Cần thiết phải có Chương trình giáo dục làm cha mẹ
Đa số các đại biểu có mặt tại Hội thảo tham vấn dự thảo Chương trình quốc gia về giáo dục làm cha mẹ giai đoạn 2020-2025 do Hội LHPNVN tổ chức chiều 8/10/2019 đều đồng tình về sự cần thiết của chương trình này với những lý lẽ sắc bén.
Đông đảo đại biểu tham gia Hội thảo
Hội thảo tham vấn dự thảo Chương trình quốc gia về giáo dục làm cha mẹ giai đoạn 2020-2025 do Hội LHPNVN tổ chức với sự có mặt của nhiều chuyên gia, các Bộ, Ngành, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các ban, đơn vị trực thuộc Hội LHPNVN… Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam dự và chủ trì hội thảo.
Các kết quả nghiên cứu thực tiễn ở Việt Nam cho thấy, hỗ trợ làm cha mẹ vẫn còn là khoảng trống rất lớn. Trước khi bước vào hôn nhân hầu như thanh niên chua được trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để làm cha, mẹ.
Trong quá trình chăm sóc, nuôi dạy con, cha mẹ cũng thiếu thông tin khoa học và thiếu sự hỗ trợ cần thiết để giải quyết các vấn đề liên quan đến sự phát triển toàn diện của trẻ.
Kiến thức, kỹ năng của cha mẹ về đặc điểm, nhu cầu phát triển của con, cách tác động phù hợp đến trẻ tạo cơ hội cho trẻ phát triển, cũng như ảnh hưởng của việc làm cha mẹ đối với kết quả phát triển của trẻ còn rất hạn chế.
Giáo dục làm cha mẹ cho đối tượng khuyết tật
NGND.PGS.TS. Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục Phát triển tiềm năng của con người (IPD) chia sẻ, từ năm 1986 ông đã thực hiện công trình nghiên cứu về giáo dục cha mẹ ở Thanh Hóa và một số tỉnh lân cận. Đây là một chương trình khá công phu, cũng đánh giá được thực trạng rằng kiến thức, kỹ năng của cha mẹ kém. Kể từ thời điểm đó, đã nhiều năm trôi qua nhưng thực tế hiện nay cũng không hơn được mấy.
NGND.PGS.TS. Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục Phát triển tiềm năng của con người (IPD): Chương trình nên lưu ý thêm vấn đề giáo dục làm cha mẹ của những người khuyết tật, đặc biệt là đối tượng khiếm thính
“Chương trình nên lưu ý thêm vấn đề giáo dục làm cha mẹ của những người khuyết tật, đặc biệt là đối tượng khiếm thính. Theo điều tra có khoảng 1,3 đến 1,5 triệu người không nghe nói được, thậm chí không biết đọc biết viết, họ trao đổi bằng ngôn ngữ ký hiệu. Có người khi vào bệnh viện khám không thể diễn đạt được, bác sĩ chỉ khám qua loa cho về. Cũng có người khám thai, bác sĩ lại nghĩ là họ muốn phá thai. Hay có người cho là con mình không thể sinh nở nên để đề phòng chuyện không hay xảy ra, họ thắt luôn tử cung của con. Với đối tượng này, giáo dục làm cha mẹ sẽ thế nào? Nên đưa những đối tượng đặc thù vào chương trình!”- ông Kỳ Anh đề xuất- “Tương tự với các đối tượng là người dân tộc thiểu số, công nhân khu công nghiệp… không có nhiều thời gian cho con, cần cung cấp kiến thức gì để họ có thể nuôi dạy con hiệu quả?”.
Có mặt tại Hội thảo, bà Lê Thị Bích Hạnh, Tổ chức Plan Việt Nam cho rằng, chỉ nên là chương trình khung bởi không thể có 1 chương trình nào chi tiết cho các nhóm đối tượng khác nhau, ở các vùng miền khác nhau.
Bà Lê Thị Bích Hạnh, Tổ chức Plan Việt Nam: Chương trình nên có lý thuyết thay đổi rõ ràng.
Bà Hạnh phân tích, hiện tại có nhiều nơi tổ chức chương trình giáo dục làm cha mẹ nhưng lẻ tẻ không bật lên được. “Để chương trình phù hợp với từng vùng miền, các nhóm đối tượng, đạt được mục tiêu đặt ra, cần cân nhắc một số nguyên tắc sau: Chương trình phải phù hợp với văn hóa, điều kiện của từng địa phương vùng miền; hướng tới bình đẳng giới, sự tham gia của nam giới trong GDLCM, trong việc thực hành làm cha mẹ, nhất là ở vùng sâu vùng xa còn rất hạn chế; hướng tới việc thay đổi hành vi.”
“Phải thay đổi hành vi, gắn sự thay đổi phát triển của con với sự tác động thực hành của cha mẹ, trong việc hỗ trợ con học tập, phát triển. Nên có lý thuyết thay đổi rõ ràng và làm cách nào để đến được đích là mong muốn của chương trình”- bà Hạnh khẳng định.
Quan tâm đến bảo vệ trẻ em
Video đang HOT
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em cho rằng, nếu có 1 chương trình như thế này thì trẻ em sẽ tiến bộ đúng nghĩa bởi vai trò của cha mẹ rất quan trọng trong việc nuôi dạy trẻ. Tuy nhiên, cần hệ thống lại các chính sách mà Việt Nam đã có với trẻ em cũng như đối với cha mẹ.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em cho rằng, nếu có 1 chương trình như thế này thì trẻ em sẽ tiến bộ đúng nghĩa.
Nói đến trẻ em là nói đến 3 nội dung: Chăm sóc – Giáo dục và Bảo vệ. Trong 3 nội dung này thì bảo vệ trẻ em hiện nay đang làm yếu nhất. “Tôi vừa tham gia đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về xâm hại trẻ em tại 6 tỉnh. Nhận định chung ở cả 6 tỉnh này là tình trạng xâm hại trẻ em hiện nay có xu hướng tăng, diễn biến phức tạp. Nguyên nhân đều bắt nguồn từ việc cha mẹ chủ quan, lơ là, thiếu quan tâm, mải mê làm ăn, xao nhãng việc chăm sóc trẻ, thiếu kiến thức, kỹ năng về bảo vệ con. Thực tế này cho thấy sự cần thiết của Chương trình này trong việc giúp các phụ huynh có đầy đủ kiến thức, kỹ năng trong việc làm cha mẹ tốt; giúp trẻ em có đời sống tinh thần phong phú chứ không chỉ tập trung vào học hành, ăn uống đầy đủ…”.
Xây dựng tài liệu theo nhóm tuổi
Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng: có 2 lứa tuổi phải quan tâm đặc biệt, đó là nhóm dưới 3 tuổi và nhóm trẻ vị thành niên.
Theo Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng: Giáo dục gia đình rất quan trọng. Xã hội hiện nay buông lỏng giáo dục gia đình nên xảy ra rất nhiều vấn đề. Trong dự thảo có đề cập đến việc xây dựng 5 bộ tài liệu phục vụ cho việc giáo dục làm cha mẹ, bác sĩ An cho rằng, có 2 lứa tuổi phải quan tâm đặc biệt, đó là nhóm dưới 3 tuổi và nhóm trẻ vị thành niên- đối tượng này cực kỳ quan trọng bởi bắt đầu thay đổi tâm sinh lý với rất nhiều vấn đề như bạo lực học đường, vi phạm pháp luật, sử dụng chất gây nghiện trong nhà trường… “5 bộ tài liệu là 5 đề án lớn bởi giáo dục trẻ ở các lứa tuổi như thế nào cho hiệu quả, cách thức, phương pháp triển khai đều cần được đề cập đến trong các đề án này.”
Đồng tình với ý kiến của bác sĩ Trọng An, bà Kim Tuyến (IPD) cho biết, đối tượng học sinh cấp 2 bị “đẩy” cho nhà trường nhiều hơn bởi phụ huynh ít hiểu tâm sinh lý, sự phát triển của trẻ trong giai đoạn này.
Bà Kim Tuyến (IPD): Chương trình quốc gia giáo dục làm cha mẹ nếu được triển khai toàn quốc sẽ giúp được các bậc làm cha mẹ và những đứa trẻ được hưởng sự giáo dục, chăm sóc và bảo vệ tốt hơn.
Bà Tuyến cũng nêu ra thực tế, nhiều mẹ sẵn sàng bỏ tiền theo học các lớp thai giáo, giáo dục con trong giai đoạn đầu đời… nhưng vắng bóng người cha. “Khi triển khai các lớp học này, rất nhiều phụ nữ rất hào hứng, có những chị lấy chồng ở xã khác nhưng biết có lớp học, dù xa vẫn về theo học. Điều đó cho thấy nhu cầu học làm cha mẹ là có thật, chỉ có điều làm thế nào để thấm tận nơi. Chương trình quốc gia giáo dục làm cha mẹ nếu được triển khai toàn quốc sẽ giúp được các bậc làm cha mẹ và những đứa trẻ được hưởng sự giáo dục, chăm sóc và bảo vệ tốt hơn. Cha mẹ trước hết phải biết cách bảo vệ con mình.”
Cần tài liệu riêng cho người chăm sóc trẻ
Tổng biên tập Báo PNVN Nguyễn Thị Thục Hạnh đã nghiên cứu rất kỹ dự thảo chương trình và chia sẻ với các đại biểu tham dự Hội thảo 2 câu chuyện có thật được gọi tới Tổng đài tư vấn Thanh Tâm của Báo PNVN khiến cả hội trường lặng đi.
Tổng biên tập Báo PNVN Nguyễn Thị Thục Hạnh chia sẻ hai câu chuyện có thật được gọi đến Tổng đài Thanh Tâm của Báo PNVN khiến nhiều đại biểu lặng đi vì xúc động.
“Tổng đài tư vấn Thanh Tâm của Báo PNVN tiếp nhận hơn 300.000 phút/năm, người gọi phải trả phí. Chúng tôi đã tiếp nhận những câu chuyện có thật, rất đau lòng. Thứ nhất là chuyện cậu bé 16 tuổi gọi tới Tổng đài và chia sẻ rằng bị ám ảnh nặng vì bố đi công tác xa, mẹ mỗi lần tắm đều bảo con mang quần áo vào cho mẹ. Cậu phải chứng kiến cảnh mẹ không mặc quần áo trong nhiều năm. Câu chuyện rất ám ảnh với chúng tôi. Thứ hai là chuyện gần đây, bố loạn luân với con gái, xâm hại con trong nhiều năm. Khi trao đổi, cả hai ca đều có điểm chung là không có kỹ năng”.
Tổng biên tập Báo PNVN cũng bày tỏ, cá nhân bà cũng như Báo PNVN mong muốn có thể tổ chức những buổi tập huấn cho càng nhiều ông bố, bà mẹ càng tốt để họ biết cách ứng xử với con khác giới trong nhà. Chứng kiến con lớn lên và thể hiện sự quan tâm đến con thế nào cho đúng.
“Những ca tôi vừa đề cập cha mẹ đều là những người có học vấn nhưng lại có hành xử không phù hợp. Điều đó cho thấy kỹ năng làm cha mẹ thời buổi này đang là vấn đề đáng nói. Mong muốn làm được gì thì làm, phải ra được kết quả cụ thể, phải đo đếm được là có tác động đến trẻ em thế nào. Tất nhiên việc này rất khó nhưng nếu đã làm là phải quyết tâm”- bà Nguyễn Thị Thục Hạnh bày tỏ.
Theo bà Hạnh, còn cần quan tâm đến việc đào tạo cho nam giới các kỹ năng làm bố, hiện đang bị bỏ trống; quan tâm đến việc làm cha làm mẹ với các đối tượng trẻ em đặc biệt (khuyết tật, khiếm thính…). “Nên xây dựng bộ tài liệu riêng cho cha, riêng cho mẹ và cho người chăm sóc vì xu thế bố mẹ đi làm ăn xa ngày càng tăng, trẻ phải sống cùng ông bà ngày một nhiều. Kỹ năng để ông bà dạy các cháu đang rất thiếu.
“Trong 3 hội thảo sắp diễn ra nên dành thời gian để hỏi trẻ em, để các em lên tiếng xem các em mong đợi gì ở cha mẹ. Làm được như vậy thì chương trình sẽ thành công hơn và chương trình chắc chắn nhận được sự ủng hộ vì rất đúng, rất trúng”- bà Hạnh đề xuất.
Bà Trương Thị Thu Thủy, Trưởng ban Dân tộc Tôn giáo, Hội LHPNVN: Làm thế nào để chương trình giáo dục làm cha mẹ trở thành địa chỉ không thể thiếu được với các gia đình?
Bà Trương Thị Thu Thủy, Trưởng ban Dân tộc Tôn giáo, Hội LHPNVN nêu vấn đề, hiện có nhiều bà mẹ trẻ học thông tin làm cha mẹ, không qua trường lớp mà học online rồi ứng dụng vào thực tế. “Làm thế nào để chương trình giáo dục làm cha mẹ trở thành địa chỉ không thể thiếu được với các gia đình. Mục tiêu làm các bộ tài liệu vô cùng lớn, để khó ở đâu là họ có thể mở ra xem ngay. Đây được kỳ vọng là chìa khóa giải quyết nhiều vấn đề khác.”
Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Trần Thị Hương cho biết, Hội LHPNVN sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu để dự thảo được hoàn thiện hơn.
Kết thúc buổi Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Trần Thị Hương cho biết, đây là một chương trình khó cả về tính chất của vấn đề, đối tượng và quy mô. Hội LHPNVN sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, trong đó có đề xuất của Tổng biên tập Báo PNVN về việc lắng nghe ý kiến, mong muốn của trẻ em trong các hội thảo tới đây.
Về thời gian của chương trình, hiện có hai luồng ý kiến là 5 năm hay 10 năm. Hội nghiêng về phương án 10 năm và sẽ thể hiện trong các dự thảo sau. Sau khi hoàn thiện dự thảo sẽ xin ý kiến của chuyên gia các bộ, ngành và đặc biệt là lãnh đạo các bộ ngành liên quan…
* Chương trình quốc gia về giáo dục làm cha mẹ giai đoạn 2020-2025 là một trong những nội dung thực hiện nhiệm vụ theo phân công của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 938/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 về phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027″.
* Chương trình Quốc gia về Giáo dục làm cha mẹ được xây dựng nhằm giúp cha mẹ và người chăm sóc trực tiếp có đủ kiến thức, kỹ năng về chăm sóc, giáo dục và phát triển trẻ phù hợp với các mốc phát triển từ 0 đến 16 tuổi, góp phần hỗ trợ phát triển toàn diện trẻ em. Chương trình hướng đến một số mục tiêu cụ thể với cha mẹ, người chăm sóc trẻ trực tiếp có con từ 0 đến 16 tuổi: Phấn đấu đạt 80% được thông tin về nội dung chương trình giáo dục làm cha mẹ và hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình; phấn đấu đạt 70% được tiếp cận, tập huấn, cung cấp, hỗ trợ thông tin, kiến thức và kỹ năng về chăm sóc, giáo dục và phát triển trẻ phù hợp theo từng giai đoạn tuổi; phấn đấu 40% được tập huấn, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng về định hướng nghề nghiệp cho trẻ em; có ít nhất 30% nam nữ trong độ tuổi kết hôn được tham gia tập huấn và cấp giấy chứng nhận về giáo dục tiền hôn nhân, giáo dục làm cha mẹ…
Ngoài ra, phấn đấu 90% cán bộ Hội LHPN Việt Nam, các ngành liên quan, tình nguyện viên… được tập huấn kiến thức, kỹ năng về tổ chức, triển khai chương trình giáo dục làm cha mẹ; mỗi xã, phường có ít nhất 1 mô hình hiệu quả về giáo dục làm cha mẹ; có ít nhất 5 bộ tài liệu hỗ trợ giáo dục làm cha mẹ được xây dựng và phát hành; 100% tỉnh, thành đưa hoạt động của Chương trình Giáo dục làm cha mẹ lồng ghép vào chương trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
* Dự kiến thời gian và lộ trình thực hiện Chương trình từ 2020 đến 2025. Trong đó 3 năm đầu xây dựng và triển khai thí điểm tại 3-5 tỉnh/thành phố; đánh giá kết quả thí điểm và nhân rộng ra toàn quốc. 2 năm sau, triển khai rộng trên toàn quốc; đề xuất chính sách từ kết quả triển khai Chương trình.
Bài, ảnh: An Huy
Theo phunuvietnam
Giới trẻ Trung Quốc với nhu cầu được giáo dục giới tính toàn diện
Chính phủ Trung Quốc vừa ra mắt "Sáng kiến Trung Quốc lành mạnh (2019 - 2030)", có một số yếu tố mới liên quan đến giáo dục giới tính toàn diện.
Để đánh dấu dịp này, UNESCO đã tổ chức một cuộc đối thoại chính sách vào ngày 21/ 8 tại Bắc Kinh, với sự tham gia của đại diện Liên hợp quốc, các tổ chức y tế, giáo dục, xã hội dân sự và các phương tiện truyền thông để thảo luận về báo cáo GEM mới và tài liệu chính sách của UNESCO, "Đối mặt với sự thật: Giáo dục giới tính cần thay đổi".
Các nữ sinh cần được giáo dục để tự ý thức về bản thân.
Chủ đề này đã tạo nên tiếng vang ở trong nước. Guo Yueping, một nữ sinh viên đại học 21 tuổi và là thành viên năng động của Mạng lưới Thanh niên Trung Quốc chia sẻ: "Giáo dục giới tính ở cấp phổ thông chỉ giới hạn ở một số kiến thức cơ bản về hệ thống sinh sản được truyền đạt trong các giờ sinh học và một trao đổi ngắn chỉ dành cho nữ về kinh nguyệt. Tôi cũng từng chính kiến hai sinh viên mang thai ngoài ý muốn đã bị buộc thôi học".
Chỉ một nửa số học sinh trong số 30 trường trung học trên sáu tỉnh và thành phố ở Trung Quốc nhất trí rằng các cô gái nên nói chuyện với ai và khi nào nên kết hôn. Một nửa không đồng ý với nhận định rằng "một phụ nữ có thể từ chối quan hệ tình dục với chồng của mình".
Tương tự, Mạng lưới Thanh niên ở Trung Quốc và Hiệp hội Kế hoạch hóa Gia đình Trung Quốc đã thực hiện một nghiên cứu vào năm 2015 cho thấy chỉ 10% trong số gần 20.000 sinh viên đại học từ hơn 130 trường đại học được khảo sát đã được tham gia khóa giáo dục giới tính tại trường tiểu học. Một số nghiên cứu khác cũng cho thấy những sinh viên trẻ tuổi thường thiếu hiểu biết về giới tính, bạo lực, tránh thai và dễ mang thai sớm và ngoài ý muốn, cũng như có hiểu biết hời hợt về HIV, đặc biệt là ở học sinh nông thôn.
Tăng cường giáo dục giới tính tại các tỉnh nông thôn. China Daily
Hiệp hội Kế hoạch hóa Gia đình Trung Quốc đang nỗ lực giải quyết khoảng cách này bằng cách thúc đẩy giáo dục đồng đẳng trong giới trẻ. Bà Hong Ping, Ủy viên Ban chấp hành Hội Kế hoạch hóa Gia đình Trung Quốc cho biết: "Lúc đầu, chúng tôi gọi đó là chương trình sức khỏe vị thành niên để tránh sự phản đối không cần thiết, nhưng thực chất nó là giáo dục giới tính bao gồm các khía cạnh sinh lý, tâm lý, đạo đức và pháp lý. Giờ đây, chương trình này đã trở thành một trong mười chương trình chính phủ có thương hiệu hàng đầu tại các cơ sở giáo dục".
Josephine Sauvarin, cố vấn thanh niên của UNFPA chia sẻ rằng chương trình không chỉ nói về khía cạnh tình dục. Sự thiếu hiểu biết về bình đẳng giới, sự đồng thuận và quyền lợi sẽ dẫn đến phân biệt đối xử và bạo lực giới, cũng như những hệ lụy kiểu mang thai sớm và ngoài ý muốn, phá thai không an toàn, nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục...
Mặc dù ngày càng có nhiều bằng chứng về tác động tích cực của chủ đề này, việc thực thi chương trình vẫn bị cản trở bởi sự phản đối của xã hội do những quan niệm sai lầm rằng chương trình có thể phát sinh mâu thuẫn với văn hóa truyền thống và vẫn còn nhiều rào cản hoạt động như không đủ hỗ trợ cho giáo viên, thiếu nguồn lực thích hợp.
Giáo sư Gu Mingyuan, thành viên của Ủy ban tư vấn giáo dục quốc gia cho biết: "Sự chậm tiến bộ trong quá trình thực hiện cả do nhận thức xã hội và phương pháp luận. Giáo dục giới tính không chỉ là về hành vi tình dục mà còn chứa rất nhiều chủ đề liên quan đến đời sống giới trẻ".
Thâm Quyến được biết đến là một trong số ít các thành phố trong cả nước phổ cập giáo dục giới tính ở trường. Tuy nhiên, ngay cả ở đó, cô Zhang Ling, Phó trưởng ban Giáo dục Đạo đức, Thể chất, Sức khỏe và Nghệ thuật của Phòng Giáo dục Thâm Quyến giải thích rằng từ năm 2008, do cải cách giáo dục bắt buộc, hầu hết các trường học đã bãi bỏ các lớp giáo dục sức khỏe này. Bây giờ có lẽ chỉ 10% các trường vẫn đang duy trì những chương trình tương tự. Dù có những giáo viên sẵn sàng tham gia, trường cũng không có kinh phí thêm cho những giờ học này.
Phụ huynh quan tâm lắng nghe tích cực
Theo Guo Yueping, giống như nhiều người trẻ ở độ tuổi của mình, ở tuổi thiếu niên, cô sẽ trò chuyện với bạn bè về những vấn đề này và ít phải trao đổi với phụ huynh vì e ngại làm như vậy sẽ phá vỡ những điều cấm kỵ vô hình.
Hong Ping trích dẫn một cuộc khảo sát của CFPA vào năm 2014 cho thấy 80% cha mẹ cảm thấy không thể nói chuyện với trẻ em về sức khỏe sinh sản và tình dục. Tổ chức này đã điều hành một chương trình nhằm tăng cường kiến thức cho phụ huynh về sự tự tin cũng như kỹ năng giao tiếp với con cái về tình dục, giới tính và sức khỏe sinh sản. Hiện tại chương trình này đang được triển khai ở hầu hết các tỉnh của Trung Quốc. Ông Hong Ping cho hay chương trình phổ biến đến mức ở một số nơi, phụ huynh phải chờ xếp hàng để có thể đăng ký tham gia.
Hani
Theo ngaynay
Chuyên gia tâm lý tuổi teen "Chánh Văn" Hoàng Anh Tú: Giáo dục một bé trai khác gì giáo dục một bé gái? Khác nhiều lắm! "Mọi người vẫn nghĩ con trai phải giáo dục mạnh mẽ và con gái cần phải lắng nghe, vỗ về. Nhưng sự thực thì con gái cũng cần dạy về mạnh mẽ và con trai cũng cần sự lắng nghe vỗ về". Dù con cái lúc nào cũng cần phải được dạy về sự tự lập và mạnh mẽ nhưng nhiều cha mẹ...