Cần một hội đồng tên đường có tầm cỡ hơn
Tại TP.HCM, đường cần đặt và điều chỉnh tên thì nhiều nhưng quỹ tên đường đã cạn kiệt. Thống kê cho thấy cần đến hơn 2.100 tên để đặt, đổi tên đường cho TP.
Ngày 9-11, lãnh đạo UBND TP.HCM đã nghe báo cáo nghiệm thu đề án công tác đặt, đổi tên đường, công trình công cộng tại TP.HCM, khảo sát thực trạng và giải pháp đến năm 2020 do Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển thực hiện.
Đưa vào tên đường nhiều nhân vật không có dấu ấn
. Phóng viên: Ông cảm nhận như thế nào về những tên đường tại TP hiện nay và so với trước năm 1975 thì sao?
KTS Nguyễn Hữu Thái: Với tuổi đời và từng kinh qua các giai đoạn biến chuyển của Sài Gòn-TP.HCM từ những năm 1950 đến nay, tôi đã chứng kiến việc đổi tên đường từ tên Pháp sang Việt, rồi cả giai đoạn trước và sau năm 1975; việc sáp nhập tỉnh Gia Định và một phần các tỉnh Biên Hòa, Long An… vào TP.HCM.
Việc đổi tên đường từng thời kỳ là theo yêu cầu của các giai đoạn lịch sử khác nhau và ở đâu trên thế giới cũng xảy ra, không chỉ có ở Việt Nam chúng ta. Tên đường các nhân vật Pháp cũ dĩ nhiên phải bị thay thế để có tên Việt sau năm 1954, khi nước ta giành lại chủ quyền.
. Có tên đường nào bị xóa bỏ mà theo ông là rất đáng tiếc vì từng là những hồi ức, những dấu ấn của một thời Sài Gòn trong tâm tưởng của nhiều người?
Đúng là chúng ta đã vội vã xóa đi tên tuổi các nhân vật lịch sử đã được xác định là có công với dân tộc. Ví dụ như chúng ta đã vội vã xóa tên Thống Nhất, Hiền Vương, bỏ tên Lê Văn Duyệt, chuyển tên Phan Đình Phùng… và đưa tên nhiều nhân vật chưa từng ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử dân tộc, điển hình như tên Nguyễn Thị Nhỏ. Thậm chí tên đường này còn bị giành giật nhau đặt ở nhiều nơi.
. Ông có ấn tượng đặc biệt nào về một vài tên đường tại Sài Gòn ngày xưa và ngày nay không?
Tôi xin đặc biệt nêu lên trường hợp hai con đường: Trước hết là về tên đại lộ Thống Nhất cũ. Tôi nghĩ tên này rất hay và mang nhiều ý nghĩa lịch sử. Tuy chính quyền Ngô Đình Diệm đặt ra tên đó thay cho tên một quốc vương Cam Bốt là Norodom thời Pháp thuộc nhưng nó mang ý nghĩa đất nước Việt Nam quy về một mối, một đất nước độc lập có chủ quyền vào năm 1954. Con đường này lại có ý nghĩa rất lớn vào ngày 30-4-1975, khi quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập đặt dấu mốc cho độc lập, thống nhất nước nhà sau 117 năm nằm dưới ách thống trị của phương Tây.
Video đang HOT
Và phải chăng chúng ta đã vội vã xóa đường Hiền Vương (chúa Nguyễn Phúc Tần, chúa Hiền), người từng có công rất lớn trong việc khai phá và xác định chủ quyền vùng đất phương Nam nước ta. Dĩ nhiên ngay sau năm 1975, giới sử học ta còn tranh luận gay gắt về công/tội các vua triều Nguyễn. Nhưng tại sao lại đi phủ nhận tất tần tật công lao mở cõi của các chúa Nguyễn ở vùng đất Phương Nam này?
Tên danh nhân trên những con đường ở TP.HCM có lúc không đúng lịch sử. Ảnh: HTD
Cũng phải thay đổi cho phù hợp nhưng không vội vã
. Qua công bố vừa rồi thì có những tên nhân vật không chính xác, không có thật, không ai biết đó là ai. Do đó, có ý kiến cho rằng trừ những danh nhân đã được thế giới công nhận hoặc lịch sử đã khẳng định thì không nên đặt tên đường bằng tên nhân vật chính trị, vì phải xác định công trạng khó khăn, chưa kể có những trường hợp đôi khi sẽ được hoặc bị xem xét lại. Do đó, nên chăng thay bằng những danh từ trung lập. Ví dụ, tên hoa cỏ, tên các TP lớn trên thế giới… hoặc là cách đánh số thứ tự cho tên đường. Ý kiến của ông như thế nào?
Thường nếu cứ lấy toàn tên danh nhân để đặt tên đường thì cũng không đủ. Nhiều nơi lấy tên vùng đất, đặc sản hoa trái và cả số để gọi tên đường.
Riêng tôi chưa dám lạm bàn về tên tuổi các nhân vật đã đặt sau năm 1975 nhưng rõ ràng là ta phải xem xét lại. Nhân đây, chỉ mong TP.HCM nên có một hội đồng tên đường có tầm cỡ hơn, gồm những chuyên gia có uy tín và hiểu biết trong lĩnh vực này, chứ hình như lâu nay đã có nhưng lại không phải là những người đủ tầm mà nặng về quan chức hành chính.
. Việc đặt tên đường ở nước ngoài, theo như ông biết thì họ thực hiện ra sao?
Nhiều nước phương Tây và cả châu Á tôi đi qua, tên đường cũng na ná, tương tự như ta, lấy tên nhân vật lịch sử, văn hóa hoặc địa danh nổi tiếng là chính. Họ cũng bắt buộc phải thay đổi tên cho phù hợp các giai đoạn lịch sử khác nhau nhưng họ không vội vã xóa đi tên các nhân vật trong nước hay quốc tế đã được mọi người công nhận.
Không nên khoán trắng cho một hội đồng kiểu hành chính
. Theo báo cáo thì TP đang thiếu hơn 2.100 tên đường cần phải đặt thêm để thuận tiện liên lạc cho người dân. Ông có đề xuất như thế nào?
Như đã nói ở trên, tên đường không nhất thiết phải là nhân vật lịch sử hoặc văn hóa tầm cỡ mà còn là các nhân vật địa phương và địa danh nổi tiếng, đặc sản vùng và ngay cả số cho các khu đô thị mới hình thành.
. Theo cách làm lâu nay là quận/huyện và hội đồng đặt tên đường đi tìm và sàng lọc những danh nhân, nhân vật có công với cách mạng, anh hùng liệt sĩ… để trình HĐND TP thông qua. Quy trình phức tạp, số lượng nhân vật này càng ngày càng ít, xác định công trạng hay tầm ảnh hưởng khó khăn nên mỗi năm chỉ bổ sung được vài tên đường mới trong khi thực tế thì đang rất thiếu. Theo ông thì có thể có giải pháp nào tốt hơn, thuận lợi hơn không?
Đúng là vai trò của HĐND TP phải có tiếng nói quyết định trong vấn đề này, đặc biệt là vai trò của ban văn hóa- xã hội của hội đồng. Không nên khoán trắng cho một hội đồng kiểu hành chính của một sở, ngành nào đó làm.
. Xin cám ơn ông.
Theo Cẩm Tú ( Pháp Luật TPHCM)
Hà Nội đặt tên đường Hoàng Sa, Trường Sa
Thủ đô sẽ có 26 tuyến đường phố mới, trong đó có những tên đường gắn với các địa danh thiêng liêng: Hoàng Sa, Trường Sa và Lý Sơn.
UBND TP Hà Nội vừa có Tờ trình về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số tuyến đường, phố và công trình công cộng năm 2016. Theo đó, sẽ có 26 tuyến đường phố mới được đặt tên, 6 tuyến đường phố được điều chỉnh độ dài và đặt tên một công trình công cộng.
UBND TP Hà Nội đã đề nghị HĐND thông qua việc đặt tên các đường phố mới. Ảnh: Giang Huy.
Các đường phố mới được đặt tên gồm: Đường Hoàng Sa (đoạn từ ngã tư giao cắt với đường Võ Văn Kiệt (đối diện Khu công nghiệp Thăng Long, xã Kim Chung) đến ngã tư chân cầu vượt đường Võ Nguyên Giáp; dài 4,8 km; rộng 68 m;
Đường Trường Sa (đoạn từ ngã tư giao cắt cầu vượt Võ Nguyên Giáp (thôn Ngọc Chi, xã Vĩnh Ngọc) đến chân cầu Đông Trù, xã Đông Hội) dài 7,3 km; rộng 68 m;
Đường Lý Sơn là đoạn từ nút giao cầu vượt đường 5 với đường Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Linh đến phía đông nam chân cầu Đông Trù.
Quận mới Bắc Từ Liêm có nhiều đường phố được đặt tên nhất gồm Phố Lộc, Mạc Xá, Phúc Minh, Tây Đam.
Một số danh nhân thời hiện đại cũng được đặt tên cho những đường phố mới lần này gồm Trần Quốc Vượng, Chu Huy Mân, Nguyễn Lân...
Cùng với việc điều chỉnh độ dài của 6 tuyến đường, đợt đặt tên lần này chỉ có một công trình công cộng là cầu Đông Trù (huyện Đông Anh), cây cầu bắc qua sông Đuống có điểm đầu thuộc phường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên điểm cuối thuộc địa phận thôn Đông Trù, xã Đông Hội với chiều dài trên 1,1 km, rộng 46-54m.
Theo kế hoạch, việc gắn biển cho các đường phố mới được thực hiện sau khi HĐND TP Hà Nội khóa 15 thông qua Nghị quyết về đặt đổi tên đường phố tại kỳ họp thứ 2 dự kiến diễn ra ngày 1-5/8.
Võ Hải
Theo VNE
400 tên đường tại TP HCM 'có vấn đề' Trong khi quỹ tên đường của TP HCM cạn kiệt thì có 400 tên đường hiện hữu không có ý nghĩa, trùng, tên khác nhau của cùng một nhân vật... Báo cáo với UBND TP HCM về đề án Đặt, đổi tên đường, công trình công cộng đến năm 2020, Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển cho biết, toàn thành...