Cần làm rõ thêm hồ sơ xin cấp phép hãng hàng không IPP Air Cargo
Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn gửi Cục Hàng không Việt Nam liên quan đến việc cấp Giấy phép Kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa cho Công ty cổ phần IPP Air Cargo.
Cụ thể, trong công văn này Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam kiểm tra, làm rõ toàn bộ hồ sơ xin cấp phép của Công ty cổ phần IPP Air Cargo đảm bảo đến thời điểm hiện tại Hồ sơ vẫn đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Nghị định số 92/2016/NĐ-CP và Nghị định số 89/2019/NĐ-CP sửa đổi một số điều tại Nghị định 92/2016/NĐ-CP quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam đặc biệt lưu ý điều kiện về vốn, quốc tịch của các cổ đông tham gia và việc lựa chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư là công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài.
“Yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương thực hiện, báo cáo Bộ Giao thông vận tải trước ngày 15/9/2022″, công văn nêu rõ.
Trước đó, vào ngày 5/9/2022, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải tiếp thu ý kiến các bộ, ngành về Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty cổ phần IPP Air Cargo.
Theo giải trình của Cục Hàng không Việt Nam, căn cứ hồ sơ do IPP Air Cargo nộp, 4 cổ đông của hãng bay chuyên biệt về hàng hóa này gồm: Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (đại diện là ông Nguyễn Hạnh); Công ty TNHH Thương mại Duy Anh (đại diện là ông Nguyễn Phi Long) đều là doanh nghiệp 100% vốn từ nhà đầu tư quốc tịch Việt Nam và bà Lê Hồng Thủy Tiên, ông Nguyễn William Hiếu là công dân Việt Nam.
Hiện cả 4 người là ông Nguyễn Hạnh, ông Nguyễn Phi Long, bà Lê Hồng Thủy Tiên và ông Nguyễn William Hiếu đều đã được cơ quan công an địa phương cấp Căn cước công dân/Chứng minh thư nhân dân theo quy định.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, Công ty cổ phần IPP Air Cargo cũng đã có văn bản số 88-22/CV – IPPAC ngày 31/8/2022 gửi Bộ Giao thông vận tải cam kết lựa chọn thủ tục đầu tư trong nước khi thành lập hãng hàng không vận tải hàng hóa.
Dự án hãng hàng không chở hàng IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư theo hồ sơ là 2.400 tỷ đồng; trong đó 30% là vốn chủ sở hữu, 70% còn lại sẽ là vốn huy động. Nếu được cấp phép, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 tàu bay hàng hóa, sau đó tăng lên 7 chiếc vào năm thứ hai và 10 chiếc vào năm thứ 3. Hãng lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD, dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi cất cánh chuyến bay đầu tiên…
Saigon Petro nói gì trước thông tin bị tước giấy phép?
Nếu Saigon Petro bị tước giấy phép, hệ thống phân phối của Saigon Petro bị mất nguồn cung trên 50.000m/tháng và trên 1.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối có thể đóng cửa, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn cung thị trường.
Saigon Petro cho rằng nếu bị tước giấy phép, hệ thống phân phối của Saigon Petro bị mất nguồn cung trên 50.000m/tháng và trên 1.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối có thể đóng cửa - Ảnh: CHÂU TUẤN
Ngày 5-9, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) có văn bản khẩn số 1195 do Tổng giám đốc Phạm Văn Thoại gửi đến Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Công Thương liên quan đến việc bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu.
Cụ thể, Saigon Petro cho biết nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu quy định thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu phải có hệ thống phân phối xăng dầu tối thiểu "10 cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu hoặc sở hữu và đồng sở hữu của doanh nghiệp, tối thiểu 40 tổng đại lý hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân".
Tuy nhiên, năm 2021 công ty không có tổng đại lý và đại lý bán lẻ mà có 73 thương nhân nhượng quyền bán lẻ, vì vậy đoàn thanh tra Bộ Công Thương kết luận công ty có hành vi vi phạm hành chính "không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định".
Về kết luận này, Saigon Petro cho rằng hai hình thức đại lý bán lẻ và nhượng quyền bán lẻ là tương đương nhau, đều nằm trong hệ thống phân phối và chịu sự kiểm soát của thương nhân đầu mối.
Theo nghị định 95 (sửa đổi nghị định 83, có hiệu lực từ 2022 - PV), có quy định thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu phải có hệ thống phân phối xăng dầu với một trong những điều kiện là "tối thiểu 40 tổng đại lý hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân".
Do đó, Saigon Petro khẳng định với quy định này (nghị định 95 - PV) Saigon Petro đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về hệ thống phân phối, vì Saigon Petro luôn có trên 40 thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu. "Như vậy đến thời điểm hiện tại, Saigon Petro đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định" - văn bản của Saigon Petro nêu.
Tại văn bản này, Saigon Petro cũng liệt kê ra hàng loạt hậu quả khi Bộ Công thương tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu của công ty.
Cụ thể, hệ thống phân phối của Saigon Petro bị mất nguồn cung trên 50.000m/tháng và trên 1.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối có thể sẽ phải đóng cửa.
Theo Saigon Petro, việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn cung thị trường, gây hậu quả tiêu cực tới hoạt động kinh tế xã hội khu vực mà hệ thống này cung cấp.
Bên cạnh đó, công ty sẽ bị phạt hợp đồng với Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn, chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn trong tháng 9 với số lượng hợp đồng 40.000m xăng dầu.
Ngoài ra, công ty cũng sẽ bị phạt hợp đồng nhập khẩu đối với khách hàng nước ngoài đã ký hợp đồng giao hàng trong tháng 9 và đồng thời hàng đã và đang trên đường về cảng Cát Lái.
Do đó, Saigon Petro kiến nghị Thủ tướng, Bộ Công Thương xem xét dừng quyết định tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu để công ty không bị ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cũng như giữ ổn định thị trường và bảo tồn vốn.
Chủ động tăng nguồn cung ra thị trường
Saigon Petro cho hay trong thời gian qua, thị trường kinh doanh xăng dầu gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn cung, nhưng công ty luôn thực hiện tốt trong việc cung ứng xăng dầu cho thị trường.
Tháng 8, Saigon Petro chủ động tăng cung ứng ra thị trường đột biến hơn 200% so với tháng 7, do thị trường có dấu hiệu khan hiếm nguồn cung dù công ty đang bị lỗ nặng.
Doanh nghiệp hết sức lo lắng
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 5-9, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu cho biết doanh nghiệp này mới nghe thông tin "sẽ bị tước giấy phép", song chưa nhận được văn bản chính thức liên quan đến việc tước giấy phép 5 doanh nghiệp đầu mối.
Hiện doanh nghiệp lo lắng việc tạm tước giấy phép này có thể có thời hạn 1 tháng, song sẽ không chỉ tạm dừng nhập khẩu mà có cả khâu kinh doanh.
Theo vị này, nếu ngưng kinh doanh thì hệ thống này sẽ rất khó khăn bởi số lượng xăng dầu mà doanh nghiệp này cung cấp cho thị trường phía Nam, đặc biệt là TP.HCM và các tỉnh lân cận rất lớn.
"Nếu ngừng kinh doanh sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường bởi không chỉ doanh nghiệp chúng tôi, mà 4 doanh nghiệp còn lại cũng có thị phần lớn ở khu vực phía Nam", vị lãnh đạo này cho biết.
Đề xuất cấp giấy phép bay cho IPP Air Cargo: Bộ Công Thương nói gì? Bộ Công Thương vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ về việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty cổ phần IPP Air Cargo. Theo Bộ Công Thương, hiện Việt Nam có 5 hãng hàng không đang khai thác vận chuyển hàng hóa kết hợp trên chuyến bay chuyên chở hành khách, chưa có hãng bay...