Cần chế tài mạnh, xử lý nghiêm
Tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang diễn biến phức tạp, gia tăng.
Vấn nạn này không chỉ đe dọa sự phát triển minh bạch của thị trường mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, đe dọa sức khỏe người dân. Điều đáng nói là dù các lực lượng chức năng đã có nhiều nỗ lực phòng chống nhưng còn chưa đủ để đẩy lùi các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Phát hiện nhiều, xử lý nhẹ
Sự kiện Công ty TNHH URC Hà Nội có hành vi bán 2 lô sản phẩm trà xanh hương chanh và nước tăng lực hiệu hương dâu Rồng đỏ có hàm lượng chì cao hơn mức công bố bị xử phạt vi phạm hành chính với mức hơn 5,8 tỷ đồng gần đây được dư luận đặc biệt quan tâm. Có ý kiến cho rằng mức phạt như vậy là khá “mạnh tay”, song cũng không ít ý kiến cho rằng hành vi bán hàng gây nguy hại sức khỏe cho người tiêu dùng mà chỉ xử phạt như vậy là còn nhẹ, đáng lý ra phải xử lý hình sự…
Video đang HOT
Thực tế cho thấy, các vi phạm trong thương mại liên quan đến hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng còn rất ít bị xử lý hình sự. Nói cách khác là xử chưa nghiêm. Đại tá Hoàng Văn Trực, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm kinh tế và tham nhũng – Bộ CA cho biết, hiện nay cứ 7 vụ phát hiện vi phạm về hàng lậu, hàng giả, lực lượng chức năng mới khởi tố hình sự được 1 vụ, 6 vụ
còn lại phải chuyển xử phạt hành chính. Số liệu của cơ quan hải quan cũng cho biết, tính đến hết tháng 5-2016, lực lượng chức năng các địa phương đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 78.389 vụ vi phạm trong lĩnh vực này, thu nộp ngân sách hơn 5.201 tỷ đồng, nhưng chỉ khởi tố hình sự được 537 vụ việc với 679 đối tượng…
Trong lúc đó thì tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng còn diễn biến phức tạp, khó lường. Trên các tuyến biên giới, tội phạm đang dần thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động buôn lậu hướng tới các mặt hàng có lợi nhuận cao nhưng hết sức nguy hiểm cho xã hội như ma túy, vật liệu nổ, xăng dầu, động vật hoang dã và sản phẩm làm từ động vật hoang dã, rượu ngoại, thuốc lá ngoại… Đáng lo ngại là tình trạng mua bán, sử dụng trái phép các loại hóa chất, phụ gia thực phẩm, vật tư nông nghiệp kém chất lượng, chất độc hại để chế biến, bảo quản thực phẩm, trong chăn nuôi gây bất an dư luận, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhân dân. Diễn biến “phi truyền thống” là việc buôn bán hàng giả, háng nhái, hàng kém chất lượng qua internet ngày càng phức tạp. Người tiêu dùng thật dễ dàng gặp các trang bán hàng trên mạng xã hội nhưng cơ quan chức năng dường như “bất lực” trong việc kiểm soát kênh lưu thông hàng hóa này…
Cần chế tài mạnh và sự phối hợp chặt chẽ
Vì sao lại dẫn đến thực trạng trên và có hay không sự “nương tay” đối với vi phạm về hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là câu hỏi dư luận đang đặt ra. Đại tá Hoàng Văn Trực khẳng định, có đủ các chính sách, đủ lực lượng nhưng cơ chế xử lý yếu và thiếu. Bên cạnh đó phải đánh giá đúng mức biên chế, tổ chức của lực lượng chức năng cũng chưa theo kịp diễn tiến của tội phạm và vi phạm. Chẳng hạn, với hành vi vi phạm thương mại trên mạng internet, thật khó để lực lượng chức năng có điều kiện kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm. Các trang bán hàng trực tuyến thực tế là các “cửa hàng ảo”, rất khó kiểm soát chất lượng hàng hóa, hình thức thanh toán, cơ chế thuế. Người mua chủ yếu dựa vào niềm tin khi mua hàng, vì vậy không ít người trở thành nạn nhân của lừa đảo khi hàng hóa chất lượng kém hoặc đã thanh toán mà không nhận được hàng.
Bên cạnh đó, thực tế còn cho thấy mối liên hệ giữa các cơ quan hữu quan trong thực thi nhiệm vụ còn lỏng lẻo. Thậm chí, gần đây, dư luận đã lên tiếng nghi ngờ có sự “bảo kê” cho việc sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng. Vì vậy, trong cuộc họp mới đây của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, (Ban Chỉ đạo 389), Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, lĩnh vực này vẫn còn nhiều bất cập, sơ hở, trách nhiệm không cụ thể trong quản lý nhà nước. Hàng giả và hàng nhái vẫn bày bán công khai. Việc xử lý vi phạm và đánh giá trách nhiệm cán bộ có liên quan vẫn còn nể nang, bao che, thiếu kiên quyết, gây dư luận xấu. Phó Thủ tướng cho rằng, vấn đề quyết định là khâu tổ chức thực hiện. Điều này đòi hỏi quyết tâm lớn, trách nhiệm cao từ Ban Chỉ đạo đến cán bộ trực tiếp thực hiện, cũng như nỗ lực, cố gắng của từng cơ quan, đơn vị, sự tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc của Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương, nhất là ở những lĩnh vực, những khâu còn yếu kém…
Ai cũng thấy rõ, lợi nhuận từ sản xuất, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là rất lớn. Vì thế, người vi phạm không dễ từ bỏ hành vi phi pháp. Nếu những khó khăn, thách thức đang đặt ra chưa được tháo gỡ bằng giải pháp đồng bộ thì dù một hay vài lực lượng quyết tâm cao trong việc ngăn chặn hàng giả, hàng lậu, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng chỉ như “muối bỏ bể”. Và nếu các hành vi vi phạm này chưa được xử lý nghiêm thì hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng sẽ còn “bao vây” và gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế.
Theo_Hà Nội Mới
Hàng giả, hàng lậu: Phát hiện 7 vụ, chỉ khởi tố được 1 vụ
Do quá nhiều lực lượng tham gia phòng chống và hệ thống văn bản pháp luật còn chồng chéo nên hàng giả, hàng lậu vẫn là một vấn nạn nhức nhối của xã hội.
Thuốc lá là một trong những mặt hàng bị buôn lậu nhiều nhất
Phát biểu tại hội nghị: "Chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và vai trò doanh nghiệp" diễn ra hôm nay (25-5), Đại tá Hoàng Văn Trực- Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và tham nhũng (Bộ Công an) cho hay, hiện nay cứ 7 vụ phát hiện vi phạm hàng lậu, hàng giả, lực lượng chức năng mới khởi tố hình sự được 1 vụ, 6 vụ còn lại phải chuyển xử lý xử phạt hành chính.
Phân tích rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, Đại tá Hoàng Văn Trực nói: "Chúng ta có đủ các chính sách, đủ các lực lượng nhưng cơ chế xử lý và chế tài yếu và thiếu. Chính sách chồng chéo khiến phải viện dẫn nhiều luật mới xử lý được vi phạm. Đáng nói, mối liên hệ giữa các cơ quan hiện nay rất yếu. Bộ nào cũng muốn giữ bí mật để điều tra. Nhiều vụ việc khi cơ quan công an thông tin đến các lực lượng chức năng khác để triển khai lệnh bắt giữ thì chưa được 5 phút, đối tượng đã biết và tẩu tán tài sản". Và vì khó áp dụng chế tài xử phạt thích đáng nên hàng giả, hàng lậu vẫn tung hoành.
Theo ông Nguyễn Trọng Tín- Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), năm 2015, Cục Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra 38.059 vụ, phát hiện 25.123 vụ vi phạm, xử phạt hành chính trên 68 tỷ đồng. Riêng quý I-2016, lực lượng này phát hiện và xử lý 1.269 vụ sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái.
Trong khi việc sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng giả, hàng nhái vẫn diễn biến phức tạp thì gần đây, buôn bán hàng giả qua internet ngày càng có diễn biến phức tạp. Có thể thấy được điều này trên mạng xã hội như facebook, thông qua việc lập các fanpage bán hàng, trang facebook cá nhân để bán hàng... Qua đây, hàng giả được tiêu thụ công khai. Các mặt hàng thường được bán công khai trên các trang mạng xã hội này là: tân dược, thực phẩm chức năng xách tay có yếu tố nước ngoài nhưng bị làm giả tem, mẫu mã và vỏ bao bì; hàng điện tử, công nghệ.
Sắp tới, lực lượng quản lý thị trường các địa phương sẽ kiểm tra hàng hóa bán trên mạng như trên. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng khác để quyết liệt đấu tranh với hàng giả, hàng lậu.
Theo_An ninh thủ đô
Phá "hang ổ" tập kết hàng lậu cuối năm Cuối năm là thời điểm lực lượng chức năng mở đợt cao điểm tấn công vào sào huyệt của các đối lượng buôn lậu, khi hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại có dấu hiệu bùng phát. Lực lượng chức năng đang kiểm tra hàng tại kho hàng hóa tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm Chỉ còn hơn 2 tháng...