Cần phối hợp nhịp nhàng
Bản đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam của Quỹ Tiền tệ quốc tế dành những lời nhận xét tích cực về nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô. Các cơ quan chức năng của Chính phủ đã tiến bộ đáng kể trong ổn định thị trường tài chính khi Ngân hàng Nhà nước cung ứng thanh khoản và hợp nhất một số ngân hàng nhỏ, yếu kém. Thanh khoản hệ thống ngân hàng đã bớt căng thẳng. Tuy nhiên khu vực tài chính và doanh nghiệp Nhà nước vẫn tiềm ẩn rủi ro, cơ chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô là một thách thức lớn đối với Việt Nam.
Để tạo bước đột phá trong điều hành, Bộ KH-ĐT vừa được Chính phủ phê duyệt Đề án cải cách cơ chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô. Mục tiêu kỳ vọng của Đề án là đảm bảo sự quản lý và điều hành chủ động, linh hoạt ứng phó kịp thời, hiệu quả trước những diễn biến kinh tế trong và ngoài nước. Bản thân Bộ trưởng KH-ĐT cũng lên tiếng nhiều lần về tình trạng chồng chéo, thậm chí “vênh” nhau, “đá” nhau giữa các bộ, ngành trong phối hợp quản lý, điều hành, đến mức ông đã phải thốt lên: “Để như thế thì chết!”.
Chẳng hạn như việc điều hành giá cả thị trường năm 2012 vẫn còn “dây dưa” sang năm nay. Cơ quan điều hành giá cả phải đứng trên tầm bao quát tổng thể và phải xem xét toàn cảnh nền kinh tế. Cơ quan quản lý vĩ mô phải nhìn thấy trước các kịch bản lạm phát có khả năng xảy ra để chủ động can thiệp sớm. Có làm được như vậy thì Chính phủ mới có thể chủ động trong điều tiết chỉ số CPI. Đó chính là vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, mới thể hiện được sự chỉ đạo quyết liệt từ trên xuống dưới, từ Trung ương đến địa phương. Không thể như xăng dầu, “xin” được tăng giá, nói được là được tăng, giá điện nghe thuyết trình thấy được là cho tăng ngay mà không “đong đếm” ảnh hưởng và tác động tới toàn bộ nền kinh tế cũng như xã hội. Sự trục trặc trong phối hợp điều hành, quản lý kinh tế vĩ mô giữa các bộ, ngành cũng là nỗi bức xúc của nhiều đại biểu Quốc hội. Một số ủy viên Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đã từng nhận định rằng, chúng ta chưa đánh giá và kiểm soát được tình hình một cách chặt chẽ và kịp thời. Phải thừa nhận là một số chính sách, giải pháp còn mang tính nửa vời, hay thay đổi, thiếu sự phối hợp thống nhất, đồng bộ và nhịp nhàng.
Đề án cải cách cơ chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô vừa được Chính phủ phê duyệt đã có hiệu lực, đi ngay vào cuộc sống. Điều này cho thấy không thể kéo dài tình trạng hình thức trong công tác phối hợp quản lý và điều hành. Trách nhiệm và quyền hạn của các bộ, ngành, của người đứng đầu sẽ được quy định chặt chẽ, sát sao hơn. Điều hành kinh tế vĩ mô được ví như chèo lái một con tàu lớn phải có sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý mới có thể vượt qua sóng gió.
Đan Thanh
Theo ANTD
Không được lơ là với lạm phát
"Các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt kiềm chế lạm phát ngay từ tháng 1-2013". Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị trực tuyến triển khai nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế xã hội năm 2013 giữa Chính phủ với các địa phương, ngày 26-12.
Nhìn lại năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, dù gặp nhiều khó khăn hơn so với dự báo nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng GDP 5,03%, lạm phát ở mức 6,81% là một thành tích đáng kể. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều hạn chế yếu kém. Cụ thể, tuy lạm phát kiềm chế ở mức thấp nhưng chủ yếu nhờ vào giảm giá lương thực, thực phẩm nên sức ép lạm phát cao quay trở lại là rất lớn. Kinh tế vĩ mô cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố chưa bền vững.
Hướng tới năm 2013, Thủ tướng chỉ đạo, phải ưu tiên tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, đưa lạm phát thấp hơn năm 2012, đồng thời duy trì tăng trưởng ở mức cao hơn năm 2012. Do giá cả thường tăng cao chủ yếu trong những tháng đầu năm, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quyết liệt kiềm chế lạm phát ngay từ tháng 1-2013, giao Thống đốc Ngân hàng nhà nước có chính sách tiền tệ phù hợp để đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm ở mức 6-6,5%. Bên cạnh đó, không để tình trạng thiếu hàng, sốt giá, găm hàng, đẩy giá lên cao, phát huy tốt hơn nữa cơ chế bình ổn giá.
Để thực hiện mục tiêu năm 2013 tăng trưởng kinh tế cao hơn, kiềm chế lạm phát thấp hơn năm 2012, Thủ tướng yêu cầu, các địa phương phải xác định đúng lợi thế của từng sản phẩm, từng ngành. Từ đó, có cơ chế chính sách ưu đãi về đất đai, vốn... để đẩy mạnh thành sản phẩm vượt trội mang tính chất quốc gia như sản phẩm cá tra của đồng bằng sông Cửu Long. Thủ tướng nhắc nhở, cần đẩy mạnh cải cách để tranh thủ thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có chọn lọc về chất lượng, coi đó là nguồn lực để chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Trong đó, cần lưu ý thực hiện các biện pháp phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn tín dụng với lãi suất hợp lý để phát triển sản xuất kinh doanh; ưu tiên vốn tín dụng cho sản xuất hàng xuất khẩu, nông nghiệp; tăng hạn mức tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn...
Theo ANTD
Nhìn gần, lo xa Đó là cái nhìn gần về thị trường vàng trong nước và là cái lo xa về quản lý một số lĩnh vực kinh tế vĩ mô hiện nay. Một vấn đề đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận những ngày gần đây là biểu hiện "độc quyền" mặt hàng vàng miếng đang làm nhiễu loạn thị trường vàng trong...