Căn cứ hải quân của Mỹ thời Thế chiến 2 được Úc tái lập để chống Trung Quốc
Vào lúc Trung Quốc chiêu dụ đồng minh là các đảo quốc trên Thái Bình Dương, hải quân Úc sẽ xây lại một căn cứ hải quân Mỹ hồi Thế chiến 2 ở Papua New Guinea nhằm đề phòng Trung Quốc đang ngày càng hiện diện quân sự tại khu vực này.
Ngày 1.11, Thủ tướng Úc Scott Morrison cùng người đồng cấp Peter O’Neill của Papua New Guinea đã đồng ý tái lập căn cứ hải quân Lombrum ở đảo Manus ở phía bắc Úc. Động thái này cho phép hải quân Mỹ-Úc thoải mái tiếp cận một cảng ở phía nam Thái Bình Dương, và có hướng tiếp cận vùng Biển Đông tranh chấp ở phía nam.
Tàu chiến Melbourne của hải quân Úc ở vùng biển Hàn Quốc – Ảnh: EPA
Thủ tướng Morrison không công khai chi phí khi tuyên bố kế hoạch tái sử dụng căn cứ Mỹ, ông nói: “Tôi muốn củng cố sự cam kết bảo vệ Thái Bình Dương vì đấy là nhà của chúng ta. Khi thời cuộc thay đổi, có sự bất ổn và cạnh tranh chiến lược, Úc sẽ cần hành động mạnh mẽ hơn”.
Tuyên bố của nhà lãnh đạo Úc cùng thời điểm vị chỉ huy tác chiến của hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson thăm Úc và bàn vấn đề chiến lược đối phó Trung Quốc tại khu vực Thái Bình Dương.
Vị tướng Mỹ nói việc Úc đề nghị cùng hợp tác tái lập căn cứ Manus là “một cơ hội tuyệt vời”, đồng thời nói hãy còn quá sớm để khẳng định tàu chiến Mỹ sẽ sử dụng căn cứ Manus hay không.
Căn cứ Manus do quân Mỹ xây năm 1944, dùng để mở hướng tấn công nhằm tái chiếm Thái Bình Dương khỏi quân Nhật, đồng thời yểm hộ nỗ lực Mỹ giải phóng Philippines.
ADVERTISEMENT
Ở căn cứ này, Mỹ xây một đường băng dài gần 3.000 mét cho máy bay cất-hạ cánh, và nhiều kè để tàu chiến cập bến. Sau Thế chiến 2, căn cứ này được Mỹ dùng để xét xử các tội phạm chiến tranh của chế độ quân phiệt Nhật.
Video đang HOT
Gần đây, Úc sử dụng căn cứ Manus để giữ người xin tị nạn. Tư lệnh hải quân Úc, Chuẩn đô đốc Michael Noonan nói Úc sẽ hợp tác cùng Papua New Guinea xây kè cho căn cứ, để tàu tuần tra tặng cho đảo quốc này cùng cho các đảo quốc khác có thể cập bến. Nhưng cũng ông nói nếu cần thiết thì tàu chiến Úc cũng sẽ sử dụng cảng này.
Quân đội Papua New Guinea cũng mong muốn Úc cung cấp khí tài quân sự hiện đại, gồm xe quân sự và trực thăng.
Việc tái lập căn cứ Manus là động thái mới nhất trong nỗ lực bảo vệ lợi ích của Úc trước Trung Quốc muốn mở rộng ảnh hưởng tại Thái Bình Dương. Hàng chục năm qua, Úc luôn có tầm ảnh hưởng rộng lớn tại Thái Bình Dương, nhưng trong vài năm gần đây, Trung Quốc bắt đầu chú ý đến khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên này.
Năm 2018, Papua New Guinea từng cho biết Bắc Kinh ngỏ ý tài trợ cho dự án tái phát triển một căn cứ hải quân trên đảo Manus. Lời đề nghị này khiến Canberra cùng nhiều nước phương Tây lo ngại.
Đầu năm 2018, các quan chức Vanuatu và Trung Quốc đều phủ nhận thông tin của báo giới Úc, rằng Trung Quốc lên tiếng quan tâm việc lập một chốt quân sự thường trực ở Vanuatu.
Hồi tháng 8, Úc “phá” Trung Quốc khi quyết định tài trợ cho quân đội Fiji xây căn cứ Đá Đen ở Nadi, trong khi một đơn vị tác chiến hải quân Úc cùng lính thủy quân lục chiến Mỹ đã đến khu vực này, để biểu thị tinh thần hợp tác quân sự với các đảo quốc ở Thái Bình Dương.
Hồi tháng 10, khu trục hạm Michael Murphy của hải quân Mỹ đã thăm thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea, nhằm củng cố quan hệ với hải quân đảo quốc.
Tuyên bố tái lập căn cứ của Thủ tướng Úc diễn ra trước khi Papua New Guinea tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC 2018) trong hai ngày 17 – 18.11. Dự kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự, và có thể ông sẽ đề nghị lãnh đạo các nước trong khu vực vay tiền của Bắc Kinh, theo báo The Wall Street Journal.
Hiện Papua New Guinea đang ngày càng cần Trung Quốc giúp phát triển, vài năm qua đã vay khá nhiều tiền của Bắc Kinh để đối phó cuộc khủng hoảng ngân sách và kinh tế suy thoái. Chính phủ nước này hiện nợ Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) của Trung Quốc gần 1, 9 tỉ USD, là số tiền vay lãi suất thấp, để xây dựng cơ sở hạ tầng cùng các dự án xây dựng khác. Nhưng như vậy là Papua New Guinea mắc nợ nặng khi tham gia vào chương trình Vành đai – Con đường đầy tham vọng của Trung Quốc.
Ngày 1.11, Ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc thăm Papua New Guinea, nói Bắc Kinh tăng cường giúp các nước thuộc phía nam Thái Bình Dương hoàn toàn là thiện chí: “Chúng tôi không bao giờ can thiệp vào chuyện nội bộ các nước khác, và sự giúp đỡ của chúng tôi không bao giờ đi kèm theo các điều kiện chính trị”.
Người phát ngôn Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “Mục tiêu của Trung Quốc là giúp các đảo quốc ở Thái Bình Dương có được hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Chúng tôi hy vọng các người dân và các nước liên quan từ bỏ tinh thần Chiến tranh lạnh… và đánh giá khách quan quan hệ của Trung Quốc với các đảo quốc ở Thái Bình Dương”.
Bích Ngọc (theo Wall Street Journal)
Theo mothegioi
Trung Quốc yêu cầu Mỹ chấm dứt các hành động "lầm lỗi"
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị không ngần ngại đưa ra những tuyên bố cứng rắn trong cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo trong bối cảnh quan hệ song phương đang có nhiều tín hiệu căng thẳng.
Ngoại trưởng Mike Pompeo (trái) gặp Ngoại trưởng Vương Nghị tại Bắc Kinh hôm 8/10. (Ảnh: Reuters)
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 8/10 đã tới thăm Bắc Kinh, điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du châu Á nhằm thúc đẩy giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, và có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Hai quan chức cấp cao Mỹ - Trung đã có cuộc trao đổi với những phát ngôn cứng rắn, theo AFP.
Trong cuộc gặp tại nhà khách Điếu Ngư Đài, ông Vương Nghị nói với Ngoại trưởng Pompeo rằng Mỹ "đã tăng cường giọng điệu đe dọa về căng thẳng thương mại" sau các đợt áp thuế trả đũa lẫn nhau đối với hàng tỷ USD hàng hóa của cả Mỹ và Trung Quốc. Ngoại trưởng Trung Quốc cũng cáo buộc Mỹ thực hiện "một loạt động thái" đối với Đài Loan, cũng như "các vấn đề khác" làm tổn hại tới chủ quyền của Trung Quốc.
"Những hành động (của Mỹ) đã làm ảnh hưởng tới lòng tin chung giữa hai nước và phủ bóng lên triển vọng quan hệ Mỹ - Trung, đi ngược lại hoàn toàn với lợi ích của nhân dân hai nước. Chúng tôi yêu cầu Mỹ chấm dứt các hành động lầm lỗi như vậy", ông Vương nói, đồng thời nhấn mạnh hai nước nên theo đuổi hợp tác, "tránh rơi vào tình trạng xung đột và đối đầu".
Cuộc gặp giữa ngoại trưởng Mỹ - Trung diễn ra vài ngày sau khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuần trước đã có bài phát biểu cáo buộc Trung Quốc có hành động hung hăng về quân sự, ăn cắp thương mại và vi phạm nhân quyền. Ông Pompeo thậm chí còn nói Bắc Kinh tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới tại Mỹ.
Mỹ cũng khiến Trung Quốc nổi giận khi bán lô khí tài quân sự trị giá hàng trăm triệu USD cho Đài Loan, đồng thời ban hành quy định mới cho phép các quan chức cấp cao của Mỹ tới hòn đảo này. Phó Tổng thống Mike Pence thẳng thừng tuyên bố Trung Quốc đang cố gắng làm suy yếu quyền lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Phản hồi trước phát biểu của ông Vương Nghị, Ngoại trưởng Pompeo cho biết ông muốn tới Bắc Kinh lần này để tiến hành "các cuộc thảo luận" với phía Trung Quốc.
"Các vấn đề mà ông (Vương Nghị) vừa nêu, chúng ta có sự mâu thuẫn với nhau về cơ bản. Chúng tôi rất quan ngại về các hành động mà Trung Quốc đã thực hiện và tôi chờ đợi cơ hội được thảo luận từng vấn đề vì đây là mối quan hệ đặc biệt quan trọng", Ngoại trưởng Pompeo cho biết.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhắc lại quyết định hủy cuộc họp an ninh thường niên giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis và người đồng cấp Trung Quốc, dự kiến diễn ra trong tháng này tại Bắc Kinh. Một số nguồn tin cho rằng Trung Quốc hủy cuộc họp này do căng thẳng gần đây giữa Bắc Kinh và Washington về hàng loạt vấn đề như thương mại hay thương vụ bán vũ khí của Mỹ cho Đài Loan, hoạt động của tàu chiến Mỹ ở Biển Đông và các vùng biển lân cận.
"Tôi tiếc rằng các ông đã chọn cách không tiến hành cuộc đối thoại chiến lược giữa hai nước chúng ta", Ngoại trưởng Pompeo nói.
Đáp lại, Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố: "Cuộc đối thoại chiến lược đó không phải do Trung Quốc hủy. Tôi khẳng định lại thông tin này".
Trong thông báo được công bố sau cuộc gặp của hai ngoại trưởng, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết cả hai đã nhất trí về tầm quan trọng của "mối quan hệ mang tính xây dựng và dựa trên kết quả cụ thể". Theo thông báo, hai ngoại trưởng đã trực tiếp trao đổi về các vấn đề mà Mỹ và Trung Quốc đang bất đồng, bao gồm Biển Đông và nhân quyền.
Thành Đạt
Theo Dantri/ AFP
Ngoại trưởng Vương Nghị: Mỹ và Trung Quốc sẽ cùng thua nếu tiếp tục đối đầu Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định Bắc Kinh và Washington sẽ đều thua cuộc nếu tiếp tục đối đầu, đồng thời kêu gọi cả 2 bên không nên nhìn nhận nhau bằng "tư duy Chiến tranh Lạnh". Ngoại trưởng Vương Nghị hôm 25/9 có cuộc gặp với cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger tại New York bên lề phiên họp cấp...