Cán mốc 73% dân số tiêm vaccine COVID-19, Đan Mạch dỡ bỏ toàn bộ biện pháp hạn chế
Không còn bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, các văn phòng tấp nập người ra vào, hàng chục ngàn khán giả xem hoà nhạc cùng lúc, Đan Mạch vừa dỡ bỏ nốt biện pháp chống dịch COVID-19 cuối cùng.
Hãng thông tấn AFP đưa tin ngày 10/9, chính phủ Đan Mạch đã xoá bỏ yêu cầu xuất trình “hộ chiếu vaccine” để vào các câu lạc bộ đêm. Biện pháp này được ban hành hồi tháng 3/2020 khi Copenhagen từ từ nới lỏng các lệnh giới hạn đề phòng virus SARS-CoV-2 lây lan.
Người dân không cần phải xuất trình chứng nhận tiêm chủng khi muốn đến đa số địa điểm từ ngày 1/9, ngoại trừ các câu lạc bộ đêm. Và từ ngày hôm nay, quy định cuối cùng này cũng không còn cần thiết.
Một quán rượu ở Copenhagen vào đêm 2/9. Ảnh: AFP
Ông Ulrik Orum-Petersen, nhà quảng bá tại công ty tổ chức sự kiện Live Nation, cho biết: “Chúng tôi chắc chắn đi đầu ở Đan Mạch vì chúng tôi không áp dụng bất kỳ biện pháp hạn chế nào. Chúng ta đang ở đầu bên kia của đại dịch nhờ chương trình tiêm chủng”.
Ngày 11/9, tại Copenhagen sẽ tổ chức một buổi hòa nhạc chào đón 50.000 khán giả. Đây là sự kiện tập trung quy mô lớn 50.000 người đầu tiên ở châu Âu kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Trước đó, vào ngày 4/9, Live Nation đã tổ chức một lễ hội ngoài trời đầu tiên, được đặt tên đầy ý nghĩa là “Back to Live”, quy tụ 15.000 người ngay tại thủ đô Copenhagen.
“Được hoà mình ca hát giữa đám đông như trước đây khiến tôi gần như quên mất dịch COVID-19 cùng mọi thứ chúng ta đã trải qua trong những tháng gần đây”, cô Emilie Bendix, 26 tuổi, chia sẻ.
Chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 ở Đan Mạch đã diễn ra nhanh chóng, đạt tỷ lệ 73% trong nền dân số 5,8 triệu người đã tiêm đủ hai liều, trong đó có 96% người từ 65 tuổi trở lên.
Chuyên gia dịch tễ học Lone Simonsen trả lời AFP: “Chúng tôi đang hướng đến mục tiêu đi lại tự do. Điều xảy ra ngay bây giờ là virus sẽ lưu hành và nó sẽ nhắm vào những người không tiêm chủng”.
Tiến sĩ Simonsen, người làm việc tại Đại học Roskilde, cho biết: “Giờ đây, nhờ vaccine, virus SARS-CoV-2 không còn là mối đe dọa xã hội nữa”.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), quốc gia Scandinavia này đã được hưởng lợi từ việc công chúng có ý thức tuân thủ các hướng dẫn trong chiến lược chống COVID-19.
“Giống nhiều quốc gia, trong suốt thời gian xảy ra đại dịch, Đan Mạch đã thực hiện các biện pháp y tế trong cộng đồng và xã hội để giảm sự lây lan. Tuy nhiên, đồng thời, thành công của đất nước này cũng phụ thuộc rất nhiều ý thức tuân thủ của các cá nhân và cộng đồng”, Tiến sĩ Catherine Smallwood, cán bộ cấp cao tại Văn phòng khẩn cấp của WHO tại châu Âu đánh giá.
Video đang HOT
Với khoảng 500 trường hợp mắc COVID-19 hàng ngày và hệ số lây nhiễm là 0,7, các nhà chức trách Đan Mạch tuyên bố đã kiểm soát được virus SARS-CoV-2.
Tuy vậy, Bộ trưởng Y tế Magnus Heunicke khẳng định chính phủ sẽ không ngần ngại tái áp đặt các biện pháp hạn chế nếu cần thiết. Giới chức trách nhấn mạnh rằng việc trở lại cuộc sống bình thường phải đi đôi với những biện pháp giữ gìn vệ sinh nghiêm ngặt kết hợp với cách ly những người nhiễm virus.
WHO nhìn nhận tình hình dịch bệnh trên toàn cầu hiện nay còn ở mức nghiêm trọng và khuyến cáo các quốc gia nên thận trọng. Tiến sĩ Smallwood nói: “Mọi quốc gia cần phải cảnh giác ngay khi tình hình dịch tễ thay đổi”.
Đan Mạch thông báo sẽ theo dõi chặt chẽ số ca nhập viện vì COVID-19 – chưa đến 130 trường hợp vào thời điểm hiện tại – và tiến hành giải trình tự gen tỉ mỉ để theo dõi virus.
Quốc gia này cũng sẵn sàng tiêm liều thứ ba bổ sung cho nhóm có nguy cơ cao kể từ ngày 9/9. Chuyên gia Lone Simonsen cho biết vaccine đã cung cấp khả năng miễn dịch đối với các biến thể hiện nay, song nếu biến thể mới kháng vaccine xuất hiện, họ sẽ điều chỉnh lại chiến lược của mình.
Du khách nhập cảnh vào Đan Mạch vẫn cần phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm vaccine hoặc xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, cũng như bắt buộc đeo khẩu trang tại các sân bay.
Chiến lược và lòng tin giúp Đan Mạch chế ngự Covid-19
Hệ thống y tế hiệu quả, hành động quyết liệt và lòng tin vào chính phủ là những lý do giúp Đan Mạch coi Covid-19 "không còn là mối đe dọa".
Đầu tháng 3/2020, khi Covid-19 lây lan ra thế giới, Đan Mạch xác định đây là "căn bệnh đe dọa xã hội nghiêm trọng", trở thành một trong những nước châu Âu đầu tiên ban lệnh phong tỏa, áp đặt các biện pháp hạn chế vào cùng ngày Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu.
Theo luật đại dịch của Đan Mạch, trạng thái này giúp chính phủ có quyền áp đặt một loạt biện pháp hạn chế nghiêm ngặt với xã hội. Các nhà trẻ, trường học, thư viện, những địa điểm công cộng khác cùng dịch vụ không thiết yếu dần đóng cửa, cùng quy định cấm tụ tập trên 100 người. Giới chức cũng mạnh mẽ khuyến cáo không sử dụng phương tiện giao thông công cộng và không đi lại trừ khi thực sự cần thiết.
Tính đến ngày 1/5/2020, giữa lúc toàn cầu đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, Đan Mạch ghi nhận tổng cộng 9.311 ca nhiễm và 470 trường hợp tử vong, trong khi Thụy Sĩ, đất nước có diện tích, quy mô dân số tương tự và chỉ cách Đan Mạch 1.000 km, báo cáo số ca nhiễm và tử vong cao gấp ba lần.
David Olagnier, phó giáo sư khoa y sinh thuộc Đại học Aarhus tại Đan Mạch, nhận xét chiến lược chống dịch của quốc gia vùng Scandinavi này có thể được tóm tắt là " hành động nhanh chóng và quyết liệt ". Tuy nhiên, phản ứng nhanh chóng không phải yếu tố duy nhất tạo nên thành công trước đại dịch.
Một quán cà phê tại Copenhagen, Đan Mạch, sau khi các biện pháp phòng chống Covid-19 được nới lỏng hôm 21/4. Ảnh: Reuters .
Về mặt địa lý , Đan Mạch có vị trí như một bán đảo, chỉ có duy nhất 68 km biên giới đất liền với Đức, quốc gia được cho là ứng phó đại dịch cũng tương đối tốt. Olagnier đánh giá yếu tố này cùng lệnh phong tỏa nhanh chóng của chính phủ Đan Mạch đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế virus lây lan.
Thêm vào đó, hệ thống y tế của Đan Mạch rất bình đẳng và miễn phí cho tất cả, không phụ thuộc vào bảo hiểm y tế, với khu vực công rộng lớn gồm các bệnh viện và phòng khám chất lượng cao, tương đối ít phòng khám tư nhân. Yếu tố này góp phần tạo nên tốc độ ấn tượng và tính linh hoạt trong việc sắp xếp lại thứ tự ưu tiên y tế, tái tổ chức các khoa điều trị, khu cách ly, giường bệnh, cũng như đội ngũ bác sĩ và y tá.
Người dân Đan Mạch được khuyến khích tiến hành xét nghiệm nCoV miễn phí một hoặc hai lần mỗi tuần, và đây cũng là nước có tỷ lệ xét nghiệm nCoV trên đầu người cao nhất toàn cầu. "Dân số Đan Mạch là 5,8 triệu người, trong khi chúng tôi có thể xét nghiệm hơn nửa triệu người mỗi ngày", Kirstine Vestergaard-Nielsen, phó giám đốc Cơ quan Y tế Khẩn cấp Copenhagen, cho biết.
Công tác tiêm chủng Covid-19 tại Đan Mạch cũng được tiến hành vô cùng nhanh chóng. Theo số liệu của Our World in Data, Đan Mạch đứng thứ ba Liên minh châu Âu (EU) về tỷ lệ tiêm chủng, với 71% dân số đã tiêm đủ hai liều vaccine, đứng sau Malta và Bồ Đào Nha với tỷ lệ lần lượt là 80% và 73%.
Toàn bộ các nước thành viên EU có cùng mức độ tiếp cận với loại vaccine đầu tiên mà liên minh phê duyệt là Pfizer-BioNTech. Các lô hàng được mua chung và phân phối đồng thời, tương ứng với quy mô dân số của các nước thành viên. Tuy nhiên, vài quốc gia ban đầu từ chối một phần quyền lợi này do vaccine Pfizer tương đối đắt và khó bảo quản, quyết định chờ loại vaccine rẻ hơn của AstraZeneca.
Trong khi đó, Đan Mạch dốc toàn lực cho vaccine Pfizer, mua sắm các hệ thống bảo quản lạnh đặc biệt, giúp đẩy nhanh thời gian tiêm chủng hơn. Hệ thống y tế hoạt động hiệu quả góp phần giúp quá trình triển khai vaccine diễn ra trơn tru. Ngoài ra, giới chức y tế Đan Mạch còn tận dụng tối đa nguồn cung bằng cách sử dụng ống tiêm nhỏ hơn để tăng số liều vaccine từ mỗi lọ lên 6, thay vì 5 liều như thông thường.
Năng lực xét nghiệm và tiêm chủng mạnh mẽ, cùng những quyết định siết chặt và nới lỏng biện pháp hạn chế phù hợp theo diễn biến đại dịch dường như đã giúp Đan Mạch tránh được làn sóng đại dịch thứ ba, khác hầu hết phần còn lại của châu Âu, với tỷ lệ nhiễm và tử vong vì Covid-19 thuộc nhóm thấp.
"Giờ đây chúng tôi có thể mở cửa nhiều hơn tại Đan Mạch, đối lập với tình trạng ở nhiều nước khác", Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen phát biểu hồi tháng 3, khi thông báo về kế hoạch tái mở cửa, đưa nước này trở thành một trong những quốc gia bắt đầu quá trình tái mở cửa sớm nhất, với nền tảng là chương trình "giấy thông hành Covid-19" được khởi động hôm 21/4.
Kể từ ngày này, các nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim, phòng gym, sân vận động và tiệm làm tóc được phục vụ những người có chứng nhận đã được tiêm chủng đầy đủ, có kết quả âm tính với nCoV trong vòng ba ngày, hoặc từng nhiễm virus trong vòng 2-12 tuần qua. Các trạng thái này được hiển thị trên một ứng dụng điện thoại được liên kết với hệ thống chứng minh thư của Đan Mạch, hoặc có thể được in ra giấy nếu cần thiết.
Sở thú và công viên, những nơi đầu tiên áp dụng "giấy thông hành Covid-19" tại Đan Mạch, giờ đây tràn ngập các gia đình đến thăm quan và dường như ít người nhớ đến việc đại dịch vẫn tồn tại. Bất chấp hàng người dài chờ đợi trước cổng để kiểm tra giấy thông hành, hầu hết người dân cho rằng "giấy thông hành Covid-19" giúp họ cảm thấy an toàn hơn.
"Tôi nghĩ đây là một phần của cuộc sống hiện tại. Chúng tôi phải chấp nhận điều này để duy trì tỷ lệ lây nhiễm thấp", một người dân tên Portia nêu ý kiến.
Phó giáo sư Olagnier chỉ ra yếu tố chủ chốt giúp Đan Mạch ứng phó đại dịch và triển khai các chính sách một cách hiệu quả là lòng tin vào chính phủ . Các thuyết âm mưu về Covid-19, hoặc tâm trạng hoảng loạn vì cách xử lý khủng hoảng, cũng không tồn tại ở nước này.
"Người Đan Mạch còn có tinh thần trách nhiệm mạnh mẽ đối với cộng đồng, có thể xuất phát từ lòng tin được tạo ra bởi hệ thống phúc lợi rộng rãi trên toàn quốc", Olagnier nhận xét.
Chỉ một ngày sau khi Thủ tướng Frederiksen ban hành lệnh đóng cửa toàn bộ trường học khi đại dịch mới bùng phát vào tháng 3/2020, tất cả các trường đều không còn bóng người, dù 4 ngày sau quy định mới có hiệu lực. Người Đan Mạch vốn vô cùng thân thiện, nhưng họ vẫn rất tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội.
Bất chấp nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề "giấy thông hành Covid-19", một cuộc khảo sát hồi tháng 4 cho thấy 67% người Đan Mạch ủng hộ chính sách này, và chỉ 16% phản đối.
"Người Đan Mạch không lo lắng về nguy cơ bị lạm dụng thông tin cá nhân. Đây được coi là cách để chúng tôi bảo vệ lẫn nhau và trở lại một cuộc sống bình thường hơn", Michael Bang Petersen, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Aarhus, cho biết.
Hôm 27/8, Bộ trưởng Y tế Đan Mạch Magnus Heunicke thông báo nước này sẽ dỡ bỏ toàn bộ biện pháp phòng chống Covid-19 vào ngày 10/9, tuyên bố đại dịch "không còn là mối đe dọa nghiêm trọng với xã hội".
Châu Âu tăng cường sử dụng chứng chỉ xanh về COVID-19 Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, chứng chỉ xanh về COVID-19 đã có hiệu lực ở Đan Mạch, Pháp và sắp tới là Italy. Hộ chiếu sức khỏe đang được tăng cường sử dụng tại các quốc gia châu Âu. Điều này cho phép người sở hữu là những người đã được tiêm chủng, khỏi bệnh hoặc xét nghiệm âm tính, được...