Căn cứ bí mật gìn giữ thi hài Bác
Đá Chông – nơi gìn giữ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhiều năm – đến nay vẫn là một địa danh khá bí ẩn. Nhiều giai thoại cho rằng Bác Hồ đã khởi thảo Di chúc tại đây.
Nằm ở huyện Ba Vì, Hà Nội, Đá Chông (mật danh K9) có những tảng đá sắc nhọn như bàn chông đâm thẳng lên bầu trời. Nơi đây hiện vẫn lưu giữ nhiều kỷ niệm gắn với Bác Hồ từ lúc sinh thời cho đến cả sau khi Người mất.
Bí mật và an toàn tuyệt đối
Năm 1957, trong một lần thị sát diễn tập quân sự ở khu vực sông Đà (giữa tỉnh Sơn Tây cũ và tỉnh Phú Thọ), Bác Hồ đã nhận thấy thế đất thiêng “tọa sơn đạp thủy” của Đá Chông.
Ông Vũ Kỳ, thư ký của Bác Hồ, kể lại trong cuốn hồi ký Giữ yên giấc ngủ của Người rằng Bác đã giao cho ông Hoàng Linh, khi đó là Cục trưởng Cục Doanh trại, thiết kế, xây dựng một nhà sàn vững chắc, kiên cố không chỉ là căn cứ bí mật của trung ương mà còn làm nơi tổ chức các cuộc họp của Bác, nơi tiếp khách của Bộ Chính trị.
Sẽ mở rộng việc tham quan Khu Di tích Đá Chông
Theo yêu cầu của Bác, nhà sàn K9 được trang bị giản dị, phòng khách rộng rãi và tiện nghi hơn căn phòng của Bác. Đặc biệt, Bác không cho chặt bỏ những cây to, cây quý trong quá trình xây dựng. Thế nên đến tận bây giờ, Đá Chông vẫn như một cánh rừng nguyên sinh xanh mát, ẩn giấu bao câu chuyện xúc động về Người.
Đại tá Nguyễn Bá Trí – Đoàn trưởng Đoàn 285 thuộc Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, phụ trách gìn giữ và quản lý Khu Di tích Đá Chông – khẳng định từ khi Bác mất đến lúc công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn thành, Đá Chông là nơi bảo quản bí mật thi hài của Người. Mật danh K9 của Đá Chông có thời gian đổi thành K84 để bảo đảm bí mật và an toàn tuyệt đối.
Địa chỉ đỏ
Rộng cửa đón du khách Đá Chông còn được xem là nơi khởi thảo bản Di chúc Bác Hồ với tên gọi ban đầu là “Tuyệt đối bí mật” vì trong nhiều dịp sinh nhật, Bác không ở trong Phủ Chủ tịch mà lên Đá Chông nhằm tránh việc tổ chức, chúc tụng rình rang. Tháng 5/1965, vào đúng dịp sinh nhật lần thứ 75, Bác bắt đầu khởi thảo Di chúc. Trong di nguyện của mình, Bác nhắc đến việc tìm khu đồi tốt ở vùng núi Ba Vì làm nơi yên nghỉ sau khi hỏa táng.
Theo trung tá Trần Trọng Nghĩa – công tác ở Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh hơn 20 năm – ông từng nghe kể rằng có lần anh em cảnh vệ phục vụ ở Đá Chông định lên nhà sàn thật sớm chúc thọ sinh nhật lần thứ 73 của Bác nhưng Bác lại chủ động xuống thăm anh em trước. Bác hóm hỉnh nói mình vẫn chưa già và còn sức khỏe.
Video đang HOT
Đại tá Nguyễn Bá Trí cho biết Đá Chông là một địa chỉ đỏ giáo dục tư tưởng, truyền thống cho thế hệ trẻ nhưng không phải ai cũng biết đến địa danh này. Vì vậy, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xin phép nhà nước và Bộ Quốc phòng cho mở rộng việc tham quan Đá Chông. Sắp tới, kể cả người nước ngoài cũng được phép vào tham quan và khách trong nước không còn phải xin giấy phép tham quan từ Bộ Tư lệnh Lăng nữa mà có thể trực tiếp đăng ký tham quan ở Ban Quản lý khu di tích.
Theo Mạnh Duy (Người lao động)
Tuyệt chiêu bắt lươn giữa cao ốc
Không ngờ, giữa những tòa nhà cao ốc cao chót vót hàng chục tầng ngay tại Thủ đô Hà Nội, người đàn ông ấy vẫn có thể bắt được vài cân lươn mỗi sáng.
Địa điểm đặt trúm của ông Sáng là những ao chuôm giữa những tòa nhà chung cư của Hà Nội.
Chuyện về lươn hổ mang
Người đàn ông chúng tôi nhắc tới ở trên là ông Nguyễn Huy Sáng, quê ở thôn Đan Thê, xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, Hà Nội. Nghe người dân xã Sơn Đà đồn đại rất nhiều về khả năng bắt lươn của ông, nay tình cờ gặp ông ra trung tâm Thủ đô thăm con cháu kết hợp đánh lươn, chúng tôi có dịp chứng kiến ông trổ tài.
Gặp ông sống cùng con cháu trong căn nhà trọ nhỏ ngay phía sau trụ sở của Bộ Công an trên đường Phạm Văn Đồng, chúng tôi cảm nhận rất rõ tính chất phác của người đàn ông ngoại lục tuần này.
Nở một nụ cười trên gương mặt sạm đen vì sương gió, ông Sáng cho biết mình làm nghề đặt trúm lươn đã 34 năm nên mọi đặc tính của loài lươn ông đều thuộc lòng. Theo đó, thời điểm để đặt trúm lươn tốt nhất là sau Tết Trung thu (do khoảng tháng 5 là thời gian loài lươn đẻ và nuôi con nên rất gầy, phải đến trung tuần tháng 8 lươn con mới lớn và lươn mẹ mới béo, thịt thơm ngon).
Trong câu chuyện với chúng tôi, thi thoảng ông Sáng có nhắc đến loài lươn hổ mang khiến tôi chợt nhớ đến câu chuyện cổ tích "Rắn giả lươn" nói về tài xử án của ông quan Bùi Cầm Hổ dưới thời vua Lê Nhân Tông khi minh oan cho một người đàn bà vô tình ra chợ mua lươn về nấu cháo cho chồng ăn nhưng lại mua nhầm rắn khiến ông chồng lăn quay ra chết.
Ông Sáng chuẩn bị đồ nghề đi bắt lươn.
Nghe câu chuyện đó, ông Sáng cười bảo rằng mọi tình tiết trong câu chuyện đều đúng, riêng tình tiết người chồng ăn phải lươn giả rắn bị đột tử chỉ là truyện cổ tích.
Ông Sáng phản bác lại nội dung trong câu chuyện cổ tích rằng, trong 34 năm làm nghề đặt trúm ông đã bắt được không biết bao nhiêu là lươn hổ mang, cứ 10 phần lươn bắt được có tới 3 phần là lươn hổ mang. Ông khẳng định, lươn hổ mang hoàn toàn ăn được, thậm chí ăn rất ngon chứ không có chuyện ăn vào chết bất đắc kỳ tử như trong truyện, chúng chỉ khác nhau về hình dáng.
"Bình thường khi bò, lươn đều chúi đầu xuống đất, riêng lươn hổ mang lại ngóc đầu lên như rắn. Một đặc điểm khác để nhận ra lươn hổ mang là trên lưng chúng có 3 chấm vàng như hạt ngô chạy dài từ đầu đến đuôi. Lươn hổ mang chỉ ở những nơi ao, đầm tù 5-7 năm, xung quanh cỏ rậm rạp, um tùm nên mỗi khi bắt được đa phần là lươn to", ông Sáng cho hay.
Mặc dù minh oan tội "mưu sát" cho lươn hổ mang, song ông Sáng lại khẳng định đây là loài lươn rất hung dữ bởi ông đã nhiều lần bị chúng cắn và đặc biệt là lần chứng kiến loài lươn này tấn công và ăn thịt vịt con.
Chả là ngày còn đánh lươn ở quê, một hôm ông bạn hàng xóm than vãn rằng, không hiểu vì sao đàn vịt một ngày tuổi mà ông mua buổi sáng 20 con thả xuống, đến chiều chỉ còn lại 15 con. Nghi ngờ có thủ phạm ẩn mình dưới đáy ao, ông Sáng mang 4 ống trúm lươn đặt 4 góc ao và kêu ông bạn tạm thời nhốt vịt lại. Sáng hôm sau khi thu trúm, ông Sáng bắt được 4 con lươn hổ mang, mỗi con nặng trên 3 lạng.
Chiến lợi phẩm thu về.
Tưởng đã quét sạch kẻ thù của đàn vịt chíp, ông bạn hàng xóm mới lùa lũ vịt xuống ao thì bất ngờ thấy một con vịt kêu thảm thiết, chốc chốc lại bị kéo thụp xuống nước. Nhìn kỹ, ông Sáng và người hàng xóm thấy rõ một chú lươn hổ mang đang cắn chân vịt con lôi xuống nước.
Tối hôm đó, ông Sáng tiếp tục mang ống trúm sang đặt và bắt nốt chú lươn "ranh ma" còn lại. Từ sau bận đó, đàn vịt của ông hàng xóm không bị mất thêm con nào nữa. Khi đàn vịt lớn, ông bạn hàng xóm sang tận nhà tặng ông Sáng một cặp vịt thay lời cảm ơn.
Ra phố bắt lươn
Cùng với quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa nông thôn, đặc biệt là chủ trương dồn điền đổi thửa đã lấp dần và lấp hết ao chuôm tại các làng quê. Thời còn nhiều ao đầm, mỗi chiều đi đặt trúm ông Sáng bắt được 2-3 kg lươn. Nhân lên với giá khoảng 180.000 - 200.000 đồng/kg, mỗi ngày công của ông lên tới 360.000 - 600.000 đồng, nói chung là thoải mái chi tiêu hằng ngày.
Nay, khi ao chuôm ngày một bị thu hẹp, mỗi ngày đặt trúm ông Sáng bắt được vài con lươn nhỏ, chỉ đủ ăn nên ông tính chuyển địa bàn đặt trúm vì cái nghề nó đã ăn sâu vào máu, ông không thể bỏ được.
Qua gợi ý của anh con rể, ngoài trung tâm Hà Nội hiện nay có vô số khu vực bỏ hoang do quy hoạch treo nằm giữa các tòa nhà cao tầng có thể có nhiều lươn nên ông Sáng quyết định mang đồ nghề ra trung tâm Thủ đô.
Ông Sáng tâm sự, làm nghề đặt trúm lươn 34 năm qua, điều ông nhớ nhất là một lần bắt được con lươn nặng tới 1 kg và một lần khác bắt phải rắn cạp nong khiến ông sợ hãi đến tận bây giờ.
Sau khi dành nhiều ngày đi khảo sát địa hình, ông Sáng cho biết các khu vực như các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, huyện Thanh Trì có khá nhiều lươn song kích cỡ chỉ ở mức trung bình. Hơn nữa, giá lươn tại Hà Nội không hiểu sao lại thấp hơn quê khi kịch trần lái buôn mua có 150.000 đồng/kg. Từ khi ra Hà Nội đến nay, bình quân mỗi ngày ông sáng bắt được 1-2 kg lươn đem giao bán tại chợ Đồng Xa và chợ Mỹ Đình.
Theo chia sẻ của ông Sáng, việc đánh lươn tại Hà Nội có khác và khó khăn hơn ở quê rất nhiều. Trong khi ở quê dùng ống trúm bằng tre nứa, khi ra Hà Nội, ông Sáng phải dùng đến ống trúm bằng ống nhựa để dễ vận chuyển được nhiều. Nhưng khó khăn nhất với ông Sáng khi "tác nghiệp" tại Thủ đô là việc tìm chỗ để đào giun làm mồi.
Những đứa cháu của ông Sáng thích thú xem ông đổ lươn.
"Giun ở quê và ở trung tâm Hà Nội rất khác nhau. Giun ở trung tâm Hà Nội toàn giun rễ chuối rất nhỏ, ít mùi nên độ nhạy của mồi không cao như giun khoang ở quê. Chính vì thế mà ngày nào tôi cũng phải đi đào giun một lần.
Mà cái giống lươn không có giun rất khó để dụ chúng vào trúm. Dù lượng lươn đánh được không nhiều song tôi vẫn thấy rất vui vì được làm nghề mình yêu thích", ông Sáng tâm sự.
Để chứng kiến tài nghệ của ông Sáng, tôi tháo giầy, đeo ủng theo ông Sáng đi đặt trúm khi mặt trời bắt đầu xuống sau những tòa nhà cao tầng.
Ngồi trên chiếc xe đạp cũ kỹ, ông Sáng chở 30 ống trúm lươn đến điểm đã khảo sát từ hôm trước nằm sau chợ Đồng Xa (quận Bắc Từ Liêm). Vừa dọn chỗ đặt trúm, ông Sáng cho biết, Hà Nội dù có rất nhiều ao hồ, nhưng đa phần bị ô nhiễm nên ít lươn trú ngụ, chỉ những khu vực đọng nước mưa, nước tương đối sạch sẽ, nhiều cây cỏ mọc mới có lươn sinh sống.
Đặt trúm xong, 5 giờ sáng hôm sau tôi có mặt tại căn nhà trọ của con gái ông Sáng để cùng ông đi thu trúm khi người dân Hà Nội bắt đầu tập thể dục buổi sáng. Do khu vực ông Sáng đặt trúm tối qua mới hình thành được vài năm nay nên số lươn ông thu được chỉ vào khoảng 1,5 kg.
Tuy nhiên, trên đường đem chiến lợi phẩm về nhà trọ, ông Sáng vẫn vui như Tết bởi mấy đứa cháu ngoại của ông gần một tháng nay có thói quen đợi ông về mỗi buổi sáng để được xem ông đổ lươn từ trúm ra chậu và chọn cho mình một con to nhất.
THEO NÔNG NGHIỆP VN
Ra mắt cuốn sách quý "Hồ Chí Minh và 5 bảo vật quốc gia" Nhân dịp kỷ niệm một năm các di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh được tôn vinh là Bảo vật Quốc gia, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông phối hợp với Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã cho ra mắt cuốn sách "Hồ Chí Minh và 5 bảo vật Quốc gia". Cuốn sách...