Cần kỳ vọng thực tế với chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương
Không nên quá kỳ vọng vào chiến lược “Ấn Độ- Thái Bình Dương tự do và rộng mở” do các bên hiện vẫn đang còn nhiều khác biệt.
Tiến sỹ Euan Graham, Giám đốc Chương trình an ninh quốc tế, Viện nghiên cứu Lowy, Australia cho biết, bốn nước trong “ Tứ giác kim cương” là Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ thống nhất quan điểm chung về “tự do” và “rộng mở”, song chi tiết của chiến lược “Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” vẫn còn nhiều khác biệt, vì thế cần có kỳ vọng thực tế đối với chiến lược này.
Tiến sỹ Euan Graham, Giám đốc Chương trình an ninh quốc tế, Viện nghiên cứu Lowy, Australia.
PV: Chiến lược”Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” được Thủ tướng Nhật Bản đề cập đầu tiên và nó thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ ý tưởng này trong bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Việt Nam vào năm 2017.
Gần đây quan chức của Nhật Bản và Mỹ cũng đều giải thích rõ hơn về chiến lược “Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Vậy Australia có quan điểm như thế nào về chiến lược này?
Tiến sỹ Euan Graham: “Giải thích về hai từ khóa là “tự do” và “rộng mở”, Australia ủng hộ việc khu vực kinh tế mở mà ở đó thương mại và đầu tư được thực hiện một cách tự do mà không bị hạn chế.
Về khái niệm tự do, ở đây đề cập sự tự do tiếp cận và đi lại, bao gồm cả các máy bay quân sự, các tàu thuyền, tự do hàng hải xuyên suốt các vùng biển ở Châu Á, theo quy định của luật pháp quốc tế dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.
Tôi cho rằng, khái niệm “tự do” khá là bao quát bởi vì nó không chỉ là một tổ chức được xây dựng nhằm cân bằng quyền lực mà nó còn có sự chia sẻ về các mối quan tâm cũng như các giá trị chung.
Vì vậy, đối với Mỹ, Nhật Bản và Australia, khái niệm “tự do và rộng mở” liên quan chủ yếu đến thương mại, tự do hàng hải trong khu vực. Tôi cho rằng, Ấn Độ là một trong những đối tác quan trọng của khu vực, giờ đây khi tham gia “Tứ giác kim cương” khiến cho khu vực này kéo dài ở phía Bắc là Ấn Độ, phía Tây là Australia, phía Nam là Mỹ, ở tận phía bên kia của Thái Bình Dương nhưng nước Mỹ vẫn là đối tác quan trọng về an ninh”.
PV: Quan điểm của Australia có gì khác biệt so với các thành viên khác? Và nhóm “Tứ giác kim cương” đã thống nhất điều gì về “Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”?
Tiến sỹ Euan Graham: “Tôi cho rằng bốn nước đều thống nhất về tầm quan trọng của “tự do và rộng mở”. Đây là khái niệm chung. Tất nhiên, mỗi quốc gia lại có mối quan tâm riêng, nhận thức riêng, trong đó bao gồm cả nhận thức về mối đe dọa.
Tất nhiên là nhận thức về mối đe dọa không giống nhau bởi vì vị trí địa lý và mối quan tâm về kinh tế và lo ngại về vấn đề an ninh đều rất khác nhau, phụ thuộc vào vị trí của từng quốc gia.
Video đang HOT
Australia trải dài về phía Nam vì vậy không có mối đe dọa trực tiếp nào đến lãnh thổ của Australia nhưng Australia cùng có chung mối quan tâm trong việc xây dựng một hệ thống thương mại mở toàn cầu. Chúng tôi có đối tác đầu tư ở tận Châu Âu xa xôi, còn nước Mỹ là đồng minh chính của Australia.
Nhật Bản tuy không phải là đồng minh của Australia nhưng lại là đối tác gần gũi về thương mại, đầu tư và bây giờ là mối quan hệ về quốc phòng, an ninh. Chúng tôi (Tứ giác kim cương) đều nhất trí về tầm quan trọng của “tự do và rộng mở”, về việc tôn trọng các quy định, luật lệ song trên thực tế, nhận thức về thách thức lại khác nhau giữa các nước thành viên Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ.
Vì vậy chúng ta cần có những kỳ vọng thực tế đối với những việc mà “Tứ giác kim cương” có thể làm. Đây không phải là liên minh và sẽ không trở thành đồng minh. Nhưng giữa các nước này đều có chung mối quan tâm và là khu vực có tầm địa chiến lược”.
PV: Điều gì khiến Australia ủng hộ chiến lược”Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, Chiến lược này mang lại lợi ích gì cho Australia”?
Tiến sỹ Euan Graham: “Chúng ta đang nói đến Ấn Độ-Thái Bình Dương, là khu vực được hình thành từ hai đại dương lớn là Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, khu vực có hơn nửa dân số thế giới sinh sống và trong tương lai sẽ là trung tâm kinh tế của thế giới.
Tình huống này được ví như “nửa cốc nước đầy”, rất có lợi đối với Australia. Ngoài lĩnh vực kinh tế, đây không chỉ là nơi mang đến các cơ hội cho Australia mà còn là trung tâm quân sự lớn nhất trong tương lai.
Nơi đây có những tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết đồng thời còn có các vấn đề về dân tộc, như là tranh chấp về lịch sử ví dụ như tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Thực tế này mang đến nhiều cơ hội lẫn mối đe dọa, nhiều lợi ích nhưng cũng lắm rủi ro.
Điều quan trọng là các quốc gia như Australia có thể làm, đó là duy trì khu vực rộng mở và an toàn nhất có thể, dựa trên sự sắp đặt đã được định ra từ Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Đây là một thách thức lớn bởi sự cân bằng quyền lực đã thay đổi, chủ yếu là do Trung Quốc đã phát triển rất nhanh và sẽ tiếp tục phát triển trong khi Trung Quốc lại không chia sẻ mục tiêu chung là duy trì hiện trạng quyền lực đã được sắp đặt. Song cũng không rõ ràng là Trung Quốc muốn gì.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, nếu Trung Quốc nhìn vào quá khứ, nếu muốn thiết lập trật tự khu vực mà ở đó Trung Quốc là quốc gia chi phối, thống trị thì sẽ tạo ra những thách thức rất lớn đối với các quốc gia khác như Australia.
Một mặt, Mỹ là quốc gia đảm bảo an ninh cho Australia thông qua quan hệ liên minh, mặt khác, trong lĩnh vực kinh tế, Australia gắn kết rất chặt chẽ với Châu Á và điều này gần như không thể đảo ngược.
Thực tế này khiến Australia phải xây dựng chính sách ngoại giao hài hòa để vừa đón nhận các cơ hội hợp tác kinh tế với Châu Á trong khi vẫn tiếp tục duy trì vai trò của Mỹ cùng với việc tìm cách làm thế nào để ngăn cản Trung Quốc phá vỡ trật tự khu vực, tạo ra sự bất ổn và tranh chấp trong khu vực.
Sách Trắng Ngoại giao mà Australia công bố năm 2017 đã nói về về Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Theo đó, Australia mong muốn xây dựng một khu vực thương mại mở và ổn định ở Châu Á, là nơi mà các quốc gia nhỏ và vừa được tôn trọng và bình đẳng như các nước lớn, không có chuyện quyền lực được các nước lớn sắp đặt.
Sách Trắng Ngoại giao của Australia dự đoán về việc Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Và cho dù không phải là nền kinh tế lớn nhất thế giới thì tại Châu Á, Trung Quốc vẫn là nền kinh tế vượt trội.
Lịch sử đã chứng minh rằng, quyền lực có nguồn gốc từ sức mạnh kinh tế. Nếu Trung Quốc tiếp tục phát triển, nhiều khả năng sẽ là như thế, thì tôi cho rằng, hiện trạng có thể sẽ bị thách thức.
Chúng ta không biết rằng liệu nó sẽ bị thách thức ở góc độ quân sự hay ở góc độ khác. Nhưng tôi cho rằng nó sẽ không giống với chiến tranh thế giới thứ hai. Điều quan trọng là khu vực phải cùng có tiếng nói chung bởi vì nếu chúng ta hành động riêng lẻ thì chúng ta sẽ yếu hơn”.
PV: Ông có thể nói rõ hơn về “Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, liệu nó sẽ thiên về kinh tế hay hay an ninh hoặc đây sẽ là một kế hoạch mang tính chiến lược trong đó bao gồm nhiều lĩnh vực hợp tác?
Tiến sỹ Euan Graham: Tại Châu Á rất khó phân tách giữa kinh tế và an ninh. Chúng ta thấy điều này qua phản ứng đối với Sáng kiến “Vành đai Con đường” của Trung Quốc. Một mặt, đây là sáng kiến về xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng đồng thời nó cũng là vấn đề mang tính địa chiến lược. Điều đó khiến cho chúng ta khó tách bạch giữa kinh tế và an ninh. Luôn có khía cạnh kinh tế trong vấn đề an ninh.
Tôi cho rằng chúng ta đã bắt đầu thấy điều này khi bốn nước thuộc Tứ giác kim cương đã bày tỏ sự hứng thú với việc xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu vực nên đã làm việc với nhau, hợp tác với nhau. Rõ ràng đây là một sự lựa chọn tích cực bên cạnh sáng kiến “Vành đai, con đường”.
Chúng ta đều thống nhất rằng “Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” là một ý tưởng tốt, tuy nhiên, vào lúc này Mỹ lại không thể hiện vai trò nhà lãnh đạo kinh tế tích cực mà nước này hiện nay vẫn đang bị chi phối bởi các mục tiêu chính trị trong nước mà gần đây bắt đầu thực hiện chính sách thương mại cứng rắn không chỉ đối với Trung Quốc mà với cả các đồng minh như Hàn Quốc, Nhật Bản và có thể là đối với cả Australia. Nếu giữa các đồng minh và đối tác xảy ra chiến tranh thương mại thì sẽ rất khó để thuyết phục mọi người về sự hợp tác chiến lược trong lĩnh vực an ninh”.
Đón đọc bài 2: Biển Đông có trong Chiến lược “Ấn Độ-Thái Bình Dương?
Theo Việt Nga
VOV
Tứ giác kim cương an ninh
Tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương có 3 mục tiêu: Giữ vững trật tự khu vực dựa trên luật lệ, thúc đẩy thương mại tự do và bảo đảm an ninh cho các quốc gia nhỏ.
Một khuôn khổ chiến lược cho khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở liên quan đến Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ đã xuất hiện từ lâu.
Tháng 8-2007, thời điểm gần kết thúc năm cầm quyền đầu tiên, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đọc bài diễn văn trước quốc hội Ấn Độ với tựa đề "Sự hội tụ của 2 đại dương". Trong đó, ông nêu ra quan điểm táo bạo "ghép nối" Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, một "châu Á rộng lớn hơn", được mở rộng để bao gồm cả Mỹ và Úc. Mạng lưới này sẽ mở và minh bạch, cho phép con người, hàng hóa, dòng vốn và kiến thức tự do tuôn chảy trong một "cung tự do và phồn vinh" dọc theo vành đai ngoài lục địa Âu - Á.
Một tháng sau đó, ông Abe không còn làm thủ tướng nhưng ý tưởng về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đã bén rễ trong các mối quan hệ chiến lược. Đến tháng 12-2012, ông Abe trở lại nắm quyền. Ngay ngày hôm sau, ông viết bài báo kêu gọi phát triển "viên kim cương an ninh dân chủ châu Á", liên quan đến Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ và Úc.
Sự tập hợp này được biết đến với tên gọi "Tứ giác kim cương" mà nhiều chiến lược gia Mỹ và Nhật Bản xem là nền tảng của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương an toàn và phồn vinh. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi trong suốt chuyến thăm Nhật Bản gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Abe đã lặp lại quan điểm về một khu vực "Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở" liên quan đến bộ tứ nói trên.
Trong bài phát biểu về mối quan hệ Mỹ - Ấn ở Washington hồi tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson công khai nói về sự cần thiết về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở trong 100 năm tới. Ca ngợi mối liên hệ hiện nay giữa Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản, ông ám chỉ khả năng bổ sung nước Úc vào nhóm này, qua đó ủng hộ mong muốn làm sống lại "Tứ giác kim cương" theo một hình thức nào đó.
Từ phải qua: Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cùng một số nhà lãnh đạo tại thủ đô Manila - Philippines hôm 12-11 Ảnh: PTI
Hình thức đóng vai trò rất quan trọng trong trường hợp này. Khi ông Abe lần đầu tiên đề xuất ý tưởng trên cách đây 1 thập kỷ, Bắc Kinh đã phản đối kịch liệt thông qua các kênh ngoại giao chính thức, xem đây là một sáng kiến nhằm kiềm chế Trung Quốc. Kể từ đó, 4 quốc gia trên đã thận trọng trong việc tăng cường hợp tác mà không chính thức hóa nó thành bất kỳ thỏa thuận nào mang bóng dáng một hiệp định đa phương.
Nhật Bản và Úc đã là đồng minh của Mỹ và tham gia đối thoại an ninh 3 bên với Washington kể từ năm 2002. Vì thế, nhiệm vụ chính là đưa Ấn Độ vào nhóm này. Nhờ vậy,quan hệ đối tác Ấn - Nhậtphát triển nhảy vọt; New Delhi đã ký các hiệp định an ninh quan trọng với Canberra. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Barack Obama gọi Ấn Độ là "đối tác phòng thủ chính" vào giữa năm 2016 và mối quan hệ này tiếp tục sâu sắc hơn thời Tổng thống Donald Trump.
Tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương có 3 mục tiêu. Thứ nhất, giữ vững các nguyên tắc của một trật tự khu vực dựa trên luật lệ, nhất là liên quan đến giải pháp cho các tranh chấp lãnh hải. Thứ hai, thúc đẩy thương mại tự do bằng cách tự do hóa các thiết chế thương mại khu vực và ủng hộ tự do hàng hải - yếu tố quan trọng trong việc vận chuyển an toàn hàng hóa qua Ấn Độ - Thái Bình Dương. Thứ ba, bảo đảm an ninh cho các quốc gia nhỏ, nhất là ở Đông Nam Á và Đông Á.
Dù vậy, mọi chuyện trở nên phức tạp hơn bởi một thay đổi lớn kể từ khi ông Abe lần đầu tiên giới thiệu tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tham vọng và ảnh hưởng trong khu vực của Trung Quốc hiện lớn hơn cách đây 1 thập kỷ.
Trung Quốc không chỉ quyết đoán hơn liên quan đến những lợi ích cốt lõi của mình tại khu vực mà còn phát triển mạnh mẽ năng lực kinh tế và quân sự trong giai đoạn này. Sáng kiến "Vành đai và Con đường" cho thấy khát vọng và khả năng của Trung Quốc trong việc thiết lập một kiểu đế chế thương mại trải dài khắp khu vực.
Trong bài phát biểu vào tháng trước, ông Tillerson chỉ trích những dự án hạ tầng quy mô lớn tại những quốc gia đang phát triển ở Nam Á và Đông Nam Á, được tài trợ bởi các khoản cho vay từ doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc. Với thực tế này, Bắc Kinh đang có vị thế tốt hơn để làm suy yếu tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương so với trước đây.
Trong khi đó, triển vọng của mô hình trở nên bấp bênh hơn do những mâu thuẫn nội bộ. Cả Nhật Bản và Úc đều phụ thuộc đáng kể vào Trung Quốcvề thương mại. Việc chọc giận Bắc Kinh thông qua "Tứ giác kim cương" khó có thể nhận được sự ủng hộ trong lòng những nước này, nhất là vào thời điểm Tổng thống Donald Trump công khai muốn thương thảo lại thỏa thuận thương mại Mỹ - Nhật bị ông đánh giá là "không công bằng hoặc mở".
Washington cũng rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - một thỏa thuận có thể đã trở thành trụ cột của tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương. Với cuộc tranh chấp biên giới kéo dài với Trung Quốc, Ấn Độ dĩ nhiên cũng lo ngại chuyện khiêu khích Bắc Kinh có những động thái rủi ro hơn nữa ở dãy núi Himalaya.
Theo Ngô Sinh
Người lao động
"Giải mã" chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Tổng thống Trump Hai yếu tố chính góp phần hình thành khái niệm Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump là "tự do" và "mở rộng" nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện của toàn khu vực. Các tàu chiến của Hải quân Mỹ (Ảnh: India.com) Trong cuộc gặp với các phóng viên tại Mỹ ngày...