Cần có Hội đồng Bảo hiến và Hội đồng Tư pháp
Ghi nhận các ý kiến góp ý hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) 1992, Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu góc nhìn của bà Lê Thị Thu Ba, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.
Từ HP 1946 đến nay – trừ giai đoạn HP 1980 ảnh hưởng nhiều từ mô hình nhà nước Xô viết – trong tổ chức bộ máy Nhà nước ta luôn có thiết chế Chủ tịch nước (CTN). Nay Dự thảo sửa đổi HP 1992 cũng vậy, duy trì một chương về CTN, xác định “CTN là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước CHXHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại”.
Dự thảo cũng tiếp tục quy định rõ hơn thẩm quyền của CTN ở vị trí gắn kết ba quyền hành pháp, lập pháp, tư pháp. Chẳng hạn, CTN có thẩm quyền công bố luật, pháp lệnh, dự họp Ủy ban Thường vụ QH – gắn với lập pháp đề nghị QH bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Thủ tướng, dự họp Chính phủ (CP) – gắn với hành pháp đề nghị QH bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm chánh án TAND Tối cao, căn cứ vào nghị quyết QH mà bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thẩm phán TAND Tối cao…
Vấn đề cần bàn thêm là CTN tham gia thế nào để đáp ứng yêu cầu về kiểm soát quyền lực nhà nước – nội dung rất mới được đưa vào dự thảo sửa đổi HP lần này.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu chỉ đạo trong phiên họp lần thứ 9 Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương ngày 24-1-2013 Ảnh: TTXVN
Bảo hiến – xin đừng né tránh!
Góp ý vào nội dung này, xin bắt đầu từ Hội đồng HP. Về bản chất, đây là thiết chế được sinh ra để bảo vệ HP. Vậy thì đừng né tránh, mà hãy gọi đúng tên của nó: Hội đồng Bảo hiến – tên gọi mà nhiều nước khác đang sử dụng.
Nếu gọi đúng tên như thế, các quyền kiểm tra tính hợp hiến, kiến nghị QH xem xét lại các luật bị phát hiện vi hiến, yêu cầu CP, Thủ tướng, TAND Tối cao, VKSND Tối cao… sửa đổi văn bản vi hiến – được nêu trong dự thảo – là chưa đủ. Thẩm quyền hẹp như vậy chưa đáp ứng được yêu cầu mà Đại hội X đề ra là “xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm HP trong hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
Theo đúng định hướng ấy, dự thảo cần phải thiết kế lại để Hội đồng Bảo hiến có vị trí độc lập (tương tự như thiết chế kiểm toán Nhà nước trong dự thảo) và có thẩm quyền đầy đủ trong tiền kiểm (chẳng hạn, quyền phát biểu với QH trước khi thông qua luật, nghị quyết), hậu kiểm (kiểm tra tính hợp hiến của những văn bản pháp luật đã ban hành mà bị phản ánh, khiếu nại là vi hiến) và phán quyết về cả hành vi bị khiếu nại là vi hiến. Để thực hiện các nhiệm vụ ấy, Hội đồng Bảo hiến cũng phải được trao quyền để trở thành thiết chế chuyên nghiệp về giải thích HP, thay vì lâu nay giao cho Ủy ban Thường vụ QH mà chưa thấy bao giờ vận hành. Như thế sẽ giúp cho HP trở nên có sức sống, không để các quy phạm HP bị “treo” như một số nhận xét lâu nay.
Thiết kế Hội đồng Bảo hiến với thẩm quyền phản ánh đúng tên gọi của nó chính là tạo ra một cơ chế hữu hiệu để kiểm soát quyền lực nhà nước, hỗ trợ các cơ chế khác vẫn đang tồn tại.
Với các chức năng, nhiệm vụ ấy, HP nên mạnh dạn giao CTN làm chủ tịch Hội đồng Bảo hiến, bên cạnh là các phó chủ tịch, các thành viên do QH bầu – gồm đại diện từ CP, QH, TAND Tối cao, VKSND Tối cao… và cả chuyên gia đầu ngành, có uy tín thuộc các lĩnh vực KT-XH và pháp lý. Quy định như vậy là phù hợp với vị trí gắn kết quyền lực của CTN.
Quy định vị thế độc lập, thẩm quyền đầy đủ như vậy cho Hội đồng Bảo hiến, với CTN là người đứng đầu không hề mâu thuẫn với vị trí của QH – được giữ nguyên như HP 1992 – là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Bởi dù là “cao nhất” thì QH cũng như các cơ quan nhà nước khác đều phải chịu sự kiểm soát quyền lực. Hơn nữa, một cơ quan bảo hiến hiệu quả cũng chính là để QH thực hiện tốt hơn trách nhiệm cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của mình.
Cần có Hội đồng Tư pháp quốc gia
Video đang HOT
Cũng liên quan đến phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực, để tòa án thực sự là cơ quan thực hiện quyền tư pháp với đầy đủ quyền năng độc lập của nó thì cần tính đến việc hình thành một Hội đồng Tư pháp quốc gia, do CTN đứng đầu.
Hệ thống tòa án lâu nay đang có sự lẫn lộn giữa quan hệ tố tụng – vốn đề cao tính độc lập, với quan hệ hành chính – bản chất là mệnh lệnh, trên dưới. Xét xử là hoạt động chủ yếu, trọng tâm nhất và cũng là chức năng cơ bản nhất của tòa án, đang được yêu cầu cải cách để tăng cường tính độc lập của thẩm phán (được khẳng định và nhấn mạnh hơn trong dự thảo sửa đổi HP). Nhưng sự độc lập của thẩm phán hoàn toàn có thể bị ảnh hưởng khi mà thẩm phán chịu sự quản lý về hành chính của chánh án trong bổ nhiệm, kỷ luật, khen thưởng, nâng bậc lương. Sự độc lập của tòa huyện, tòa tỉnh bị hạn chế khi mà họ là cấp dưới trong quan hệ hành chính với tòa cấp trên.
Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị đặt ra nhiều yêu cầu cải cách tư pháp. Mục đích là tăng tính độc lập của thẩm phán, không chỉ với cơ quan hành chính cùng cấp, mà cần được hiểu đầy đủ là độc lập ngay trong nội bộ tòa án. Thẩm phán độc lập, chỉ tuân theo pháp luật là độc lập với ngay cả các thành viên trong HĐXX, ngay trong tòa án với chánh tòa và với cả tòa phúc thẩm, tòa tối cao.
Thiết lập Hội đồng Tư pháp quốc gia, có bộ máy giúp việc chuyên trách chính là tách phần hành chính ra khỏi tổ chức, hoạt động của tòa án. Hội đồng sẽ đánh giá năng lực, trình độ, tư cách đạo đức khen thưởng, kỷ luật thi tuyển, sát hạch thẩm phán tham mưu với CTN về các chủ trương, chính sách trong lĩnh vực tư pháp… Một thiết chế như vậy vừa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, vừa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của CTN khi gắn kết với nhánh quyền tư pháp.
Hội nghị Trung ương 2 và Hội nghị Trung ương 5 khóa XI khi bàn về định hướng sửa đổi HP đã đặt ra yêu cầu nghiên cứu làm rõ hơn vị trí, trách nhiệm, quyền hạn của CTN. Các kiến nghị nêu trên góp phần giải quyết yêu cầu đó, góp phần để chế định CTN vận hành hiệu quả hơn.
Theo Dantri
Giải mật cuộc đối đầu tàu ngầm Xô - Mỹ ở Biển Đông (kỳ I)
Mùa hè năm 1972, tàu ngầm Guardfish (SSN-612) đang triển khai ở biển Nhật Bản khi mà các sự kiện trên thế giới đã đẩy vị thuyền trưởng, trung tá hải quân David C.Minton III và thủy thủ đoàn của ông tham gia vào một cuộc phiêu lưu để đời.
Tiền Phong giới thiệu câu chuyện về cuộc chạm trán hải quân giữa tàu ngầm hai cường quốc Liên Xô và Mỹ ở Biển Đông trong cuộc chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam, qua lăng kính người Mỹ.
Từ trên xuống dưới, nhìn qua kính tiềm vọng: Máy bay ném bom chiến lược tầm xa của Liên Xô Tu-16, Tu-95 và tàu ngầm Charlie.
Ngày 9 tháng 5, cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã nóng lại khi cuộc đàm phán hòa bình tai Paris đổ vỡ, và các lực lượng của Mỹ đã bắt đầu thả thủy lôi phong tỏa cảng Hải Phòng và các cảng quan trọng khác của miền Bắc Việt Nam. Mục đích cuộc phong tỏa nhằm ngăn chặn quân đội Bắc Việt Nam mà cuộc tiến công của họ đang được tiếp tế bằng đường biển bởi các đồng minh. Tàu Guardfish đã nhận được điện tín thông báo về khả năng sẽ có sự đáp trả bằng hải quân từ phía những người Xô Viết.
Tình hình thế giới rất căng thẳng. Không ai biết Liên bang Xô Viết sẽ phản ứng thế nào trước cuộc phong tỏa thủy lôi này. Tàu ngầm Guardfish đang ở độ sâu kính tiềm vọng tại một vị trí gần căn cứ hải quân lớn nhất của người Xô Viết tại Thái Bình Dương. Vào chiều tối ngày 10 tháng 5, một mục tiêu tiếp xúc bề mặt bị phát hiện ở ngoài kênh và nó đang di chuyển với tốc độ cao cắt ngang các đường giới hạn thông thường của kênh thủy đạo và hướng thẳng về phía tàu ngầm Guardfish đang chờ đợi. Khi tiếp xúc lại gần hơn nữa trong bóng tối đang sẫm lại, chúng tôi đã xác định được một cách trực quan đó là một tàu ngầm tên lửa Xô viết lớp Echo-2.
Tàu ngầm đó có lượng giãn nước 5.000 tấn, được cấp nguồn năng lượng từ lò phản ứng hạt nhân, mang theo 8 tên lửa Shaddock diện-diện (surface-to-surface missiles) có thể bắn trúng các mục tiêu ở khoảng cách lên đến 200 dặm. Guardfish bám theo nó. Chẳng mấy chốc Echo-2 lặn sâu xuống nước tiến theo hướng Đông-Nam với vận tốc lớn. Đó phải chăng là cuộc xuất kích đáp trả sự phong tỏa Hải Phòng bằng thủy lôi?
Trong hai ngày sau, tàu ngầm Liên Xô thường xuyên giảm tốc độ dành nhiều thời gian lặn ở độ sâu kính tiềm vọng, có thể để nhận các mệnh lệnh chi tiết từ tư lệnh hải quân chỉ huy nó. Trong khi lắng nghe Echo, Guardfish cũng bơi chậm lại, điều đó mở rộng đáng kể phạm vi phát hiện của sonar trên tàu. Trước sự ngạc nhiên của thủy thủ đoàn và sự báo động, có lẽ họ đã phát hiện ít nhất hai và có thể là ba chiếc tàu ngầm Liên Xô trong khu vực. Một tàu ngầm đã rất khó theo dõi, đeo bám ba hoặc bốn tàu ngầm là điều không thể! Vì vậy họ tập trung mọi nỗ lực duy trì tiếp xúc với Echo II mà họ đã xác định được bằng trực quan.
Tàu ngầm tuần dương chiến lược mang tên lửa đạn đạo Delta qua kính tiềm vọng.
Khi Echo II tiếp tục di chuyển tới lối ra phía nam của Biển Nhật Bản, thuyền trưởng phải thực hiện hai quyết định quan trọng. Thứ nhất, việc triển khai của ba, cũng có thể là bốn tàu ngầm Liên Xô có đáng để phá vỡ sự im lặng vô tuyến điện hay không? Ưu tiên số một trong tất cả các chiến dịch giám sát tàu ngầm là phải cung cấp được sự cảnh báo sớm về một cuộc triển khai bất thường của các tàu hải quân Liên Xô. Đây là loại báo cáo, gọi là báo cáo khẩn, chưa bao giờ được gửi đi trước đây.
Thuyền trưởng xác định rằng bây giờ là lúc cho Guardfish phá vỡ sự im lặng đó và ông đã thông báo cho chỉ huy chiến dịch biết tình hình tại chỗ. Thứ hai, Guardfish nên từ bỏ nhiệm vụ giám sát của mình trong Biển Nhật Bản để tiếp tục bám theo chiếc tàu ngầm Liên Xô? Lệnh hoạt động về trường hợp này vẫn im lặng chưa thấy tới, nhưng thuyền trưởng có cảm giác rằng người chỉ huy chiến dịch của họ muốn biết nơi người Xô viết sẽ đến. Bởi vì ông không thừa thãi thời gian để chờ đợi mệnh lệnh nên ông viện dẫn một tín điều bí mật của các chỉ huy tàu ngầm, "Không có can đảm, sẽ không có dải băng anh hùng". Và thế là họ theo đường của họ!
Theo dõi là một nhiệm vụ phức tạp. Đối với một chiếc tàu ngầm để không bị phát hiện thì vị trí tiếp xúc, và đương nhiên, cả tốc độ của nó cũng phải được xác định bằng cách sử dụng các phương vị sonar thụ động. Dải thụ động đòi hỏi Guardfish cần liên tục cơ động để tạo ra phương vị thay đổi so với đối tượng tiếp xúc. Quá gần bạn có thể bị phát hiện, quá xa tiếp xúc có thể bị mất. Những thao tác cơ động này thường được tiến hành trong khu vực lạc hướng của đối tượng tiếp xúc, điểm mù phía đuôi tàu.
Tàu ngầm Echo II hàng giờ đảo hướng để xóa khu vực lạc hướng này (baffle area). Đôi khi đó là cú ngoặt rất thụ động đến 90 độ để sonar của con tàu có thể lắng nghe mọi điều đằng sau nó và vào các thời điểm khác, con tàu lại chủ động quay 180 độ và phóng thật nhanh trở lại theo hướng cũ về phía Guardfish. Thao tác cơ động này rất nguy hiểm tạo ra khả năng một vụ va chạm thực sự. Ít nhất nó sẽ tạo ra cơ hội phát hiện sự hiện diện của Guardfish khi khoảng cách giữa 2 tàu ngầm gần lại. Khi Echo thực hiện thao tác cơ động xóa vùng mù thủy âm, Guardfish cố gắng dự đoán Echo-II sẽ quay hướng nào, nhằm bám theo một cách vô hình tàu ngầm Xô Viết từ phía đối diện. Ngoài ra, Guardfish còn phải ngay lập tức giảm tốc độ sao cho im lặng đến mức có thể và dành nhiều thời gian và tăng khoảng cách hơn nữa cho đến khi Echo II quay trở lại hướng di chuyển trước đây của nó.
Chiến hạm đầy uy lực Sovremenny của Liên Xô.
Ở Washington người ta cần có các báo cáo tình hình thường xuyên để đánh giá mối đe dọa và ý đồ của các lực lượng Xô Viết. Tổng thống Nixon và Cố vấn An ninh Quốc gia của ông hàng ngày được giới thiệu các phúc trình tóm tắt. Do việc truyền sóng radio tần số cao công suất lớn từ Guardfish là đối tượng để phát hiện và định vị bởi mạng lưới chặn bắt sóng điện từ của Liên Xô, một phương pháp liên lạc thay thế đã được thiết lập.
Máy bay chống ngầm P-3 của Hải quân đã bay những phi vụ bí mật trên các vị trí dự đoán có Guardfish và nhận được các báo cáo tình hình thông qua các bản tin ngắn phát trên tần số siêu cao hoặc trực tiếp từ Guardfish ở độ sâu kính tiềm vọng hoặc thông qua các phao phát tín theo khe thời gian, các bộ truyền phát tiêu hao nguồn nhỏ có thể lập trình với một bản tin ngắn và phóng ra từ bộ ejector tín hiệu (signal ejector) trong khi Guardfish vẫn đang ở độ sâu theo dõi.
Figure 33.-Submarine Signal Ejector.
Trong gian đoạn theo dõi này, bất kỳ tàu ngầm nào đang ở trên Thái Bình Dương đều được triển khai khẩn trương nhằm đảm bảo an toàn cho các tàu sân bay đang hoạt động ngoài khơi duyên hải Việt Nam, cũng như để dò tìm các tàu ngầm Xô viết. Sự triển khai này tạo thành một vấn đề nhiễu loạn qua lại, đối với bản thân tàu ngầm Guardfish, cũng như đối với bộ tham mưu chiến dịch hoạt động tàu ngầm này.
Guardfish được trao nhiệm vụ đến bất cứ nơi nào mà tàu ngầm Echo Xô Viết đi tới và bộ tham mưu phải tái bố trí sự triển khai các tàu ngầm thường xuyên để đảm bảo rằng nhiều tàu ngầm Mỹ êm hơn sẽ không gây nguy hiểm cho nhau hoặc cho bản thân Guardfish.
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Echo-II.
Tuần dương hạm hạng nặng chở máy bay Kiev.
Một lần khi đang ở trong biển Philippines Echo II quay về phía tây nam tiến theo hướng đến Bashi Channel, một eo biển giữa Đài Loan và các đảo nhỏ phía bắc đảo Luzon quần đảo Philippines. Bashi Channel thường được dùng như thủy đạo bắc vào Biển Đông và thuyền trưởng phải chắc chắn rằng đó là mục tiêu của Echo II, nhưng dấu vết của họ lại tiếp tục dẫn về phía nam so với hướng bình thường. Sau đó, Echo II đi chậm lại và chuyển lên chiều sâu kính tiềm vọng rồi tiếp tục chủ động đi rất nhanh dựa trên máy dò sâu của mình có thang đo ngắn không phù hợp với độ sâu của nước ở khu vực này. Tàu ngầm đã mất dấu!
Trong khi ở độ sâu kính tiềm vọng, con tàu Xô Viết chắc đã phải thu nhận được một sự chỉnh sửa tốt bởi vì Echo II đã lặn xuống sâu, hướng về Bashi Channel, tăng tốc độ lên 16 hải lý. Sau khi báo cáo về sự điều chỉnh hướng nhanh chóng này qua các phao phát tín hiệu, Guardfish tăng tốc phóng theo tàu Xô Viết, biết rằng việc tái định vị các tàu ngầm Mỹ sẽ gần như là không thể nếu dựa trên bản tin ngắn này. Như là một biện pháp phòng ngừa chống va chạm với một tàu ngầm Mỹ, thuyền trưởng thay đổi độ sâu đến 100 mét, độ sâu thường được sử dụng bởi các tàu ngầm Liên Xô và đó là độ sâu mà các tàu ngầm Hoa Kỳ thường tránh. Mối lo sợ của ông đã được chứng minh khi Guardfish phát hiện một tàu ngầm của Mỹ đang tiến xa về phía bắc với tốc độ rất cao.
Ngày 18 Tháng 5 Echo II đi vào Biển Đông và chuyển đến một điểm ngoài khơi cách bờ biển đảo Luzon khoảng 300 dặm. Trong tám ngày, nó thiết lập lưới cơ động chậm rãi tạo nên một khu vực tuần tra hình chữ nhật cách xa khoảng 700 dặm tới tuyến mà các tàu sân bay của chúng ta đang di chuyển dọc theo bờ biển Việt Nam và vượt xa ngoài phạm vi xạ kích tên lửa 200 dặm của nó.
Trong khi nhóm theo dõi phải vật lộn để duy trì tiếp xúc với Echo II, các sự kiện trên thế giới đang chuyển sang xu hướng hòa bình hơn. Sau các cuộc đàm phán lâu dài, Tổng thống Nixon đã đến Moskva tham dự hội nghị thượng đỉnh lịch sử của mình với Tổng Bí thư Brezhnev của Liên Xô. Trong thời gian hội nghị thượng đỉnh, ngày 24 tháng 5, Cố vấn An ninh quốc gia Kissinger thông báo cho ông Brezhnev rằng Hoa Kỳ đã biết việc Liên Xô triển khai các tàu ngầm và sự hiện diện của họ quá gần khu vực chiến tranh Việt Nam là một hành động khiêu khích và cực kỳ nguy hiểm. Trong hai ngày kể từ cuộc đối chất này, người Liên Xô nhắm mắt làm ngơ và tàu ngầm Echo bắt đầu hướng về phía bắc.
Sau khi vượt qua Bashi Channel tàu ngầm Echo thiết lập một khu vực tuần tra thứ hai trong biển Philippines về phía nam đảo Okinawa. Khu vực này của đại dương có những đặc tính về thủy âm tồi nhất đến mức có thể. Nó thường bị đan chéo bởi các giao thông thương mại dày đặc và vào ban đêm tiếng ồn sinh học và các cơn mưa thường xuyên làm nhiễu loạn sonar. Duy trì tiếp xúc trở nên khó khăn hơn so với trước đây, làm cho Guardfish cần phải bám đuổi ở những khoảng cách gần hơn và gần hơn nữa.
Một thủ tục dài nhằm chuyển sự theo dõi cho một tàu ngầm khác của Mỹ, vừa được phát triển bởi bộ tham mưu, được phát trên mạng truyền tin rộng rãi. Trong khi Guardfish đang ở độ sâu kính tiềm vọng sao chép tin nhắn khẩn cấp này, tàu ngầm Echo II đã bất ngờ nổi lên độ sâu kính tiềm vọng và phát hiện trực quan được Guardfish. Các thao tác cơ động tiếp theo của cả Guardfish và Echo II diễn ra rất mãnh liệt và ở tốc độ cao. Việc cố giữ tiếp xúc cảnh báo được chứng minh là không thể và tiếp xúc với Echo II đã bị mất.
Victor-II.
Khi Guardfish trở về Guam vào ngày 10 tháng 6, thủy thủ đoàn đã bơi ngầm 123 ngày với chỉ 8 ngày ngừng đi biển để sửa chữa. Họ đã thực hiện hai hoạt động có yêu cầu đặc biệt bao gồm cuộc theo dõi 28 ngày tàu ngầm Xô viết Echo II trong những điều kiện cực kỳ căng thẳng, nhưng tinh thần của Guardfish cực kỳ cao. Các sĩ quan và thủy thủ đoàn tự hào rất chính đáng về những gì họ đã hoàn thành.
Chi tiết cuộc chạm trán, truy đuổi hết sức căng thẳng, gay cấn giữa lực lượng tàu ngầm chiến lược Xô - Mỹ ở Biển Đông nhìn nhận thế nào bởi chỉ huy hai phía Liên Xô và Mỹ sẽ được đăng tải trong các kỳ tiếp theo.
(còn tiếp)
Theo Dantri
"Bão lửa" Kachiusa Việt Nam và các loại pháo phản lực Hệ thống pháo phản lực đã trở nên nổi tiếng trong chiến tranh thế giới thứ 2. Dàn pháo phản lực với sức hủy diệt khủng khiếp khiến quân Đức khiếp sợ được những người lính Xô Viết đặt một cái tên khá trìu mến Kachiusa cũng có mặt trong quân đội Việt Nam. Kachiusa BM-13 đã thật sự trở thành loại pháo...