Cần thành lập Ủy ban liên bộ xử lý nợ xấu
Sau một ngày, dư âm của phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình vẫn được các ĐBQH quan tâm. Chiều 14-11, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đoàn TP.HCM) tiếp tục có cuộc trao đổi với báo chí về 2 vấn đề nóng của nền kinh tế: vàng và nợ xấu.
- PV: Có ý kiến cho rằng, người dân mua vàng về cất trữ, cũng giống như một cái hầm trú ẩn an toàn nhằm vượt qua thời kỳ khó khăn, ông có nhận xét gì về hình ảnh này?
- Ông Trần Hoàng Ngân: Đúng như thế. Tại sao dân mua vàng vào nhiều như vậy, đó là do chúng ta chưa tạo ra một nền kinh tế vĩ mô ổn định, giúp dân an tâm để mạnh dạn bán vàng đưa vào sản xuất kinh doanh. Tôi nghe Thống đốc NHNN báo cáo rằng, vàng trong dân có vài trăm tấn, đây là lượng tài sản vô cùng giá trị. Còn nhớ trên thế giới, khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997-1998, Malaysia đã tận dụng được vàng trong dân, huy động được nguồn vốn này để vượt qua cơn khủng hoảng mà không cần vay ai, làm được như vậy mới là nghệ thuật điều hành. Đồng ý Chính phủ thống nhất quản lý, chống vàng hóa, cấm dùng vàng là phương tiện thanh toán, nhưng phải bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp của dân về vàng, tạo điều kiện cho người dân mua và bán vàng; tổ chức quản lý mạng lưới mua bán một cách minh bạch, rộng rãi và thuận lợi cho dân.
- Ông đánh giá như thế nào về các biện pháp điều hành, quản lý vàng của NHNN trong thời gian qua?
- Xử lý vàng cần có giải pháp và phải hết sức bình tĩnh. Việc xử lý của NHNN đã đạt được một số điểm nhất định, nhưng còn hơi “nóng”, trong khi cần độ “trễ”. Ví dụ cần tuyên truyền cho người dân, tạo lập mạng lưới đủ rộng để người dân có thể đổi từ vàng phi SJC sang vàng SJC, hoặc chuẩn bị thương hiệu vàng quốc gia thay vì lấy một thương hiệu có sẵn… Xử lý vàng trong bối cảnh hiện nay phải đạt nhiều mục tiêu, Thống đốc NHNN mới lo mục tiêu tỷ giá, còn mục tiêu liên thông để giá vàng trong nước không chênh lệch so với giá vàng thế giới chưa đạt được.
Video đang HOT
Giải quyết nợ xấu là điều kiện quan trọng để tái cấu trúc nền kinh tế (ảnh minh họa)
- Để xử lý điểm “nghẽn” thứ hai hiện nay của nền kinh tế là nợ xấu, theo ông cần những giải pháp gì?
- Hiện nay tình hình ngân sách đang eo hẹp, nhưng nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông rất cần, tiền lấy đâu ra? Có thể nhìn lại quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã tiến hành 20 năm nay, chúng ta đạt được một số kết quả nhất định, trong đó tiền thu từ việc bán doanh nghiệp Nhà nước giải thể, tiền thu về cổ tức vốn cổ phần của nhà nước… được tổng cộng khoảng 120 nghìn tỷ đồng. Tiền này không thu về ngân sách nhà nước, mà để lại ở các quỹ hỗ trợ sắp xếp, phát triển doanh nghiệp và được chi theo các quyết định của Chính phủ. Trong đó có chi cho lao động dôi dư do bị ảnh hưởng trong quá trình cổ phần hóa (2%); số còn lại để chi bổ sung vốn điều lệ cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Nhưng vẫn chưa sử dụng hết, còn lại khoảng 27 nghìn tỷ đồng tồn quỹ (gửi ngân hàng hoặc mua trái phiếu), như vậy thời gian qua, việc sử dụng nguồn vốn này hiệu quả chưa cao.
Tôi muốn đặt câu hỏi sử dụng nguồn này thế nào cho hiệu quả như nhu cầu chi cho đầu tư phát triển nêu trên? Điểm nghẽn là vàng và nợ xấu, rõ ràng nếu không giải quyết nợ xấu, không thể tái cấu trúc kinh tế, không thể tăng trưởng tín dụng, dẫn tới doanh nghiệp phá sản. Phải ưu tiên xử lý nợ xấu, vấn đề này liên quan đến nhiều ngành và nhiều địa phương, vì thế cần thành lập Ủy ban liên bộ xử lý nợ xấu. Người dân không yêu cầu phải giải quyết nợ xấu ngay lập tức, nhưng người dân cần biết phương án xử lý có khả thi, minh bạch không. Như thế Quốc hội phải tăng cường giám sát xử lý nợ xấu, và phải giám sát trước, trong và cả sau quá trình xử lý.
- Xin cám ơn ông!
Theo ANTD
Ai chi tiền xử lý nợ xấu?
Chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng - TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, sẽ cần huy động một nguồn vốn tổng hợp cho việc xử lý nợ xấu...
Làm thế nào để xử lý nợ xấu ngân hàng.
"Ngủ ngon" với nợ xấu
Không cho rằng nợ xấu lên đến cực điểm vào thời điểm tháng 6-7.2012, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, nợ xấu đang tiếp tục tăng lên sau thời điểm này trong bối cảnh các DN lao đao và ngày càng chết nhiều. Con số nợ xấu theo đó không chỉ dừng lại ở 8-10% như một số công bố trước đây mà hiện có thể lên tới 15%. "Đối chiếu con số này với tổng dư nợ hằng năm khoảng 2,5 triệu tỉ đồng, tôi cho rằng con số nợ xấu hiện nay đâu đó khoảng 375.000 tỉ đồng". Dẫn kinh nghiệm quốc tế, vị chuyên gia tài chính NH từng có nhiều năm làm việc tại Mỹ cho rằng, có khoảng 50% nợ xấu xem như nợ... mất vốn.
So sánh với nguồn dự phòng 70.000 tỉ đồng được các nhà băng trích lập, câu hỏi được đặt ra và có luôn câu trả lời dường như là nguồn dự phòng rủi ro hiện tại đang được trích lập vào hệ thống là không đủ. Đây chính là thời điểm phải tính đến vấn đề thanh lý tài sản và theo như con số được Thống đốc Nguyễn Văn Bình công bố, có 84% các món nợ có tài sản bảo đảm với giá trị tương đương 135% dư nợ.
"Nếu thật sự như thế thì chúng ta có thể ngủ ngon và không cần phải nghĩ đến nợ xấu nữa" - và nếu đúng như thế theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, sẽ không cần phải nghĩ đến việc thành lập một Cty nợ xấu cũng như phải nghĩ đến các vấn đề khác. Song điều gì xảy ra khi mà giá trị BĐS hiện tại lao dốc và có chỗ xuống chỉ còn 30% giá trị trước kia. "Cái con số, tỉ lệ 135% kia có còn là con số thực không?" - TS. Hiếu đặt câu hỏi.
Chưa kể theo kinh nghiệm được đúc rút từ quá trình xử lý nợ xấu của nhiều quốc gia, nếu xử lý toàn bộ các tài sản bảo đảm bao gồm cả bất động sản, kể cả tiền mặt, hàng tồn kho, trang thiết bị và bảo lãnh, số tiền thu về được sẽ không quá 50% dư nợ. Áp vào con số nợ xấu đâu đó khoảng 375.000 tỉ đồng, số nợ mất trắng sẽ khoảng 190.000 tỉ đồng. "Chúng ta chỉ có 70.000 tỉ đồng trích lập dự phòng và như thế cần khoảng 120.000 tỉ đồng lấy từ thế chấp" - TS. Hiếu nhìn nhận đây là con số không hề đơn giản.
Chỗ dựa ngân sách
Nhìn vào con số 375.000 tỉ đồng nợ xấu với khoảng 120.000 tỉ đồng đang còn thiếu, vị chuyên gia nhiều nhiệt huyết không cho rằng tự bản thân các NH hàng có thể xử lý được nợ xấu. Ngoài yếu tố khả năng xử lý khối nợ xấu vượt ra ngoài tầm tay của các NHTM, bản chất vay nợ của thị trường NH trong nước cũng không thể giải quyết được khi trao vấn đề nợ xấu cho các NHTM. "Các NH cho các Cty con của mình vay mượn và nay họ sẽ không bao giờ đem Cty con của mình ra toà án để xử lý nợ và đưa Cty con của mình đến phá sản" - TS. Hiếu đưa ý kiến.
Khi không thể để các NHTM tự xử lý nợ xấu, phương án thành lập một đơn vị hay một ủy ban tái cấu trúc và xử lý nợ quốc gia được cho là lựa chọn chuẩn xác. Song dù có tên gọi thế nào, đơn vị đó cũng phải được sự chủ trì của NHNN. "Tôi không nghĩ trong hệ thống có bất cứ một đơn vị nào hiểu rõ ngọn ngành, hiểu rõ sức khoẻ của các NH bằng NHNN. Họ nắm rõ nợ xấu ở đâu, ai cho vay, ai được vay và vấn đề của nó như thế nào" - dĩ nhiên theo người thành lập NH Việt đầu tiên tại Mỹ, NHNN sẽ cần sự hỗ trợ của Bộ Tài chính, các Cty kiểm toán độc lập cũng như các Cty pháp lý trong và ngoài nước.
Điểm mấu chốt cuối cùng sẽ là đơn vị trên đây hay NHNN sẽ lấy tiền ở đâu chi cho việc xử lý nợ xấu. Quy mô 100.000 tỉ đồng của đơn vị xử lý nợ xấu trên đây, theo như một số ý kiến được cho là con số đáng kể. "Dĩ nhiên chúng ta không phải bỏ luôn 100.000 tỉ đồng lúc này để xử lý nợ nhưng có thể ít nhất 25% trong đó phải có tiền tươi, tiền mặt và tiền ngay lúc này để thành lập Cty, xây dựng hệ thống pháp lý và bắt đầu xử lý nợ xấu".
Cấu phần trong nguồn tiền xử lý nợ xấu cũng là một vấn đề cần được quan tâm. TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nguồn tiền một phần có thể từ phát hành trái phiếu. "Song nếu nói cần 100.000 tỉ đồng, tôi nghĩ rằng ít nhất 50% số tiền trong đó phải từ nguồn ngân sách, từ Chính phủ, còn lại 20-30% của các NHTM phải bỏ tiền đóng góp vào và phần còn lại 20- 30% huy động sự hỗ trợ của các tổ chức bên ngoài".
"Nhiều khách hàng gọi đến cho chúng tôi và hỏi, vấn đề nợ xấu là vấn đề của NH, tại sao lại lấy tiền ngân sách để giải quyết. Tôi nghĩ rằng họ có lý, dân chúng có lý và thực sự vấn đề đầu tiên để xử lý nợ xấu là vấn đề của NH. Trách nhiệm đầu tiên trong vấn đề nợ xấu là những người đi vay và trách nhiệm thứ hai thuộc về NH. Tuy nhiên hình như các tác động từ chính sách tiền tệ, chính sách vĩ mô... cũng bổ trợ cho vấn đề nợ xấu này".
Theo laodong
Sáng nay Thủ tướng trả lời chất vấn Nhiều câu hỏi đã được ướm trước dành cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để chốt lại phiên chất vấn tại kỳ họp này. Sáng nay 14/11, Thủ tướng có thể "chia lửa" cùng các Bộ trưởng đăng đàn về thủy điện Sông Tranh 2, nợ xấu. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vừa thông báo chương trình làm việc của Quốc...