Căn hộ cao cấp có thể ‘ngủ đông’ đến năm 2015
Theo các chuyên gia phải chờ 3 năm nữa bất động sản TP HCM mới hấp thu hết lượng căn hộ cao cấp tồn đọng và kết thúc giai đoạn ngủ đông. Năm 2013 phân khúc này vẫn sẽ tiếp tục giảm giá ở biên độ thấp, dưới 5%.
Chuyên gia đầu tư Trần Lê Khánh nhận định: “Hiện giá căn hộ cao cấp tại TP HCM đã giảm 30%. Phân khúc này có thể tiếp tục giảm giá nhẹ nếu tình hình kinh tế vĩ mô chưa khởi sắc”.
Theo ông Khánh, để xây dựng một căn hộ cao cấp đúng nghĩa giá thấp nhất là 20 triệu đồng mỗi m2, mức cao nhất khoảng 40 triệu đồng và trung bình là 30 triệu đồng. Mức này tính trên cơ sở phát triển dự án trong vòng 3 năm nhưng trên thực tế tại Việt Nam kéo dài đến 5 năm.
Khung giá này giả định mức phí xây dựng, giá đất giữ nguyên như hiện nay. Song nghịch lý đang diễn ra là giá bán trung bình trên thị trường sơ cấp thấp hơn chi phí thật cho việc phát triển dự án. Điều này sẽ dẫn đến nguồn cung mới phân khúc cao cấp sẽ bị hạn chế trong thời gian tới.
“Theo thống kê của Compareal, hiện nay căn hộ cao cấp còn khoảng 4.800 căn chưa bán được. Trong 2-3 năm tới thị trường sẽ có thời gian hấp thụ lượng hàng tồn này và bước vào giai đoạn thiếu hụt. Lúc đó thời của căn hộ cao cấp sẽ trở lại”, chuyên gia này dự báo.
Video đang HOT
Các chuyên gia dự báo thị trường căn hộ cao cấp TP HCM chưa thể khởi sắc trong năm 2013-2014. Ảnh: Vũ Lê.
Trong khi đó, Tổng giám đốc Hòa Bình House, Lê Quốc Duy nhận xét: “Căn hộ cao cấp đang bị thất sủng trong mắt nhà đầu tư vì chi phí thi công lớn, giá thành cao, đối tượng mua lại ít”.
Chuyên gia này giải thích, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lãi suất còn cao, nhất thời thị trường chưa thể hấp thụ được toàn bộ nguồn cung căn hộ cao cấp. Thêm vào đó, làn sóng giảm giá tác động lớn đến người mua, khiến tâm lý chờ đợi giá giảm thêm bao trùm toàn thị trường và tạo áp lực lớn lên nguồn cung.
Với tài chính còn hạn chế, người dân không thể nộp tiền một lần để sở hữu tài sản lớn dù họ có nhu cầu sống trong căn hộ cao cấp. “Nếu doanh nghiệp tích cực giãn tiến độ thanh toán, bàn giao nhà đúng hẹn để thúc đẩy tiêu thụ hàng tồn, tối thiểu 3 năm nữa thị trường căn hộ cao cấp mới trở lại”, ông dự báo.
Để giải bài toán đầu ra cho căn hộ cao cấp, theo ông Duy, các chủ đầu tư cần xác định lượng hàng tồn kho là bao nhiêu và phân loại sản phẩm. Nếu tồn số lượng nhỏ, không đáng kể thì có thể áp dụng chính sách nhận nhà trước, trả tiền dần với tiến độ thanh toán ưu đãi. Nếu tồn số lượng lớn thì tùy khả năng chịu đựng của doanh nghiệp mà cân nhắc giảm ít hay nhiều.
Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường bất động sản Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) Huỳnh Phước Nghĩa nhận định: “Bây giờ là thời của nhà giá rẻ. Bất động sản cao cấp phải chờ đến cuối năm 2015 hoặc đầu năm 2016 mới có chuyển biến”.
Một dự án căn hộ cao cấp tại quận 2 (TP HCM) đã chuyển một số sản phẩm thành căn hộ dịch vụ cho thuê để tìm cách tăng thanh khoản. Ảnh: Vũ Lê
Ông Nghĩa phân tích, khái niệm căn hộ cao cấp tại Việt Nam còn quá phức tạp vì chưa có những chuẩn mực cụ thể. Mỗi chủ đầu tư có một quan niệm cao cấp khác nhau khiến cho người tiêu dùng bị nhiễu loạn thông tin. Hiện phân khúc này tại TP HCM chia thành 2 nhóm: đô thị ven nội thành (25-30 triệu đồng mỗi m2) và đô thị hiện hữu cạnh khu trung tâm (từ 35 triệu đồng mỗi m2 trở lên).
Chuyên gia này cho rằng trong thời gian tới chủ đầu tư các dự án cao cấp sẽ phải lựa chọn một trong các giải pháp: giảm giá bán, giảm diện tích, giãn tiến độ thanh toán và tối ưu thiết kế, dịch vụ để cải thiện thanh khoản. “Năm 2012, nhà chung cư đã giảm giá mạnh nhưng căn hộ cao cấp chỉ giảm nhẹ. Có thể năm 2013 phân khúc này sẽ tiếp tục giảm giá ở biên độ thấp, trung bình dưới 5%”, ông cho hay.
Giám đốc bộ phận đầu tư TP HCM Công ty Savills Việt Nam, Sử Ngọc Khương cho hay, cách đây 3-5 năm, thị trường nhà cao cấp có 2 nhóm khách hàng là nhà đầu tư và người có nhu cầu thật. Đến nay tỷ lệ nhà đầu tư bằng 0, chỉ còn lại người mua để ở. “Theo quy luật, nhu cầu mua nhà cao cấp để ở chỉ nhích lên khi nền kinh tế dần ổn định trở lại”, ông nói.
Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, xu hướng tấn công ồ ạt vào phân khúc nhà giá rẻ như hiện nay là giải pháp tình thế trong giai đoạn khủng hoảng. Muốn thị trường bất động sản phát triển cân bằng cần phải dung hòa giữa các phân khúc: giá rẻ, trung cấp, cao cấp và hạng sang tùy theo cơ cấu thu nhập của người dân.
Do có nhiều điểm yếu: giá sụt giảm, lãi suất cao, túi tiền của khách hàng eo hẹp, bối cảnh kinh tế không thuận lợi và hạn chế về quyền sở hữu nhà nên bất động sản cao cấp chưa thể tìm ra điểm sáng trong ngắn hạn. “Nếu lãi suất tiếp tục hạ xuống, chính sách cho người nước ngoài mua nhà được mở rộng, có lẽ tình hình sẽ không trì trệ như hiện nay”, một chuyên gia địa ốc nói.
Theo VNE
Lãi suất giảm nữa, tiền vẫn chảy vào tiết kiệm!
Cho rằng các kênh đầu cơ vàng, bất động sản, chứng khoán, ngoại tệ đều khó có khả năng sinh lời, thậm chí lỗ vốn, UBGS khẳng định, lãi suất có hạ tiếp 1% thì huy động vốn ngân hàng vẫn khỏe.
Lãi suất cao đã kéo dài trên 30 tháng
Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGS) trong báo cáo phân tích tình hình kinh tế tháng 11 và 11 tháng thì cộng đồng doanh nghiệp hiện vẫn đang trong giai đoạn rất khó khăn.
Thống kê cho thấy, số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động trong tháng 11 đã tăng đáng kể so với 9 tháng đầu năm và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nếu 9 tháng đầu năm, có khoảng 40.200 doanh nghiệp giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động thì đến tháng 11, con số này đã ở mức 46.500 doanh nghiệp.
Hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó ở cả hai khâu đầu vào và đầu ra của sản phẩm. Tại báo cáo này, UBGS phân tích khá chi tiết về gánh nặng chi phí mà trọng tâm là chi phí tài chính, đang ngày một đắt đỏ hơn, bào mòn từng doanh nghiệp.
Chi phí tài chính cao bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp.
Cơ quan này chỉ ra rằng, việc phải chịu mức lãi suất cao trên 15%/năm trong thời gian kéo dài trên 30 tháng đã làm tăng thêm khó khăn cho doanh nghiệp. Theo khảo sát do UBGS thực hiện, chỉ tính đến cuối quý I/2012, chi phí tài chính của doanh nghiệp đã tăng gần 25% so cuối năm trước. Từ đó tác động đến tỷ lệ chi phí tài chính/giá thành sản phẩm tăng lên mức khoảng 7% so với mức 4,72% và 5,56% của năm 2010 và 2011.
Yếu tố về lãi suất cũng làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam so với các nước khác trong khu vực. Lãi suất tại Việt Nam hiện đang cao từ 2-3 lần so với các nước cùng khu vực. Do đó, nếu giả sử các yếu tố khác không đổi thì giá thành của Việt Nam đang cao hơn so Ấn Độ 2%, Thái Lan 2,51%, Trung Quốc 2,6% và Singapore 2,8%.
Cần mạnh dạn giảm ngay lãi suất 1%
UBGS cho rằng, những hành động chính sách phải "sớm" và "quyết liệt", giải pháp phải cụ thể và đi thẳng vào giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Cụ thể, theo Ủy ban, có thể mạnh dạn hạ lãi suất huy động và lãi suất cơ bản khoảng 1% so lãi suất quy định hiện nay, đồng thời khống chế trần lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không vượt quá 150% lãi suất cơ bản theo luật định, nhằm giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp.
Cùng với đó,cơ quan này đưa ra hàng loạt luận điểm, khẳng định cơ sở để giảm lãi suất đã khá rõ ràng. Thứ nhất, lợi suất trái phiếu Chính phủ đang có xu hướng giảm trong những tháng cuối năm.
Thứ hai, với việc lạm phát có thể được kiềm dưới 8% thì chênh lệch lãi suất tiền gửi và lạm phát không còn (lãi suất thực bằng 0) thì nguy cơ tiền gửi bị rút để chuyển sang các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, chứng khoán là rất thóa - các kênh này cũng đang gặp khó khăn, khó có khả năng sinh lời, thậm chí lỗ vốn.
Ủy ban ghi nhận, từ đầu năm đến nay mặc dù lãi suất huy động đã giảm 5% song tổng số dư tiền gửi tại các tổ chức tín dụng vẫn tăng đều mỗi tháng và mức tăng khoảng 15% so đầu năm. Như vậy, gửi tiền tại ngân hàng vẫn đang là sự lựa chọn ưu tiên của người dân so với các kênh đầu tư khác.
Bên cạnh đó, việc tỷ giá được duy trì ổn định trong một thời gian khá dài cũng khiến kênh nắm giữ ngoại tệ không còn là công cụ kiếm lời ưu tiên của dân cư. Do vậy, UBGS khẳng định, việc hạ lãi suất tiền đồng cũng sẽ không tác động đến sự chuyển dịch tài sản sang USD (nếu có).
Theo Dantri
Trào lưu săn lùng nhà giá rẻ ở Hà Nội Suốt cả năm rồi, cứ nghe ở đâu mở bán dự án hoặc người quen nào giới thiệu căn hộ, mảnh đất hợp lý là 2 vợ chồng Mai lại tất tả đi xem, rồi về cân đo đong đếm có nên mua hay không. Vợ chồng chị Hoàng Phương Mai đã chạy đôn đáo để tìm căn hộ khoảng 800 triệu đồng...