Cần một cuộc cách mạng để chăn nuôi bứt phá
Sau 10 năm, ngành chăn nuôi đã có bước phát triển cả về lượng và chất, song còn nhiều hạn chế. Việc kiện toàn chiến lược và hành lang pháp lý là cần thiết để tiến hành cuộc cách mạng cho ngành.
Bộ NNPTNT đang khẩn trương bổ sung ý kiến đóng góp để xây dựng định hướng chăn nuôi giai đoạn 2020 – 2030.
Nhiều mục tiêu khó thành
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), sau 10 năm thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi 2008 – 2018, tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi duy trì ở mức cao, 5-6%/năm. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2011-2015 thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu 6-7% mà Chiến lược đề ra.
Tỷ lệ trung bình của chăn nuôi trong ngành nông nghiệp giai đoạn 2011-2015 đạt 30,5%, năm 2018 đạt 32%. Tỷ lệ này thấp hơn so với mục tiêu đặt ra (38% vào năm 2015), và khả năng sẽ khó đạt mục tiêu 42% vào năm 2020.
Năm 2018, sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 5,4 triệu tấn, tương đương 37,8 triệu tấn thịt xẻ. Kết quả về sản lượng thịt sản xuất thực tế cũng khó đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2020 khoảng 7,8 triệu tấn thịt hơi (5,5 triệu tấn thịt xẻ).
Việc kiện toàn chiến lược và hành lang pháp lý sẽ tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững hơn trong giai đoạn mới. (ảnh: Nguyên Vỹ)
Trong ngành chăn nuôi lợn, tăng trưởng về quy mô đàn giai đoạn 2008-2018 cũng thấp hơn khá nhiều so với định hướng của chiến lược. Lý do chính là ảnh hưởng của dịch bệnh, sử dụng chất cấm và thị trường. Năm 2019, Việt Nam lại bị bệnh dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại đáng kể. Dự báo quy mô đàn lợn trong nước giảm thấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nguồn cung thịt cho tiêu dùng trong nước không chỉ trong năm 2019 mà có thể còn những năm tiếp theo.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Xuân Dương – quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: Cùng với xuất phát điểm của ngành chăn nuôi nước ta thấp, cộng với những bất cập trong tổ chức triển khai các chính sách nên sản xuất chăn nuôi vẫn còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ngoài các lý do khách quan, mục tiêu và định hướng của chiến lược chưa đánh giá hết vai trò quan trọng của yếu tố thị trường với thịt lợn, yếu tố đất đai dành cho không gian chăn thả với chăn nuôi trâu, bò thịt. Định hướng cơ cấu vật nuôi và sản phẩm chưa tính hết các yếu tố tăng trưởng chất lượng như năng suất, cơ cấu sản phẩm.
Hoàn thiện khung pháp lý
Để khắc phục những tồn tại này, ông Dương cho biết, giai đoạn 2020 – 2030, ngành chăn nuôi sẽ phát triển theo hướng hiện đại – công nghiệp hóa chăn nuôi trang trại; chuyên nghiệp hóa chăn nuôi nông hộ, gắn với khai thác lợi thế so sánh và thích ứng với thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
“Việc đóng góp ý kiến từ thực tế chăn nuôi tại các địa phương là cần thiết để kiện toàn định hướng chiến lược và hành lang pháp lý trong giai đoạn tới” – ông Dương nói.
Bà Đỗ Thu Nga, đại diện Công ty Thức ăn chăn nuôi ProConco cho biết, sự chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang trang trại cũng làm thừa ra lực lượng lao động từ nông hộ. Vì vậy, định hướng mới ngoài đáp ứng an ninh lương thực cũng phải giải quyết được việc làm nông dân. Vấn đề bảo hiểm cho nông hộ cũng cần được tính đến.
“Trong đợt dịch vừa qua, nhiều nông hộ phá sản, nhưng các công ty bảo hiểm không dám cung cấp dịch vụ bảo hiểm vì không thể lường được mức độ nguy hiểm của dịch” – bà Nga nói.
Ông Nguyễn Văn Mấy – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Tây Ninh cho biết, tỉnh đang xây dựng nghị quyết về vùng cấm nuôi. Tuy nhiên, cần định nghĩa lại cụ thể về khu dân cư, khu nội thành nội thị vì hiện có nhiều cách giải thích khác nhau nên khó áp dụng cho vùng cấm chăn nuôi.
Ông Trần Thế Hiệp – Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y An Giang đề nghị tăng cường chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong chăn nuôi. Khi kiểm tra lợn nhập lậu, khung xử phạt chỉ 5 – 6 triệu đồng là không đủ tính răn đe. Các trang trại xây dựng không đúng quy hoạch chỉ bị xử phạt 5 – 10 triệu đồng là quá thấp.
“Trong dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong chăn nuôi cần quy định cụ thể chế tài trong lĩnh vực nuôi chim yến đang phát triển nóng và gây nhiều bức xúc hiện nay” – ông Hiệp cho biết.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, luật hóa việc quản lý ngành chăn nuôi được xem là bước tiến lớn. Khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực vào đầu năm sau, 2 nghị định, 4 thông tư cũng sẽ sớm được ban hành để thực thi. Nhiều ý kiến đóng góp từ các địa phương là hữu ích, các địa phương cần tiếp tục nghiên cứu để góp ý.
Theo Danviet
Dịch tả lợn châu Phi tạm lắng, nông dân tính chuyện tái đàn
Sau hơn 8 tháng bùng phát khiến hơn 5,6 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy, đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã tạm lắng. Hiện, người chăn nuôi ở nhiều địa phương đã tính đến chuyện tái đàn.
Lượng tiêu hủy giảm mạnh
Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NNPTNT), lũy kế từ đầu tháng 2/2019 đến ngày 15/10/2019, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã khiến phải tiêu hủy 5,6 triệu con lợn, tổng trọng lượng là 324.960 tấn.
Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn chủ động bảo vệ tốt đàn nái. Bộ trưởng Bộ NNPTNT thị sát một trang trại nuôi lợn ở Hưng Yên. Ảnh: K.N
TS.Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y nhận định, qua số liệu phân tích diễn biến dịch bệnh theo từng tháng cho thấy, số xã và số lợn buộc phải tiêu hủy đã giảm mạnh từ tháng 6/2019 đến nay.
"Các hộ chăn nuôi hiện nay đã nhận thức rõ hơn và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả hơn, nhất là áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và sử dụng các chế phẩm hỗ trợ nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh và chỉ xử lý tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết và lợn dương tính với mầm bệnh DTLCP, lợn khỏe mạnh cho phép tiếp tục theo dõi, hoặc lấy mẫu xét nghiệm âm tính thì được phép giết mổ, tiêu thụ tại địa bàn có dịch cũng đã giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi" - ông Long nói.
Cũng theo ông Long, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đang tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn giống cụ kỵ và ông bà, sẵn sàng phục vụ cho việc khôi phục và phát triển sản xuất của các địa phương khi có điều kiện.
Tuy nhiên, ông Long cũng thừa nhận một thực tế, công tác phòng chống bệnh DTLCP thời gian qua gặp khá nhiều khó khăn do lực lượng quá mỏng. Tổng số cán bộ làm công tác thú y cấp tỉnh hiện nay là 3.205 người, số cán bộ chuyên môn đã cắt giảm/nghỉ việc trong năm 2018 và 2019 là 1.060 người, có tới 23 tỉnh hiện nay không có nhân viên thú y xã.
Điều này dẫn đến việc dịch bệnh xảy ra trong thời gian dài, các lực lượng tổ chức triển khai thực hiện đã hoạt động quá tải, trong khi thù lao, tiền công và công tác phí có nhiều nơi từ đầu đợt dịch đến nay chưa được chi trả, dẫn đến tình trạng chán nản, không tổ chức quyết liệt và đúng kỹ thuật các biện pháp phòng, chống...
Đã yên tâm tái đàn?
Câu hỏi đặt ra là, khi DTLCP đã tạm lắng, người chăn nuôi có nên tái đàn ở thời điểm này không bởi hiện tại đàn lợn ở các địa phương đã giảm đáng kể, trong khi giá lợn hơi trên thị trường đang tăng cao, nguy cơ thiếu hụt thịt lợn là khó tránh khỏi.
Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo của các tỉnh, tổng đàn lợn tính đến ngày 31/8/2019 của 56 tỉnh là trên 22 triệu con, giảm 16% so với tổng đàn của 56 tỉnh này tại thời điểm 1/10/2018 (26.251.722 con). Nếu tổng hợp số liệu của 63 tỉnh, thành dự kiến đàn lợn sẽ đạt khoảng 23 - 23,5 triệu con, trong đó đàn nái khoảng 2,8 - 2,9 triệu con. Như vậy, với số lượng đàn nái như trên nếu tái đàn sẽ hoàn toàn chủ động được con giống.
So sánh tổng đàn lợn tại thời điểm 31/8/2019 so với năm 2018 và 1/4/2019, có thể thấy, vùng đồng bằng sông Hồng có tổng đàn lợn giảm mạnh nhất (tương ứng là 36% và 27,9%), Trung du và miền núi phía Bắc giảm 12,2% và 8,5%, vùng đồng bằng sông Cửu Long giảm tương ứng là 20,9% và 13,5%.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), trong bối cảnh bệnh DTLCP vẫn diễn biến phức tạp thì việc tăng cường các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn là hết sức cần thiết, đồng thời kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học trong vệ sinh, bổ sung trong thức ăn, uống, độn chuồng để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi.
Theo Danviet
Chật vật chuyển đổi nghề thời dịch tả lợn châu Phi Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) quét qua các trang trại khiến hơn 5,6 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy, đẩy người chăn nuôi vào tình cảnh khó khăn, trong khi nghề chăn nuôi lợn được dự báo khó phục hồi trong một sớm một chiều. Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để nông dân tìm được phương kế ổn...