Cân nhắc kéo dài tuổi nghỉ hưu
Chiều 18-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Nội dung được nhiều người quan tâm là cân nhắc kéo dài tuổi nghỉ hưu với cả nam và nữ.
Nhiều ngành nghề lao động nặng nhọc, độc hại đòi hỏi tuổi nghỉ hưu sớm
Liên quan đến điều kiện hưởng lương hưu, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết, nhằm đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm hưu trí, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về lộ trình tăng thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu của người lao động. Theo đó, từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2020 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của các nhóm đối tượng còn lại cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.
Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho biết, quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần. Tỷ trọng giữa số tiền chi trả chế độ so với số thu từ đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động hàng năm có xu hướng tăng nhanh. Do vậy, cần phải điều chỉnh chính sách bảo hiểm hưu trí thông qua việc nâng thời gian đóng BHXH, nâng tuổi nghỉ hưu lên cao hơn so với quy định hiện hành.
Video đang HOT
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển yêu cầu nghiên cứu kỹ khả năng cân đối thu – chi trong tương lai của Quỹ BHXH. “Có nguy cơ đất nước ta chưa giàu nhưng dân số đã già, lại đứng trước cảnh báo về bẫy thu nhập trung bình. Tôi đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình.”. Có cùng mối quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, cần nghiêm túc nghiên cứu về tuổi nghỉ hưu: “Khi bàn về quy định này trong Bộ Luật Lao động cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Nay nếu thấy cần thì có thể sửa ngay trong Bộ Luật Lao động.”.
Đánh giá vấn đề từ góc độ quyền lợi của người lao động, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho rằng, giải pháp quan trọng nhất để đảm bảo cân bằng thu – chi của Quỹ BHXH là phải thu đúng, thu đủ với mức cao hơn. “Tại sao không thực hiện ngay Bộ Luật Lao động về thu nhập để tính tiền đóng BHXH ngay từ năm 2015 thay vì kéo dài thời gian đóng. Nữ lao động ở khu vực hành chính có thể kéo dài thời gian làm việc, chứ nhiều ngành nghề khác không thể kéo được. 58 nghìn nữ công nhân cao su chỉ 48 – 50 tuổi đã không đủ sức khỏe làm việc được nữa mà vẫn phải đợi đến 60 tuổi mới được hưởng lương hưu là rất bất hợp lý” – ông Mai Đức Chính nói.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói, tuổi về hưu phải tính đến đặc thù ngành nghề và đặc điểm cơ cấu dân số. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo, thẩm tra tập hợp thông tin, phân tích đầy đủ các khía cạnh kinh tế – xã hội – chính trị để đưa ra quy định hợp tình – hợp lý. Chủ tịch Quốc hội nói: “Có lộ trình cũng là một giải pháp hay, cần nghiên cứu thêm và nếu cần thì sửa đổi đồng bộ với Bộ Luật Lao động.”.
Cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội và UBTVQH năm 2015. Văn phòng Quốc hội đề xuất dự kiến 6 nội dung cụ thể để giám sát chuyên đề, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, lựa chọn. Đó là hiệu quả sử dụng vốn ODA cho đầu tư phát triển trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội; việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2013; tình hình oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước… Nhiều ý kiến thống nhất đề nghị Quốc hội giám sát tối cao về tình hình oan sai trong tố tụng hình sự và bồi thường thiệt hại cho người bị oan theo Nghị quyết 37 của Quốc hội.
Theo ANTD
Sắp có thẻ công dân điện tử
Ngày 12-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Căn cước công dân và dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Cùng ngày, UBVTQH đã thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 35/2012/QH13 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Tại phiên họp, thừa ủy quyền Chính phủ, Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Căn cước công dân. Theo đó, tới đây sẽ có một số thay đổi quan trọng trong việc cấp Chứng minh nhân dân (CMND) cho công dân. Cụ thể, số CMND được quy định là số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, là dãy số tự nhiên gồm 12 số, được cấp cho mỗi công dân Việt Nam và không lặp lại ở người khác, dùng để xác định dữ liệu về căn cước và dữ liệu khác về công dân. Trường hợp đổi, cấp lại CMND thì số CMND vẫn giữ đúng theo số ghi trên CMND đã cấp lần đầu.
Dự thảo quy định thời hạn sử dụng của CMND tương thích với từng độ tuổi nhất định; trong đó, thời hạn sử dụng CMND kể từ ngày cấp là 10 năm đối với người từ 15 tuổi đến dưới 25 tuổi, 15 năm đối với người từ đủ 25 tuổi đến dưới 55 tuổi. Người từ đủ 55 tuổi trở lên thì không xác định thời hạn.
Trên CMND sẽ có bộ phận điện tử lưu trữ một số thông tin cơ bản về căn cước và thông tin khác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của người được cấp để làm cơ sở tích hợp các thông tin cần thiết trên CMND theo hướng trong thời gian tới đây là Thẻ công dân điện tử.
Ghi nhận dự án luật đã được chuẩn bị khá công phu và đồng thuận với nhiều nội dung trong dự thảo, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền đề nghị làm rõ thêm những căn cứ để quy định thời hạn cấp đổi CMND. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tán thành quan điểm tiến tới bỏ công cụ quản lý bằng hộ khẩu và gợi ý CMND cần áp dụng công nghệ tiên tiến để đảm bảo sự thuận tiện tối đa cho người dân. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng thống nhất với dự kiến của Ban soạn thảo về việc cấp căn cước cho người chịu án phạt tù, người tâm thần... để đảm bảo quyền con người cho các đối tượng này.
Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đồng tình quy định rõ trong Luật về phí và lệ phí cấp đổi CMND: "Nếu người dân đánh mất, làm hỏng hoặc muốn đổi lại CMND vì lý do chủ quan thì phải nộp tiền, nhưng nếu vì yêu cầu quản lý mà Nhà nước yêu cầu cấp đổi thì kinh phí phải từ ngân sách, bắt dân nộp là không hợp lý". Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra rà soát, kết hợp hài hòa yêu cầu quản lý dân cư với việc đảm bảo quyền riêng tư, bí mật gia đình... cho công dân.
Đáng chú ý, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng nêu ý kiến: "Hiện nay, nhiều luật đều quy định về cơ sở dữ liệu dân cư. Nếu cứ riêng biệt tiến hành thì vừa trùng lặp, tốn kém kinh phí; vừa có khả năng thông tin không thống nhất. Đề nghị chỉ làm một bộ cơ sở dữ liệu để dùng chung. Các ngành đều trích xuất từ đó ra, cần bổ sung gì để phục vụ công tác quản lý của ngành mình thì chỉ điều tra thêm nội dung ấy".
Theo Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, dự án Luật Căn cước công dân sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7 và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8.
Theo ANTD
Có nên luật hóa việc lấy phiếu tín nhiệm? Ngày 14-1, trong khuôn khổ phiên họp thứ 24, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi); Luật Hải quan (sửa đổi) và thảo luận về chương trình hoạt động đối ngoại năm 2014 các cơ quan của Quốc hội. Ông Phan Trung...