Cần phanh phui hiện tượng tiêu cực, biến tướng trong tặng quà Tết
GS.TSKH Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng Khoa học & đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, nhiều người không còn phân biệt đâu là những món quà mang nét đẹp truyền thống, đâu là những món quà ngụy trang cho những quan hệ tiêu cực.
Tặng quà nhau trong dịp lễ, Tết là truyền thống văn hóa của người Việt. Đây là dịp đặc biệt nhất trong năm để người ta bày tỏ tình cảm, sự biết ơn, tri ân đến những người mà họ trân trọng. Tuy nhiên, thời gian qua, nét đẹp văn hóa này đang bị lợi dụng để “ngụy trang” cho những hành vi tiêu cực, mua quyền, chạy chức.
GS.TSKH Vũ Minh Giang.
GS.TSKH Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng Khoa học & đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cái gốc của vấn đề này cần phải có những giải pháp khiến không thể mua bán được gì.
Trước tiên, xin được hỏi ông, tặng quà dịp lễ, Tết từ trước đến giờ được nhìn nhận như thế nào, nhất là ở góc độ tập quán văn hoá?
- Trong truyền thống văn hóa Việt Nam, việc tặng quà nhau trong dịp lễ Tết là một nét đẹp, đây là dịp để người ta bày tỏ tình cảm, sự biết ơn, quý trọng của mình với người mà họ có quan hệ.
Đó là quan hệ thầy trò, người ta vẫn nói tới khái niệm Tết thầy, là dịp để trò biểu thị tình cảm với những người thầy cô từng dạy mình; hay cấp dưới đến tặng quà cấp trên để thể hiện lòng biết ơn về sự dìu dắt, giúp đỡ trong suốt 1 năm; người bệnh cảm ơn thầy thuốc đã cứu sống… Đó là nét đẹp, là sự tri ân. Vì vậy, việc tặng quà nhau ngày Tết là chuyện bình thường.
Video đang HOT
Theo ông, đâu là lý do khiến việc tặng quà cấp trên dịp lễ Tết bị dư luận soi xét dưới góc độ không mấy tích cực? Phải chăng đó chính là sự biến tướng mà lỗi nằm ở động cơ, mục đích của người tặng và người nhận?
- Thời gian qua, người ta không còn phân biệt đâu là những món quà mang nét đẹp truyền thống, đâu là những món quà ngụy trang cho những quan hệ tiêu cực bợ đỡ, hối lộ, mua chuộc… Việc tặng quà mang tính động cơ, tiêu cực ở xã hội nào cũng có.
Một khi có nhu cầu và nhu cầu có thể được đáp ứng, đương nhiên sẽ có cung. Khi người ta đã đội được “chiếc mũ”, người ta có thể làm được những việc khác nữa, nên dư luận săm soi là có lý.
Khi người ta đã có động cơ vụ lợi thì khó có thể kêu gọi mà bỏ được. Cái gốc là phải hạn chế bằng các giải pháp khiến không thể mua bán được gì, vì người được chạy, được mua không thể quyết định được mà còn phụ thuộc vào luật và nhiều chế tài khác. Để làm được điều đó, chúng ta phải từng bước tiến tới đổi mới về cơ chế, thể chế, luật pháp.
Việc lãnh đạo Đảng, Chính phủ và nhiều cơ quan, địa phương ra yêu cầu cấm chúc Tết, tặng quà cấp trên dịp Tết trong bối cảnh hiện nay rõ ràng là cần thiết. Việc quán triệt chỉ đạo này cần lưu ý vấn đề gì, thưa ông?
- Một khi quyền lực không được kiểm soát rất dễ dẫn tới việc người ta có thể mua bán được thông qua quà biếu. Tôi ủng hộ chủ trương, chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ nghiêm cấm tặng quà cấp trên dưới mọi hình thức. Theo tôi đây là giải pháp cần thiết, nhưng chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, cần có những chế tài để hóa giải việc có mua chuộc cũng không thể làm gì được. Đấy mới là giải pháp căn cơ, bền vững. Theo đó, các quy định trong luật pháp phải kiểm soát được quyền lực để người có quyền không thể tự do ban phát. Khi người ta tìm mọi cách, chạy mọi cửa để mua, để chạy mà không được, tự nhiên việc chạy chức, mua chức sẽ mất đi.
Dưới góc độ văn hoá, theo ông cần làm thế nào để một hành động vốn dĩ mang nhiều nét đẹp được hiểu và thực hiện đúng nghĩa của nó, nhất là dịp Tết nguyên đán?
- Viên quan đại thần Đặng Huy Trứ ở thế kỷ XIX từng viết cuốn sách “Từ thụ yếu quy” để nói về những quy tắc “từ, thụ” khi được tặng quà. Có những món quà cần phải từ chối tuyệt đối, nhưng có những món quà phi vụ lợi thì có thể nhận nhưng cũng phải theo các nguyên tắc.
Với những món quà, người ta mang đến vì một áp lực nào đó thì cần từ chối; những món quà vì mục đích trục lợi, đổi quà để lấy một món lợi nào đó từ người mình tặng quà; hay người ta đổi quà để lợi dụng, sai khiến… cũng nên kiên quyết từ chối.
Trong xã hội hiện nay, luật pháp và dư luận có vai trò quan trọng trong hạn chế những vụ việc tiêu cực. Ngoài luật pháp, chế tài để ngăn chặn tặng quà vụ lợi, quyền lực từ dư luận khá lớn, trong đó có các phương tiện truyền thông. Truyền thông cần phanh phui những hiện tượng tiêu cực, thậm chí phải chỉ đích danh nếu biết chính xác, như vậy người ta mới ngại.
Xin cảm ơn ông!
Theo Hà Thành (VOV)
Công chức TP HCM được tặng quà Tết 1,2 triệu đồng
Thành phố chi hơn 660 tỷ đồng để tặng quà dịp Tết, trong đó người nghèo được phần quà 1,1 triệu và công chức 1,2 triệu.
Ảnh minh họa
Sở Lao động Thương binh xã hội vừa đề xuất UBND TP HCM cần 661 tỷ đồng để chi tặng quà Tết Đinh Dậu 2017, tăng gần 60 tỷ so năm ngoái.
Trong đó, hơn 150.000 cán bộ, công chức, viên chức hành chính sự nghiệp có phần quà trị giá 1,2 triệu đồng. 57.000 hộ nghèo được tặng quà 1,1 triệu đồng. Các hộ cận nghèo sẽ do quận, huyện vận động doanh nghiệp, mạnh thường quân hỗ trợ.
Khoảng 760 mẹ Việt Nam anh hùng, cán bộ lão thành cách mạng... sẽ nhận được mức quà tặng cao nhất, tới 2,6 triệu đồng.
Đối với thương binh hạng 1/4, thân nhân 2 liệt sĩ trở lên, người tham gia kháng chiến nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động trên 81%... được tặng quà 1,4 triệu đồng.
Hơn 273.000 người là thương binh, bệnh binh, thân nhân của một liệt sĩ, cán bộ hoạt động cách mạng bị địch bắt, tra tấn, tù đày nhận mức 1,06 triệu đồng. Đối với người nhận trợ cấp xã hội, người già trên 80 tuổi, thành phố dự định chi 950.000 đồng cho một suất quà.
Ngoài ra, gia đình có con em đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 được tặng quà 950.000 đồng. Khoảng 11.000 người nghiện thuộc các trường trại cũng thuộc diện được TP HCM chăm lo đầy đủ.
Các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố cũng đang gấp rút chăm lo cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Khoảng 35.000 vé xe được TP HCM tặng công nhân về quê ăn Tết.
Duy Trần
Theo VNE