Cần phương án “cấp cứu” đội tàu biển Việt Nam
Đang có một thực trạng là đội tàu biển VN được đầu tư ồ ạt, không có kế hoạch khai thác dài hơi dẫn đến việc khi gặp thời điểm thị trường “down” là lập tức bị “knock out”!
Tàu Green Sea trọng tải 76.000 tấn của Vinashinlines đang nằm chết tại vùng biển Hòn Nét (Quảng Ninh).
Thực trạng ấy phơi bày sự vô trách nhiệm nặng nề của cả một hệ thống, từ các đơn vị trực tiếp đầu tư kinh doanh đến các cơ quan thẩm định, quyết định đầu tư, giám sát…
Tuy nhiên, việc cần làm bây giờ không phải chỉ là quy trách nhiệm, rút kinh nghiệm và xử người có tội, mà là tìm cách cứu khối tài sản đang bị hao hụt, mục nát dần theo năm tháng cứu hàng trăm thuyền viên đang bị mắc kẹt cả ở trong nước lẫn nơi đất khách quê người.
Video đang HOT
Cắt lỗ, bảo tồn đội tàu
Một số chuyên gia kinh tế hàng hải phân tích: Kinh doanh vận tải biển cũng có chu kỳ trồi sụt như bất cứ ngành kinh tế nào. Còn nhớ những năm 2006-2007, khi nhu cầu vận tải tăng cao, trong khi đội tàu không đáp ứng được, thì giá cước cao vọt tới mức “trên trời”. Không ít đơn vị vận tải biển ngồi nhìn “vàng lăn qua trước mắt” mà tiếc nuối ngẩn ngơ, vì không thể đào đâu ra tàu. Bởi ngành vận tải biển rất đặc thù là không thể ngay lập tức có tàu. Khi vận tải “cháy tàu” thì có ai dại gì đem bán trong khi mỗi con tàu đóng mới cũng mất một vài năm. Khi đó, các nhà máy đóng tàu kín chỗ, bởi đóng nhanh được tàu ngày nào là thu vàng ròng ngày ấy, nên nhiều chủ tàu tá hỏa đầu tư.
Song thị trường vẫn luôn luôn đỏng đảnh. Khi các chủ tàu và các nhà đầu tư nhận được tàu cũng là lúc nguồn cầu lớn quá mức cung cộng thêm suy thoái kinh tế nên giá cước “rơi tự do”. Vận tải biển thế giới rơi vào cơn lao đao. Chỗ neo đậu tàu trở nên đắt như tôm tươi, bởi tàu phải nằm bến vì không có hàng để chở. Nhiều chủ tàu trên thế giới phải bán sắt vụn những con tàu cũ, hoặc chấp nhận kinh doanh không hiệu quả để cắt lỗ. Các công ty vận tải lớn cũng phải “moi” quỹ dự phòng để “nuôi không” đội tàu nằm chờ thời. Và đội tàu VN hoàn toàn không phải là một ngoại lệ.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là đội tàu VN đã được đầu tư một cách ồ ạt đến mức khó hiểu, đặc biệt là tại Vinalines, trong khi không hề tiên liệu được tình hình thị trường. Mặt khác, việc tính toán hiệu quả kinh doanh tàu, khả năng hoàn vốn ra sao khi sử dụng vốn vay thương mại có lãi suất cao của lãnh đạo công ty thời điểm này đã dấy lên một nghi vấn lớn về động lực đầu tư (?!). Đồng thời, thực trạng đội tàu “nằm chơi” hoặc kinh doanh lỗ cho thấy khả năng thẩm định dự án của các cấp có thẩm quyền khi phê duyệt quyết định đầu tư, giám sát đầu tư… yếu kém. Bởi mỗi dự án vay mua tàu đều được thẩm định qua rất nhiều khâu của nhiều bộ, ngành và nhiều cấp, ở cả doanh nghiệp lẫn Chính phủ. Vậy khi doanh nghiệp “lú” thì phải có cơ quan quản lý, thẩm định “khôn”(?!) song doanh nghiệp cứ mặc sức mua tàu, còn cơ quan thẩm định, phê duyệt mặc nhiên ký… nên mới để xảy ra thực trạng thua lỗ, lãng phí thê thảm như hiện nay.
Một vấn đề nữa được đặt ra, đó là phương pháp xử lý các vụ án kinh tế đã “không kinh tế” một chút nào, khi mà các lãnh đạo đơn vị- những người chịu trách nhiệm về dự án kinh tế bị bắt giam- thì lập tức dự án hoặc các hoạt động kinh doanh của đơn vị đó bị bỏ rơi thê thảm, như trường hợp Vinashinlines hay ụ nổi 83M.
Đơn cử tàu Atlantic bị nằm bến từ tháng 5.2009, tàu Lash Sông Gianh nằm liệt từ năm 2008 sau “nhõn” một chuyến chở hàng, tàu New Phoenix bị nằm tại Trung Quốc từ tháng 7.2011, ụ nổi 83M… để chờ phán xét… đã là một “cái túi ngốn tiền không đáy” trong khi lẽ ra những tài sản này phải được xem xét kịp thời để khai thác hoặc bán, hoặc thậm chí dỡ sắt vụn đi nữa cũng tốt hơn và không gây thiệt hại nhiều hơn cho cả tài sản nhà nước lẫn làm khổ đội thuyền viên. Song trong số đó, vì là tang vật của những vụ án đang điều tra nên khối tài sản này vẫn bị “án binh bất động”. Một tình trạng đáng thương cho tiền của nhà nước nữa là nhiều tàu bị các ngân hàng xiết nợ mà không bán nổi, nên cũng đành bỏ mặc phơi nắng phơi sương.
“ Mời thầu” – phương án cấp cứu?
Hiện tại, việc làm cần thiết nhất là cấp cứu đội tàu của Vinashinlines với 5 con tàu xa xứ và các tàu “nằm liệt” tại các cảng trong nước, để gom khối tài sản còn chút nào hay chút ấy này không thất thoát thêm. Kế đến, giải phóng cho các thuyền viên khỏi cảnh bị đày ải, nợ lương, sống thiếu thốn như thời nguyên thủy ở các con tàu “chết”. Bộ GTVT cũng cho biết, đang chỉ đạo quyết liệt để lãnh đạo mới của đơn vị này đưa ra phương án giải quyết.
Còn với đội tàu biển của Vinalines, việc bảo tồn có chọn lọc để đội tàu vượt qua cơn khủng hoảng, chờ qua được khoảng đáy của thị trường là hết sức cần thiết. Thực tế của các quốc gia cũng như các hãng tàu lớn trên thế giới cho thấy, khi các ngành kinh tế lớn rơi vào thời điểm khó khăn, có nguy cơ phá sản, chính phủ của các quốc gia này đều có phương án cứu trợ khẩn cấp. Điều này cũng hợp lý hợp tình, bởi quốc gia cũng giống như một gia đình: Lúc làm ăn được cần có quỹ tích lũy dự phòng, “được mùa chớ phụ ngô khoai”.
Vì vậy, có lẽ đã đến lúc các doanh nghiệp nhà nước cần phải bắt buộc lập quỹ phòng ngừa rủi ro như các ngân hàng, để có ý thức tự cứu khi thị trường khủng hoảng, nền kinh tế suy thoái, chứ không nên “làm đến đâu ăn hết đến đấy”, thậm chí tệ hơn là ” bóc ngắn cắn dài”. Đội tàu của Vinalines cho đến thời điểm này vẫn là một khối tài sản lớn, giá trị. Theo các chuyên gia về kinh doanh hàng hải, thị trường vận tải biển có vẻ đã tới đáy và nếu đội tàu VN qua khỏi thời điểm đáy, đón đầu được sự hồi phục thị trường thì khả năng nhập cuộc trở lại là khả quan.
Tuy nhiên, cần tìm được một phương án thích hợp, đặc biệt là bố trí nhân sự thích hợp để tạo ra được những cú đột phá. Tại sao lại không nghĩ đến việc “mời thầu” các giải pháp cấp cứu đội tàu một cách công khai rộng rãi, biết đâu sẽ có những đơn vị, cá nhân dám nhận và làm có hiệu quả?
Theo laodong
Thêm một ụ nổi bỏ hoang và món nợ hàng trăm tỉ đồng
Ụ nổi Venture dock 2 "được" kéo vào vịnh Cam Ranh ngày 9.8.2008 và bỏ hoang từ đó đến nay. Sau nhiều lần tìm kiếm chủ doanh nghiệp để yêu cầu làm thủ tục nhập cảnh, Hải quan Khánh Hòa đành "bó tay", bởi có khá nhiều đồng sở hữu liên quan đến ụ nổi hoen gỉ trị giá hàng trăm tỉ đồng này.
Ụ nổi Venture dock 2 trị giá hàng trăm tỉ đồng bỏ hoang trong vịnh Cam Ranh. Ảnh: Trinh Mai
UBND tỉnh Khánh Hòa đã không cho phép đưa Venture dock 2 vào sử dụng đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng trục xuất cái-của-nợ ấy ra khỏi vùng biển địa phương.
Ụ nổi là ụ... nợ!
Theo Cục Hải quan Khánh Hòa, Venture dock 2 hiện diện trong vịnh Cam Ranh ngày 9.8.2008, nhưng từ đó đến nay chưa làm thủ tục nhập cảnh. Sau nhiều lần gửi thông báo tìm kiếm chủ sở hữu của ụ nổi nói trên, ngày 26.4.2012, Hải quan Khánh Hòa mới "được" làm việc chính thức với bà Trần Thị Hiền - GĐ Cty CP vận tải biển và thương mại Long Sơn (Cty Long Sơn) - DN đã mua Venture dock 2 với giá 11,5 triệu USD của 1 người ở Singapore mang quốc tịch Mông Cổ. Theo trình bày của bà Trần Thị Hiền, Venture dock 2 có sức nâng 12.000 tấn, đóng tại Indonesia năm 1999, Cty Long Sơn đã vay tiền của ngân hàng để mua ụ nổi này với mục đích tạm nhập, tái xuất và đã chào hàng cho hơn 10 đối tác nước ngoài, nhưng do khủng hoảng kinh tế nên không bán được.
Vẫn theo Cục Hải quan Khánh Hòa, trước đó, mặc dù chưa làm thủ tục khai báo hải quan, nhưng ngày 21.4.2009 Cty Long Sơn đã ký hợp đồng bán ụ nổi Venture dock 2 với giá 15,5 triệu USD cho Cty CP dịch vụ hàng hải Nam Việt, trụ sở tại TP.Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa!
Căn cứ hồ sơ đăng ký kinh doanh của Cty CP dịch vụ hàng hải Nam Việt (Cty Nam Việt) tại Sở KHĐT Khánh Hòa, DN này mới thành lập ngày 19.3.2009 với tổng số vốn điều lệ 20 tỉ đồng, trên cơ sở vốn góp của 3 cổ đông sáng lập là 1 cá nhân và Cty CP đầu tư - vận tải dầu khí Vinashin (nay là Cty CP Việt Hải) - 80% vốn điều lệ, Cty TNHH MTV đóng tàu Cam Ranh (Vinashin Cam Ranh) - 10% vốn điều lệ. Cty Nam Việt đã lập dự án vay vốn ngân hàng mua ụ nổi Venture dock 2 để sử dụng vào việc hợp tác với Vinashin Cam Ranh thành lập Nhà máy sửa chữa tàu biển Nam Việt tại Cam Ranh nhưng không được UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép, vì lo ngại gây ô nhiễm môi trường.
Trong một diễn biến khác liên quan đến nợ nần của Cty Long Sơn, ngày 1.8.2012, Cảng vụ hàng hải Nha Trang đã nhận văn bản của Chi nhánh Ngân Hàng BIDV Bắc Hà Nội đề nghị tạo điều kiện cho chủ Venture dock 2 làm thủ tục tái xuất để ngân hàng thu hồi nợ, bởi vì ụ nổi này chính là tài sản thế chấp duy nhất đảm bảo cho khoản vay hàng trăm tỉ đồng nhằm mục đích mua chính nó! Chưa hết, theo tin từ cơ quan thi hành án quận Bình Thạnh, ụ nổi Venture dock 2 còn là tài sản đảm bảo thi hành án của chủ nợ Vinashin đối với Cty Long Sơn, sau khi các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm buộc Cty Long Sơn phải hoàn trả khoản nợ 2,7 triệu USD trong thương vụ mua tàu Vinashin Tiger của Vinashin.
Trục xuất ụ nổi bỏ hoang
Ông Nguyễn Văn Thanh - ngư dân ở phường Cam Phúc Bắc - kể: "Ban đầu, bà con ngư dân trong phường cứ tưởng ụ nổi là con tàu của nước ngoài đi lạc hoặc bị hư hỏng, nham nhở, ôxy hóa nặng, chờ sửa chữa suốt 4 năm qua. Mùa mưa năm 2009, ụ nổi này từng bị rê neo, trôi dạt từ Cam Ranh đến Nha Trang, sợ nó va trúng tàu thuyền, ngư dân phải tìm cách sơ tán".
Theo báo cáo của Sở GTVT Khánh Hòa, dọc tuyến biển của địa phương có 17 tàu thuyền, ụ nổi... đã hết hạn sử dụng bị bỏ hoang nguy hiểm nhất là ụ nổi Venture dock 2 dài 166,5m, cao 14m, đe dọa sự an toàn của tàu thuyền trong vịnh Cam Ranh. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa, chậm nhất đến ngày 31.12.2012, nếu chủ sở hữu Venture dock 2 không di chuyển ụ nổi ra khỏi vịnh Cam Ranh thì các cơ quan chức năng sẽ áp dụng biện pháp trục xuất! Không có chuyện bán ụ nổi bỏ hoang này cho khách hàng Mỹ, khi bài báo này lên khuôn, Venture dock 2 vẫn chưa làm thủ tục khai báo hải quan và Cty Long Sơn hiện còn nợ Cảng vụ Hàng hải Nha Trang các khoản phí, lệ phí tổng cộng 1,7 tỉ đồng!
Cty CP vận tải biển và thương mại Long Sơn đăng ký trụ sở tại 73 đường D1, phường 25, quận Bình Thạnh, TPHCM giấy phép kinh doanh số 0303537058, cấp ngày 25.10.2004 lĩnh vực hoạt động chính là đại lý, môi giới, đấu giá. Theo nguồn tin riêng của Lao Động, Cty Long Sơn là một trong những công ty con của Vinalines mùa hè năm 2008, gần như cùng một lúc, ụ nổi Venture dock 2 (Cty Long Sơn mua) và ụ nổi 83M (Vinalines mua) được "tập kết" tại 2 vịnh biển của tỉnh Khánh Hòa là Vân Phong và Cam Ranh. Cơ quan CSĐT Bộ CA đã khởi tố vụ án, khởi tố 7 bị can liên quan đến tội "cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng" trong quá trình mua ụ nổi 83M, gây thiệt hại gần 500 tỉ đồng. P.H.C
Theo laodong
'Sẽ tìm kiếm thuyền viên đến hy vọng cuối cùng' Gửi tàu tức tốc đến vùng bị nạn, kêu gọi các tàu thuyền xung quanh hợp tác cứu trợ, phối hợp chặt chẽ với lực lượng cứu nạn các nước... Các cơ quan chức năng và chủ tàu đang dùng mọi biện pháp để tìm 4 thủy thủ Saigon Queen.lời kể Trao đổi với VnExpress.net, ông Đỗ Ngọc Lâm, Tổng giám đốc Công...