Cần tạo ra bản sắc riêng trong mỗi tác phẩm báo chí
Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIV năm 2019 được đánh giá là một mùa giải thành công, song cũng đặt ra nhiều yêu cầu mới về nâng cao chất lượng, để xứng đáng với mong đợi của công chúng và xã hội.
Đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải BCQG, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo Giải BCQG lần thứ XIV – năm 2019 phát biểu. Ảnh: Sơn Hải
Phóng viên Tạp chí người Làm Báo ghi lại ý kiến của một số thành viên hội đồng Chung khảo xung quanh vấn đề này.
NHÀ BÁO HÀ ĐĂNG, NGUYÊN ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, NGUYÊN TỔNG BIÊN TẬP BÁO NHÂN DÂN
Báo chí địa phương ngày càng vươn lên
Đến nay, qua 14 năm tổ chức, Giải Báo chí Quốc gia ngày càng thu hút sự tham gia chủ động, tích cực của các cấp Hội, các cơ quan báo chí và hội viên, nhà báo, cộng tác viên trong cả nước. Nhìn chung, các tác phẩm dự Giải năm nay có chất lượng khá đồng đều, giảm dần sự cách biệt lớn về chất lượng giữa các tác phẩm của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. Các tác phẩm đã phản ánh toàn diện và sâu sắc đời sống chính trị, kinh tế xã hội an ninh quốc phòng của đất nước trong năm 2019. Nhiều tác phẩm có tính phát hiện, phản biện sâu, bám vấn đề, có hiệu quả xã hội tích cực. Điều đáng mừng là chất lượng báo chí của các địa phương ngày càng được nâng lên. Nhiều đài địa phương có sự vượt trội. Theo tôi, khoảng cách báo in giữa Trung ương và địa phương năm nay gần như không có khoảng cách nhiều. Các tác phẩm phát thanh, truyền hình của các đài địa phương ngày càng được đầu tư, thu hẹp với các đài Trung ương.
NHÀ BÁO LÊ QUỐC TRUNG, NGUYÊN PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC HNB VIỆT NAM
Thiếu những tác phẩm mang tính đột phá
Video đang HOT
Chất lượng các tác phẩm dự Giải Báo chí Quốc gia 2019 so với các năm trước vẫn giữ được sự ổn định cả về nội dung và hình thức thể hiện. Các tác phẩm đã kịp thời phán ánh các vấn đề nóng của đời sống xã hội. Báo chí địa phương đã có sự vươn lên tương đối rõ nét so với báo chí Trung ương. Ví dụ, ở truyền hình, khá nhiều địa phương, các tác phẩm tham gia có chất lượng một chín một mười so với Trung ương. Điều này cho thấy các cơ quan báo chí địa phương ngày càng đầu tư chú trọng nâng cao cả nội dung lẫn hình thức. So với các năm trước, năm nay chất lượng các tác phẩm chưa thể hiện được sự nổi bật, cá tính của tác giả, nhưng về mặt loại hình thể hiện có những kỹ năng mới, cách thể hiện mới hấp dẫn bạn đọc. Năm nay báo điện tử tiếp tục đổi mới sử dụng các dạng bài Longform, Megastory,… kết nối đa phương tiện sử dụng kèm các hình ảnh động, tĩnh… Báo in nói chung chưa có sự thay đổi nhiều, các tác phẩm nhiều kỳ chiếm tỷ lệ ngày càng cao, cho thấy đề tài được đầu tư công phu, bài bản.
Những tuyến bài thể hiện được bản sắc riêng của mỗi nhà báo, cơ quan báo chí đều được hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đánh giá cao. Ảnh: Sơn Hải
NHÀ BÁO HÀ MINH HUỆ, NGUYÊN PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM
Cần sắc thái riêng trong mỗi tác phẩm
Các tác phẩm được chọn vào vòng Chung khảo là những tác phẩm tiêu biểu về nội dung hình thức, phản ánh đầy đủ tình hình của đất nước. Các địa phương đã được giải cao từ các năm trước tiếp tục phát huy, tuy vậy, các tác phẩm phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn tốt hơn cả về chất lượng lẫn chủ đề phản ánh. Các tác phẩm báo in, báo điện tử nên tạo ra một sắc thái riêng của một tác giả thì sẽ hay hơn là nhóm tác giả, nó sẽ thể hiện bản chất, góc nhìn xã hội của nhà báo. Còn nếu tác phẩm được thể hiện bởi một tập thể vấn đề nêu lên sẽ lớn đảm bảo tính chất thời sự. Một phóng sự điều tra có thể là của 1 nhóm tác giả nhưng đối với thể loại bình luận, xã luận mang bản sắc riêng của một tác giả đang thiếu ở mùa giải năm nay.
NHÀ BÁO NGUYỄN ANH TUẤN, NGUYÊN TỔNG BIÊN TẬP BÁO ĐẦU TƯ
Nhiều tác phẩm có chất lượng khá tốt
Các tác phẩm lọt vào vòng Chung khảo năm nay có đề tài phong phú đa dạng, bám sát thời sự. Về phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ chủ quyền biển đảo, câu chuyện chống tham nhũng, vấn đề phát triển bền vững. Năm nay, đề tài về các vấn nạn xã hội có nhiều tác phẩm lọt vòng Chung khảo. Chất lượng so với năm trước nhìn chung có tiến bộ, nhưng vẫn chưa có nhiều tác phẩm thật sự xuất sắc. Để đầu tư có những tác phẩm đặc biệt xuất sắc đang là vấn đề đặt ra của các Chi hội nhà báo, cơ quan tạp chí. Trong chủ đề về kinh tế năm nay, có rất nhiều bài viết về kinh tế, đặc biệt về tình trạng năng lượng liên quan đến phát triển bền vững, đây là chủ đề mới so với các năm trước, đề cập ít hơn. Những tác phẩm có chất lượng khá tốt ở thể loại phỏng vấn, đã thể hiện trình độ phỏng vấn cũng như người được phỏng vấn.
NGHỆ SĨ NHIẾP ẢNH VŨ QUỐC KHÁNH, CHỦ TỊCH HỘI NGHỆ SĨ NHIẾP ẢNH VIỆT NAM
Cần có sự đầu tư cho ảnh báo chí
Vẫn như các năm trước, ảnh báo chí tham gia dự thi vẫn cứ đều đều, bình bình. Chưa có sự đột phá. Năm nay, những tác phẩm ảnh đơn không nhiều, vì ảnh đơn là một trong những thể loại chủ lực của ảnh báo chí chứ không phải ảnh bộ. Điều này có thể được lý giải, bởi các tác giả cảm nhận chất lượng ảnh của mình tham gia vào Giải Báo chí Quốc gia chưa tới, đây thật sự là điều đáng tiếc. Tuy nhiên, phóng sự ảnh năm nay về cách kể chuyện cũng chưa thật hoàn hảo, có những câu chuyện cách mở đầu rất hay, nhưng thiếu đi những hình ảnh chính của sự kiện. Tôi cho rằng ảnh báo chí cần có sự đầu tư mạnh mẽ hơn .
Hội nghị Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 12 - khóa X
Ngày 28/5, Hội nghị Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 12 (khóa X) đã được tổ chức tại Hà Nội.
Hội nghị nhằm tổng kết hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 11 và đề ra phương hướng công tác triển khai đến hết năm 2020.
Các đồng chí chủ trì Hội nghị. Ảnh Sơn Hải
Tham dự và chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; TS Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Bé, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.
Trong thời gian qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông động viên, khích lệ giới báo chí cả nước tham gia vào mặt trận chống đại dịch Covid-19 với tinh thần "chống dịch như chống giặc". Báo chí đã trở thành một lực lượng tiên phong trong tuyến đầu chống dịch, ở đâu có hoạt động chống dịch là có mặt báo chí, dù đó là bệnh viện, khu vực cách ly hay các chốt ở vùng biên giới, kịp thời cung cấp những thông tin chính xác, cần thiết, đúng định hướng, giữ vững niềm tin xã hội.
Đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh Sơn Hải
Tại Hội nghị, đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã trình bày dự thảo báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp Hành Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 11 và triển khai nhiệm vụ công tác đến hết năm 2020.
Do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và thực hiện nghiêm chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, Hội Báo toàn quốc, dù đã được chuẩn bị tốt nhưng phải hủy bỏ, một số Hội Nhà báo địa phương cũng không tổ chức được Hội báo Xuân trong thời gian này. Việc kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 - 21/4/2020) cũng không tổ chức mà chỉ tập trung vào đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đặc biệt vào ngày 8/4/2020 kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 43-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam và ngày 20/4, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi thư chúc mừng Hội Nhà báo Việt Nam. Đây là niềm động viên tinh thần to lớn đối với Hội Nhà báo Việt Nam và giới báo chí cả nước.
Các nhiệm vụ trọng tâm khác vẫn được quan tâm chú trọng triển khai như: Công tác chuẩn bị tiến tới Đại hội XI của Hội Nhà báo Việt Nam, công tác chuẩn bị, chấm và trao giải thưởng Giải báo chí Quốc gia lần thứ XIV-2019, phối hợp với Hội liên hiệp Văn học, nghệ thuật và các bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án hỗ trợ báo chí và văn học nghệ thuật giai đoạn 2021 - 2025 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...
Từ sau Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 11 đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức thăm, làm việc và trao đổi nghiệp vụ báo chí tại Hàn Quốc và Trung Quốc, đồng thời Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Hội tham dự Hội thảo báo chí quốc tế và chuyến khảo sát thực tế về vai trò của báo chí trong công tác an ninh mạng tại Thái Lan. Hoạt động đối ngoại của Hôi luôn bám sát tình hình trong nước và quốc tế. Quan hệ đối ngoại giữa Hội Nhà báo Việt Nam và các tổ chức Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí đối tác ngày càng được tăng cường củng cố, mở rộng, đi vào chiều sâu, chất lượng và hiệu quả hơn.
Ở các cấp Hội Nhà báo, đã chủ động theo tình hình thực tế, xin ý kiến cấp ủy có thẩm quyền và báo cáo Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam về việc điều chỉnh kế hoạch tổ chức đại hội; đồng thời Hội đã có công văn về việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy các cấp Hội Nhà báo trong quá trình thực hiện quy hoạch báo chí gửi các bộ, ban, ngành, các cơ quan báo chí và các đơn vị liên quan, để các cấp Hội sớm kiện toàn bộ máy, ổn định hoạt động.
Hội nghị diễn ra với tinh thần thẳng thắn và cởi mở. Ảnh Sơn Hải
Từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội X, ngoài việc quán triệt tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ công tác của Hội năm 2020, Trung ương Hội và các cấp Hội Nhà báo Việt Nam đề ra phương hướng, các nhiệm vụ trọng tâm: tiếp tục thực hiện kế hoạch công tác tiến tới Đại hội XI của Hội Nhà báo Việt Nam; tuyên truyền phục vụ Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các sự kiện quan trọng, các ngày lễ kỷ niệm lớn; phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện tốt công tác quy hoạch báo chí; tổ chức Đại hội thi đua toàn quốc của Hội Nhà báo Việt Nam; học tập, quán triệt thực hiện Chỉ thị 43 của Ban Bí thư; kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, kết hợp với Lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XIV...
Cũng tại hội nghị, đồng chí Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cũng trình bày Chương trình hành động của Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới. Các đại biểu cũng tập trung thảo luận và biểu quyết thông qua Đề án nhân sự Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Kết luận hội nghị, nhà báo Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, để hoàn thành các nhiệm vụ công tác của Trung ương Hội và các cấp Hội nhà báo từ nay đến cuối năm, Ban chấp hành nâng cao hơn trách nhiệm, chủ động phối hợp chặt chẽ với Đảng đoàn, Ban Thường vụ trong chỉ đạo các cấp Hội thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 10 và các nghị quyết, kế hoạch công tác năm 2020 và tiến tới tổ chức thành công Đại hội 11 của Hội Nhà báo Việt Nam.
Vĩnh Phúc: Tuyên dương 40 nhà báo, văn nghệ sĩ xuất sắc Chiều 19/6, Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với với Hội Văn học nghệ thuật tổ chức Hội nghị gặp mặt kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và tuyên dương nhà báo, văn nghệ sĩ có thành tích xuất sắc giai đoạn 2015-2020. Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan chụp ảnh lưu...