Cần tăng lương cơ sở sớm để giảm thiểu tình trạng công chức nghỉ việc
Số liệu từ Bộ Nội vụ cho biết, trong 2,5 năm qua có hơn 39,5 ngàn cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc hoặc chuyển sang khu vực tư nhân.
Đây cũng là một trong những trăn trở cử tri gửi tới Quốc hội tại phiên họp Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 10-10. Phương án tăng lương cơ sở được các đại biểu Quốc hội nhắc đến như một giải pháp quan trọng để giảm tình trạng này.
Các cơ sở y tế công lập đang đối mặt với tình trạng “chảy máu” nhân sự một cách mạnh mẽ. Ảnh minh họa: Minh Thảo
Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, cử tri, nhân dân bày tỏ sự lo lắng dù kinh tế Việt Nam đã bước sang giai đoạn phục hồi, phát triển nhưng chưa đồng đều và thực sự bền vững; học phí, các dịch vụ tăng cao trong khi tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động không tăng…
Cử tri kiến nghị Chính phủ sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương phù hợp với tình hình phát triển của xã hội và tình hình tăng giá, tránh tình trạng việc rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng trong thời gian vừa qua.
Tại phiên họp, ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đề nghị đánh giá rõ hơn nguyên nhân của tình trạng thiếu biên chế giáo viên, nhân lực y tế ở các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, số liệu của Bộ Nội vụ cho thấy, thời gian qua, có hơn 39 ngàn cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, chuyển việc ra khu vực tư. Đây là vấn đề được cử tri quan tâm. Song do nhiều nguyên nhân chứ không chỉ do áp lực công việc, tiền lương và thu nhập chưa đảm bảo. Do vậy, cần có đánh giá khái quát và sát hơn.
Liên quan đến các nội dung về tăng lương cơ sở, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cập nhật kết luận của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII nhằm đảm bảo đồng bộ, thống nhất khi thực hiện.
Đồng thuận với quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị việc thực hiện chính sách tiền lương phải trên cơ sở kết luận của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, nhu cầu tăng lương là rất chính đáng. Nhưng có thể đề cập dưới góc độ là sớm điều chỉnh lương cơ bản để tháo gỡ khó khăn cho cán bộ, công chức, viên chức và người làm công ăn lương trong bộ máy Nhà nước. Bên cạnh đó tiếp tục khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27.
Ông Tùng cho rằng cách tiếp cận như vậy thì sẽ phù hợp hơn, vừa đề cập được ý mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội muốn nói nhưng cũng đáp ứng là kỳ họp thứ 4 sắp tới sẽ xem xét điều chỉnh tiền lương cơ bản.
Video đang HOT
Đối với việc thực hiện chính sách tiền lương, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội rà soát các kiến nghị về điều chỉnh chính sách tiền lương theo tinh thần Kết luận của Hội nghị Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Trong đó có đề xuất tăng lương cơ sở. Đặc biệt là nghiên cứu cải cách chế độ tiền lương theo Nghị quyết số 27 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII năm 2018.
Trong một diễn biến khác, trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, mặc dù, công chức, viên chức xin thôi việc, nghỉ việc không phải là câu chuyện mới. Nhưng thực tế này lại khiến dư luận hết sức quan tâm, bởi hiện tượng chuyển từ công sang tư đang có xu hướng tăng lên.
Bà Hoa cho rằng muốn giữ chân cán bộ, công chức, viên chức có năng lực và thu hút nhân tài vào khu vực công thì cần có những giải pháp đột phá trước mắt bên cạnh những giải pháp lâu dài, mang tầm chiến lược. Cần thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, tinh giản biên chế để khắc phục tồn tại của một bộ máy hành chính cồng kềnh, hoạt động chưa thực sự hiệu quả là chủ trương đúng. Chỉ tiêu tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong 5 năm tới theo chủ trương của Bộ Chính trị là việc cần làm, và phải làm khẩn trương.
Tuy nhiên, vấn đề là ở cách tiếp cận, cách tổ chức thực hiện việc tinh giản biên chế cần phải thực hiện trên cơ sở khoa học và phù hợp thực tiễn của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Việc sắp xếp lại bộ máy tổ chức cần hợp lý và quyết liệt. Cần sáp nhập những bộ phận hiện đang chồng chéo chức năng nhiệm vụ, đẩy nhanh tiến độ tư nhân hóa những dịch vụ công mà khối tư nhân làm tốt hơn, thuận lợi cho người dân hơn để giải thể một số bộ phận chức năng…
Thêm nữa bà Hoa cho rằng cần có chính sách đãi ngộ xứng đáng để tạo động lực làm việc và sự gắn bó lâu dài cho cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước. Chủ trương cải cách tiền lương, tăng mức lương cơ sở là giải pháp cần làm gấp. Cần xây dựng hệ thống tiền lương phù hợp với thị trường lao động để rút ngắn khoảng cách lương giữa khu vực công và khu vực tư, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa hai khu vực này trong việc thu hút nhân lực chất lượng cao.
Bên cạnh đó cần tạo tạo môi trường làm việc lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng giữa các vị trí việc làm; minh bạch cơ chế tuyển dụng và công tác nhân sự; phân công đúng người đúng việc, có cơ chế trọng dụng người tài; thực hiện tinh giản biên chế bằng cách mạnh dạn thay thế bộ phận công chức, viên chức không đáp ứng yêu cầu…
Công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về chẳng bao giờ xin nghỉ việc
Nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ, chủ tịch hiệp hội khoa học hành chính Việt Nam Trần Anh Tuấn chia sẻ như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ Online về câu chuyện công chức, viên chức nghỉ việc hàng loạt thời gian qua.
Ông Trần Anh Tuấn, chủ tịch hiệp hội khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ nội vụ - Ảnh: B.NGỌC
* Số công chức xin thôi việc, nghỉ việc đang tăng nhanh tại các bộ, ngành, địa phương. Theo ông, đâu là nguyên nhân, có phải họ nghỉ việc chỉ vì tiền lương thấp, không đủ sống?
- Thời gian qua đúng là có hiện tượng công chức, viên chức ở một số bộ, ngành, địa phương xin thôi việc và hiện tượng này có xu hướng tăng nhanh. Lý do thì có nhiều, như "theo nguyện vọng cá nhân", "do tiền lương thấp", "do sức khỏe", "do điều kiện gia đình", "do môi trường không phù hợp"...
Trước vấn đề này, Bộ Nội vụ đã kịp thời có văn bản gửi các bộ, ngành và địa phương báo cáo tình hình công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc. Nhưng để trả lời vì sao thời gian gần đây có số lượng công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc tăng nhanh, không thể vội vàng đưa ra các lý do.
Không nên chỉ đơn thuần cho rằng công chức, viên chức xin thôi việc là do lương thấp. Trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mức tiền lương cao hay thấp đúng là quan trọng, có sức hấp dẫn, thu hút, giữ chân người lao động nhưng không phải là yếu tố duy nhất.
Thực tế cho thấy có nhiều trường hợp công chức, viên chức là vụ trưởng, phó giám đốc sở hoặc cao hơn cũng vẫn xin thôi việc, với các lý do khác nhau mà không phải vì lương thấp.
* Tình trạng hàng chục ngàn công chức, viên chức rời bỏ khu vực công trong thời gian qua theo ông có bất thường không? Việc này ảnh hưởng thế nào tới chất lượng dịch vụ của khu vực nhà nước?
- Nhìn tổng thể, công chức, viên chức xin thôi việc là chuyện bình thường trong kinh tế thị trường.
Cũng như người sử dụng lao động có quyền lựa chọn lao động có tay nghề cao, có năng lực và trách nhiệm, giỏi chuyên môn, người lao động cũng có quyền lựa chọn, tìm kiếm việc làm có lương cao, môi trường và điều kiện làm việc tốt, phù hợp với nghề nghiệp, năng lực, sở trường của mình.
Không làm ở khu vực công thì làm ở khu vực tư. Trong kinh tế thị trường, nơi nào có sức hấp dẫn, có môi trường tốt, tạo được động lực làm việc, có chế độ tiền lương phù hợp, đảm bảo cuộc sống, phát huy được năng lực, sở trường của mình thì đều thu hút người lao động. Ngược lại thì họ ra đi.
Nhìn dưới góc độ phạm vi các cơ quan, tổ chức nhà nước, tình trạng công chức, viên chức xin thôi việc, xin nghỉ việc tăng nhanh trong thời gian gần đây là vấn đề rất cần phải quan tâm. Vì người xin thôi việc, xin nghỉ việc thường lại là những người làm việc tốt, có năng lực chuyên môn cao. Họ xin nghỉ việc để chuyển sang làm việc ở khu vực tư hoặc doanh nghiệp.
Còn những người "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về", hạn chế và yếu về năng lực thì chẳng bao giờ xin nghỉ việc, trừ khi cơ quan đưa họ vào diện tinh giản biên chế. Điều này dẫn đến chất lượng hoạt động của các cơ quan nhà nước, chất lượng dịch vụ công sẽ có nguy cơ giảm
Tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc hiện nay phải được xem xét, nghiên cứu nghiêm túc để khắc phục. Nhiều ý kiến cho rằng do lương thấp nên công chức, viên chức xin thôi việc để chuyển sang khu vực tư làm việc do ở đó lương cao hơn.
Điều này đúng vì "có thực mới vực được đạo". Làm công chức, viên chức là một vinh dự được phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước, nhưng tiền lương cũng phải đủ nuôi sống bản thân mình và gia đình.
Hiện nay tiền lương trung bình của công chức, viên chức khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng. Lương trung bình khu vực doanh nghiệp khoảng 15 - 20 triệu đồng/tháng trở lên.
Chế độ công chức, viên chức của nước ta đã chuyển từ hệ thống chức nghiệp sang hệ thống việc làm từ 2008 - 2010, nhưng chế độ tiền lương của chúng ta đến nay vẫn thực hiện theo tư duy và cơ chế cũ, chưa được cải cách, chưa thực hiện việc trả lương theo vị trí việc làm.
Bên cạnh yếu tố tiền lương thiếu sức hấp dẫn, còn nhiều yếu tố khác dẫn đến tình trạng xin thôi việc, nghỉ việc của công chức, viên chức.
Đó là nhu cầu và các mong muốn của người lao động (môi trường và điều kiện làm việc, tiền lương thu nhập, cách điều hành của lãnh đạo, sự tôn trọng, động lực làm việc); chế độ tuyển dụng, sử dụng, quản lý đối với công chức, viên chức và mối quan hệ của nó với yêu cầu công vụ, nhiệm vụ; sự đòi hỏi đối với trách nhiệm, chất lượng, sức ép công việc và cơ chế trả lương, đãi ngộ...
Những yếu tố này cần được nghiên cứu để tìm ra các nguyên nhân và có các giải pháp khắc phục.
Cán bộ công chức TP Thủ Đức giải quyết hồ sơ nhà đất cho người dân - Ảnh: TỰ TRUNG
* Bối cảnh hiện nay, theo ông, có cần giải pháp để giữ chân công chức có năng lực, giúp họ gắn bó lâu dài với các cơ quan nhà nước?
- Theo tôi, rất cần có ngay các giải pháp để giữ lại trong đội ngũ công chức, viên chức những người làm được việc, để họ gắn bó lâu dài với khu vực công. Nhưng trước khi đưa ra các giải pháp cần phải nghiên cứu để làm rõ nguyên nhân vì sao lại có tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc, xin thôi việc.
Giải pháp cần ngay lúc này là khẩn trương cải cách chế độ tiền lương cũng như đổi mới cơ chế tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức theo vị trí việc làm, phù hợp với cơ chế thị trường.
Tiếp tục tinh giản biên chế theo đúng chủ trương của Đảng, đào thải những người không làm được việc và mời tuyển những người làm việc tốt, có tâm, có tài về thay thế.
Tôn trọng, tạo động lực làm việc cho công chức, viên chức, có chế độ đãi ngộ, bồi dưỡng và động viên khen thưởng kịp thời khi sức ép công việc gia tăng, yêu cầu trách nhiệm lớn (như phòng chống dịch bệnh vừa qua).
Đổi mới tư duy về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các cơ quan, đơn vị, nhất là trong khu vực sự nghiệp công lập, không giao kinh phí theo đầu biên chế, mà thực hiện giao kinh phí gắn với nhiệm vụ được giao, cho phép thực hiện chế độ công chức hợp đồng.
* Xin cảm ơn ông.
Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9/2022, người lao động được nghỉ 4 ngày? Trong dịp Quốc khánh 2/9/2022, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có thể được nghỉ lễ đến 4 ngày liên tục. Theo Bộ luật Lao động 2019, Quốc khánh là ngày lễ trong năm mà người lao động được nghỉ việc và hưởng nguyên lương. Điều 112 quy định, người lao động được nghỉ Quốc khánh 2 ngày, gồm ngày...