Cần đưa quy định về cứu nạn đường thủy vào luật
Theo Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ việc chìm tàu, gây thiệt hại lớn về người và vật chất, đã bộc lộ nhiều bất cập trong công tác cứu nạn, đặc biệt là sự phối hợp của các cơ quan Quản lý nhà nước…
Trong các vụ chìm tàu thủy đã bộc lộ nhiều bất cập trong công tác cứu nạn
Chiều nay (12/11), Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải Đinh La Thăng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa.
Ngay sau đó, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa.
Theo Báo cáo Thẩm tra, thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ việc chìm tàu, gây thiệt hại lớn về người và vật chất; đã bộc lộ nhiều bất cập trong công tác cứu nạn, đặc biệt là sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan cứu nạn, công an, quốc phòng.
Bên cạnh việc cần nâng cao trách nhiệm quản lý tàu thuyền, cấp phép rời cảng, bến, trách nhiệm trong quản lý vận tải hành khách…, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường cho rằng cần nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông đường thủy nội địa, tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, kiểm soát đối với phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là trong vận chuyển hành khách. Do đó, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường nhất trí bổ sung quy định về cứu nạn vào Dự thảo Luật.
Ủy ban cũng đề nghị Ban soạn thảo quy định chi tiết hơn về nguyên tắc, sự phối hợp và trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, của các cơ quan tìm kiếm và cứu nạn…, nhấn mạnh quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý đường thủy nội địa trước, trong và sau khi xảy ra tai nạn, nội dung tìm kiếm, khắc phục hậu quả sau khi vụ việc xảy ra trong hoạt động cứu nạn vì các điều, khoản liên quan trong Dự thảo Luật còn chung chung, đơn giản, chỉ có 01 điều, gồm 02 khoản.
Ngoài ra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn luôn gắn liền với công tác thường trực, điều tiết, khống chế, hướng dẫn bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các điểm đen, các công trình trọng điểm trên sông trong mùa bão lũ, do đó đề nghị rà soát, bổ sung các quy định này vào Dự thảo Luật.
Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý chuyên ngành và ý thức chấp hành pháp luật của người dân, Ủy ban đề nghị xem xét bổ sung nội dung thông báo sự cố (kháng nghị) an toàn giao thông đường thủy nội địa của các cơ quan quản lý đường thủy nội địa đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có các hoạt động khai thác giao thông vận tải trên đường thủy nội địa gây mất an toàn, có nguy cơ gây tai nạn hoặc cố tình không chấp hành những quy định của pháp luật tới các cơ quan chức năng liên quan.
Video đang HOT
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng cho biết, dù còn có những vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thêm nhưng nhìn chung Dự thảo Luật đã được soạn thảo tích cực, công phu. Trong quá trình soạn thảo Dự án Luật, Ban soạn thảo đã có Báo cáo tổng kết 8 năm thực hiện Luật giao thông đường thủy nội địa, đã đánh giá tác động của việc ban hành Luật, đã thực hiện đúng các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ban soạn thảo chuẩn bị bản tiếp thu, giải trình bổ sung trên cơ sở các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nêu trong bản thẩm tra này gửi đại biểu Quốc hội trước khi thảo luận. Sau Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo và các cơ quan có liên quan để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật cũng như chỉnh sửa về kỹ thuật lập pháp trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Xuân Hưng
Theo_VnMedia
Mua bảo hiểm y tế sẽ phải theo hộ gia đình?
Ủy ban các vấn đề xã hội đề nghị bổ sung cơ chế tham gia BHYT phải theo hộ gia đình để tránh tình trạng chỉ người ốm mới tham gia BHYT, ngoài ra, giữ như quy định hiện hành về việc mọi đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT... bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban cho biết.
Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội
Sau khi thẩm tra Dự thảo Luật Bảo hiểm Y tế, Ủy ban các vấn đề xã hội cho cho biết, về cơ bản, Ủy ban nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT như Tờ trình của Chính phủ.
Tuy nhiên, Ủy ban thấy rằng, Dự thảo Luật cần bổ sung các quy định để kịp thời khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách BHYT, tạo cơ chế để huy động mạnh mẽ hơn sự tham gia của cả hệ thống chính trị cùng với người dân trong việc mở rộng diện bao phủ tiến tới BHYT toàn dân, tăng thêm quyền lợi hợp lý cho người tham gia BHYT, tiếp tục nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh (khám chữa bệnh).
Cụ thể, về quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế (khoản 1, Điều 1), theo Chủ nhiệm Ủy ban Trương Thị Mai, quá trình thẩm tra cho thấy có 2 loại ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất, đề nghị giữ như quy định hiện hành về việc mọi đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT, nhưng phải bổ sung cơ chế tham gia BHYT phải theo hộ gia đình (để tránh tình trạng chỉ người ốm mới tham gia BHYT).
Loại ý kiến thứ hai, đồng ý như dự thảo Luật do Chính phủ trình, đó là "Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với mọi đối tượng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện."
Theo bà Trương Thị Mai, ngay từ khi xem xét thông qua Luật BHYT (2008), Quốc hội đã quyết định tên luật là Luật BHYT, nhưng khẳng định đây là loại BHYT xã hội do Nhà nước tổ chức thực hiện, quy định người dân có trách nhiệm tham gia BHYT, tuy nhiên chủ yếu là thông qua vận động.
"Theo loại ý kiến thứ nhất, sửa đổi Luật BHYT lần này tiếp tục kế thừa Luật BHYT hiện hành, phù hợp với thực tế và đảm bảo tính khả thi; mặt khác, nếu quy định là BHYT bắt buộc thì cũng không thể có chế tài đối với nhóm đối tượng không tham gia BHYT." - bà Trương Thị Mai phân tích.
Còn theo loại ý kiến thứ hai (như dự thảo Luật do Chính phủ trình), chỉ đưa ra khái niệm bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc (khoản 1 Điều 1 quy định về sửa Điều 2), không quy định rõ hình thức BHYT bắt buộc là phải theo hộ gia đình, chỉ quy định mức đóng của các thành viên thuộc hộ gia đình có 100% thành viên tham gia bảo hiểm y tế được giảm dần từ thành viên thứ hai trở đi. Như vậy, chưa khắc phục được tình trạng chỉ người ốm mới tham gia BHYT.
Với những phân tích trên, Ủy ban tán thành với loại ý kiến thứ nhất, đó là bổ sung cơ chế tham gia BHYT phải theo hộ gia đình vì phù hợp với điều kiện sống hiện nay của người dân, đồng thời Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ và có cơ chế khuyến khích mạnh mẽ để thực hiện được lộ trình BHYT toàn dân.
Bảo vệ quyền lợi người mắc bệnh mãn tính
Về quy định mức tối đa cùng chi trả khám chữa bệnh BHYT, theo bà Trương Thị Mai, hiện nay, dịch vụ kỹ thuật y tế và thuốc ngày càng hiện đại, hiệu quả, đã cứu sống nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo nhưng giá cả cũng cao hơn nhiều. Vì vậy, bệnh nhân BHYT thuộc diện cùng chi trả 20% chi phí cũng phải trả nhiều tiền hơn. Tuy nhiên, nếu số cùng chi trả quá lớn, vượt khả năng của bệnh nhân thì BHYT sẽ mất ý nghĩa bảo vệ của chính sách BHYT. Vì vậy, nhiều nước đã quy định giới hạn trần của mức cùng chi trả khám chữa bệnh BHYT.
Quá trình thẩm tra, lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội cho thấy, loại ý kiến thứ nhất tán thành với dự thảo do Chính phủ trình, theo đó quy định mức cùng chi trả tối đa/năm và gắn với số năm tham gia BHYT liên tục, khi vượt quá mức này thì người bệnh không phải thực hiện cùng chi trả.
Loại ý kiến thứ hai, đề nghị giữ như quy định của Luật BHYT hiện hành, vì hiện nay đang thực hiện thuận lợi, mặt khác cũng nên cân nhắc khả năng của quỹ BHYT.
"Ủy ban tán thành với loại ý kiến thứ nhất, như vậy sẽ bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHYT mắc các bệnh mạn tính, gặp khó khăn trong điều trị bệnh, giúp họ không rơi vào vòng luẩn quẩn đói nghèo, đồng thời căn cứ vào khả năng bảo toàn quỹ, Chính phủ sẽ quy định mức trần cho hợp lý." - bà Trương Thị Mai cho biết.
Hỗ trợ chi trả nốt 5% cho người nghèo
Về mức hưởng BHYT (khoản 12, Điều 1, về sửa đổi Điều 22), đối với người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, có 2 loại ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất, tán thành với dự thảo do Chính phủ trình, bỏ quy định cùng chi trả 5% với hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; hạ tỷ lệ cùng chi trả với hộ cận nghèo, thân nhân người có công từ 20% xuống 5% .
Loại ý kiến thứ hai, cho rằng cùng chi trả là biện pháp chống lạm dụng quỹ BHYT được áp dụng ở tất cả các nước. Vì vậy, nên cân nhắc kỹ về quy định mức cùng chi trả với hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, cận nghèo, thân nhân người có công.
Theo phân tích của Ủy ban Các vấn đề xã hội, qua 4 năm triển khai Luật BHYT, việc thực hiện cùng chi trả đã dần ổn định, góp phần chống lạm dụng quỹ BHYT và bảo đảm an toàn quỹ. Tuy nhiên, mức cùng chi trả đối với người nghèo, một bộ phận thân nhân người có công chưa hợp lý, do đó, quy định các đối tượng này cùng ở mức chi trả 5% sẽ hợp lý hơn (loại ý kiến thứ hai).
Tuy nhiên, để khắc phục việc người nghèo khó khăn khi cùng chi trả 5%, Ủy ban đề nghị nên quy định theo hướng sử dụng quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo ở địa phương cùng chi trả 5% để hỗ trợ người nghèo, quy định này cũng sẽ góp phần tránh lạm dụng quỹ BHYT.
Xuân Hưng
Theo_VnMedia
Thông xe đường Hồ Chí Minh chậm 10 năm Do tiến độ bị chậm nên việc thông xe toàn tuyến trên 3000km đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó (Cao Bằng) - Đất Mũi (Cà Mau) sẽ hoàn thành vào năm 2020 thay vì năm 2010 như dự kiến... Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đình La Thăng đọc Tờ trình Sáng 30/10, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh...