‘Cân nhắc kỹ việc giao bộ nào cấp giấy phép lái xe’
Luật sư cho rằng trước khi quyết định giao bộ nào quản lý đào tạo, cấp giấy phép lái xe, cơ quan chức năng cần đánh giá ưu, nhược điểm, lấy ý kiến đóng góp rộng rãi.
Trình bày tại phiên họp 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15/9, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nêu đề xuất bỏ quy định cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe (GPLX) ra khỏi dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Nội dung này sẽ được đưa vào dự thảo luật mới do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.
Dưới góc độ pháp lý, các luật sư cho rằng khi quyết định việc bộ nào quản lý đào tạo, cấp, đổi GPLX, cơ quan chức năng cần cân nhắc kỹ.
Bộ Công an có quản lý tốt hơn?
Theo luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật Chính Pháp), dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo vốn được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Từ năm 2001, quy định về sát hạch, cấp, đổi GPLX đã tồn tại ổn định trong Luật Giao thông đường bộ. Vì vậy, luật sư cho rằng khi tách nội dung này ra, cần làm rõ khó khăn, thuận lợi trong quản lý.
Chính phủ đề xuất giao Bộ Công an soạn thảo dự án luật có quy định về sát hạch và cấp bằng lái xe. Ảnh: V.P.
Luật sư Cường nhận định Luật Giao thông đường bộ điều chỉnh về quy tắc giao thông, kết cấu hạ tầng, phương tiện và người tham gia giao thông đường bộ… Đây là một tổng thể thống nhất, khó tách rời. Do đó, nếu có phương án tách riêng cần phải tách bạch các quy định, tránh trùng lặp.
Mặt khác, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu khi chuyển chức năng cấp GPLX cho ngành công an có đảm bảo tính ưu việt, thuận lợi hơn? Bởi lẽ, Bộ GTVT đang có biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch và cấp GPLX.
Video đang HOT
“Thay đổi thẩm quyền có thể phát sinh nhiều vấn đề như đầu tư cơ sở vật chất, tăng chi phí. Trong khi đó, nhân lực, vật lực của ngành giao thông đang được trang bị đầy đủ”, luật sư Cường phân tích.
Luật sư cũng nhấn mạnh nhiệm vụ chính của lực lượng công an là bảo đảm an ninh, trật tự toàn xã hội. Việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông chỉ là một phần của an ninh trật tự chung.
Nếu chuyển thẩm quyền cấp GPLX sang Bộ Công an, các cơ quan cần xác định những bất cập, tồn tại trong quá trình sát hạch lái xe sẽ được Bộ Công an giải quyết dứt điểm.
Thay đổi ý thức tham gia giao thông
Nhìn nhận một cách tổng thể, luật sư cho rằng vấn đề quan trọng nhất của đào tạo, sát hạch GPLX là chất lượng đầu ra của học viên và ý thức tham gia giao thông của họ.
“Dù cơ quan nào quản lý việc sát hạch, cấp GPLX thì việc tổ chức sát hạch được thực hiện thế nào mới là quan trọng”, luật sư nhấn mạnh.
Ông Cường đánh giá với sự liên thông hệ thống dữ liệu giữa các ngành, từ cấp GPLX, đăng kiểm, xử phạt vi phạm giao thông, những bất cập trong việc cấp GPLX hoàn toàn có thể giải quyết được mà không bị chồng chéo giữa các đơn vị.
Do đó, trước khi quyết định bộ nào quản lý đào tạo, cấp GPLX, cơ quan chức năng cần đánh giá ưu và nhược điểm, lấy ý kiến đánh giá rộng rãi để xem xét tính phù hợp và khả thi.
Luật sư cho rằng mục đích cuối cùng của việc sát hạch GPLX là nhằm nâng cao ý thức của tài xế. Ảnh: Việt Hùng.
Luật sư Hoàng Tùng (Văn phòng luật Trung Hòa) nhận định việc sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ là cần thiết.
Theo ông, mục đích cuối cùng của việc sát hạch, cấp GPLX là nhằm tạo các điều kiện để nâng cao, thay đổi ý thức của người tham gia giao thông, hạn chế tai nạn và tạo ra văn hóa giao thông lành mạnh.
Tuy nhiên, luật sư Tùng cho rằng rất khó để tách rời các quy định về quản lý hạ tầng giao thông đường bộ với việc đảm bảo trật tự giao thông đường bộ.
“Việc tách Luật Giao thông đường bộ thành hai nội dung lớn là giao thông đường bộ và bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ để xây dựng thành 2 dự án luật cần cân nhắc kỹ”, ông Tùng nói.
Luật sư lo ngại nếu tách thành hai luật riêng sẽ khó thể hiện được tổng thể. Khi đó, các quy định dễ bị chồng chéo, gây khó khăn khi áp dụng trong thực tế.
Đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe: Chưa quyết giao bộ nào
Ngày 16/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe thuộc bộ nào quản lý tiếp tục là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm tại phiên họp. Ủy ban Thường vụ đề nghị Chính phủ tiếp tục làm rõ và Quốc hội sẽ xem xét, quyết định.
Hiện có 2.000 công chức, cán bộ hoạt động trong lĩnh vực SH-CGPLX
Ngày 16/9, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đã trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Đây là dự án luật mới, được Chính phủ thống nhất "tách" ra trong quá trình sửa đổi Luật Giao thông đường bộ.
Theo dự thảo luật, Điều 42 về sát hạch lái xe quy định: Bộ trưởng Bộ Công an quy định về sát hạch lái xe, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ. Việc cấp, cấp lại, đổi, thu hồi giấy phép lái xe (GPLX) cũng do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.
Nhiều vấn đề cần làm rõ
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt cho biết, có ý kiến đề nghị cân nhắc một số nội dung làm thay đổi trách nhiệm đang thực hiện như quy định thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX chuyển từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.
Về việc này, Thường trực Ủy ban thấy rằng, từ năm 2001 đến nay, công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ (2001 và 2008) và được thực hiện ổn định. Bộ GTVT đã cơ bản thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hoạt động này. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập về chất lượng đào tạo, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và theo dõi thi hành pháp luật về an toàn giao thông đối với người lái xe.
Theo cơ quan thẩm tra, quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX thuộc phạm vi quản lý người điều khiển phương tiện giao thông, liên quan trực tiếp đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Nên khi tách ra thành hai luật, nội dung trên thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là phù hợp; đồng thời, giao Bộ Công an để thống nhất quản lý về phương tiện và người tham gia giao thông; quản lý hành vi chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông một cách xuyên suốt, chặt chẽ từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp và sau khi được cấp GPLX.
Nội dung này cũng đã được Chính phủ thảo luận và thống nhất quy định trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tuy nhiên, có ý kiến đề nghị xây dựng 2 phương án: quy định tại luật này (phương án 1) hoặc quy định trong Luật Giao thông đường bộ sửa đổi (phương án 2). "Bản chất của vấn đề là xác định bộ nào quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp, đổi và thu hồi GPLX và Bộ GTVT đã thống nhất trình Quốc hội phương án 1", ông Việt thông tin, đồng thời cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ vấn đề tổ chức biên chế, kinh phí thực hiện và tính hiệu quả của 2 phương án nêu trên.
Các nước có giao công an cấp GPLX không?
Cho ý kiến tại phiên họp, một số đại biểu đề nghị cân nhắc về việc "chuyển vai" này. Theo Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, thời gian qua việc đào tạo, sát hạch, cấp GPLX đã thực hiện xã hội hóa và được thực hiện tốt. Theo ông Phúc, nếu xã hội làm tốt thì nên ủng hộ và nhà nước không nên "ôm" vào. Đồng thời cần đánh giá kỹ tác động khi chuyển các trung tâm thực hiện nhiệm vụ này sang Bộ Công an. Đồng ý trình ra Quốc hội, song Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị, những vấn đề gì mới, tác động đến nhiều người cần phải rất thận trọng. Việc giao quyền quản lý từ bộ này sang bộ kia phải có tổng kết, lấy ý kiến đại biểu Quốc hội, thậm chí xin ý kiến cấp có thẩm quyền.
Cùng mối quan tâm, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt câu hỏi, liệu các nước có giao cơ quan công an quản lý hay không? Ông Lưu lấy ví dụ, Trung Quốc giao Cục Đường bộ, Singapore giao cơ quan dân sự, Mỹ giao chính quyền địa phương... Một số nước lại giao cho hiệp hội chứ không phải lực lượng vũ trang. Ông Uông Chu Lưu đề nghị rà soát về phạm vi điều chỉnh, vấn đề nào đã chứng minh qua thực tiễn rồi thì nên giữ ổn định, tránh xáo trộn.
Giải trình tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc nói, việc đào tạo lái xe hiện nay đã xã hội hóa và có những quy định để hoạt động. "Họ muốn học đâu, ai đào tạo cũng được, người ta muốn đăng ký sát hạch ở đâu cũng được. Chúng tôi sẽ tổ chức sát hạch và đưa ra tiêu chí sát hạch để đảm bảo người tham gia giao thông an toàn", ông Ngọc nói. Lãnh đạo Bộ Công an cũng nói sẽ chấm điểm các tổ chức sát hạch và công bố để họ rút kinh nghiệm. "Cấp GPLX, chúng tôi sẽ đảm bảo hạn chế việc bằng lái giả, giấy phép giả. Hiện tôi đang chỉ đạo các chuyên án bao phủ trên một số tỉnh", ông Ngọc nói.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, Ủy ban Thường vụ thống nhất trình dự án luật này vào kỳ họp Quốc hội thứ 10. Riêng về quy định quản lý đào tạo, sát hạch, cấp đổi và thu hồi GPLX, còn ý kiến khác nhau và bản chất của vấn đề là xác định bộ nào quản lý. Nội dung này liên quan đến công tác quản lý nhà nước, Chính phủ chịu trách nhiệm chính trong tổ chức điều hành, phân công nhiệm vụ.
"Việc giao cơ quan quản lý phải có thẩm định, đánh giá kỹ, nhất là vấn đề liên quan tổ chức bộ máy, chi phí, nghiên cứu thêm kinh nghiệm các nước. Đề nghị Chính phủ tiếp tục làm rõ thêm và Quốc hội sẽ xem xét quyết định", ông Đỗ Bá Tỵ nói.
Luật Giao thông đường bộ sẽ không quy định cấp bằng lái xe Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) lần này không còn quy định quản lý đào tạo, sát hạch lái xe, cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe. Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 15-9, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thừa ủy quyền Chính phủ báo cáo dự...