Cần mổ xẻ căn nguyên lệch chuẩn đạo đức ở giới trẻ…
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu tội phạm, có nhiều nguyên nhân khi lứa tuổi cắp sách đến trường vi phạm pháp luật. Trước hết, phần lớn đều do sự buông lỏng quản lý từ gia đình. Có những ông bố bà mẹ nuông chiều con quá mức, cung cấp tiền cho con tiêu xài, ăn chơi mà không hề kiểm soát…
Những thông tin về trẻ vị thành niên phạm tội nguy hiểm khiến các bậc làm cha mẹ, những người có trách nhiệm phải nhói lòng. Mới đây, lại xảy ra chuyện học sinh lớp 7 làm chuyện đồi bại với bạn cùng lớp rồi quay clip phát tán. Những vụ giết người, cướp của, khoe khoang “chiến tích” đang là “mốt” trong một bộ phận giới trẻ. Đằng sau những câu chuyện đau lòng này là gì, một bộ phận giới trẻ thiếu kỹ năng sống hay sự vô tâm của người lớn.
Một số hình ảnh (đốt tiền, đánh nhau, hôn nhau tại lớp học…) gây nhức nhối của trẻ vị thành niên gần đây.
Cảnh báo những “trào lưu” lệch chuẩn
Chuyện học sinh lớp 7 “cưỡng ép” hoặc có những hành vi phản cảm với bạn gái cùng lớp để “làm chuyện người lớn” và nhóm bạn cùng chơi có hai người bạn dùng điện thoại di động quay thành clip quả là chuyện đau lòng, một việc làm đồi bại, phi nhân tính. Đó là những câu chuyện không phải là cá biệt đang diễn ra trong giới trẻ. Trước đây, cộng đồng mạng cũng bức xúc khi nghe kẻ xưng là keomutchoiboi khoe khoang chiến tích đâm chết người khi tham gia giao thông trên mạng. Hay chuyện cháu giết bà chỉ vì muốn chiếm đoạt mấy chục ngàn đồng để chơi game… những câu chuyện như thế khiến nhiều người phải phẫn nộ.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu tội phạm, có nhiều nguyên nhân khi lứa tuổi cắp sách đến trường vi phạm pháp luật. Trước hết, phần lớn đều do sự buông lỏng quản lý từ gia đình. Có những ông bố bà mẹ nuông chiều con quá mức, cung cấp tiền cho con tiêu xài, ăn chơi mà không hề kiểm soát. Số khác thì lại thiếu quan tâm, do mải làm ăn, hoặc hoàn cảnh khó khăn, lao vào kiếm tiền. Hoặc do sự đổ vỡ của chính bố mẹ chúng khiến cho chúng thiếu thốn tình cảm, không người chăm nom. Từ việc thiếu quan tâm, giáo dục của cha mẹ đã tạo ra sự buông lỏng trong cách sống của trẻ, dễ sa vào con đường phạm tội.
Video đang HOT
Nói riêng về trường hợp học sinh lớp 7 hiếp bạn cùng lớp, chuyên gia nghiên cứu tội phạm vị thành niên, ông Đặng Vũ Cảnh Linh (Hội Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) cho rằng: “Đây là những hành vi lệch chuẩn về pháp luật, văn hóa, khó chấp nhận. Điều nghiêm trọng là nhiều vị thành niên hiện nay coi đó là có một bộ phận điều hay ho và hành động theo trào lưu. Một trong những trào lưu xấu như vậy nhưng lại không chỉ ở một địa phương, địa điểm mà còn mở rộng qua rất nhiều khu vực khác nhau, do các nhóm học sinh tuyên truyền, học nhau qua mạng internet. Sự nguy hiểm chính là trong nhận thức của một số học sinh điều phi chuẩn mực đang có vẻ được chấp nhận và suy nghĩ như chuẩn mực”.
Thiết chế gia đình và nhà trường hiện nay chủ yếu mang tính “tự vệ”
TS. Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, nhiều giá trị đang thay đổi nhưng các bạn trẻ lại chưa được giáo dục một cách có bài bản. Một bộ phận đang có khuynh hướng khủng hoảng giá trị, tiếp thu những giá trị ảo, giá trị không phù hợp với chuẩn mực xã hội. “Tôi thấy một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ hiện nay ít hiểu biết về luật và thiếu kỹ năng sống, kỹ năng thích ứng với tình huống bất ngờ nên có thể hành động nông nổi, thậm chí quá khích, quá khích đến mức mà chính họ cũng không nhận thức được. Chỉ một va chạm nhỏ, họ cũng sẵn sàng có thể lao vào đánh nhau, thậm chí giết nhau.
Ở một góc độ khác, nhiều bạn trẻ được đánh giá quá cao nên họ ngộ nhận về bản thân, dẫn đến có những hành vi vượt ngưỡng cho phép. Thái độ sống thiếu bao dung, vị tha khiến người ta rất dễ có những hành động không kiềm chế được, người vị tha thường ứng xử dễ dàng trước những tình huống khó”, ông Tùng Lâm phân tích.
Một số chuyên gia cũng cho rằng ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ, đến hành vi ứng xử của lớp trẻ cũng là một phần do việc thực thi pháp luật chưa nghiêm. Giới trẻ quan sát, chứng kiến điều chướng tai, gai mắt không được xử lý nghiêm nên họ mất niềm tin vào cuộc sống, mất niềm tin vào điều thiện và thử đi tìm một cách ứng xử khác thường. Đó là chưa nói đến khá nhiều trường hợp, người lớn không gương mẫu trong sinh hoạt gia đình, trong việc thực hiện các mối quan hệ xã hội. Nhiều người lớn đã dập tắt tinh thần vì cộng đồng hoặc những nét tính cách tốt đẹp ở trẻ em ngay từ khi ngồi ghế nhà trường vì lối sống ích kỷ của mình. Những lỗ hổng trong giáo dục pháp luật, nhân cách của trẻ càng lớn thì câu chuyện đau lòng càng xảy ra nhiều nơi và mức độ ngày càng nguy hiểm hơn.
Nhìn nhận thực tế này, ông Đào Trọng Thi khẳng định: “Tôi nghĩ có hiệu quả giáo dục pháp luật chưa tốt. Tôi cho rằng, giáo dục pháp luật cho giới trẻ phải được tăng cường hơn nữa. Cần phải giáo dục kiến thức cơ bản về pháp luật đối với mọi công dân, nhất là cần giáo dục để tầng lớp thanh thiếu niên họ nắm được và ứng xử đúng pháp luật, phù hợp với xã hội. Vấn đề đặt ra là vừa giáo dục xã hội, vừa cần giáo dục chuẩn mực đạo đức”.
Một số chuyên gia cũng khẳng định chuyện giáo dục phải được bắt đầu từ những người lớn. Nêu gương đạo đức là giá trị quan trọng, lâu dài và bền vững. Chuẩn mực này phải được phổ biến từ xã hội, từ nhận thức, hành vi của người lớn và các phương tiện truyền thông. “Hiện nay, chúng ta đang nói tới đưa kỹ năng sống vào nhà trường thực ra đó là cách làm ngọn, bởi cái đích đến của kỹ năng chính là giá trị sống. Có thể thấy, việc xác định mục đích, lẽ sống của nhiều người trẻ chưa rõ ràng, phân tán”, ông Nguyễn Tùng Lâm bày tỏ sự băn khoăn.
Ông Đặng Vũ Cảnh Linh cho rằng: “Thiết chế gia đình và nhà trường hiện nay trở nên yếu ớt không phải vì bản thân nó yếu ớt mà vì nó không thể thích nghi được với sự biến đổi xã hội và thông tin quá nhanh như hiện nay. Nhiều trẻ em và vị thành niên học mọi điều từ xã hội cũng nhanh hơn học từ gia đình và nhà trường. Nên điều đáng buồn nhất, tôi cho rằng thiết chế gia đình và nhà trường hiện nay chủ yếu mang tính tự vệ (chỉ phản ứng khi bị tấn công) và phòng bệnh xa theo kiểu xây dựng thành lũy xung quanh con em mình mà không thể chủ động, định hướng hay kiểm soát được toàn bộ quá trình phát triển trong cái thành lũy ấy”.
Giáo dục đạo đức cho giới trẻ thì vai trò của gia đình là rất quan trọng “Gia đình bố mẹ mải kiếm sống, giáo dục trong nhà trường chưa chú trọng đến “học lễ”, còn xã hội nhiều những chuyện xấu được phơi bày, miêu tả chi tiết đã phần nào tác động vào tâm lý của thanh thiếu niên. Tất cả điều này đã ngấm dần và ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành động của giới trẻ. Thường thì, khi xảy ra chuyện gì trong lứa tuổi đến trường chúng ta lại đổ hết tại nhà trường. Tôi nghĩ rằng khả năng, phạm vi của nhà trường có giới hạn. Cá nhân tôi vẫn nghĩ, giáo dục đạo đức cho giới trẻ thì vai trò của gia đình là rất quan trọng. Gia đình có uy quyền hơn và có khả năng tác động, quản lý trực tiếp đối với giới trẻ. Nếu các bậc cha mẹ quan tâm hơn đến giáo dục đạo đức cho con em mình thì nó sẽ góp phần tích cực cho việc hình thành nhân cách giới trẻ”. (Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi)
Theo NDT
Hội chứng... ngông!
Vừa qua, cư dân mạng rất bất bình về một clip vô cùng phản cảm quay hình ảnh một nam thanh niên đốt... tiền để mua vui. Thiếu gia này có mái tóc nhuộm vàng hoe, là "mốt" của nhiều thanh niên hiện nay, khuôn mặt búng ra sữa, đeo cặp kính trắng để thêm phần "trí thức". Cậu ta đốt cháy rụi những tờ tiền có mệnh giá 100.000 đồng, 200.000 đồng. Đốt xong, gã trẻ măng này thò mặt vào ống kính cười nhăn nhở.
Ảnh minh họa (Tamtay.vn)
Bất cứ ai xem clip này cũng bức xúc. Nhiều người lúc đầu nhìn không rõ tưởng người thanh niên đốt tiền âm phủ. Nhưng không, đó là tiền thật. Chắc chắn cậu ta phải là con một nhà giàu có lắm, cho nên vài triệu đồng coi không là gì. Gã đốt tiền để làm chi? Rất dễ hiểu: để tỏ ra ta là người giàu có, sống "trên tiền", coi tiền như rác.
Người chứng kiến hình ảnh trên chẳng những bất bình mà còn phẫn nộ, bởi hiện nay, trong xã hội còn rất nhiều người khốn khó. Báo chí luôn chụp ảnh, đưa tin những hoàn cảnh (có địa chỉ cụ thể) quá nghèo khổ, cần những tấm lòng từ thiện cưu mang. Và người Việt Nam ta với truyền thống tốt đẹp "lá lành đùm lá rách" đã không vô tâm, dửng dưng với những địa chỉ như thế. Nhưng vẫn còn đó rất nhiều người cần được sẻ chia. Không có tiền làm cầu nên trẻ em ở nhiều nơi phải qua sông đi học trên những chiếc thuyền mỏng manh luôn rình rập bất trắc. Vẫn còn đó di chứng chất độc màu da cam mà kẻ thù reo rắc trên mảnh đất chúng ta từ mấy chục năm trước, đến nay còn để lại không ít số phận hẩm hiu rất cần có tiền để tồn tại qua ngày. Lại có những bệnh nhân vì quá nghèo mà không đẩy lùi được tử thần... Người ta cần từng đồng để đắp đổi cuộc sống. Vậy mà gã thiếu gia kia lại đốt tiền như đốt rác. Việc làm của cậu ta chẳng những vô cảm, bất lương mà còn vi phạm pháp luật. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 130/2003/QĐ - TTG ngày 30/6/2003 về việc bảo vệ tiền Việt Nam đã ghi rõ: Nghiêm cấm mọi hành vi hủy hoại tiền dưới bất kỳ hình thức nào, cá nhân, tổ chức nào vi phạm sẽ bị xử lý. Vậy hành vi của thanh niên đốt tiền trên có bị xử lý, hay đã được cho qua?
Dân chúng còn thấy như bị xúc phạm trước những "câu lạc bộ" quái gở của các thiếu gia. Tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng... xuất hiện 1 câu lạc bộ có tên VIP & VIP. Để được ra nhập, các thành viên phải hội được những tiêu chuẩn... khủng: Phải có bố, mẹ là đại gia "tầm cỡ", (có tiếng tăm trong thương trường, xã hội); phải có ô tô triệu đô trở lên và phải sử dụng ma túy, đã từng đi du học ở nước ngoài. Không cần tìm hiểu, cũng đủ thấy những "câu lạc bộ" kiểu này hoạt động những gì. Không biết ngành văn hóa (có chức năng quản lý hoạt động của hệ thống các CLB) có biết đến CLB nhố nhăng này?
Ngoài clip đốt tiền trên, có cả clip dùng điện thoại di động Iphone đập đá (nước đá) trong bữa nhậu. Với đám choai choai này, chiếc điện thoại chỉ như một thỏi sắt, đập xong, hỏng, vứt luôn.
Thói chơi ngông của đám thiếu gia con nhà giàu đã phản ánh sự vô giáo dục của chúng, thậm chí còn được các bậc sinh thành tiếp tay, khuyến khích. Vậy nên mới có chuyện một đại gia nọ tuyên bố: Nếu trên cung trăng có trường đại học, cũng cho con lên học được.
Giàu có không có tội, còn được khuyến khích nếu làm ăn chính đáng, tuân thủ pháp luật. Nhưng từ sự giàu có mà dẫn tới hành vi lố bịch, phản văn hóa, vi phạm pháp luật thì không thể cho qua, rất cần các cơ quan chức năng can thiệp, xử lý.
Theo Petrotimes
Kinh hãi với "đẳng cấp chơi" của thiếu gia Gần đây, xung quanh chuyện ăn, ở, học, chơi và hưởng thụ của các thiếu gia, có bao chuyện để bàn. Họ "xài" đồ "xịn", "độc" nhất và phần lớn là hàng hiệu để khẳng định cho style - phong cách chơi của mình, một phần hàm ý sự quảng cáo cho bố mẹ đại gia của họ Một bộ quần áo họ...