Cân não hai ca ghép gan cho bệnh nhi nặng chưa tới 10kg
Bệnh viện Nhi Trung ương ghép gan thành công cho hai bé đều mắc bệnh teo đường mật bẩm sinh, đây là dị tật bẩm sinh nặng của hệ thống đường mật.
Ca phẫu thuật có sự hỗ trợ chuyên gia từ Đài Loan.
Quyết định cân não
Chỉ trong hai ngày 24 đến 26/2/2020, trong thời điểm phải căng thẳng chống chọi với dịch bệnh đang bùng phát, các bác sĩ bệnh viện Nhi Trung ương đã thực hiện thành công hai ca ghép gan cho hai bệnh nhi nhỏ tuổi. Cả hai bệnh nhân đều có bệnh gan giai đoạn cuối do các biến chứng nặng của bệnh Teo đường mật bẩm sinh có nguy cơ tử vong.
Bệnh nhân ghép ngày 24/02/2020 là bé T.H.A (nữ, 20 tháng tuổi, nặng 9,5kg). Bệnh nhân ghép ngày 26/02/2020 là bé T.G.B (nam, 9 tháng, nặng 7,5kg).
Cả hai bệnh nhân đều mắc bệnh teo đường mật bẩm sinh. Đây là dị tật bẩm sinh nặng của hệ thống đường mật, gây tổn thương đường mật trong và ngoài gan, khiến sự dẫn mật bị ứ trệ và gây hậu quả xơ gan mật và các biến chứng nặng nề, bệnh nhi có thể tử vong do xuất huyết tiêu hóa nặng hoặc hôn mê gan.
TS.Bs Cao cấp Nguyễn Phạm Anh Hoa – Trưởng khoa Gan Mật Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Cả hai bệnh nhân đều có tình trạng xơ gan nặng, mất bù và có nhiều các biến chứng nặng đe dọa tử vong như: xuất huyết tiêu hóa do ăng áp lực tĩnh mạch cửa, nhiễm trùng đường mật tái diễn, suy chức năng gan…
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã hội chẩn và đưa ra quyết định ghép gan là biện pháp duy nhất có thể cứu sống bệnh nhân. Tuy nhiên, đây là quyết định rất khó khăn trong hoàn cảnh bệnh viện đang cùng cả nước dồn nhân lực cho cuộc chiến chống dịch, bệnh nhân đang trong tình trạng nặng, một trong hai bệnh nhân là trẻ rất nhỏ (bé G.B chỉ mới 9 tháng tuổi), đòi hỏi sự quyết tâm của đội ngũ y bác sĩ để vượt qua các trở ngại về kỹ thuật.
Video đang HOT
“Ghép gan là phẫu thuật khó, ghép gan cho trẻ em là phẫu thuật đặc biệt khó khăn do cấu trúc giải phẫu phức tạp, tình trạng bệnh nền nặng, yêu cầu trình độ cao về phẫu thuật, gây mê hồi sức và chăm sóc trước trong và sau mổ. Mặc dù có nhiều trung tâm ghép gan cho người lớn, nhưng cả nước chỉ có ba bệnh viện là Nhi đồng 2, Vinmec, Nhi Trung ương là nơi đã thực hiện thành công những ca ghép gan trên trẻ em, đặc biệt là các ca ghép khó như ghép gan ở trẻ em nhỏ, trẻ có cân nặng thấp, ghép gan từ người cho không phù hợp nhóm máu… Bệnh viện Nhi Trung ương cũng là nơi có số lượng bệnh nhi lớn nhất”, GS.TS Lê Thanh Hải – Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ.
Sự hồi sinh đặc biệt
Sau khi tiến hành hội chẩn, các bác sĩ quyết định tiến hành ghép gan cho hai bệnh. Cả hai trường hợp này được nhận gan từ bố mẹ đẻ của mình, trong đó bé T.H.A nhận gan từ mẹ M.T.P.D (29 tuổi), bé T.G.B nhận gan từ bố T.N.T (29 tuổi). Đã có nhiều thách thức xảy ra trong quá trình ghép gan cho hai bệnh nhi.
TS.Bs Phạm Duy Hiền, Phó Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương kiêm Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Nội soi Nhi khoa và Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp – thay mặt ê kíp trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhi cho biết, khó khăn nhất với trường hợp bệnh nhi T.H.A nằm ở bất thường giải phẫu gan của người mẹ cần các kỹ thuật tạo hình mạch máu.
Ca bệnh thứ hai – bé T.G.B 9 tháng tuổi – có khó khăn hơn do mức độ xơ gan nặng, tĩnh mạch cửa (một tĩnh mạch cấp máu quan trọng cho gan) bị xơ hẹp. Trong mổ các bác sĩ đã phải thực hiện rất nhiều thủ thuật để tăng cường lượng máu cho tĩnh mạch cửa. Trong khi đó, bên phía người cho cũng có bất thường hệ thống động mạch cung cấp cho mảnh gan ghép.
“Chúng tôi phải vô cùng cẩn thận khi lấy mảnh gan ghép ra nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn tuyệt đối không gây tổn thương đến phần gan còn lại. Đây là một thách thức về mặt phẫu thuật đã được các bác sĩ vượt qua và phẫu thuật thành công”, TS Phạm Duy Hiền nói.
Ở trẻ nhỏ, một khó khăn khác là khẩu kính động mạch gan rất nhỏ, chỉ 2mm. Các bác sĩ phải sử dụng kính hiển vi phẫu thuật để nối hai đầu động mạch.
Ca mổ đầu tiên diễn ra trong 9 giờ và ca thứ hai kéo dài hơn, khoảng 10 giờ đồng hồ. Tình trạng sau mổ tạm thời ổn định, bệnh nhân đã được chăm sóc tích cực sau phẫu thuật và hiện được theo dõi, điều trị và chăm sóc tại khoa Gan Mật – Trung tâm Tiêu hóa, Gan Mật và Dinh dưỡng – Bệnh viện Nhi Trung ương.
Năm 2005, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành ghép gan và đến nay đã ghép được 18 trường hợp thành công, đều trẻ nhỏ dưới 10kg.
Bệnh viện là một trong những cơ sở y tế thực hiện những ca ghép gan đầu tiên của Việt Nam đặc biệt trong lĩnh vực Ngoại Nhi. 2 ca ghép gan thành công trong đó có một trẻ chỉ mới 9 tháng tuổi một lần nữa đánh dấu các bước tiến bộ về kỹ thuật ghép tạng và các nỗ lực của bệnh viện trong điều trị các bệnh nhi không may mắc bệnh hiểm nghèo.
Theo infonet.vietnamnet.vn
Ghép gan thành công cho trẻ 9,5 tháng tuổi
Trong hai ngày 24 và 26-2, hai ca ghép gan cho hai bệnh nhi suy gan tối cấp đã được thực hiện thành công tại Bệnh viện Nhi Trung ương với sự phối hợp của giáo sư Chin Su Liu và các cộng sự đến từ bệnh viện đa khoa Veterans, Đài Loan (Taipei Veterans General Hospital). Đặc biệt, trong đó có một ca ghép gan cho bệnh nhi mới 9,5 tháng tuổi.
Mắc bệnh lý về gan mật từ khi mới chào đời dẫn đến tình trạng xơ gan nặng kèm theo một loạt các biến chứng, tính mạng của hai bé Trịnh HA (20 tháng tuổi, Phú Thọ) và Trần GB (9,5 tháng, Quảng Ngãi) luôn nằm giữa lằn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết. Nếu không được phẫu thuật ghép gan cấp cứu, tính mạng của hai bệnh nhi khó lòng được bảo toàn.
TS, BS Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan mật, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, cả hai bệnh nhân HA và GB đều mắc teo đường mật từ khi mới chào đời.
Đây là bệnh khiến toàn bộ hệ thống đường mật trong và ngoài gan đều bị tổn thương, gan tiết ra mật nhưng không vào đường mật mà ứ đọng và phá hủy tế bào gan. Trẻ mắc bệnh này không được điều trị sẽ dẫn đến tình trạng xơ gan và suy gan.
"Khi đến Bệnh viện Nhi Trung ương, hai cháu A và B đều rơi vào tình trạng nguy kịch. Hai bé đều bị xơ gan nặng mất bù, kèm theo một số biến chứng như nhiễm trùng đường mật tái diễn, giãn vỡ tĩnh mạch thực quản gây xuất huyết tiêu hóa, tăng áp lực tĩnh mạch cửa, suy chức năng gan. Bệnh nhân được chỉ định ghép gan để bảo toàn tính mạng khi sự sống chỉ còn tính bằng ngày",bác sĩ Hoa chia sẻ.
Theo TS, BS Phạm Duy Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, ca ghép gan đầu tiên diễn ra trên bệnh nhân HA với người cho gan là mẹ đẻ của bệnh nhi. Khó khăn mà các bác sĩ phải đối mặt trong ca ghép này là giải phẫu gan của người mẹ (người cho gan) bất thường với ba tĩnh mạch gan. Các bác sĩ đã phải tiến hành tạo hình ba tĩnh mạch này thành một để nối với tĩnh mạch gan của người nhận.
Với ca ghép gan thứ hai cho cháu GB, các bác sĩ phải đối diện với thách thức lớn hơn do do mức độ xơ gan nặng, tĩnh mạch cửa (một tĩnh mạch cấp máu quan trọng cho gan) bị xơ hẹp. Các bác sĩ đã phải thực hiện rất nhiều thủ thuật để tăng cường lượng máu cho tĩnh mạch cửa.
Trong khi đó, bên phía người cho (bố đẻ của bệnh nhi) cũng có bất thường hệ thống động mạch cung cấp cho mảnh gan ghép: lấy mảnh gan ghép ra nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn tuyệt đối không gây tổn thương đến phần gan còn lại. Ca phẫu thuật thứ hai này diễn ra ngày 26-2.
Sau ca phẫu thuật kéo dài gần 10 giờ đồng hồ, các bệnh nhi hiện đang được chăm sóc tại khoa Hồi sức ngoại. Chia sẻ về quá trình chăm sóc cho hai bệnh nhi, TS.BS Đặng Ánh Dương cho biết, hai bệnh nhi được chăm sóc hậu phẫu với chế độ hồi sức đặc biệt trong phòng vô khuẩn. Các bác sĩ đã tiến hành cho hai bệnh nhi thở máy từ 24-48 tiếng, hỗ trợ ô-xy tối đa, duy trì huyết áp, truyền chế phẩm về máu để điều chỉnh tình trạng đông máu, dùng các thuốc ức chế thải ghép....
Mục tiêu điều trị cao nhất là bảo đảm vừa cung cấp máu tối đa cho mô ghép vừa chống tắc mạch mô ghép, chống nhiễm trùng, chống thải ghép và hỗ trợ dinh dưỡng cho bệnh nhân.
TS Phạm Duy Hiền đánh giá, việc ghép gan thành công cho ca trẻ 9,5 tháng tuổi cũng đánh dấu một bước tiến mới về lĩnh vực ngoại nhi tại Việt Nam.
Để có được điều này cần rất nhiều yếu tố: sự quyết đoán của Ban Giám đốc bệnh viện trong hợp tác với đối tác nước ngoài khi mà diễn biến dịch bệnh Covid-19 đang căng thẳng, sự đầu tư kỹ lưỡng và đồng bộ về nhân lực (với ê kíp gồm hơn 30 chuyên gia, kỹ thuật viên, điều dưỡng của Bệnh viện Nhi Trung ương và Đài Loan), cơ sở vật chất của Bệnh viện Nhi Trung ương (hệ thống phòng mổ và bộ dụng cụ hiện đại,). Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã từng bước làm chủ kỹ thuật và trong tương lai không xa có thể hoàn toàn đảm nhận được kỹ thuật phức tạp này.
Hiện tại, tình trạng sức khỏe của hai bệnh nhi tạm thời ổn định. Dự kiến các cháu sẽ được xuất viện trong thời gian tới.
TRẦN NGUYÊN
Theo Nhân dân
Ghép tay từ người cho còn sống chấn động thế giới và 12 năm trăn trở thực hiện ca phẫu thuật đỉnh cao của bác sĩ Việt Với việc thực hiện thành công ca mổ ghép chi thể từ người cho còn sống, GS.TSKH.TTND Nguyễn Thế Hoàng và đồng nghiệp giúp nâng cao vị thế của y học Việt Nam trên bản đồ thế giới. 12 năm với giấc mơ mổ ghép chi đỉnh cao Năm 2008, sau khi tận mắt chứng kiến ca mổ ghép hai tay của các...