‘Cần lập phương án di dân khi phát hiện khả năng vỡ đập’
Lo ngại trước tình hình động đất bất thường xảy ra ở thủy điện Sông Tranh 2, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vừa đề xuất Chính phủ giải pháp ứng phó nhằm bảo đảm an toàn tính mạng người dân khu vực này.
Trao đổi với VnExpress.net chiều 18/9, GS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho biết, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vừa gửi văn bản đề xuất Chính phủ về giải pháp ứng phó động đất nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân sinh sống ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2.
Vai trái của đập thủy điện Sông Tranh 2 bị sạt lở nặng do động đất dồn dập, chủ đầu tư phải dùng rọ đá làm bờ kè bảo vệ dọc hai bên tuyến đường từ huyện Bắc Trà My đi Nam Trà My. Ảnh: Trí Tín.
Trong văn bản này, các chuyên gia khẳng định đập thủy điện Sông Tranh 2 chưa đạt yêu cầu. Do vậy, mùa mưa lũ năm nay, khi cho tích nước cần có quy trình chặt chẽ để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân ở vùng hạ du. Trong quá trình tích nước phải luôn theo dõi ứng suất thân đập, nếu ứng suất này vượt quá giới hạn thì phải xả bớt nước.
“Cần xây dựng phương án di dân khi phát hiện đập có khả năng bị vỡ. Lập mạng lưới cảnh báo cho người dân, đo vẽ bản đồ theo giả định vỡ đập, đánh dấu các khu có cao trình an toàn để người dân có thể di dời trong tình huống xấu xảy ra”, GS Hồng đề xuất.
Các chuyên gia cho rằng, hiện tượng động đất kích thích là hiện tượng mới ở Việt Nam, chưa có một tiêu chuẩn kỹ thuật nào về vấn đề này. Chính phủ cần giao cho một bộ (ngành) lập tiêu chuẩn để đánh giá đập thuỷ điện Sông Tranh 2 có an toàn hay không. Đập này được đặt trên một nền nằm trong khu vực có những đới đứt gãy hoạt động. Việc xuất hiện động đất kích thích có thể là dấu hiệu của sự hoạt động trở lại của đới đứt gãy. Nếu việc khoan phụt của thiết kế không giải quyết được tận gốc vấn đề này thì đập khó đảm bảo an toàn.
Video đang HOT
Các chuyên gia Viện Vật lý địa cầu và Viện Địa chất kiểm tra vết nứt tại một trường học ở huyện Bắc Trà My do động đất gây ra. Ảnh: Trí Tín.
Ngay khi đi vào tích nước, đập đã có hiện tượng thấm quá mức cho phép. Hiện nay đã dược xử lý ở bề mặt đập bằng cách dán màng keo ngăn nước ở thượng lưu. Còn các lỗ hổng trong thân đập do thấm gây ra cần được đánh giá trước khi cho phép tích nước. Do vậy, việc lấy mẫu thân đập vừa qua ở lúc chưa tích nước để kiểm tra về cường độ là chưa bảo đảm thân đập đã ổn định, cần tiếp tục theo dõi ứng suất trong thân đập khi tích nước.
Rạng sáng nay, chính quyền địa phương cùng người dân đã ghi nhận ba trận động đất khiến người dân lại bỏ chạy ra khỏi nhà. Tuy nhiên do động đất dưới 2 độ ritcher nên các Trạm địa chấn của Viện Vật lý địa cầu đặt ở Bình Định, Huế không thể ghi nhận được. Như vậy, trong vòng một tháng qua tại khu vực này đã xảy ra đến 20 trận động đất.
Trước tình hình động đất xảy ra dồn dập, GS Cao Đình Triều, Viện Vật lý Địa cầu khuyến cáo, trong quá trình tích nước hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 cần theo dõi sát sao diễn biến của động đất. Nếu các trận động đất nhỏ xảy ra liên tiếp kèm theo mực nước hồ dâng cao, trận động đất mạnh hơn có thể xảy ra sau đó. Khi ấy cần quan tâm gia cố, chống rò rỉ nước cho đập thủy điện.
Động đất xảy ra dồn dập khiến người dân ở huyện Bắc Trà My và nhiều địa phương sống lân cận thủy điện Sông Tranh 2 hoang mang, sợ hãi. Ảnh: Trí Tín.
Chiều 18/9, Thường trực Hội đồng khoa học thuộc Viện khoa học và công nghệ Việt Nam tổ chức cuộc họp khẩn, lấy ý kiến đoàn khảo sát, các chuyên gia Viện Vật lý Địa cầu, Viện Địa Chất… để tổng hợp ý kiến nhằm đưa ra kết luận cuối cùng về tình hình động đất thủy điện Sông Tranh 2. Văn bản kết luận này sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét trước khi quyết định cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tích nước trở lại hồ chứa thủy điện này.
Hiện tại, tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các địa phương triển khai tập huấn ứng phó động đất cho người dân đồng thời khảo sát những vị trí đồi cao, xây dựng phương án diễn tập sơ tán, di dời dân, chủ động phòng tránh trong tình huống xấu nhất là vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2.
Theo VNE
Trà My lại rung lắc, đã có 53 trận động đất
Sáng nay, trên địa bàn rừng núi Trà My lại xảy ra 1 trận động đất có cường độ khá mạnh khiến người dân hoảng loạn. Theo UBND huyện Bắc Trà My, Quảng Nam kể từ khi hồ chứa Song Tranh 2 tích nước đến nay hơn 1 năm đã xảy ra hơn 53 trận động đất lớn nhỏ.
Chánh Văn phòng UBND huyện Bắc Trà My Lê Văn Tuấn cho biết, vào khoảng 5 giờ sáng nay (17/9), một trận động đất với cường độ mạnh đã xảy ra trên địa bàn huyện.
Ông Tuấn mô tả trận động đất này khiến mặt đất chao đảo và rung lắc kéo dài khoảng 11 giây. So với trận động đất vào rạng sáng ngày 3/9 đo được là 4,2 độ Richter thì trận động đất này lớn hơn nhiều.
Các chuyên gia động đất khảo sát tình hình hư hại tại xã Trà Đốc vừa qua.
Ông Tuấn cho biết, theo báo cáo nhanh từ chính quyền địa phương các xã Trà Sơn, Trà Đốc, Trà Bui, Trà Tân và thị trấn Trà My thì trận động đất này có cường độ mạnh, lại vào lúc người dân đã bắt đầu dậy đi làm ruộng nương nên gây hoảng loạn trong dân.
Được biết, trước khi có trận động đất lớn vào sáng nay thì trước đó chưa đầy 24 giờ đồng hồ đã có 2 trận động đất với cường độ nhẹ xảy ra vào lúc 0h35 và 3h ngày 16/9.
Các chuyên gia động đất với bút và giấy đến vùng tâm chấn Trà My.
Như vậy, tâm chấn của các trận động đất được xác định là khu vực địa bàn các xã quanh đập Sông Tranh 2 có bán kính khoảng 30 km.
Ngay trong sáng nay, lãnh đạo huyện Bắc Trà My đã cử các đoàn công tác về các xã để thống kê thiệt hại.
Theo thống kê của UBND huyện Bắc Trà My, kể từ khi hồ chứa Sông Tranh 2 tích nước đến nay, hơn 1 năm, đã xảy ra hơn 53 trận động đất lớn nhỏ. Đặc biệt từ đầu tháng 9 đến nay động đất xuất hiện dày đặc và có cường độ lớn.
Theo VNN
Nguy cơ vỡ đập là sự cường điệu hóa không cần thiết Trận động đất xảy ra vừa qua ở khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 khiến nhiều người dân tỏ ra sợ hãi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, người dân đang cường điệu hoá những lo lắng không cần thiết. Dân hoảng loạn vì thông tin vỡ đập Tối ngày 3/9 tại khu vực hồ thủy điện Sông Tranh 2 đã xảy...