Cần giải trình rõ việc sử dụng nguồn thu phí công đoàn bằng 2% quỹ lương
Tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 18, sáng 29-9, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn.
Trình bày Tờ trình, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, sau hơn 7 năm triển khai thực hiện Luật Công đoàn đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung để đáp ứng hoạt động của tổ chức Công đoàn trong thời kỳ mới. Đồng thời thể chế hoá Hiến pháp năm 2013, các chủ trương, nghị quyết của Đảng và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, các yêu cầu về hội nhập kinh tế, quốc tế.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung tại 15 điều; sửa kỹ thuật tại 5 điều.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu trình bày tờ trình tại phiên họp.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho hay, về cơ bản hồ sơ dự án Luật đã đảm bảo sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước ta là thành viên. Hồ sơ dự án Luật đã đảm bảo quy định theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đối với quy định kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ lương làm căm cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, qua thảo luận có 2 loại ý kiến:
Loại ý kiến thứ nhất, thống nhất với quan điểm của Ban soạn thảo về việc tiếp tục duy trì nguồn thu kinh phí công đoàn 2% và bổ sung quy định các trường hợp được xem xét miễn, giảm việc đóng kinh phí Công đoàn.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi trình bày báo cáo thẩm tra.
Video đang HOT
Loại ý kiến thứ hai đề nghị điều chỉnh mức thu nộp kinh phí công đoàn một cách phù hợp mà vẫn bảo đảm điều kiện hoạt động cho tổ chức công đoàn nhưng không tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, người lao động, có thể quy định mức tối đa không quá 2% hoặc thấp hơn quy định hiện hành, do quỹ công đoàn vừa qua còn kết dư khá cao.
Trước mắt, Ủy ban tán thành với quan điểm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc tiếp tục duy trì nguồn thu kinh phí công đoàn. “Đây là nguồn kinh phí giữ vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc bảo đảm để Công đoàn Việt Nam với vai trò là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động và nhất là Công đoàn cơ sở hoạt động, thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình, chăm lo phúc lợi xã hội cho người lao động, đặc biệt là chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động”, ông Bùi Sỹ Lợi nêu.
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) bày tỏ nhất trí với phương án thu 2% kinh phí công đoàn tuy nhiên đề nghị Cơ quan soạn thảo cần có những thuyết minh, giải trình cụ thể về nhu cầu sử dụng kinh phí công đoàn, tài chính công đoàn, các giải pháp quy định việc sử dụng phần kết dư kinh phí công đoàn nếu có…
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương thảo luận tại phiên họp.
“Việc sửa đổi Luật phải làm sao để Công đoàn trở thành một động lực, không chỉ chăm lo cho doanh nghiệp mà còn bảo vệ người lao động. Công đoàn phải luôn giáo dục, tuyên truyền để người lao động có ý thức chấp hành pháp luật, tránh trường hợp như khi xảy ra vụ Formosa, người lao động nhiều nơi nổi dậy, đập phá gây thiệt hại cho doanh nghiệp và ảnh hưởng tới mối quan hệ quốc tế”, ĐBQH tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh thêm.
Cũng liên quan đến kinh phí công đoàn ĐBQH Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương) cho rằng, nhiều doanh nghiệp không chăm lo cho công nhân nhưng khi có 2% thì họ sẽ quan tâm đến việc này và giao cho tổ chức Công đoàn. Khoản kinh phí này không chỉ chăm lo cho hoạt động hiếu, hỷ mà còn nhiều hoạt động khác như tuyên truyền giáo dục, đào tạo cán bộ, thi đua khen thưởng…, hiệu quả rất lớn.
Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề nghị cần làm rõ mức đóng, phân chia và sử dụng khoản kinh phí này như thế nào, vào mục gì và được quản lý ra sao, Ban soạn thảo cần giải trình thêm để trình bày rõ ràng khi đại biểu chất vấn…
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn: Cần bảo vệ tốt hơn quyền lợi lao động nữ
Chiều 9/9, tại Hà Nội, Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến của các chuyên gia về Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn.
Ảnh minh họa
Mở đầu, TS. Bùi Thị Hòa - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - chủ trì Hội thảo đã gợi mở các vấn đề chính xung quanh Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn để các đại biểu, chuyên gia cùng thảo luận, phát biểu như vấn đề phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật; Chức năng của công đoàn, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước; Vấn đề lồng ghép bình đẳng giới trong Dự thảo...
Đại diện Ban soạn thảo (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) chia sẻ, theo chương trình xây dựng chính sách pháp luật năm 2020 - 2021, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn dự kiến được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020), thông qua tại kỳ họp cuối cùng Quốc hội khóa XIV, dự kiến tháng 3/2021.
Hội thảo tham vấn ý kiến cho Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn vào chiều 9/9 (ảnh: H.K)
Vì vậy, việc sửa đổi Luật Công đoàn diễn ra trong bối cảnh Bộ luật Lao động năm 2019 vừa ban hành, nước ta hội nhập rất sâu vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, phê chuẩn các công ước quốc tế, các công ước lao động cơ bản. Đặc biệt, tới đây, chúng ta có sự cạnh tranh của tổ chức khác đại diện cho người lao động...
Nói về lồng ghép giới vấn đề bình đẳng giới trong Dự thảo, đại diện Ban soạn thảo nhấn mạnh, nếu bất cập về giới thì phải có giải pháp khắc phục phù hợp với mục tiêu cụ thể của từng chính sách.
Các giải pháp chính sách được lựa chọn nhằm giải quyết vấn đề giới phải được quy phạm hóa thành các điều khoản cụ thể trong dự thảo đảm bảo tính hệ thống, nhất quán và khả thi của mục tiêu lồng ghép vấn đề bình đẳng giới.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - nhận xét, tính chất bảo vệ lao động nữ chưa được thể hiện nhiều trong Dự thảo luật này. Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa cho rằng, thực tiễn cho thấy dù nói rằng không phân biệt đối xử nhưng thực chất là đang phân biệt đối xử. "Coi lao động nam cũng như lao động nữ thì rõ ràng thiệt thòi cho lao động nữ. Người bị thiệt thòi sẽ tiếp tục bị thiệt thòi", bà Nguyễn Thị Thanh Hòa nói.
Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, quan tâm tới lao động nữ đã được nhiều đại biểu nêu ra tại Hội thảo (ảnh minh họa)
Nhiều chuyên gia cùng nêu quan điểm góp ý Ban soạn thảo nên cân nhắc phạm vi điều chỉnh của Dự thảo luật, bởi thực tiễn hiện nay đã thay đổi nhiều so với 7 năm trước (khi soạn thảo Luật Công đoàn hiện hành), thế nên nếu vẫn giữ nguyên phạm vi điều chỉnh là không nên.
Ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, cho rằng, người lao động thực chất là người đi làm thuê bằng sức lao động của mình và được trả bằng lương hoặc tiền công. Vì vậy, mối quan hệ giữa người lao động với người sử dụng lao động là ở thế yếu.
Hiện nay, lao động nữ chiếm số đông trong nhiều ngành nghề như dệt may, chế biến thủy hải sản... vì vậy cần phải quan tâm hơn đối với nhóm lao động này, phải lồng ghép giới trong Dự thảo Luật. Ông Lê Việt Trường cũng cho rằng, cần phải sửa phạm vi điều chỉnh, vì thực tiễn có nhiều thay đổi lớn.
Tại Hội thảo, đại diện một số doanh nghiệp nhận xét, việc sửa đổi Luật Công đoàn là điều tất yếu. Đại diện Công ty Canon Việt Nam cho rằng, Dự thảo cần làm rõ, cụ thể hơn về vấn đề bình đẳng giới, tập trung thêm để bảo vệ tốt hơn quyền lợi lao động nữ.
Các ý kiến của đại biểu cũng xoay quanh các vấn đề như mở rộng phạm vi điều chỉnh, vấn đề kinh phí của công đoàn, quan tâm đến nhóm lao động phi chính thức...
Đại diện Ban soạn thảo đã ghi nhận ý kiến đóng góp thiết thực, sát sao và phong phú của các đại biểu. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, rà soát và điều chỉnh cho phù hợp.
Kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa đánh giá cao ý kiến phát biểu của 9 chuyên gia, đại biểu. Các ý kiến đều bám sát vào những vấn đề mà Ban tổ chức nêu ra từ đầu.
Ban tổ chức sẽ ghi nhận, tiếp thu tất cả các ý kiến của các đại biểu trên cơ sở thống nhất các ý kiến làm sao tổ chức công đoàn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công nhân, người lao động. Đặc biệt, hướng đến người lao động ở lĩnh vực phi chính thức.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cũng cho rằng, cần một cơ chế phối hợp, các tổ chức chính trị xã hội tham gia cùng công đoàn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động.
"Vấn đề giới trong luật, Ban soạn thảo cố gắng rà soát, đối chiếu với quy định trong Luật Bình đẳng giới để khi trình Quốc hội sẽ kín kẽ hơn, phù hợp hơn. Chúng tôi mong muốn có những thông tin đánh giá hoạt động của ban nữ công trong tổ chức công đoàn, thực hiện chính sách cho lao động nữ", TS. Bùi Thị Hòa kết luận.
Phổ biến các hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 Chiều 6-9, tại Thanh Hóa, Bộ Y tế tổ chức hội thảo phổ biến các hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19. Các đại biểu tham dự hội thảo. Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục, chuyên viên, các chuyên gia thuộc Bộ Y tế; đại diện Bộ Lao động Thương...