Cần giải pháp đồng bộ phát triển nghề làm nước mắm Phú Quốc
Ở tỉnh Kiên Giang, nghề sản xuất nước mắm trên đảo Phú Quốc là nghề cha truyền con nối, phát triển hơn 200 năm và trở thành nghề truyền thống chủ lực của đảo ngọc Phú Quốc.
Tuy vậy, nghề truyền thống này đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và cần những giải pháp đồng bộ để phát triển bền vững trong thời gian tới.
Cơ sở sản xuất nước mắm Hồng Đại tại thị trấn Dương Đông, Phú Quốc, Kiên Giang. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN
Nhiều khó khăn, thách thức
Phú Quốc hiện còn khoảng 60 nhà thùng (cơ sở sản xuất nước mắm), giảm khoảng 40% so với thời điểm 2011 – 2012, năng lực sản xuất hàng năm 18 – 20 triệu lít/năm, phần lớn sản lượng nước mắm bán thô cho các nhà sản xuất thành phẩm đóng chai ở TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Rạch Giá…, chỉ có khoảng 20 nhà thùng đóng chai tại Phú Quốc và mỗi nhà thùng lấy tên thương hiệu riêng. Tiếp đến, Phú Quốc hiện có 7 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu nước mắm sang thị trường châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…, số còn lại đủ điều kiện an toàn thực phẩm tiêu thụ trong nước, xuất khẩu ủy thác hoặc qua nhà phân phối.
Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc cho biết, năm 2012, nước mắm Phú Quốc được cấp quy chế bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Liên minh châu Âu và cũng là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được Châu Âu công nhận chỉ dẫn địa lý. Điều này đã giúp cho nước mắm Phú Quốc vươn xa. Tuy nhiên, việc quản lý cho sản phẩm chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc còn quá nhiều những bất cập. Cụ thể là tên Phú Quốc trong việc ghi nhãn hàng hóa còn nhiều chồng lấn giữa nước mắm có chỉ dẫn địa lý và nước mắm không chỉ dẫn địa lý của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, chưa có hành lang pháp lý rõ ràng, chưa được các ngành chức năng hiểu rõ về sản phẩm có chỉ dẫn địa lý và chưa được bảo vệ nghiêm ngặt.
Tiếp đến, khó khăn và thách thức đối với nước mắm Phú Quốc hiện nay là chịu sự cạnh tranh khốc liệt của các loại nước mắm truyền thống ở những vùng miền khác và nước mắm pha chế, nước mắm công nghiệp với giá thành rẻ hơn. Hiện nay, nước mắm Phú Quốc tiêu thụ chậm trên thị trường, không ổn định. Nhiều khách hàng không phân biệt được nước mắm truyền thống và nước chấm, nước mắm công nghiệp khi chọn mua sử dụng.
Mặt khác, điều bất lợi đối với nước mắm Phú Quốc những năm qua cũng như hiện nay là sản lượng cá cơm nguyên liệu sản xuất nước mắm giảm đáng kể do suy kiệt nguồn lợi thủy sản này vì khai thác quá mức. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, khoảng 10 năm trở lại đây, nguồn nguyên liệu cá cơm không đáp ứng cho sản xuất nước mắm, nhiều nhà thùng ở Phú Quốc thiếu nguyên liệu đã giải thể.
Thời điểm 2011 – 2012, sản lượng nước mắm sản xuất tại Phú Quốc đạt 25 – 30 triệu lít/năm (tính bình quân 30 độ đạm), tương đương khoảng 40.000 tấn cá nguyên liệu. Hiện nay, sản lượng cá cơm khai thác trung bình hàng năm 20.000 – 22.000 tấn và cá cơm nguyên liệu để sản xuất nước mắm đáp ứng khoảng 50 – 60% nhu cầu, sản lượng nước mắm chỉ đạt trên dưới 20 triệu lít/năm. Để giải quyết khó khăn về nguyên liệu, một số nhà thùng lớn đã giảm sản xuất, tạm ngừng hoạt động, đầu tư đóng tàu khai thác đánh bắt cá cơm, nhưng đây chỉ là những giải pháp tình thế, không căn cơ trong tháo gỡ khó khăn.
Ngoài ra, nước mắm Phú Quốc còn những khó khăn, hạn chế và bất cập khác là nguồn nguyên liệu gỗ để làm thùng ủ chượp khan hiếm, giá thành cao, phải nhập từ nơi khác về. Thông tin truyền thông, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nước mắm Phú Quốc hạn chế, yếu kém, gần như bị bỏ ngỏ. Phú Quốc có tốc độ đô thị hóa cao, nhất là phát triển nóng của các dự án du lịch trên đảo ngọc này, đã làm thay đổi nguồn lực lao động nghề truyền thống, làm hạn chế đến khả năng đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất của các nhà thùng sản xuất nước mắm và nghề này đứng trước những thách thức cần những giải pháp đồng bộ tháo gỡ để phát triển bền vững.
Video đang HOT
Cần giải pháp cấp bách, hiệu quả
Nước mắm Phú Quốc hiện nay là sản phẩm chỉ dẫn địa lý trong nước và được châu Âu bảo hộ, nghề này là di sản phi vật thể nhân loại cấp quốc gia cần có hành lang pháp lý bảo vệ cho nước mắm Phú Quốc để giữ gìn, bảo tồn và phát huy nghề làm nước mắm truyền thống của cha ông để lại.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Phú Quốc Phạm Văn Nghiệp chia sẻ, từ những phương pháp ủ chượp thủ công với số lượng nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của cư dân trên đảo đến sản phẩm kinh doanh tiêu thụ ngoài thị trường, nước mắm Phú Quốc luôn giữ được màu sắc, hương vị đậm đà truyền thống mà không nơi nào có được. Thương hiệu nước mắm Phú Quốc đã trở thành sản phẩm đặc trưng của đảo ngọc Phú Quốc được đông đảo người dân, du khách yêu thích và ưa chuộng. Đặc biệt, nghề truyền thống nước mắm Phú Quốc đã góp phần khá lớn, tích cực vào chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Để phát triển bền vững và hiệu quả nghề truyền thống nước mắm Phú Quốc, bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc đề nghị thành phố Phú Quốc khẩn trương đầu tư phát triển làng nghề này. Làng nghề tập trung cho hội viên sản xuất nước mắm truyền thống được sản xuất kinh doanh, quảng bá sản phẩm gắn với du lịch cộng đồng; xây dựng khu bảo tàng nước mắm và tổ chức lễ hội nước mắm Phú Quốc thường niên; cần phải có hành lang pháp lý bảo vệ cho nước mắm Phú Quốc.
Định hướng phát triển bền vững nghề sản xuất nước mắm Phú Quốc trong thời gian tới, tỉnh Kiên Giang triển khai các giải pháp bảo vệ nguồn lợi cá cơm trên ngư trường đảm bảo nguyên liệu sản xuất nước mắm. Xây dựng cộng đồng khai thác cá cơm có trách nhiệm, bền vững, hiệu quả và vùng nguyên liệu ổn định. Tỉnh thực hiện nghiêm các quy định về đánh bắt, nhất là không khai thác đánh bắt mùa cá sinh sản, nghiêm cấm tuyệt đối khai thác mang tính hủy diệt, khoanh vùng bảo vệ bãi cá cơm bột sinh trưởng ở Bãi Trường và quanh một số đảo thuộc quần đảo An Thới (Phú Quốc) để khôi phục nhanh đàn cá cơm. Tỉnh quản lý chặt chẽ các loại phương tiện, quy định về cường độ ánh sáng, vùng khai thác, mùa khai thác, nghề… nhằm đảm bảo phát triển bền vững nguồn lợi cá cơm trên ngư trường.
Tiếp đó, tỉnh xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương đối với nước mắm Phú Quốc để đảm bảo tính ổn định, đồng đều về chất lượng khi lưu thông, tiêu thụ trên thị trường. Qua đó, bảo vệ nước mắm sản xuất truyền thống Phú Quốc, tránh sự xâm lấn của các sản phẩm nước mắm công nghiệp có giá thành rẻ.
Tỉnh hoàn thiện cơ chế chính sách, khuyến khích doanh nghiệp bảo tồn, quảng bá thương hiệu nước mắm truyền thống Phú Quốc. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất nước mắm Phú Quốc thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm theo quy định hiện hành của chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và của tỉnh. Tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm, hội nghị giao thương, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường trong và ngoài nước tiêu thụ sản phẩm nước mắm Phú Quốc… Phát huy vai trò tích cực của Hội nước mắm Phú Quốc.
Ngoài ra, thành phố Phú Quốc gắn kết hoạt động sản xuất nước mắm với du lịch như: Hướng dẫn du khách đến nhà thùng để tìm hiểu nghề làm nước mắm, trải nghiệm trực quan cách làm, mua sản phẩm, tham quan, tìm hiểu không gian văn hóa liên quan đến nghề truyền thống… Xây dựng kế hoạch tổng thể để bảo vệ, phát huy giá trị di sản nghề làm nước mắm Phú Quốc với phát triển bền vững. Bảo vệ môi trường, xây dựng đồng bộ hệ thống xử lý nước thải chung cho làng nghề nước mắm Phú Quốc, sử dụng nguồn nước ngầm trên đảo bền vững tróng quá trình sản xuất nước mắm…
Nỗ lực cải thiện môi trường làng nghề tại Bắc Ninh
Tỉnh Bắc Ninh là một trong những địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước. Bên cạnh các giá trị kinh tế các làng nghề mang lại, vấn đề ô nhiễm môi trường luôn là nỗi lo, đặt ra nhiều thách thức đối với địa phương.
Để giải quyết bài toán này, tỉnh Bắc Ninh đang triển khai nhiều giải pháp từng bước cải thiện môi trường tại các làng nghề, cụm công nghiệp làng nghề, nhất là tại các làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Làng nghề ô nhiễm
Nghề cô đúc nhôm tại xã Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
Làng Đại Bái (xã Đại Bái, huyện Gia Bình) nổi tiếng với nghề đúc đồng, với những sản phẩm như: tượng đồng, đỉnh đồng, lư hương, tranh câu đối bằng đồng... Hiện làng có 1.198 hộ làm nghề, trong đó có 708 hộ sản xuất hộ sản xuất hàng dân dụng, 301 hộ sản xuất hàng mỹ nghệ và 189 hộ đúc nhôm, đồng. Năm 2022, doanh thu của làng nghề đạt khoảng 300 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người dao động từ 50 - 70 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, môi trường ở đây ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Chủ tịch UBND xã Đại Bái cho biết, làng nghề đang phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng từ phát triển nghề gò đúc đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do rác thải của các hộ làm nghề đúc đồng, cô bã nhôm đổ bừa bãi ra môi trường, nước thải của các hộ làm nghề có hóa chất như axít, sút... không được quy hoạch vào khu tập trung để xử lý mà đổ trực tiếp ra các lòng sông, ao hồ, mương. Các hộ đúc, cô phế liệu chưa xây dựng ống khói đạt tiêu chuẩn, đã làm ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của nhân dân trong làng.
Bên cạnh đó, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, điều kiện cơ sở hạ tầng, trình độ và mặt bằng dân trí thấp. Những hạn chế về khả năng đầu tư, điều kiện cạnh tranh trên thị trường làm tăng mức đầu tư phát sinh và ô nhiễm môi trường. Các hộ sản xuất, kể cả các xưởng sản xuất đều được xây dựng sơ sài. Diện tích chật hẹp, hệ thống điện, nước lắp đặt tùy tiện, không an toàn. Hệ thống thu gom nước thải từ các hộ sản xuất và sinh hoạt cũng chưa được phân loại xử lý mà vẫn đổ trực tiếp ra môi trường...
Theo ông Nguyễn Văn Quảng, nhận thức của nhân dân còn thấp, ý thức chung trong việc bảo vệ môi trường chưa cao khiến tình trạng môi trường trong làng nghiệp làng nghề ngày càng bị ô nhiễm. Cụ thể, người dân làng Đại Bái thường phải hít không khí năng, có mùi khét do các hộ đúc, cô phế thải đồng nhôm gây ra, hoặc thường xuyên mắc các bệnh về đường hô hấp, bệnh ngoài da.
UBND xã Đại Bái đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường như quy hoạch khu bãi rác thải tập trung rộng hơn 8.000 m2 nhằm giảm thiểu tình trạng ứ đọng, ô nhiễm nguồn rác thải. Quy định ống khói của các hộ đúc, cô phế liệu phải xây dựng cao từ 12 mét trở lên, các hộ có máy móc sản xuất phải tuân thủ thời gian quy định làm việc từ 5 đến 19 giờ hàng ngày, không làm quá thời gian quy định. Các hộ tẩy, rửa hóa chất lớn bắt buộc phải xây dựng bể chứa lắng đọng...
Cách làng nghề đúc đồng Đại Bái không xa, làng Quảng Bố, xã Quảng Phú, huyện Lương Tài, nổi tiếng khắp cả nước với những sản phẩm cơ khí chi tiết được đúc từ đồng. Đến nay, nghề đúc đồng truyền thống của làng phát triển cả về số lượng và chất lượng với hàng trăm công ty, cơ sở sản xuất. Sự phát triển nhanh của làng nghề đã đặt ra nhiều thách thức trong công tác bảo vệ môi trường.
Theo ông Trịnh Văn Thăng, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, làng Quảng Bố hiện có khoảng 800 hộ, doanh nghiệp sản xuất cơ khí từ đồng, kim loại và từ nhựa, trong đó, các doanh nghiệp chiếm khoảng 60%. Việc sản xuất trong khu dân cư đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường làng nghề. Về lâu dài, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài tình trạng ô nhiễm khói, bụi, ô nhiễm tiếng ồn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân.
Để khắc phục tình trạng này, trước mắt, xã đã yêu cầu các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đầu tư xây dựng hệ thống xử lý khói; đồng thời kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền về việc thành lập cụm làng nghề để giải quyết triệt để vấn đề về ô nhiễm môi trường.
Nỗ lực cải thiện môi trường làng nghề
Những sản phẩm cơ khí chi tiết được đúc từ đồng ở làng Quảng Bố, xã Quảng Phú, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.
Tỉnh Bắc Ninh hiện có 62 làng nghề, trong đó có 30 làng nghề thủ công truyền thống, nổi bật như: làng nghề gỗ Đồng Kỵ, gốm Phù Lãng, đúc đồng Đại Bái, chạm khắc gỗ Phù Khê. Hiện các làng nghề có trên 28.000 hộ tham gia, với gần 74 nghìn lao động làm nghề, tạo ra sản phẩm hàng hóa trên 12.000 tỷ đồng/năm, mang lại thu nhập ổn định hơn 8 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, hiện nay, địa bàn tỉnh có nhiều làng nghề đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, ở mức "báo động đỏ" như làng nghề giấy Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, làng nghề giấy Phú Lâm, huyện Tiên Du, làng nghề tái chế nhôm Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong...
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh, hầu hết các làng nghề trên địa bàn tỉnh đều chưa đáp ứng được các điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định, các cơ sở sản xuất trong các làng nghề cơ bản không đầu tư xây dựng các công trình xử lý đối với các loại chất thải phát sinh. Môi trường không khí tại một số khu vực làng nghề bị ô nhiễm nặng (làng nghề thép Châu Khê và làng nghề giấy Phong Khê). Chất thải của các làng nghề làm ô nhiễm nước mặt, nước ngầm, đất và không khi khu vực, điển hình như làng nghề tái chế nhôm Văn Môn và làng nghề giấy Phong Khê.
Hiện nay, đa số các làng nghề trong tỉnh có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, dây chuyền công nghệ thủ công, lạc hậu, tiêu tốn nhiều nguyên, nhiên liệu, cho nên tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khỏe người dân. Mặt khác, do chưa có quy hoạch tổng thể nên các cơ sở sản xuất nằm xen kẽ trong vùng dân cư, thiếu mặt bằng sản xuất; đa số các làng nghề chưa được đầu tư đồng bộ hệ thống thu gom và xử lý nước thải nên có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước mặt cục bộ tại địa phương. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư để mở rộng sản xuất, kinh doanh hạn chế, thiết bị công nghệ chế biến thô sơ, số cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng dây chuyền sản xuất hiện đại còn ít.
Tại một số làng nghề,hành vi xả trộm nước thải ra môi trường vẫn còn song khó phát hiện và xử lý dứt điểm; vẫn còn những trường hợp chưa chấp hành, có hiện tượng làm hệ thống xử lý môi trường chỉ để đối phó với đoàn kiểm tra; tình trạng cơ sở sản xuất lén lút hoạt động vào ban đêm, tự tháo niêm phong hoạt động gây bức xúc trong nhân dân...
Ông Nguyễn Đình Phương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh cho biết, tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, phù hợp thực tiễn cơ sở, nhằm vừa đáp ứng nguyện vọng của cả người dân và doanh nghiệp, vừa giải quyết căn bản, căn cơ công tác bảo vệ môi trường.
Theo ông Nguyễn Đình Phương, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND về việc quy định một số chính sách đầu tư, hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn, làng nghề trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ điểm trung chuyển đến khu xử lý và kinh phí xử lý; nhân dân đóng góp kinh phí thu gom, vận chuyển từ hộ gia đình đến điểm trung chuyển theo quy định. Đối với khu vực làng nghề, tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý đối với chất thải rắn tồn đọng từ trước đến thời điểm dự án được UBND tỉnh phê duyệt.
Với các khu vực ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các địa phương nâng cấp lên đô thị và xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu được hỗ trợ đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong đó, các dự án do doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư được giao đất đã giải phóng mặt bằng, miễn tiền thuê đất theo quy định của pháp luật; được hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ khác sau khi đầu tư hoàn thành theo các quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung đầu tư xử lý làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đối với các đô thị trên địa bàn các huyện chưa có hệ thống xử lý, lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường đối với các cụm công nghiệp hiện đã đi vào hoạt động. Đồng thời, bố trí nguồn vốn cho đầu tư các công trình xử lý môi trường khu vực nông thôn, làng nghề, giải quyết các vấn đề môi trường tồn đọng.
Tỉnh Bắc Ninh đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải giai đoạn I công suất 5.000 m3/ngày đêm tại phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh; làng nghề bún Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh được đầu tư hệ thống xử lý nước thải công suất 400 m3/ngày đêm; đưa vào vận hành giai đoạn 1 nhà máy xử lý nước thải ở thành phố Từ Sơn với công suất 33.000 m3/ngày đêm.
UBND tỉnh đã cho phép UBND huyện Yên Phong triển khai Dự án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn tồn đọng tại làng nghề Mẫn Xá, xã Văn Môn; dự án đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải làng nghề Mẫn Xá với diện tích 3,8 ha; đầu tư xây dựng cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá để di chuyển các cơ sở trong làng nghề ra cụm công nghiệp.
Phát triển du lịch làng nghề - Bài 1: Xây dựng sản phẩm từ thế mạnh Tham quan làng nghề truyền thống, trải nghiệm, tìm hiểu cách làm nên sản phẩm, khám phá đời sống của cư dân làng nghề là một trong những trong những xu hướng du lịch được nhiều du khách lựa chọn. Hiện nay, nhiều địa phương khu vực Nam Bộ sở hữu hệ thống đa dạng các làng nghề truyền thống, góp phần hình...