thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị là TP Cần Thơ thực hiện tốt công tác quy hoạch và phát triển đô thị, năm 2009 được Chính phủ công nhận là đô thị loại I, hướng tới mục tiêu là đô thị hạt nhân của vùng. Kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng giao thông, không ngừng được cải thiện, kết nối mạng lưới đô thị vùng, thể hiện vai trò đầu mối về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế, như: Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, Cảng biển Cần Thơ, cầu Cần Thơ, cầu Vàm Cống, Quốc lộ 1, Quốc lộ 91, Quốc lộ 80... Trong tương lai, đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ hoàn thành sẽ tạo thêm sức bật cho TP Cần Thơ phát triển, như trong Thư của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gởi chúc mừng TP Cần Thơ nhân kỷ niệm 15 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đã khẳng định: "Cần Thơ sẽ còn phát triển đột phá hơn nữa với dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ và một số dự án giao thông huyết mạch khác kết nối trung tâm vùng ĐBSCL với các địa phương khác".
Chúng ta vui mừng với những kết quả đạt được sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhưng theo đánh giá của lãnh đạo Bộ, ngành Trung ương, giới chuyên môn, thì sự phát triển của TP Cần Thơ còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và còn phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng tin tưởng rằng, sau Hội thảo này, nhất là sau Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ đề ra các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để tạo bước đột phá mới, nhằm phát triển bền vững TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mỗi chúng ta tin tưởng và hy vọng!
Đề ra 12 chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ mới Ngày 7-5, Đảng bộ xã Đông Thuận, huyện Thới Lai - tổ chức cơ sở đảng được Ban Thường vụ (BTV) Thành ủy Cần Thơ chọn tổ chức đại hội (ĐH) điểm cấp cơ sở đã tiến hành ĐH đại biểu lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020-2025. Các đồng chí: Đại diện Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương;...