Cần giảm quá tải bệnh viện tuyến cuối trong điều trị sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết đang vào mùa cao điểm dẫn tới tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến cuối và bệnh viện trung ương.
Tại TP Hồ Chí Minh, thực trạng này dẫn đến việc sàng lọc bệnh, cũng như nguy cơ lây nhiễm các bệnh khác tại các bệnh viện tuyến trên ngày càng cao, ảnh hưởng đến chất lượng khám và điều trị bệnh.
Bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 100 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết. Trong đó số trường hợp nhập viện là hơn 43.000. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, trong tháng 7, số ca sốt xuất huyết được báo cáo là 6.456 ca, tăng 123% so với tháng 6, trong đó có 3.696 ca nội trú và 2.760 ca ngoại trú. Tính đến hết tháng 7, số ca mắc sốt xuất huyết tích lũy trong bảy tháng qua là 31.787 ca ( gồm 18.255 ca nội trú và 13.532 ca ngoại trú), tăng 160% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong các bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn thành phố, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới có số ca mắc bệnh sốt xuất huyết đang điều trị nhiều nhất. Theo thống kê của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, hiện bệnh viện đang điều trị 200 ca sốt xuất huyết. Riêng trong tháng 7, có thời điểm, bệnh viện điều trị gần 300 ca sốt xuất huyết, chiếm gần 50% số giường bệnh của bệnh viện. Tính từ đầu năm đến hết tháng 7, số người bệnh nhập viện điều trị bệnh sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới là 5.816.
Bác sĩ Trương Ngọc Trung, Phó Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố cho biết, việc tiếp nhận quá nhiều ca mắc sốt xuất huyết khiến nhiều lúc bệnh viện quá tải, đội ngũ y, bác sĩ phải làm việc vất vả để sàng lọc bệnh, chữa trị cho người bệnh. Trong khi đó, Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng là một trong những bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn thành phố tiếp nhận nhiều người bệnh mắc bệnh sốt xuất huyết. Hiện bệnh viện đang điều trị 57 ca mắc bệnh sốt xuất huyết. Từ đầu năm đến nay, số người bệnh điều trị nội trú tại Bệnh viện Nhi đồng 2 hơn 2.000 ca. Trước số người bệnh nhập viện quá đông, các bệnh viện đã phải chuyển một số ca bệnh không lây nhiễm qua phòng khác để có thể điều trị cho các người bệnh từ tuyến dưới chuyển về.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa, hơn 80% số ca mắc sốt xuất huyết là nhẹ. Chính vì thế, các bệnh viện tuyến tỉnh, quận, huyện đều có khả năng điều trị khỏi bệnh sốt xuất huyết. Việc người bệnh tập trung chuyển về tuyến trên sẽ gây ra tình trạng quá tải, ảnh hưởng ít nhiều đến việc sàng lọc, kiểm soát bệnh. Việc tập trung điều trị tại bệnh viện tuyến cuối sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh khác, khiến bệnh càng nặng hơn. Trên thực tế, nhiều người bệnh mắc sốt xuất huyết tử vong do lây nhiễm thêm nhiều bệnh khác khi điều trị tại các bệnh viện quá tải.
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thì các Bệnh viện Nhi đồng 1, 2 là những bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối của khu vực, cho nên lượng bệnh chuyển đến rất cao. Hiện tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đang trong giai đoạn sửa chữa lớn, vì thế Sở Y tế thành phố đã chỉ đạo các bệnh viện quận, huyện trên địa bàn hạn chế chuyển bệnh đến Bệnh viện Nhi đồng 1. Sở Y tế cũng đã có văn bản đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố thông báo đến các bệnh viện trong tỉnh biết để hạn chế chuyển bệnh đến Bệnh viện Nhi đồng 1 và nếu có chuyển thì phải báo trước để bố trí kịp thời. Hiện Bệnh viện Nhi đồng thành phố với cơ ngơi rộng rãi, lại ít người bệnh cho nên việc chuyển người bệnh đến bệnh viện này sẽ góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến cuối còn lại.
Video đang HOT
Tại hội nghị phòng, chống bệnh sốt xuất huyết do Bộ Y tế tổ chức vào tháng 7 vừa qua tại TP Hồ Chí Minh, để giảm quá tải tại các bệnh viện tuyến cuối, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh rà soát quy trình khám, điều trị đối với người bệnh sốt xuất huyết, bố trí khu khám sàng lọc linh hoạt nhằm đáp ứng tình hình dịch. ối với người bệnh phải nhập viện điều trị cho nên sắp xếp các người bệnh có cùng phân độ vào một khu và có chỉ thị mầu đối với từng phân độ người bệnh nặng, bệnh án nặng nhằm tăng sự lưu ý khi điều trị đặc biệt là theo dõi để phát hiện và xử lý kịp thời. Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa cho rằng, bệnh viện tuyến trên cũng cần cử cán bộ tăng cường hỗ trợ chuyên môn tại chỗ cho tuyến dưới, nhằm nâng cao hiệu quả điều trị bệnh sốt xuất huyết tại tuyến dưới, góp phần hạn chế chuyển bệnh lên tuyến trên. Một trong những khâu quan trọng trong việc giảm quá tải tại các bệnh viện tuyến cuối đó là công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh, hiệu quả hơn. Bên cạnh việc phòng, chống sốt xuất huyết, công tác truyền thông cần phải tuyên truyền cho người dân hiểu rõ mức độ bệnh để có thể yên tâm điều trị tại các bệnh viện tuyến dưới, chỉ những trường hợp nặng mới cần chuyển lên tuyến trên. Có thế, tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến cuối mới cơ bản được giải quyết, qua đó giúp cho công tác điều trị, kiểm soát bệnh sốt xuất huyết được tốt hơn, làm hạn chế các ca tử vong.
LINH NGUYỄN
Theo Nhân dân
Không có chủ trương thu tiền phun thuốc diệt muỗi
Lợi dụng tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, mới đây, tại TP.Hồ Chí Minh đã có hai đối tượng giả danh nhân viên ngành Y tế đến một cơ sở kinh doanh tư nhân yêu cầu cơ sở này đóng tiền để được phun thuốc diệt muỗi.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đồng Nai cho biết, tình trạng giả danh nhân viên y tế vào phun thuốc và thu tiền của người dân đã từng xảy ra nhiều năm trước ở Đồng Nai. Người dân cần lưu ý cảnh giác, ngành Y tế không có chủ trương thu tiền phun thuốc diệt muỗi. Trước khi tổ chức phun hóa chất, chính quyền địa phương và trực tiếp là cán bộ ấp, khu phố đều có thông báo đến người dân. Khi tổ chức phun thuốc luôn có cán bộ ấp, khu phố, tổ dân cư và các lực lượng đoàn thể, công an ấp... trực tiếp dẫn đoàn.
* Đồng Nai đang tiến hành phun thuốc diệt lăng quăng diện rộng, hiện công tác này được triển khai theo quy trình thế nào, thưa ông ?
- Tại những khu vực tập trung nhiều ca bệnh, nhiều ổ dịch sốt xuất huyết, nơi có mật độ muỗi truyền bệnh cao và những khu vực có nguy cơ bùng phát dịch cao, ngành Y tế sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức ngay chiến dịch diệt lăng quăng kết hợp với phun hóa chất diện rộng để nhanh chóng khống chế dịch.
* Quy trình phun thuốc có thể tóm tắt các bước chính như sau:
Bước 1: Trước hết là xác định khu vực cần triển khai phun hóa chất diện rộng: Thông qua giám sát dịch bệnh, tức là việc theo dõi số ca mắc bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh, điều tra ca bệnh và mật độ muỗi, lăng quăng tại cộng đồng, trên cơ sở đó xác định những khu vực đang bùng phát dịch hoặc có nguy cơ bùng phát dịch cao cần triển khai phun hóa chất diện rộng.
Bước 2: Ngành y tế xây dựng kế hoạch tổ chức phun hóa chất diện rộng (xác định rõ thời gian, địa điểm, kinh phí, các hoạt động và quan trọng nhất là xác định rõ trách nhiệm của ngành y tế và chính quyền địa phương trong việc tổ chức).
Bước 3: Tổ chức truyền thông và thông báo rộng rãi cho tất cả các cơ quan, đơn vị và người dân trong khu vực biết về kế hoạch phun hóa chất diện rộng. Đặc biệt là truyền thông cho người dân hiểu để phối hợp thực hiện các hoạt động trong thời gian triển khai như: tham gia diệt lăng quăng, mở cửa nhà...
Bước 4: Tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng tại khu vực sẽ triển khai phun hóa chất.
Bước 5: Giám sát đánh giá kết quả của công tác diệt lăng quăng.
Bước 6: Tổ chức phun hóa chất: Sau khi đánh giá kết quả công tác diệt lăng quăng đạt yêu cầu sẽ tiến hành phun hóa chất.
Bước 7: Giám sát đánh giá kết quả phun (mật độ muỗi truyền bệnh giảm).
Theo số liệu của Bộ Y tế, đến cuối tháng 7-2019, số ca mắc sốt xuất huyết trong cả nước đã tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2018. Theo nhận định của Bộ Y tế và ý kiến của các chuyên gia, năm 2018-2019 là năm chu kì của bệnh, cùng với các điều kiện thời tiết nắng nóng, lượng mưa cao nên khả năng dịch bệnh sốt xuất huyết có thể tiếp tục bùng phát mạnh trong những tháng cuối năm 2019.
* Có phải nơi nào xuất hiện bệnh sốt xuất huyết thì sẽ được phun thuốc diệt muỗi?
- Việc xác định khu vực tổ chức phun hóa chất diện rộng được thực hiện như đã nêu ở trên, theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Như vậy, thông tin hoặc quan niệm cho rằng ở đâu có ca sốt xuất huyết sẽ được phun thuốc là không đúng.
Việc phun thuốc chỉ tiến hành ở những khu vực tập trung nhiều ca bệnh, nhiều ổ dịch sốt xuất huyết, nơi có mật độ muỗi truyền bệnh cao (khu vực đang bùng phát dịch) và những khu vực có nguy cơ bùng phát dịch cao theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế và các viện thuộc Bộ Y tế.
* Phun thuốc diệt muỗi không phải là cách duy nhất để phòng ngừa sốt xuất huyết, cách phòng ngừa sốt xuất huyết hiệu quả nhất là gì, thưa ông?
- Việc phun thuốc diệt muỗi không phải là cách duy nhất để phòng ngừa sốt xuất huyết, đây chỉ là giải pháp mang tính cấp bách nhằm khống chế trong tình huống dịch đã bùng phát và ngăn chặn bùng phát dịch tại khu vực đang có nguy cơ cao bùng phát dịch.
- Cách phòng ngừa sốt xuất huyết hiệu quả nhất là không để muỗi và lăng quăng phát triển bằng cách: mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị cần thực hiện việc diệt lăng quăng thường xuyên thông qua việc lật úp, đập bể, dọn dẹp tất cả các vật phế thải có thể chứa nước, việc dọn dẹp vật phế thải chứa nước bao gồm cả xung quanh nhà, cơ quan, trường học, đặc biệt là các khu đất trống trong khu dân cư.
Nhân viên ngành Y tế phun hóa chất diệt muỗi tại KP.4, phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa)
Lưu ý đậy kín các dụng cụ chứa nước sinh hoạt, dùng hóa chất hoặc cá 7 màu thả vào những dụng cụ chứa nước khác như: bình hoa, chậu cảnh, non bộ, thực hiện thay nước hằng tuần, khai thông các cống rãnh, không để các ổ nước đọng... Cần duy trì thường xuyên, ít nhất hằng tuần việc diệt lăng quăng nêu trên, không để tồn tại nơi muỗi đẻ trứng và lăng quăng phát triển thành muỗi. Phòng tránh muỗi đốt bằng cách ngủ mùng, kể cả ban ngày, mặc áo dài tay; sử dụng nhang muỗi, bình xịt muỗi hoặc các phương tiện xua, diệt muỗi khác.
Xin cảm ơn ông!
Tại Đồng Nai, từ đầu năm đến nay ghi nhận hơn 9 ngàn ca sốt xuất huyết, cao hơn 3 lần so với cùng kỳ. Đặc biệt từ tháng 7-2019, số ca mắc bệnh tăng nhanh ở tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh. Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu là những địa phương nằm trong vùng trọng điểm về sốt xuất huyết của cả nước. Ngoài yếu tố thời tiết trong khu vực được coi là thuận lợi nhất cho muỗi và lăng quăng phát triển, thì đây là khu vực có tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị hóa nhanh nhất cả nước. Vì vậy về môi trường và nhà ở công nhân không đảm bảo điều kiện vệ sinh; người lao động từ những khu vực không có bệnh sốt xuất huyết lưu hành nên không có miễn dịch đến sinh sống tại Đồng Nai; mật độ dân cư cao; ý thức phòng, chống dịch của cộng đồng chưa cao... tất cả đều là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát triển.
Kim Liễu (thực hiện)
Theo baodongnai
Hà Đông: Tích cực ngăn chặn dịch sốt xuất huyết Theo đánh giá của ngành Y tế, năm nay dịch sốt xuất huyết trên địa bàn quận Hà Đông đến sớm hơn, với số ca mắc tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2018. Trước nguy cơ bùng phát dịch, quận Hà Đông đã tích cực chỉ đạo các cấp, ngành tích cực triển khai các biện pháp phòng chống. Nhiều...