Cần quan tâm hơn nữa công tác tiết kiệm, chống lãng phí nguồn lực của xã hội
Sáng 22-4, tại phiên họp lần thứ 44, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019.
Quang cảnh phiên họp.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực tiếp tục có những chuyển biến tích cực, có đóng góp quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội; qua đó tạo thêm và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực của đất nước để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.
Bên cạnh đó, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong từng lĩnh vực cũng còn những khó khăn, hạn chế; vẫn còn tình trạng thực hiện chưa nghiêm túc ở một số đơn vị, địa phương.
Nguyên nhân chủ yếu là do người đứng đầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chưa quan tâm đúng mức, chưa giao trách nhiệm cụ thể cho cơ quan tham mưu giúp việc làm đầu mối triển khai, thực hiện quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Cho ý kiến về báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng, cải cách thủ tục hành chính, tinh giản bộ máy đã góp phần lớn vào công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh công tác này trong thời gian tới.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nêu quan điểm, việc chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí diễn ra khá phổ biến chứ không phải chỉ ở một vài đơn vị, địa phương.
Video đang HOT
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng nhận định, thực tế việc cách ly xã hội phòng, chống dịch Covid-19 cũng góp phần tiết kiệm chi thường xuyên, nhưng Chính phủ cần có hướng dẫn, chỉ đạo để tránh sau khi hết thời gian cách ly thì nảy sinh hiện tượng các đơn vị, địa phương “chi bù”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, việc lãng phí có thể xảy ra ngay từ khâu lập chủ trương cho tới khâu thực hiện. Bên cạnh đó, cần lưu ý nâng cao vai trò thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nguồn lực xã hội trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, chứ không chỉ nhấn mạnh ở lĩnh vực công.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần lập lại trật tự trong việc tổ chức lễ hội, bởi dù lễ hội không sử dụng ngân sách nhà nước nhưng việc huy động nguồn lực xã hội cũng gây tốn kém của doanh nghiệp, nhân dân.
“Lẽ ra nguồn lực đó nên để dùng xây dựng các công trình thiết yếu, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, ứng phó biến đổi khí hậu”, Chủ tịch Quốc hội nêu.
Kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019 tích cực hơn năm 2018. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng kiến nghị Quốc hội nghiêm khắc phê bình các bộ, ngành chưa có báo cáo chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đồng thời, đề nghị Chính phủ quyết liệt hơn trong việc khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở một số lĩnh vực.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, thời gian tới, cần thực hiện hiệu quả, công khai, minh bạch, chống lãng phí nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tiến Thành
700.000 doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ sẽ được miễn, giảm thuế thu nhập
Từ ngày 1- 7 tới, thuế thu nhập doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ sẽ giảm còn 15-17%, thay vì mức 20% như hiện nay.
Đặc biệt, những doanh nghiệp được thành lập mới từ hộ kinh doanh sẽ được miễn 2 năm thuế thu nhập doanh nghiệp kể từ khi có lãi.
Ngân sách sẽ giảm thu khoảng 15,5 nghìn tỉ đồng mỗi năm khi chính sách miễn, giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được Quốc hội thông qua. (Ảnh chụp trước thời điểm dịch COVID-19) - Ảnh L.THANH
Chiều 11-4, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ để trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 tới về việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Dự kiến thuế suất với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là 15-17%, tùy thuộc vào quy mô doanh thu và số lượng lao động của doanh nghiệp.
Đồng thời cho phép miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho biết bộ này đã kiến nghị cấp thời gian thực hiện chính sách miễn giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp như nêu trên ngay từ ngày 1-7 năm nay, thay vì ngày 1-1-2021 như đề xuất trước đó.
Với việc miễn giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ như nêu trên, Bộ Tài chính cho hay sẽ có khoảng 700 nghìn doanh nghiệp, chiếm khoảng 93% tổng số doanh nghiệp trong cả nước, được hưởng lợi.
Ước tính ngân sách nhà nước sẽ giảm thu mỗi năm khoảng 15,5 nghìn tỉ đồng.
Để chia sẻ khó khăn với hoạt động sản xuất kinh doanh, ngoài chính sách trên, Bộ Tài chính cho biết đang sửa thông tư về lệ phí môn bài. Dự kiến trong quý 2 này, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chuyển từ hộ kinh doanh sẽ được miễn lệ phí môn bài.
Thời gian miễn lệ phí này là 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục phổ thông công lập và cơ sở giáo dục mầm non công lập, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cũng sẽ được miễn lệ phí môn bài.
Thêm nữa, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý các bộ, ngành về việc giảm 70% mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp; giảm 67% mức phí công bố thông tin doanh nghiệp...Tổng số phí, lệ phí cắt giảm trong thời gian còn lại của năm 2020 khoảng 500 tỉ đông.
Lãnh đạo Bộ Tài chính đánh giá việc miễn, giảm thuế, phí và lệ phí là giải pháp hỗ trợ thiết thực nhằm chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là đối với những đơn vị bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
LÊ THANH
Nguyên tắc áp dụng pháp luật: Áp dụng văn bản ban hành sau Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 43, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Hai phương án về trách nhiệm tham gia thẩm tra Hai vấn đề lớn...