Cần lắm việc phổ cập bơi trong trường học
An Giang có hệ thống sông ngòi chằng chịt, mỗi năm đều xảy ra tai nạn đuối nước.
Vì vậy, việc thực hiện các biện pháp nhằm phòng, chống tai nạn đuối nước cho học sinh, trẻ em là việc làm cần thiết, qua đó thực hiện tốt công tác quản lý trẻ em, đảm bảo an toàn cho trẻ em ở trường học, trong gia đình và cộng đồng.
Tăng cường phổ cập bơi trong trường học, tránh tai nạn đuối nước
Từ năm học 2016-2017, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai công tác phổ cập bơi và đưa nội dung bơi lội vào giảng dạy chính khóa môn thể dục (phần thể thao tự chọn) và ngoại khóa ở những nơi có đủ điều kiện. TP. Long Xuyên là đơn vị tổ chức thực hiện thí điểm, với mục tiêu giúp học sinh biết ít nhất một kiểu bơi, kỹ năng an toàn dưới nước và kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối nước.
Giữa tháng 9-2019 đã xảy ra 1 vụ tai nạn đuối nước thương tâm, khiến 3 học sinh thiệt mạng. Thời điểm đó, 7 học sinh Trường Tiểu học “A” An Tức (xã An Tức, Tri Tôn) chạy xe đạp ra hồ Soài Chek (xã Núi Tô, Tri Tôn) chơi và tắm. Tắm được một lúc thì 3 em: Chau C., Chau Ga V. và Chau T. bị đuối nước. Thấy 3 bạn bị đuối nước, các em học sinh còn lại trong nhóm đã hô hoán và chạy tìm các công nhân đang thi công nạo vét lòng hồ kêu cứu. Dù mọi người đã tức tốc chạy đến, nhảy xuống hồ đưa các cháu lên bờ, nhưng cả 3 em đã tử vong.
Mới đây, 2 em học sinh Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu bị đuối nước được cứu sống ở TP. Long Xuyên, do các em tự đi tập bơi để chuẩn bị kiểm tra môn thể dục (môn học sinh tự chọn). Có ý kiến cho rằng, không nên quy định đưa môn này vào môn thi, mà chỉ nên khuyến khích học bơi, để học sinh tự nguyện lựa chọn môn học. Sở GD&ĐT cho rằng, nếu nội dung bơi lội nằm trong hoạt động ngoại khóa của nhà trường thì sẽ không tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh, chủ yếu là khuyến khích để học sinh rèn luyện kỹ năng bơi. Nếu nội dung bơi nằm trong chương trình chính khóa, mà học sinh đã tự chọn (tự nguyện theo năng khiếu) để học thì nội dung này phải tham gia kiểm tra, đánh giá với hình thức và mức độ phù hợp với năng lực người học.
Trưởng phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục thường xuyên (Sở GD&ĐT) Nguyễn Quốc Khanh cho biết, đối với dạy học tự chọn trong giờ học chính khóa, nội dung bơi lội không là nội dung bắt buộc đối với học sinh. Vì việc tự chọn nội dung học là hoàn toàn tự nguyện, phù hợp với năng khiếu, kỹ năng người học và cơ sở giáo dục có đủ điều kiện đáp ứng (đội ngũ giảng dạy, cơ sở vật chất, điều kiện học tập…). Đối với dạy học ngoại khóa, nội dung bơi lội là nội dung học khuyến khích các em tham gia, nhằm giúp các em phòng tránh tai nạn đuối nước.
Video đang HOT
Nhiều năm nay, các địa phương làm tốt công tác phổ cập bơi trong dịp hè, đưa bơi lội vào trường học nhằm nâng cao kỹ thuật bơi, kỹ năng phòng, tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em và học sinh. Các đơn vị, địa phương, trường học tùy tình hình, điều kiện thực tế để lựa chọn hình thức tổ chức phổ cập bơi phù hợp, đảm bảo chất lượng và an toàn. Xã hội hóa nguồn lực đầu tư xây dựng nhiều hồ bơi ở các địa phương, nhằm phục vụ cho hoạt động dạy và học bơi của người dân. Tại các hồ bơi đều hoạt động rất hiệu quả, thu hút khá đông người dân đến tập luyện, bơi lội.
Ông Nguyễn Quốc Khanh cho biết, để học sinh từ mầm non đến THPT biết bơi, tự bảo vệ mình và phòng, chống tai nạn đuối nước, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo các trường đẩy mạnh công tác dạy bơi cho học sinh. Bên cạnh đó, huy động các lực lượng địa phương tham gia phối hợp tổ chức phổ cập bơi trong hè, gắn với việc giám sát của các tổ chức và cá nhân về an toàn và vệ sinh bơi. Sở GD&ĐT sẽ tiến hành rà soát, nắm tình hình dạy bơi và công tác phổ cập bơi của các trường. Ban hành văn bản chỉ đạo, nhắc nhở các đơn vị quan tâm đến an toàn trong dạy bơi, các trường phối hợp tuyên truyền về an toàn bơi trong học sinh và phụ huynh, nhằm giúp phụ huynh biết và quản lý tốt con em. Tiếp tục chỉ đạo về chuyên môn dạy và học đối với nội dung bơi, trong đó có việc hướng dẫn kiểm tra đánh giá phù hợp với năng lực học sinh. Chỉ đạo các trường quan tâm triển khai các kỹ năng phòng, tránh đuối nước cho học sinh, như: qua phà, qua đò phải mặc áo phao; không tự tiện tắm sông; đi bơi phải có người lớn hoặc phải có bạn cùng đi để khi xảy ra sự cố sẽ có người hỗ trợ…
Bài, ảnh: HẠNH CHÂU
Theo baoangiang
TPHCM: Nhiều mô hình sáng tạo ở trường học hưởng ứng cuộc vận động người dân không xả rác
Cuộc vận động bắt đầu triển khai từ tháng 10-2018. Đến nay đã có 24/24 phòng GD-ĐT quận, huyện phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường TP triển khai các hình thức vận động, trở thành hoạt động xuyên suốt và liên tục trong năm học.
Nhiều mô hình sáng tạo đã được các trường vận dụng nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, qua đó góp phần nâng cao ý thức cho học sinh.
Sáng 21-11, tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU (ngày 19-10-2018) của Thành ủy TPHCM về thực hiện cuộc vận động "Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước" do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP cho biết, qua một năm thực hiện, cuộc vận động đã bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực.
Học sinh Trường THCS Chu Văn An (quận 1) tham gia tiết mục tuyên truyền về giảm thiểu rác thải nhựa.
Theo đó, cuộc vận động bắt đầu triển khai từ tháng 10-2018. Đến nay đã có 24/24 phòng GD-ĐT quận, huyện phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường TP triển khai các hình thức vận động, trở thành hoạt động xuyên suốt và liên tục trong năm học. Nhiều mô hình sáng tạo đã được các trường vận dụng nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, qua đó góp phần nâng cao ý thức cho học sinh.
Học sinh Trường THCS Trần Huy Liệu (quận Phú Nhuận) thực hiện lời kêu gọi "Đoàn kết, chăm ngoan, bảo vệ môi trường, chấp hành luật pháp".
Đơn cử tại quận 8, bà Mao Thị Kim Liên, Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận 8 cho biết, các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn quận đã triển khai nhiều mô hình sáng tạo như phân loại rác thải tại nguồn, thực hiện phong trào giảm thiểu rác thải nhựa, hướng dẫn học sinh tái chế chất thải, tổ chức đổi rác thải lấy cây xanh, chương trình "ngày chủ nhật xanh" với các hoạt động dọn dẹp vệ sinh, giữ gìn cảnh quan đô thị...
Hoạt cảnh sân khấu của học sinh kêu gọi ý thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng.
Tại Trường Mầm non Nam Sài Gòn (quận 7), nhà giáo ưu tú Nguyễn Đặng Thị Phương Hoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để tham gia hưởng ứng cuộc vận động, đơn vị đã trang bị thêm nhiều thùng phân loại rác thải tại đơn vị, kết hợp với cha mẹ học sinh triển khai phong trào không sử dụng túi ni lông và ống hút nhựa trong trường học.
Riêng tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, bà Bùi Thị Bảo Ngọc, Phó hiệu trưởng nhà trường bày tỏ, cái khó nhất trong việc thực hiện cuộc vận động là làm thế nào thay đổi thói quen của học sinh. Điều đó đòi hỏi thời gian, sự kiên trì của tập thể sư phạm và sự phối hợp của chính học sinh.
Để thực hiện mục tiêu đó, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục học sinh ngay từ năm đầu cấp (năm học lớp 10), đồng thời thực hiện nhiều biện pháp như: phát huy vai trò nêu gương của giáo viên, lồng ghép nội dung không xả rác thải vào các bộ môn giảng dạy trên lớp, hoạt động phong trào, hoạt động trải nghiệm, chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp... Ngoài ra, nhà trường còn phối hợp với cha mẹ học sinh và đơn vị phụ trách căn tin hưởng ứng sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường, không dùng ly nhựa sử dụng một lần, ống hút nhựa...
Qua thực tế triển khai, đơn vị này nhận thấy, để cuộc vận động đạt hiệu quả cần có sự đồng lòng và ý thức đón đầu đổi mới của tập thể sư phạm, kết hợp với việc đầu tư cơ sở vật chất. Song, quan trọng hơn hết là sự quan tâm, khích lệ kịp thời của ban giám hiệu, kêu gọi được ý thức chủ động, sáng tạo của học sinh.
Để cuộc vận động hiệu quả cần phát huy vai trò "tuyên truyền viên" của chính học sinh
Thời gian tới, để cuộc vận động ngày càng lan tỏa và đem lại những chuyển biến rõ nét, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP đề nghị các phòng GD-ĐT ở 24 quận, huyện, các trường THPT, trung cấp có thêm nhiều giải pháp cụ thể, xây dựng kế hoạch với từng giai đoạn thực hiện, phát huy vai trò của mỗi cán bộ, giáo viên.
"Ngành giáo dục phấn đấu mỗi cán bộ, giáo viên là một tuyên truyền viên nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh. Trong đó, trường học cần phối hợp với đoàn thanh niên, các tổ chức, đoàn thể xã hội tại địa phương để nâng cao hơn nữa hiệu quả cuộc vận động", Phó Giám đốc Sở GD-ĐT bày tỏ.
Dự kiến, trong quý 1-2020, các trường sẽ tổ chức sơ kết, đánh giá và khen thưởng những cá nhân thực hiện tốt cuộc vận động để qua đó lan tỏa các mô hình tốt, đem lại nhiều ý nghĩa thiết thực cho người dân.
THU TÂM
Theo SGGP
Làm gì để phòng ngừa đuối nước cho trẻ em? Trước tai nạn đuối nước cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 trẻ em mỗi năm, nhiều bậc phụ huynh đã cho con em học bơi ngay từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, học bơi thôi chưa đủ, theo BS Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH), phải dạy trẻ kỹ năng bơi cứu đuối, bơi tự cứu...