Cần hiến định quyền giám sát, phản biện của dân
Nhiều ý kiến tại Hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, diễn ra ngày hôm qua do hai tạp chí thuộc Văn phòng Quốc hội và Trung ương Hội Luật gia Việt Nam đồng tổ chức, đóng góp tâm huyết xoay quanh vai trò lãnh đạo của Đảng, các quyền cơ bản của công dân cũng như cơ chế hội đồng bảo hiến.
Bàn về vai trò lãnh đạo của Đảng trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (gọi tắt là dự thảo), GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm UB Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Hiến pháp cần quy định rất rõ phương thức lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo xã hội của Đảng để tránh tình trạng mất cân đối hiện nay, đó là quyền và nghĩa vụ của nhân dân, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan nhà nước được quy định rất cụ thể, trong khi đó quyền và nghĩa vụ của lực lượng lãnh đạo cả nhân dân lẫn nhà nước là Đảng lại được quy định một cách khá sơ sài”.
Ông Thuyết đồng thời kiến nghị cần hiến định luôn những nguyên tắc đang dẫn dắt đời sống chính trị nước nhà cũng như những quyền lực thực tế của Đảng, trong đó có việc xác định phương hướng, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, bố trí nhân sự và lãnh đạo công tác của toàn bộ bộ máy nhà nước…
Ông Lê Tiến, hội viên Hội Luật gia Việt Nam, phát biểu sau đó đề nghị dự thảo nên có một chương riêng về vai trò lãnh đạo của Đảng bởi “Đảng có quyền lực thì phải chịu trách nhiệm và trách nhiệm phải cụ thể”.
Các đại biểu góp ý tại Hội thảo ngày 22.2 – Ảnh: Nguyệt Minh
Video đang HOT
Cần hiến định cơ chế bảo đảm quyền công dân
Bàn về nội dung quyền con người, quyền công dân trong dự thảo sửa đổi, ông Trương Hồng Quang, nghiên cứu viên của Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), nhận xét dự thảo vẫn chưa đề cập đến hoặc đề cập chưa đầy đủ một số quyền rất quan trọng đang thực sự là nhu cầu trong đời sống hiện nay, trong đó có quyền giám sát, phản biện xã hội. Theo ông Quang, hiện trong chương 2 của dự thảo mới chỉ quy định giám sát và phản biện xã hội tại khoản 2, điều 9 theo hướng Mặt trận phải vận động nhân dân giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động của cơ quan nhà nước. Ông Quang đề nghị nên quy định nội dung giám sát và phản biện xã hội thành một chương riêng trong dự thảo, bổ sung nội dung “Công dân có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện giám sát và phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật và việc thực hiện chính sách, pháp luật của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ công chức, viên chức. Nhà nước có trách nhiệm tiếp nhận và phản hồi các ý kiến, kiến nghị của công dân thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tạo điều kiện, bảo đảm cho công dân thực hiện quyền giám sát và phản biện xã hội” cũng như “việc thực hiện giám sát và phản biện xã hội do luật định”.
Chuyên gia pháp lý này đồng thời đề nghị trong chương 2 của Dự thảo bổ sung thêm một điều quy định: “Công dân có quyền thực hiện quyền dân chủ trực tiếp ở cơ sở, tham gia công việc nhà nước ở cơ sở. Nhà nước, xã hội và cộng đồng dân cư có trách nhiệm đảm bảo, tạo điều kiện cho công dân được thực hiện các quyền làm chủ ở cơ sở” và quyền này do luật định.
TS Đặng Minh Tuấn, khoa Luật (ĐHQGHN) thì cho rằng việc quy định các quyền con người, quyền công dân trong hiến pháp đặt ra nghĩa vụ của nhà nước trong việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền đó. Do vậy, hiến pháp một mặt phải ghi nhận đầy đủ các quyền cơ bản, mặt khác phải thiết lập cơ chế để nhà nước thực hiện các nghĩa vụ bảo đảm các quyền đó. “Thiếu các cơ chế hiệu quả và trách nhiệm, các quyền hiến định chỉ có giá trị hình thức”, TS Tuấn nhìn nhận.
Theo TNO
Vì sao không hiến định kinh tế nhà nước là chủ đạo?
Sáng 8.1, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Phát biểu tại đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (gọi tắt là Ủy ban) nhấn mạnh: Lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp là công việc hệ trọng của quốc gia, cần sự tham gia rộng khắp của nhân dân. Do đó, cần phải triển khai đồng bộ, khoa học, hiệu quả.
"Ý kiến của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác; phải được trân trọng lắng nghe, nghiên cứu tiếp thu nghiêm túc để góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992", Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
So với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đưa ra lấy ý kiến nhân dân không quy định kinh tế nhà nước là chủ đạo. Thay vào đó, điều 54 của dự thảo quy định theo hướng: "Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật".
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, quy định trên "vừa bám sát nội dung của Cương lĩnh, vừa phù hợp với tính chất quy định của Hiến pháp, còn tên gọi và vai trò của từng thành phần kinh tế cụ thể sẽ được xác định trong luật và các chính sách cụ thể của Nhà nước".
Tuy nhiên, ông Uông Chu Lưu cũng cho biết qua thảo luận, cũng có ý kiến đề nghị nêu cụ thể tên và vai trò của các thành phần kinh tế trong Hiến pháp để làm rõ hơn tính chất của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Hội đồng bảo hiến sẽ "tuýt còi" các quy định vi hiến
Báo cáo về những nội dung cơ bản của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, ông Lưu cho biết để làm rõ hơn chủ quyền nhân dân, cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực, hoàn thiện bộ máy nhà nước pháp quyền XHCN, Dự thảo bổ sung 3 điều mới quy định về 3 thiết chế hiến định độc lập vào Chương X, gồm Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng Bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước.
Việc bổ sung thiết chế Hội đồng Hiến pháp (Điều 120) được lý giải là nhằm thực hiện chủ trương của Đại hội IX, X và XI về việc xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp.
"Việc thành lập Hội đồng Hiến pháp là một bước cụ thể hóa nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; đồng thời có một cơ quan chuyên trách bảo vệ Hiến pháp chính là tạo thêm một phương thức mới, bổ sung một công cụ để Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, bảo vệ đường lối, chính sách của Đảng và bảo vệ các giá trị của nền dân chủ XHCN và chủ quyền nhân dân", ông Lưu cho biết.
Hội đồng Hiến pháp có thẩm quyền kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành; kiến nghị Quốc hội xem xét lại văn bản quy phạm pháp luật của mình khi phát hiện có vi phạm Hiến pháp.
Theo ông Uông Chu Lưu, qua thảo luận, cũng có ý kiến đề nghị cần tiếp tục khẳng định và hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành của Hiến pháp năm 1992, có ý kiến đề nghị thành lập Tòa án Hiến pháp, có ý kiến lại đề nghị cân nhắc không thành lập cơ quan chuyên trách bảo vệ Hiến pháp.
Do các cơ quan này mới nên Hiến pháp mới chỉ quy định nguyên tắc, còn cụ thể chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức... sẽ do luật định.
Theo TNO
Chính thức công bố Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 Theo Nghị quyết số 38/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội, ngày 2/1/2013, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chính thức công bố Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Trân trọng giới thiệu toàn văn Dự thảo sửa đổi...