Cần công bằng trong nghĩa vụ quân sự
Trong số những người đủ tiêu chuẩn, hiện chỉ khoảng 5% thực hiện nghĩa vụ quân sự hằng năm. Vậy làm thế nào để bảo đảm công bằng khi 95% số người còn lại không thực hiện nghĩa vụ quân sự?
Theo Trung tướng Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội, việc có thực hiện nghĩa vụ quân sự (NVQS) thay thế hay không mới chỉ là ý tưởng, chưa được bàn bạc và Luật NVQS vẫn chưa được xem xét sửa đổi. Tuy nhiên, ngay cả những người đang công tác trong quân đội cũng có những ý kiến khác nhau về vấn đề này.
Thực hiện nghĩa vụ quân sự là nhiệm vụ thiêng liêng của công dân trong việc bảo vệ Tổ quốc Ảnh: PHAN ANH
Cẩn thận với “nghĩa vụ thay thế”
Trung tướng Trần Văn Độ – Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương (Bộ Quốc phòng), Phó Chánh án TAND Tối cao – cho biết ông ủng hộ việc có “nghĩa vụ thay thế” đối với những người đủ tiêu chuẩn nhưng không phải thực hiện NVQS.
Trong khi đó, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ, Phó Tư lệnh Quân khu 9, lại cho rằng NVQS là nhiệm vụ thiêng liêng trong việc bảo vệ Tổ quốc. “Đã là xương máu thì không thể nói đến thay thế bằng tiền được” – Thiếu tướng Tỷ nói. Mặt khác, theo Thiếu tướng Tỷ, chiến sĩ nhập ngũ cũng phải có trình độ ngày càng cao. Đối với ngành khoa học kỹ thuật quân sự thì phải chọn người có trình độ cao. “Tôi qua Nhật Bản, thấy dù đã đậu đại học hoặc đang nghiên cứu tiến sĩ mà đến tuổi tham gia NVQS, họ vẫn phải đi lính. Đi xong rồi quay về học tập tiếp. Điều này rất đúng và cũng mang lại sự công bằng chung cho mọi thanh niên ở tuổi trưởng thành” – Thiếu tướng Tỷ dẫn chứng và cho rằng đề xuất đóng tiền thay thế nếu làm không khéo, sau này chỉ còn lại những thanh niên ở vùng sâu, vùng xa, người nghèo, trình độ không đạt tham gia NVQS. Lúc đó sẽ không đáp ứng được nhu cầu xây dựng quân đội ngày càng chính quy, hiện đại.
Trước câu hỏi làm sao bảo đảm công bằng khi mỗi năm chỉ có một số lượng nhỏ người đủ tiêu chuẩn phải nhập ngũ, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ nói việc khẳng định có tiêu cực hay không rất khó khi ở vùng nông thôn và thành thị có yêu cầu khác nhau về tiêu chí. Ông cho biết thêm ngay từ khi thảo luận về dự thảo Hiến pháp, ông đã không đồng ý với việc đưa ra “nghĩa vụ thay thế” trong thực hiện NVQS.
Tất cả đều phải có nghĩa vụ
Trung tướng Trần Đình Nhã cho rằng ở nhiều nước, người ta có thể làm công ích hay một việc gì đó để chia sẻ việc thực hiện NVQS, vì đó là mục đích chung. NVQS là nghĩa vụ thiêng liêng và phải được bảo đảm công bằng giữa các công dân với nhau. “Vấn đề là có tổ chức làm được việc này hay không?” – ông Nhã nói.
Video đang HOT
Về thắc mắc nếu đưa ra quy định như vậy thì có thể hiểu là người nghèo phải gia nhập quân ngũ, người giàu thì không, Trung tướng Nhã cho rằng: “Làm sao lại có thể như thế được. Nếu phải đi lính nhưng tôi không đi và ủng hộ tiền thay thế thì có được chấp nhận không? Chúng ta xây dựng quân đội dựa trên NVQS. Vậy phải hiểu NVQS nó là cái gì? Hơn nữa, đừng đánh đồng việc thực hiện NVQS với việc tổng động viên khi đất nước có chiến tranh. Lúc đó, chẳng phân biệt tuổi tác gì, ai cũng phải đi, không đi bị siết quân luật ngay”.
Trung tướng Nhã cho rằng những nhà làm luật sẽ phải suy nghĩ rất nhiều để thực hiện việc thay thế nhưng vẫn bảo đảm công bằng. “Chưa nói đến công bằng xương máu, tôi chỉ đề cập làm thế nào để bảo đảm công bằng giữa gia đình có người đi bộ đội và gia đình không phải tham gia NVQS” – ông Nhã phân tích.
“Đúng là xương máu thì không thể đổi thành tiền được. Tuy nhiên, làm thế nào để tạo ra sự công bằng cho những người không phải bỏ xương máu với những người phải bỏ xương máu trong khi nghĩa vụ là nghĩa vụ chung? Mỗi năm, có khoảng 1 triệu thanh niên đến tuổi phải thực hiện NVQS nhưng quân đội chỉ lấy có mấy vạn người. Vậy số người còn lại, người ta nghĩ thế nào? Sự công bằng ở đâu?” – ông Nhã đặt câu hỏi.
Đồng tình với ông Nhã, Trung tướng Trần Văn Độ cho rằng: “Hiện nay, trong những người đủ tiêu chuẩn, chỉ khoảng 5% thực hiện NVQS, 95% còn lại thì không làm gì? Không đi NVQS được, Tổ quốc chưa cần thì anh phải có nghĩa vụ thay thế ở phía sau. Tuy nhiên, nghĩa vụ đầu tiên phải là nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Hai cái đều là nghĩa vụ chứ không nên đặt vấn đề công dân có quyền lựa chọn 1 trong 2 nghĩa vụ, mà trước hết phải là nghĩa vụ quân sự, xây dựng quân đội chính quy trong thời hiện đại. Để bảo đảm công bằng thì anh phải thực hiện “nghĩa vụ thay thế” khác. Hoặc lao động công ích hoặc có thể đóng góp bằng tiền để xây dựng, đầu tư nền quốc phòng”.
Theo Trung tướng Độ, ở thời điểm này, không bao giờ có chuyện đến độ tuổi là phải đi NVQS hết. “Đừng có đặt vấn đề lựa chọn, anh nộp tiền thì không phải đi. Như thế là hiểu chưa đúng, bởi sẽ có những quy định ràng buộc theo. Một số nước như Hàn Quốc, Nga vẫn đang thực hiện nghĩa vụ thay thế. Ngày xưa chiến tranh, chúng ta có dân quân hỏa tuyến, có thanh niên xung phong… thì bây giờ cũng thế, mục đích chính là góp phần bảo vệ Tổ quốc” – ông Độ nói.
Đề nghị không đưa “nghĩa vụ thay thế” vào Hiến pháp Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết nhiều ý kiến đề nghị trong Hiến pháp chỉ quy định về NVQS mà không nên quy định về nghĩa vụ thay thế NVQS. Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp tán thành với ý kiến này và nhận thấy việc quy định về “nghĩa vụ thay thế” NVQS là yêu cầu thực tiễn nhưng Hiến pháp chỉ nên quy định về NVQS là nghĩa vụ cơ bản, thiêng liêng của mỗi công dân. Việc thực hiện nghĩa vụ thay thế NVQS là nội dung mới, sẽ được xem xét, nghiên cứu khi sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về NVQS. Do đó, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề nghị không quy định “nghĩa vụ thay thế” NVQS trong Hiến pháp.
Đa dạng luật nghia vu quân sư các nước Trên thế giới, chế độ NVQS thường tồn tại dưới 2 hình thức: bắt buộc và không bắt buộc. Argentina đã đình chỉ chế độ NVQS từ năm 1995 và thay thế bằng NVQS tình nguyện. Tuy nhiên, nước này không hủy bỏ luật NVQS và nó có thể được khôi phục khi xảy ra chiến tranh, khủng hoảng hay tình trạng khẩn cấp toàn quốc. Bỉ cũng đã đình chỉ việc thi hành NVQS từ năm 1995, các lực lượng vũ trang Bỉ chỉ bao gồm những người tình nguyện chuyên nghiệp. Úc hiện không thực hiện chế độ NVQS bởi chính phủ nước này đã hủy bỏ tất cả mọi hình thức NVQS vào năm 1972. Bulgaria cũng đã hủy bỏ NVQS bắt buộc và người lính NVQS cuối cùng đã giải ngũ ngày 25-11-2007. Pháp đình chỉ chế độ NVQS thời bình vào năm 1996, trong khi những người sinh trước năm 1979 phải hoàn thành NVQS. Theo Wikipedia, chính phủ Đức đã bỏ phiếu đình chỉ NVQS phổ quát với mục đích thành lập quân đội chuyên nghiệp trước ngày 1-7-2011; người lính NVQS cuối cùng đã nhập ngũ ngày 1-1-2011. Trong khi đó, việc thi hành NVQS có khác biệt ở các nước bắt buộc NVQS. Ở Cyprus, nam giới trong độ tuổi 18-50 phải thi hành NVQS bắt buộc trong 24 tháng. Những người từ chối nhập ngũ có thể tham gia các lực lượng không vũ trang trong 33 tháng hoặc làm công việc cộng đồng trong 38 tháng. Ở Đan Mạch, những người không thi hành NVQS có thể phục vụ 6 tháng ở một vị trí phi quân sự, như đối phó với hỏa hoạn, lụt lội, ô nhiễm… hoặc công tác cứu trợ ở một nước thuộc thế giới thứ ba. Thời gian thi hành NVQS của nam giới Hy Lạp trong bộ binh là 9 tháng, hải quân và không quân là 12 tháng; thời gian thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với những người từ chối thi hành NVQS là 15 tháng. Israel áp dụng luật NVQS với nam là 3 năm, nữ 2 năm. Tuy nhiên, thay vì gia nhập quân ngũ, phụ nữ Israel có thể làm một công việc phục vụ hoặc tình nguyện trong 2-3 năm. Nam giới Thụy Sĩ có thể chọn phục vụ cộng đồng 390 ngày thay vì thi hành NVQS. Ở Hàn Quốc, người từ chối thi hành NVQS sẽ bị tù; chỉ người tàn tật hoặc tâm thần không ổn định mới được miễn thi hành NVQS. Liên bang Nga bắt buộc nam giới thi hành NVQS trong 12 tháng. Sinh viên đại học được miễn NVQS nhưng họ có thể được gọi nhập ngũ sau khi tốt nghiệp hoặc bỏ học nửa chừng. Người tiếp tục học sau đại học không phải nhập ngũ. Những người có hơn 2 con cũng được miễn thi hành NVQS.
Theo Khampha
"Xương máu thì không thể thay thế bằng tiền được!"
Thi hành nghĩa vụ quân sự là lợi ích quốc gia, là xương máu, là danh dự, là thiêng liêng và mọi thanh niên phải tham gia là đúng.
Ông Nguyễn Xuân Tỷ trả lời báo chí sáng 25/11
Bên hành lang Quốc hội sáng 25/11, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ, Phó tư lệnh Quân Khu 9 đã trao đổi với báo chí xung quanh việc có ý kiến đề xuất khi sửa Luật Nghĩa vụ quân sự tới đây nên có quy định các hình thức nghĩa vụ quân sự thay thế, chẳng hạn như cho phép đóng tiền khi đủ tiêu chuẩn để không phải đi nghĩa vụ quân sự.
-Thưa thiếu tướng, bản thân ông nghĩ sao về ý kiến cho rằng có thể dùng tiền để thay thế nghĩa vụ quân sự?
Thi hành nghĩa vụ quân sự là một trong những nghĩa vụ rất quan trọng của thanh niên, nhất là trong tham gia bảo vệ tổ quốc trong thời bình hay thời chiến.
Đó là lợi ích quốc gia, là xương máu, là danh dự, là thiêng liêng và mọi thanh niên phải tham gia là đúng. Mà nếu là xương máu thì không thể thay thế bằng tiền được.
Hiện nay, để nâng cao chất lượng quân đội phải chọn những người có trình độ, kể cả với chiến sĩ mới nhập ngũ. Tôi đi qua Nhật Bản thì thấy bên đó, nếu thanh niên đã đậu đại học, thậm chí đang nghiên cứu tiến sĩ mà đến tuổi gọi tham gia nghĩa vụ quân sự là phải đi, đi xong rồi quay về học tiếp.
Đó là điều rất đúng, đem lại công bằng chung cho tất cả mọi thanh niên ở tuổi trưởng thành. Nếu không khéo sau này chỉ toàn những người ở vùng sâu vùng xa, người nghèo trình độ không đạt mới đi nghĩa vụ quân sự. Như vậy sẽ không đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng quân đội.
Cái này phải khẳng định rất rõ là quân đội phải càng ngày càng phát triển, càng tinh gọn thì từ người lính cho đến người phục vụ chuyên môn phải có trình độ nhất định để đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội chính quy.
Nếu khoa học kỹ thuật ngày càng cao, trang bị càng hiện đại mà trình độ cán bộ chiến sĩ không cao thì dứt khoát việc sử dụng các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật sẽ hạn chế. Vì vũ khí hiện đại cỡ nào cũng do con người quyết định.
-Theo thống kê, mỗi năm có hàng triệu thanh niên đủ điều kiện nhập ngũ nhưng số thực sự nhập ngũ lại ít hơn rất nhiều. Theo ông, làm thế nào để đảm bảo công bằng giữa người đi và người đủ tiêu chuẩn nhưng không phải đi?
Luật đã quy định nhập ngũ ở nông thôn hoặc vùng khó khăn thì trình độ cỡ nào, ở thành phố thì trình độ cỡ nào, cứ thứ tự đó mà tuyển. Còn nếu tuyển đủ rồi thì lọt ra những đối tượng ưu tiên cho học đại học, cao đẳng xong rồi mới thi hành nghĩa vụ quân sự.
Người ta làm vậy là đúng luật chứ không sai, nói tiêu cực thì cũng khó đánh giá. Nhưng thực tế có cái ngược: đáng lẽ ra để đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội thì ưu tiên chọn những người đủ trình độ, trẻ, khỏe mới đúng.
-Nếu Luật nghĩa vụ quân sự khi sửa đổi sắp tới ghi nhận các "nghĩa vụ thay thế" thì liệu có làm thương mại hóa và làm mất tính thiêng liêng trong bảo vệ Tổ quốc?
Tính thương mại cũng không lọai trừ. Tôi đã tham gia chiến đấu và trực tiếp chỉ huy quân rất nhiều và biết quân đội rất cần những người có trình độ. Nhưng có thời gian người ta đi thay rất nhiều. Em đi thay anh, anh đi thay em. Có những đồng chí hy sinh mang tên anh, nhưng mà người anh còn sống.
Chuyện này gây rất nhiều bối rối, rất khó. Tôi cho rằng bảo vệ tổ quốc là thiêng liêng và không thể thay thế bằng các hình thức khác.
Nếu quy định cho đóng tiền thì tôi thấy không công bằng. Tôi rất băn khoăn cái này. Tôi không bao giờ nhất trí chuyện đóng tiền để thay thế nghĩa vụ quân sự. Người ta giàu có tiền tỷ thì người ta sẵn sàng bỏ tiền thuê người đi thay để con người ta ở nhà. Họ không muốn cực khổ chứ đừng nói chi đến chết chóc
Xây dựng quân đội trong thời bình cũng có những rủi ro nhất định: Trong huấn luyện, trong tham gia phòng chống lụt bảo, thiên tai đều có thể có hy sinh.
Bất cứ lực lượng nào trong quân đội cũng phải huấn luyện với chương trình nghiêm túc. Có nghiêm túc, có gian khổ thì mới sử dụng vũ khí thành thạo và khi có chiến tranh thì mới đánh được. Ý thức bảo vệ tổ quốc của mỗi người phải như nhau- đó mới là công bằng.
-Xin cảm ơn ông!
Theo Xahoi
"Đã là xương máu thì không thể thay thế bằng tiền!" "Nghĩa vụ quân sự là nhiệm vụ rất quan trọng, thiêng liêng trong việc bảo vệ tổ quốc cả thời bình và thời chiến. Đã là xương máu thì không thể thay thế bằng tiền và cũng không nên "thương mại hóa" nghĩa vụ quân sự", ĐBQH - Thiếu tướng Nguyễn Xuân nói. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Bỏ quy...